BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104-TC/NSNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1993 |
CÔNG VĂN
SỐ 104-TC/NSNN NGÀY 11-11-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ VIỆC KHOÁ SỔ CUỐI NĂM VÀ LẬP QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1993
Kính gửi:
| - Các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Chính phủ (Vụ tài chính kế toán), |
Công tác khoá sổ thu chi ngân sách và quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm về cơ bản vẫn thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 57 TC/NSNN ngày 26-11-1990 và các công văn hướng dẫn số 92 TC/NSNN ngày 23-10-1991, công văn số 118 TC/NSNN ngày 23-11-1992 của Bộ Tài chính.
Năm 1993 do có một số thay đổi trong công tác quản lý tài chính và quản lý Ngân sách Nhà nước; Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư số 10 TC/NSNN ngày 12-2-1993 và Thông tư số 56 TC/NSNN ngày 8-7-1993 về việc sửa đổi, bổ sung mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành để hướng dẫn hạch toán, kế toán và quyết toán các khoản thu, chi Ngân sách Nhà nước.
Để làm tốt công tác khoá sổ cuối năm và lập tổng quyết toán thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1993; Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm chủ yếu sau đây:
A. CÔNG TÁC KHOẢ SỔ THU, CHI NGÂN SÁCH CUỐI NĂM 1993
I- ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ DỰ TOÁN CẦN LÀM TỐT CÁC VIỆC SAU ĐÂY:
1. Phải đối chiếu số dư tài khoản HMKF và tài khoản tiền gửi của đơn vị dự toán tại Kho bạc Nhà nước, đảm bảo khớp đúng trước ngày 25-12-1993.
2. Nộp hết các khoản phải nộp vào Ngân sách Nhà nước: thu sự nghiệp, thu phí và lệ phí, thu khác... vào Ngân sách Nhà nước.
3. Thanh toán dứt điểm các khoản đi vay, cho vay, các khoản phải thu, phải trả.
4. Số tiền còn lại trên tài khoản tiền gửi của đơn vị đến cuối ngày 31-12 không thuộc nguồn vốn cấp phát của Ngân sách Nhà nước: tiền các đơn vị khác gửi đến để ký kết hợp đồng, tiền tự thu được phép để lại để chi tiêu không phải nộp Ngân sách Nhà nước..., đơn vị phải lập bảng kê chi tiết có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi lưu ký tài khoản, kèm theo Công văn gửi cơ quan tài chính đồng cấp xét duyệt cho chuyển số dư sang năm sau sử dụng tiếp.
5. Đến cuối ngày 31-12 đơn vị nào không làm theo đúng hướng dẫn trên thì Kho bạc Nhà nước tự động trích số dư tài khoản tiền gửi của đơn vị nộp vào Ngân sách Nhà nước (đơn vị dự toán thuộc cấp nào thì chuyển nộp vào ngân sách cấp đó). Cơ quan tài chính không xét thoái trả số tiền đã cắt nộp Ngân sách Nhà nước do đơn vị làm không đúng quy định, không kịp thời gian...
II- ĐỐI VỚI CƠ QUAN TÀI CHÍNH VÀ KHO BẠC NHÀ NƯỚC CÁC CẤP CẦN LÀM TỐT CÁC VIỆC SAU ĐÂY:
Sau ngày 31-12 Kho bạc Nhà nước phải làm các thủ tục sau:
1. Chi nhánh Kho bạc Nhà nước lập bảng kê chi tiết các đơn vị dự toán cấp huyện quản lý có số dư tài khoản tiền gửi đã cắt nộp ngân sách huyện chuyển cho phòng Tài chính huyện; đồng thời lập bảng kê chi tiết các đơn vị dự toán thuộc cấp tỉnh và cấp Trung ương quản lý có số dư tài khoản tiền gửi đã cắt nộp ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh chuyển về Chi cục Kho bạc Nhà nước. Thời gian gửi chậm nhất là ngày 5-1 năm sau.
2- Chi cục Kho bạc Nhà nước lập bảng kê chi tiết các đơn vị dự toán cấp tỉnh quản lý (bao gồm các đơn vị có tài khoản tiền gửi mở tại Chi cục Kho bạc Nhà nước và các đơn vị do Chi nhánh Kho bạc Nhà nước gửi về) có số dư tài khoản tiền gửi đã cắt nộp ngân sách tỉnh chuyển cho Sở Tài chính Vật giá tỉnh, thành phố; đồng thời lập bảng kê chi tiết các đơn vị dự toán Trung ương có số dư tài khoản cắt nộp ngân sách trung ương chuyển về Cục Kho bạc Nhà nước. Thời gian gửi chậm nhất là ngày 15-1 năm sau.
3. Cục Kho bạc Nhà nước lập bảng kê chi tiết các đơn vị dự toán trung ương có số dư tài khoản tiền gửi đã cắt nộp ngân sách trung ương (bao gồm các đơn vị dự toán trung ương có tài khoản tiền gửi tại Cục Kho bạc Nhà nước và các đơn vị dự toán trung ương có tài khoản tiền gửi do các cục gửi về) chuyển cho vụ ngân sách Bộ Tài chính. Thời gian gửi chậm nhất là 30-1 năm sau.
4. Số liệu phát sinh thu chi ngân sách Nhà nước và ngân sách các cấp, cơ quan tài chính kết hợp với Kho bạc Nhà nước đồng cấp đối chiếu khớp đúng theo chương - loại - khoản - hạng - mục của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành; nếu có trường hợp sai sót thì cơ quan tài chính chủ động bàn với Kho bạc Nhà nước để điều chỉnh cho đúng.
5. Kiểm tra xem xét lại việc thực hiện tỉ lệ điều tiết của các khoản thu ngân sách Nhà nước cho các cấp ngân sách theo đúng tinh thần quyết định 168/HĐBT ngày 16-5-1992 và quyết định số 8-TC/NSNN ngày 5-3-1993 của Bộ Tài chính [riêng thành phố Hà Nội thực hiện theo đúng quyết định 309 TC/NSNN ngày 25-5-1993 (đối với 6 tháng đầu năm 1993); còn 6 tháng cuối năm 1993 vẫn thực hiện như quyết định 168/HĐB T và quyết định số 8 TC/NSNN]. Quá trình kiểm tra thấy việc phân chia tỉ lệ điều tiết chưa đúng với tinh thần của các quyết định nói trên hoặc phân chia sai do hạch toán nhầm mục thu của mục lục Ngân sách Nhà nước thì cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước đồng cấp làm các thủ tục để điều chỉnh lại cho đúng số thu của các cấp ngân sách được hưởng. Nghiêm cấm các địa phương tự động giữ lại nguồn thu của ngân sách trung ương để chi tiêu, địa phương nào cố tình vi phạm thì Chi cục Kho bạc Nhà nước trích tồn quỹ của Ngân sách địa phương cuối ngày 31-12 chuyển nộp ngân sách trung ương và báo để Sở Tài chính Vật giá biết. Trường hợp không thực hiện được cần có văn bản báo cáo Bộ Tài chính để Bộ có hướng xử lý kịp thời trước khi trình quyết toán thu Ngân sách Nhà nước - chi ngân sách địa phương ra Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
III- CÁC KHOẢN KINH PHÍ SAU ĐÂY ĐẾN CUỐI NGÀY 31-12-1993 ĐƯỢC CHUYỂN SANG NĂM 1994 ĐỂ CHI TIÊU TIẾP
1. Số dư tài khoản hạn mức kinh phí và số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị quốc phòng, an ninh.
2. Hạn mức kinh phí về lương và có tính chất lương cấp cho năm 1993 nếu do khó khăn về tiền mặt mà chưa chi kịp trước ngày 31-12-1993 được chuyển vào tài khoản riêng (theo quy định của Kho bạc Nhà nước) để chi tiêu tiếp.
3. Hạn mức kinh phí cấp trước cho năm 1994.
4. Kinh phí uỷ quyền của ngân sách trung ương chuyển về địa phương để chi hộ cho các chương trình, mục tiêu của trung ương đến cuối ngày 31-12-1993 chi chưa hết được chuyển sang năm 1994 chi tiếp (riêng kinh phí uỷ quyền của ngân sách trung ương chuyển về để chi cho công tác bảo hiểm xã hội đến cuối ngày 31-12-1993 còn dư đều phải cắt chuyển toàn bộ nộp về ngân sách trung ương. Trừ trường hợp đặc biệt, nếu do khó khăn về tiền mặt mà chưa chi kịp, thì Sở Tài chính bàn với Kho bạc Nhà nước cho phép giữ lại để chi tiêu tiếp và có văn bản báo cáo chi tiết các khoản chưa chi kịp cho phép giữ lại chuyển sang năm 1994 để chi tiếp về Bộ Tài chính).
B. CÔNG TÁC LẬP QUYẾT TOÁN NĂM 1993
Trước khi lập tổng quyết toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 1993, các bộ, các cơ quan ngang Bộ, Sở Tài chính - Vật giá và Chi cục Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc làm tốt các việc sau đây:
1. Năm 1993 có bổ sung và sửa đổi một số mục của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Để việc chuyển mục cũ sang mục mới được thống nhất, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm như sau:
- Chuyển số phát sinh chi từ 1-1-1993 của tổng mục (59 + 64 + 76 + 78 + 82 + 83 + 84) cũ cho đến thời điểm thực hiện chế độ lương mới, sang hạch toán và quyết toán Mục 64 mới "Lương chính".
- Chuyển số phát sinh chi từ 1-1-1993 của tổng mục (65 + 77) cũ cho đến thời điểm thi hành chế độ lương mới sang hạch toán và quyết toán Mục 65 "Phụ cấp lương".
- Chuyển số chi phát sinh từ 1-1-1993 của tổng mục 79 cũ và 2% quỹ lương do ngân sách cấp cho các đơn vị dự toán để chi đóng quỹ bảo hiểm y tế chuyển sang hạch toán và quyết toán Mục 68 cũ "Bảo hiểm xã hội".
- Chuyển toàn bộ số chi từ 1-1-1993 của các đối tượng chính sách xã hội trước đây hạch toán ở mục 68 cũ "Bảo hiểm xã hội" sang hạch toán và quyết toán mục 70 mới "Lương hưu và trợ cấp các đối tượng chính sách xã hội" (kể cả các khoản trợ cấp 125%, tiền thuê nhà ở, tiền bảo hiểm y tế, tiền học phí, tiền tàu xe đi nghỉ phép...) cũng được chuyển sang hạch toán và quyết toán Mục 70 mới.
- Tổng mục 70 cũ "phúc lợi tập thể" phát sinh từ 1-1-1993 cho đến thời điểm thi hành chế độ lương mới được phân tích chi tiết ra từng khoản chi và chuyển vào hạch toán và quyết toán theo các mục mới tương ướng sau đây:
+ Tiền tàu xe đi phép, tiền đền bù vé xe tháng, tiền trợ cấp 125% quỹ lương, tiền nhà điện nước của CBCNVC đang làm việc chuyển sang hạch toán, quyết toán mục 64 mới "lương chính".
+ Tiền tàu xe đi phép của đối tượng quy định tại quyết định số 4306-KTTH ngày 28-8-1993 của Văn phòng Chính phủ và các khoản chi còn lại ở mục 70 cũ: tiền ăn giữa ca, tiền trang phục, trợ cấp khó khăn, trợ cấp đặc biệt cho ngành giáo dục, chi phúc lợi tập thể (nếu có)... chuyển sang hạch toán và quyết toán Mục 97 cũ "chi khác".
2. Các khoản kinh phí uỷ quyền của ngân sách trung ương chuyển về địa phương chi hộ; các Bộ, các ngành, các đơn vị và Sở tài chính vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải mở sổ sách chi tiết để theo dõi, hạch toán và quyết toán theo đúng những nội dung quy định tại thông tư số 80-TC/NSNN ngày 24-9-1993 của Bộ Tài chính.
3. Các khoản chi bằng ngoại tệ của ngân sách cấp phát cho các đơn vị hành chính sự nghiệp cheo tinh thần công văn 770-TC/TCĐN ngày 4-5-1992 của Bộ Tài chính. Năm 1993 các Bộ, các ngành và các đơn vị phải mở sổ sách để theo dõi và quản lý cuối năm phải lập báo cáo quyết toán (quy tiền Việt Nam) theo đúng tinh thần hướng dẫn tại công văn số 275-TC/TCĐN ngày 22-9-1993 của Bộ Tài chính.
4. Đối với các khoản chi Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các ngành dọc của trung ương đóng trên địa bàn địa phương được hạch toán và quyết toán vào chi Ngân sách địa phương như sau:
+ Các khoản chi hỗ trợ cho các cơ quan quản lý Nhà nước: Toà án, Viện Kiểm sát, hệ thống Kho bạc Nhà nước, hệ thống thuế... hạch toán và quyết toán vào Chương 99B - Loại 15 - Khoản 00 - Hạng 1 - Mục 97.
+ Các khoản chi hỗ trợ cho các tổ chức Đảng, đoàn thể của trung ương thì hạch toán và quyết toán vào Chương 99B - Loại 16 - Mục 97.
+ Các khoản chi hỗ trợ cho các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đóng trên địa bàn địa phương được hạch toán và quyết toán vào Chương 99B - Loại 30 - Khoản 00 - Hạng 1 (Quốc phòng) hoặc Hạng 2 (An ninh) - Mục 97.
5. Thuế của các nhà thầu phụ nộp vào ngân sách Nhà nước vẫn được hạch toán và quyết toán vào các Mục thu tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành, theo đúng tinh thần đã hướng dẫn tại Thông tư số 07-TC/TCT ngày 30-3-1992 (không có mục thu "thuế nhà thầu phụ").
6. Về mẫu biểu và thời gian nộp báo cáo quyết toán.
Vẫn thi hành như các quy định tại các Thông tư và các công văn hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính. Năm 1993 Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, các ngành và các đơn vị dự toán, các Sở Tài chính và hệ thống Kho bạc Nhà nước gửi thêm các báo cáo sau đây:
a) Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp:
- Báo cáo quyết toán chi của các chương trình, mục tiêu do ngân sách trung ương cấp phát theo chương - loại - khoản - hạng - mục của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành (bao gồm vốn cấp thẳng cho các Bộ, các ngành trung ương và vốn chuyển về địa phương uỷ quyền cho các Sở Tài chính vật giá chi hộ).
- Báo cáo quyết toán chi ngoại tệ (quy tiền Việt Nam).
- Bảng thuyết minh số thu, chi của đơn vị; tăng, giảm so với kế hoạch, lý do ?
- Bảng giải trình chi tiết số kinh phí thừa chuyển qua năm sau: bằng tiền, bằng hiện vật (quy tiền); ý kiến đề nghị của đơn vị bằng văn bản:
+ Số tiền nộp tại ngân sách Nhà nước.
+ Số tiền đề nghị chuyển qua năm sau để quyết toán tiếp.
+ Số tiền đề nghị trừ vào kinh phí cấp phát của năm sau để nộp giảm cấp phát năm trước.
Báo cáo quyết toán gửi về cơ quan chủ quản cấp trên phải có xác nhận của Sở Tài chính vật giá và Chi cục Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị lưu ký tài khoản.
b) Đối với Sở Tài chính và Chi cục Kho bạc Nhà nước
- Báo cáo tổng hợp quyết toán kinh phí uỷ quyền của ngân sách trung ương chuyển về; quyết toán được chi tiết đến từng loại vốn và ghi rõ số kinh phí năm trước chuyển qua, số kinh phí chuyển về trong năm, số kinh phí đề nghị quyết toán, số kinh phí đã chuyển nộp lại ngân sách trung ương, số kinh phí xin chuyển qua năm sau chi tiếp; kiến nghị của Sở Tài chính đối với từng loại vốn; báo cáo quyết toán gửi về Bộ Tài chính phải có xác nhận của Chi cục Kho bạc Nhà nước đồng cấp.
- Số liệu báo cáo quyết toán thu ngân sách Nhà nước, chi Ngân sách địa phương trước khi trình Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phải được đối chiếu khớp đúng đến chương - loại - khoản - hạng - mục của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành và khớp đúng đến từng cấp ngân sách (ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện).
- Báo cáo quyết toán thu ngân sách Nhà nước và chi Ngân sách địa phương trước khi gửi về Bộ Tài chính và Cục Kho bạc Nhà nước nhất thiết phải có xác nhận của cơ quan Kho bạc Nhà nước đồng cấp và ngược lại báo cáo quyết toán của chi cục Kho bạc Nhà nước gửi Cục Kho bạc Nhà nước phải có xác nhận của cơ quan tài chính đồng cấp.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn công tác khoá sổ cuối năm và lập tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1993. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa rõ hoặc có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu và có ý kiến giải quyết.
| Trần Xuân Trí (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.