BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7904-BKH/KCN | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 7904 BKH/KCN NGÀY 8 THÁNG 12 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP KCN
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) trong cả nước có nhu cầu hình thành và phát triển các Khu công nghiệp với quy mô và hình thức khác nhau. Việc phát triển các Khu công nghiệp là việc làm tất yếu và cần thiết trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá đất nước. Song việc thực hiện đòi hỏi phải tính toán, cân nhắc các điều kiện cần thiết để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của từng Khu công nghiệp.
Căn cứ Chỉ thị số 264/TTg ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
Nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các điều kiện thành lập các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Khu công nghiệp) như sau:
Các Khu công nghiệp được thành lập trên cơ sở phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo một trong hai hình thức: doanh nghiệp Việt Nam tự đầu tư; doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước cùng với các thành phần kinh tế khác thành lập doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài để đầu tư.
Các điều kiện cần xét đến khi quyết định thành lập một Khu công nghiệp là:
1. Điều kiện quan trọng, quyết định nhất khi xem xét thành lập các Khu công nghiệp là xác định được nhu cầu thành lập Khu công nghiệp và phải có kế hoạch vận động các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy một số Khu công nghiệp đã được thành lập, kể cả Khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài, đã xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và tương đối hiện đại song đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào dẫn đến việc không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, không đạt được hiệu quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xác định không chính xác sự cần thiết và nhu cầu thành lập Khu công nghiệp, chưa có kế hoạch và biện pháp vận đồng đầu tư vào Khu công nghiệp. Do vậy, khi xem xét việc thành lập Khu công nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu thành lập Khu công nghiệp đó, khả năng kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu công nghiệp, coi đó là một trong những điều kiện tiên quyết của việc thành lập Khu công nghiệp.
2. Sự phù hợp của Khu công nghiệp đó với quy hoạch phát triển hệ thống Khu công nghiệp trong phạm vi cả nước, kế hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trong phạm vi cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/TTg ngày 6 tháng 8 năm 1996 cũng như Quyết định số 713/TTg ngày 30 tháng 8 năm 1997 và một số quyết định riêng lẻ khác của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tiếp nhận hồ sơ để thẩm định các dự án khả thi đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) của các Khu công nghiệp có trong Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp Khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch thì phải được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương theo trình tự quy định tại Điều 3 Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao.
Khi xem xét Khu công nghiệp cần xác định phương hướng mặt hàng, sản phẩm chủ yếu trong Khu công nghiệp đó có phù hợp với định hướng phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật tương ứng hay không, kể cả định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó có vấn đề xuất khẩu sản phẩm.
Vai trò, vị trí của Khu công nghiệp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là yếu tố hết sức quan trọng khi quyết định thành lập, bao gồm việc tạo ra năng lực sản xuất mới ở địa phương, hình thành các khu dân cư mới và yêu cầu giải quyết các vấn đề phát sinh.
Việc thành lập các Khu công nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển công nghệ của ngành kinh tế - kỹ thuật, kể cả yêu cầu áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao, hiện đại đối với một số ngành mũi nhọn.
3. Các dự án thành lập Khu công nghiệp cần thể hiện đầy đủ yêu cầu và có giải pháp khả thi trong việc phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin, liên lạc và xử lý chất thải...
Khi xem xét cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cần tính toán đầy đủ khả năng cung cấp từ bên ngoài, các đầu nối kỹ thuật, nhu cầu đầu tư và khả năng thực hiện. Trong các dự án phát triển Khu công nghiệp, yếu tố này đóng vai trò quan trọng, yêu cầu đầu tư rất lớn và có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tối thiểu cho hoạt động của Khu công nghiệp.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là đảm bảo cân đối việc xây dựng kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào các Khu công nghiệp. Do vậy, khi trình các dự án thành lập Khu công nghiệp, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp nhu cầu, phương thức xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, các yếu tố cân đối và chỉ đạo thực hiện.
Việc hình thành Khu công nghiệp sẽ thu hút một số lượng lớn lao động làm việc trực tiếp trong Khu và lao động bên ngoài Khu công nghiệp. Vì vậy, cần có kế hoạch tạo nguồn nhân lực, dạy nghề cho công nhân, việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các yếu tố liên quan đến đời sống của số lao động này cùng với gia đình họ, bao gồm nhà ở với các điều kiện và phương thức thực hiện hợp lý, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, đi lại, các cơ sở dịch vụ đời sống...
Ngoài các điều kiện thành lập Khu công nghiệp nói trên, khi xem xét việc thành lập các Khu công nghiệp cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau đây:
1. Các Khu công nghiệp thành lập trên cơ sở các xí nghiệp công nghiệp hiện có nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có việc bảo vệ môi trường.
2. Các Khu công nghiệp thành lập để giải toả các xí nghiệp công nghiệp đơn lẻ trong nội thành nhằm chỉnh trang lại các đô thị lớn, chống ô nhiễm môi trường;
3. Các Khu công nghiệp được hình thành nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ và vừa gắn liền với việc chế biến nguồn nguyên liệu nông, lâm, thuỷ sản phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu phát triển nông thôn.
4. Các Khu công nghiệp mới có quy mô lớn, hiện đại. Việc đề nghị thành lập các Khu công nghiệp mới có quy mô lớn, hiện đại cần được cân nhắc kỹ, ngoài việc đáp ứng được các điều kiện nói trên; các tỉnh đã có nhiều Khu công nghiệp loại này cần làm rõ việc thực hiện thu hút đầu tư, khi đã cho thuê lại được ít nhất 50% tổng diện tích đất trong các Khu công nghiệp cũ thì mới thành lập Khu công nghiệp mới.
Trên đây là một số hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao. Đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh kịp thời.
| Trần Xuân Giá (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.