BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9989/BCT-XNK | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2008 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Bộ Công thương nhận được văn bản của Hiệp hội thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm sắt, thép. Căn cứ tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu và biến động thị trường sắt thép trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
- Đề nghị Bộ Tài chính xem xét tiếp tục giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép xuống 0%:
Giá phôi thép trên thế giới hiện giảm mạnh từ trên 1.150 USD/tấn (đầu tháng 7/2008) xuống chỉ còn khoảng 515-520 USD/tấn (giảm trên 55%). Trong nước, phôi thép tồn kho tại các doanh nghiệp khoảng 500.000 tấn, chưa kể lượng phôi thép sản xuất bình quân trên 100.000 tấn/tháng. Bên cạnh đó, nhu cầu về phôi thép trong nước tiếp tục giảm, ước tính chỉ khoảng 110.000 tấn/tháng cho những tháng cuối năm. Như vậy, lượng phôi thép dư thừa là rất lớn, khả năng thiếu phôi thép khó có thể xảy ra. Các doanh nghiệp sản xuất phôi thép hiện đang gặp nhiều khó khăn, các nhà máy đều phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Giá phôi thép thế giới xuống thấp cũng ảnh hưởng mạnh thêm đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giải quyết tồn kho, tạo điều kiện thu hồi vốn ngoại tệ trang trải chi phí.... Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép xuống 0%.
Đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với thép xây dựng thuộc các nhóm 7213, 7214, và 7215 (trừ que hàn và các loại sản phẩm sắt thép khác thuộc các nhóm này)
Công suất cán thép xây dựng của Việt Nam đã ở mức 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thép xây dựng chỉ ở mức 4 - 4,5 triệu tấn/năm. Do vậy, hầu hết các nhà máy thép hoạt động không đạt công suất thiết kế. Giá thép trên thị trường đã giảm mạnh (từ 17,6 triệu đồng/ tấn trong tháng 7 xuống còn 13,820 triệu/tấn trong tháng 10 năm 2008). Việc tiêu thụ và giá thép xây dựng dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng thép xây dựng đang ở mức 8%, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA là 5%, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ACFTA ở mức rất cao (nhóm 7213: 16%, nhóm 7214: 18% và 25%, nhóm 7215: 25%). Tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu từ ASEAN không nhiều, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng tăng và chiếm thị phần tương đối, sẽ chỉ chịu mức thuế suất 8%.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ thép trong nước, góp phần kiềm chế nhập siêu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép xây dựng thuộc các nhóm 7213, 7214, 7215 lên mức 20%.
Bộ Công Thương xin trao đổi và đề nghị quý Bộ xem xét, quyết định sớm./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.