BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 523-TCCP/VC | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1994 |
CÔNG VĂN
CỦA BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ - CHÍNH PHỦ SỐ 523-TCCP/VC NGÀY 8 THÁNG 12 NĂM 1994 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC THI TUYỂN VÀO NGẠCH QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Để xây dựng được đội ngũ công chức quản lý hành chính Nhà nước trung thành với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và tận tuỵ phục vụ nhân dân, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã có công văn số 99-TCCP/VC ngày 13/4/1994 hướng dẫn việc thi tuyển dụng công chức, viên chức. Nay Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc tổ chức tuyển dụng công chức vào ngạch chuyên viên, cán sự như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI THI TUYỂN:
Thực hiện theo mục I và II của Công văn số 99-TCCP/VC
II. HỒ SƠ CỦA NGƯỜI THI TUYỂN GỒM:
1. Đơn xin dự thi vào ngạch công chức.
2. Giấy khai sinh
3. Sơ yếu lý lịch rõ ràng, có xác nhận của Chính quyền địa phương hoặc cơ quan bố, mẹ đang làm việc.
4. Các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi tuyển.
5. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
III. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THI TUYỂN:
1. Hình thức thi tuyển: thực hiện theo điểm 2, mục III của Công văn 99-TCCP/VC
2. Nội dung thi tuyển
A. Thi vào ngạch chuyên viên:
a. Phần thi viết: nội dung phần thi viết tập trung ở kiến thức thuộc những vấn đề cơ bản sau:
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , hệ thống tổ chức theo chuyên ngành.
- Chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, của Bộ, ngành, của Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện.
- Thể thức, nội dung, cách thể hiện một số loại văn bản quản lý hành chính Nhà nước (công văn, thông tư, quyết định) Đưa ra một công văn với nội dung phù hợp của ngạch chuyên viên, yêu cầu người thi dự thảo một công văn trả lời (để xem xét, đánh giá khả năng viết, văn phong, chữ viết ...)
- Mục tiêu và đối tượng của quản lý hành chính Nhà nước
b. Phần thi vấn đáp: nội dung hỏi thi vấn đáp nhằm mục đích phát hiện những năng khiếu, cách ứng xử và tri thức về xã hội của thí sinh. Do đó câu hỏi được tập trung ở vấn đề:
Đưa ra các tình huồng và yêu cầu thí sinh trả lời cách giải quyết.
- Nguyện vọng của người thi tuểyn vào ngạch công chức
- Những vấn đề về xã hội, đời sống, tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
- Chức năng, nhiệm vụ và vị trí của ngạch mà người dự tuyển đăng ký thi.
Chú ý: riêng ngoại ngữ, tuỳ theo yêu cầu cụ thể của từng cơ quan mà thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực thực tế để khi vào làm việc cần sử dụng ngay như ở các lĩnh vực: hợp tác quốc tế, đầu tư của người nước ngoài, xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch...
B. Thi vào ngạch cán sự:
a. Phần thi viết: nội dung thi viết tập trung kiến thức thuộc những vấn đề sau:
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước cấp tỉnh, huyện; hệ thống tổ chức theo chuyên ngành ở địa phương.
- Chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện.
- Cách thể hiện một công văn; đưa ra một công văn với nội dung phù hợp của ngạch cán sự, yêu cầu người thi dự thảo công văn trả lời (để xem khả năng viết, chữ viết...)
b. Phần thi vấn đáp: mục đích và nội dung hỏi thi vấn đáp như ở chuyên viên. Riêng phần các tình huống đưa ra và yêu cầu thí sinh trả lời thì khi nêu tình huống cần lựa chọn những vấn đề ít phức tạp, phù hợp với yêu cầu hiểu biết của ngạch cán sự.
IV. TỔ CHỨC THI TUYỂN:
1. Hội đồng thi tuyển: thành phần Hội đồng thi tuyển thực hiện theo quy định tại điểm 4, phần III của Công văn 99-TCCP/VC
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi tuyển
a. Hội đồng thi tuyển công chức ngạch hành chính là tổ chức giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: Tổ chức, quản lý và thực hiện công tác thi tuyển công chức trong lĩnh vực được giao theo quy chế chung.
b. Nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển:
- Hướng dẫn thể lệ, quy chế thi, hồ sơ cần thiết cho người dự thi; nội dung thi, các tài liệu tham khảo,...
- Lập danh sách người tham gia thi tuyển.
- Tổ chức việc ra đề thi, chọn đề thi đảm bảo nội dung theo hướng dẫn tại điểm 2 phần III của Công văn này và yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức cần tuyển.
- Tổ chức việc coi thi, chấm thi đảm bảo đúng quy chế nghiêm túc, khách quan, công bằng, công khai và dân chủ.
- Trên cơ sở kết quả thi tuyển, công bố kết quả theo quy định tại điểm 1 phần IV của Công văn số 99-TCCP/VC.
- Báo cáo kết quả trúng tuyển trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định tuyển dụng.
3. Một số quy định cụ thể về tổ chức thi tuyển:
a. Hội đồng thi tuyển giới thiệu các tài liệu cần thiết để người dự thi tự tìm tài liệu nghiên cứu, tham khảo trước. Tài liệu gồm:
- Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
- Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
- Nghị định 15-CP ngày 2/3/1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
- Nghị định quy định tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
- Quyết định về tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan công chức sẽ làm việc.
- Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức
b. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tổ chức, chỉ đạo việc ra đề thi (mỗi ngạch thi phải có tối thiểu 20 đề, thời gian làm bài là 90 - 120 phút), đáp án và thang điểm cho bài thi. Đề thi phải sát, phù hợp với nội dung của ngạch công chức thi tuyển. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn một đề chính thức, một đề dự bị. Đề thi được Chủ tịch Hội đông thi tuyển hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chuẩn bị, niêm phong, bảo quản và phát hành trước giờ thi 30 phút. Đáp án, thang điểm cho bài thi được giữ lại và khi chấm thi, mới đưa ra.
c. Đề thi phải được giữ bí mật tuyệt đối, phải làm đầy đủ và đúng các thủ tục quy định về tổ chức thi, coi thi, chấm thi ...
d. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tổ chức việc chấm thi bao gồm:
Rọc phách, bảo quản phách, cử người chấm thi, ghép phách, lên bảng điểm (theo thang điểm 10),...
Mỗi bài thi phải được 2 người chấm thi, điểm bài thi được tính theo công thức:
Điểm thi viết = (Điểm của người chấm thứ nhất + điểm của người chấm thứ 2): 2
Phần thi vấn đáp: các câu hỏi thi vấn đáp cần được chuẩn bị trước, nội dung câu hỏi như yêu cầu ở điểm b mục 2 phần III của Công văn này. Mỗi bàn thi gồm 2 giám khảo. Các giám khảo là những thành viên của Hội đồng thi tuyển và một số công chức chuyên môn có đủ năng lực, trình độ để đánh giá. Thời gian vấn đáp tối đa không quá 15 phút. Căn cứ vào kết quả trả lời, từng giám khảo cho điểm riêng. Điểm thi vấn đáp tính theo công thức:
Điểm thi vấn đáp = (điểm giám khảo 1 + điểm giám khảo 2): 2
Kết quả thi tuyển là tổng số điểm thi viết, thi vấn đáp và điểm ưu tiên chính sách theo quy định tại điểm e dưới đây:
e. Một số quy định về điểm ưu tiên trong khi thi tuyển:
- Đối với con liệt sĩ, con thương binh hạng 4/4 được cộng thêm 2 điểm trong kết quả thi.
- Đối với con thương binh từ hạng 1 đến hạng 3/4, thương binh, bệnh binh được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.
- Người dân tộc thiểu số cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.
- Những người học ở các trường Trung học chuyên nghiệp, Đại học có bằng thi tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên được cộng thêm 1 điểm vào kết quả thi.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Việc tổ chức thi tuyển dụng công chức Nhà nước là công việc mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy không nên cầu toàn hoặc đặt ra những yêu cầu quá khắt khe, vượt quá khả năng. Phương châm là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện. Điều quan trọng là việc tổ chức thi tuyển phải đảm bảo thực sự cầu thị, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ. Do đó đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh cần thực hiện tốt những công việc sau:
1. Có quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển để sớm tổ chức triển khai công việc đối với các thành viên.
2. Vụ tổ chức cán bộ các Bộ, ngành ở Trung ương và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh tổ chức tốt việc thi tuyển công chức; đồng thời chủ trì tổ chức thực hiện việc thi tuyển công chức ở ngạch hành chính.
3. Cơ quan nào tổ chức không đúng quy trình, nội dung thi tuyển dụng công chức, không đảm bảo nguyên tắc chung sẽ bị huỷ bỏ quyết định tuyển dụng. Những người vi phạm quy chế thi tuyển hoặc có những hành động tiêu cực trong quá trình tổ chức thi tuyển thi tuỳ theo lỗi nhẹ, nặng mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là một số quy định cụ thể về nội dung và phương pháp tổ chức việc thi tuyển dụng ngạch hành chính, trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh phản ánh về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để nghiên cứu giải quyết.
| Tô Tử Hạ (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.