BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1943/LĐTBXH | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1990 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1943/LĐTBXH-BTXH NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 1990 VỀ VIỆC CHẾ ĐỘ BHXH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI HỢP TÁC LAO ĐỘNG VỀ NƯỚC
Kính gửi:
| - Thủ trưởng các Bộ, các ngành |
Thi hành Nghị quyết số 362/CP ngày 29-11-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc hợp tác lao động với nước ngoài. Hiện nay đã có hàng vạn người đi lao động ở nước ngoài hoàn thành hợp đồng lao động về nước, trong đó nhiều người cần được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó chờ đợi sửa đổi chế độ BHXH đối với người lao động cho phù hợp với cơ chế mới. Để kịp thời giải quyết cho những người đi hợp tác lao động nước ngoài về, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại Công văn số 646/TC-HCVX ngày 5-5-1990, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 466/BHXH-TLĐ ngày 7-5-1990 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giải quyết một số chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đi hợp tác lao động ở nước ngoài đã về nước như sau:
1. Thời gian công tác
- Thời gian làm việc ở nước ngoài của người đi hợp tác lao động được tính là thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Trường hợp một người có nhiều lần đi hợp tác lao động thì tất cả thời gian làm việc ở nước ngoài được tính cộng lại.
- Kể từ ngày về nước, nếu có thời gian chờ bố trí công tác hoặc chờ giải quyết chính sách thì thời gian chờ đợi cũng được tính nhưng tối đa không quá 90 ngày.
- Những người đã là công nhân viên chức và quân nhân (kể cả công an nhân dân) đi hợp tác lao động ở nước ngoài thì thời gian làm việc ở trong nước. Những người trước khi đi hợp tác lao động đã hưởng trợ cấp thôi việc, phục viên, xuất ngũ thì thời gian công tác đã hưởng trợ cấp thôi việc trợ cấp phục viên, xuất ngũ không được tính.
2. Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
- Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nếu bị tai nạn lao động, hoặc bị bệnh nghề nghiệp về nước, sau khi Hội đồng giám định y khoa của Việt Nam xác định lại khả năng lao động, được xếp hạng thương tật, không tiếp tục công tác thì được hưởng mọi chế độ công nhân, viên chức ở trong nước quy định tại Quyết định số 133/HĐBT, ngày 1-11-1986 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 77/TT-TCCĐ, ngày 10-12-1986 của Tổng Công đoàn Việt Nam và Thông tư Liên Bộ số 31/TT-LB ngày 10-2-1987 của Tổng Công đoàn Việt Nam và Bộ Thương binh và Xã hội.
- Những người bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp ở nước ngoài, nếu nước sử dụng lao động trả trợ cấp hàng tháng thì không hưởng trợ cấp hàng tháng như đối với công nhân, viên chức ở trong nước, nhưng cần đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú để quản lý và thực hiện một số chế độ khác (nếu có).
3. Chế độ hưu trí, mất sức lao động
Những người đi hợp tác lao động ở nước ngoài về nước, nếu không tiếp tục công tác và có đủ các điều kiện theo những quy định đối với công nhân, viên chức hiện hành thì được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động.
4. Chi phí chôn cất và trợ cấp vì mất người nuôi dưỡng.
a. Chi phí chôn cất:
Trong thời gia làm việc ở nước ngoài, nếu người lao động bị chết do ốm đau, tai nạn (kể cả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) thì gia đình được cấp tiền chi phí cho lễ tang như đối với công nhân, viên chức chết ở trong nước (hiện nay là 40.000 đồng).
Trường hợp bị chết trong thời gian nghỉ phép ở trong nước, hoặc trong thời gian 90 ngày chờ bố trí công tác hoặc chờ giải quyết chính sách sau khi về nước thì gia đình được cấp tiền chôn cất, tiền chi phí cho lễ tang như đối với công nhân, viên chức chết (hiện nay là 140.000 đồng).
b. Trợ cấp vì mất người nuôi dưỡng:
- Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, những người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc do bệnh nghề nghiệp mà nước sử dụng lao động không giải quyết trợ cấp cho gia đình người chết thì ngoài tiền chi phí cho lễ tang nói tại điểm a trên, thân nhân của người chết còn được trợ cấp 1 lần và những thân nhân chủ yếu của người chết (nếu có đủ điều kiện) còn được trợ cấp tiền tuất hàng tháng như đối với công nhân, viên chức chết ở trong nước.
- Những người trước khi đi hợp tác lao động là công nhân, viên chức hoặc quân nhân (kể cả Công an nhân dân) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, hoặc trợ cấp phục viên, xuất ngũ, nếu bị chết do ốm đau hoặc do tai nạn rủi ro ở nước ngoài mà nước sử dụng lao động không giải quyết trợ cấp thì ngoài tiền chi phí cho lễ tang, thân nhân của người chết còn được hưởng trợ cấp 1 lần và những thân nhân chủ yếu của người chết (nếu có đủ điều kiện) thì được trợ cấp tiền tuất hàng tháng như chế độ đối với thân nhân của công nhân, viên chức ở trong nước.
5. Tiền lương để tính trợ cấp bảo hiểm xã hội
- Những người trước khi đi hợp tác lao động chưa phải là công nhân, viên chức Nhà nước hoặc công nhân, viên chức, quân nhân, công an nhân dân đã hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp phục viên, xuất ngũ trước khi đi hợp tác lao động thì lấy mức lương bậc 2 cùng ngành, nghề ở trong nước để làm cơ sở tính trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Đối với công nhân, viên chức thuộc biên chế Nhà nước (kể cả quân nhân và công an nhân dân chưa hưởng trợ cấp phục viên, trợ cấp xuất ngũ) thì lấy mức lương trước khi đi hợp tác lao động để tính trợ cấp bảo hiểm xã hội.
6. Thủ tục hồ sơ và kinh phí trả trợ cấp bảo hiểm xã hội
a. Thủ tục hồ sơ:
- Các cơ quan, xí nghiệp trực tiếp quản lý, tuyển chọn người đi hợp tác lao động ở nước ngoài chịu trách nhiệm lập hồ sơ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội (kể cả công nhân, viên chức và con, em của cán bộ, công nhân thuộc cơ quan, xí nghiệp quản lý, tuyển chọn). Nếu xí nghiệp, cơ quan cũng giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ quan xí nghiệp đóng để giải quyết.
- Những người đi hợp tác lao động là quân nhân (kể cả công nhân viên quốc phòng) thì thủ tục hồ sơ về bảo hiểm xã hội do Bộ Quốc phòng lập và giải quyết mọi chế độ trước khi chuyển về địa phương nơi người đó cư trú để đăng ký quản lý và thực hiện chế độ theo quy định hiện hành.
Đối với Công an nhân dân (kể cả công nhân viên thuộc ngành Công an) thì do các đơn vị trực tiếp quản lý trước khi đi hợp tác lao động lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ quan, đơn vị đóng để giải quyết chế độ cho người lao động.
- Những người trước khi đi hợp tác lao động thuộc diện xã, phường quản lý thì mọi thủ tục hồ sơ về bảo hiểm xã hội do phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp quân, huyện, thị xã giải quyết.
b. Kinh phí trả trợ cấp:
Kinh phí trả trợ cấp bảo hiểm xã hội nói trên do ngân sách Nhà nước đài thọ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các Tỉnh, Thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giải quyết mọi chế độ đối với những đối tượng hướng dẫn trong văn bản này trên cơ sở kinh phí được cấp.
Đối với những người về nước trước hoặc sau thời hạn hợp đồng lao động vì những lý do như: bị ban quản lý lao động hoặc Đại sứ quán quyết định kỷ luật buộc phải về nước trước thời hạn, hoặc bị nước bạn trục xuất; Những người tự ý bỏ việc về nước trước thời hạn, những người hết hạn hợp đồng lao động không chịu về nước, tự ý ở lại thêm một thời gian sau đó mới về nước, hoặc về phép rồi tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như những quy định trên đây.
Những quy định trên đây có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.
| Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.