BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9743/BGDĐT-KT&KĐ | Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2007 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo; |
Căn cứ Chỉ thị số 39/2007/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 07 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2007 – 2008; tiếp tục triển khai cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trong năm học như sau:
Phần 1 :
CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Củng cố, kiện toàn bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục đã được thành lập ở 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai thành lập các phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc sở GD&ĐT ở 18 tỉnh, thành phố còn lại.
2. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
3. Tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện Đề án tổng thể về đổi mới thi và tuyển sinh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2007.
4. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy - học, thực hiện lộ trình đổi mới các kỳ thi toàn quốc. Tích cực triển khai từng bước công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông.
Phần 2 :
CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
I. ĐỐI VỚI CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
1. Công tác tổ chức
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, tuyển dụng bổ sung biên chế, đảm bảo về cơ cấu, phẩm chất, năng lực và nghiệp vụ công tác đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
Quan tâm đến công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Có kế hoạch hằng năm gửi cán bộ của Cục đi đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài.
2. Công tác khảo thí
a) Tổ chức Hội nghị Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông vào cuối tháng 9/2007 tại Lâm Đồng.
b) Tổ chức tập hợp các quy chế thi tốt nghiệp phổ thông hiện hành, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế, ban hành trong tháng 11/2007 để áp dụng trong năm 2008; ban hành sớm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về thi để các địa phương, đơn vị chủ động và dễ dàng áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện.
c) Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông lần 2 năm 2007, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm 2 năm áp dụng hình thức trắc nghiệm tại các kỳ thi toàn quốc; mời các chuyên gia tư vấn, thẩm định quy trình và chất lượng đề thi trắc nghiệm, chuẩn bị cho các kỳ thi năm 2008.
d) Từ giữa tháng 9/2007, báo cáo Lãnh đạo Bộ về công tác chuẩn bị các môn thi trắc nghiệm vào năm 2008 và các năm tiếp theo về: cấu trúc đề thi, nội dung đề thi, giải trình các ý kiến khác nhau của dư luận xã hội; phổ biến cấu trúc để thi môn Toán và đề tham khảo của các môn Toán, Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn.
đ) Tiếp tục tập huấn cho cán bộ của Cục, của các sở và các trường về nghiệp vụ thi trắc nghiệm, kỹ năng biên soạn, biên tập câu trắc nghiệm.
e) Tổ chức cho đội ngũ cộng tác viên là cán bộ, giảng viên, giáo viên các bộ môn tập trung làm việc thường xuyên để biên soạn và biên tập câu trắc nghiệm, nâng cao chất lượng ngân hàng câu trắc nghiệm.
g) Lấy ý kiến rộng rãi, hoàn thiện Đề án tổng thể về đổi mới thi và tuyển sinh, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2007.
h) Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng: năm 2008, tổ chức thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hoá học, Sinh học và Toán; năm 2009, tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Văn kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm.
i) Tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và tập huấn các đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực.
k) Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức thành công Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 (IMO 2007) và kết quả khả quan của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế 2007, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để tổ chức tốt kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) tại Việt Nam.
3. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục
a) Nhanh chóng hoàn thiện để ban hành trước tháng 12/2007 các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các công cụ để triển khai đánh giá chất lượng giáo viên trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên trung học phổ thông.
b) Trong năm học 2007-2008, tập huấn về tự đánh giá và đánh giá ngoài cho 550 học viên từ 64 Sở GD&ĐT, 62 trường cao đẳng sư phạm, 05 trường trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
c) Tích cực hỗ trợ triển khai tự đánh giá ở 05 trường đại học sư phạm (trong số 28 trường đăng ký kiểm định năm 2008), 62 trường cao đẳng sư phạm và 05 trường trung cấp chuyên nghiệp.
d) Triển khai đánh giá ngoài đối với 05 trường đại học sư phạm, 10 trường cao đẳng sư phạm và 05 trường trung cấp chuyên nghiệp. Công nhận các trường đạt tiêu chuẩn chất lượng.
đ) Tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm tự đánh giá, đánh giá ngoài đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp chuyên nghiệp.
e) Triển khai khảo sát thực trạng chất lượng ở 05 trường đại học sư phạm, 62 trường cao đẳng sư phạm.
g) Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về quản lý chất lượng giáo dục cho cán bộ của Cục, của các sở, các trường phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường đại học và cao đẳng sư phạm.
h) Chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học vào trung tuần tháng 10/2007 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
II. ĐỐI VỚI CÁC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Công tác tổ chức
a) Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng và kiện toàn các phòng chuyên trách về khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục. Mỗi phòng có ít nhất 3 cán bộ nắm vững nghiệp vụ khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; trong đó, có cán bộ thành thạo về công nghệ thông tin. Trong năm học này, 18 tỉnh, thành phố cần thành lập phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục là: Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Long An, Ninh Thuận, Sơn La, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Tuyên Quang.
b) Yêu cầu các phòng GD&ĐT bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách (nơi có ít cán bộ, có thể giao kiêm nhiệm) để phụ trách lĩnh vực khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục tại đơn vị.
c) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục ở đơn vị, cử đủ và đảm bảo chất lượng cán bộ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn, nghiệp vụ khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục.
d) Căn cứ thực tiễn công tác tại địa phương, tích cực đóng góp ý kiến cho Đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh cũng như góp ý cho các dự thảo văn bản của Bộ GD&ĐT chỉ đạo về thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Công tác khảo thí
a) Có biện pháp quản lý tích cực, chủ động trong dạy và học, nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá để phản ánh đúng chất lượng dạy và học, thực hiện thành công nhiệm vụ năm học theo tinh thần cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”.
b) Chỉ đạo các nhà trường tăng cường đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ. Phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức kiểm tra vấn đáp, tự luận và trắc nghiệm khách quan. Trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đối với chương trình từng cấp học. Đổi mới ra đề kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học, phù hợp với nội dung chương trình, thời gian quy định; hạn chế lối học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc. Cần tăng cường sử dụng thiết bị trong dạy học, nâng cao chất lượng các tiết dạy thực hành, thí nghiệm để chuẩn bị cho việc thi thực hành ở các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh vào các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế trong các năm học tới.
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập của các nhà trường. Có kế hoạch tổ chức việc ôn tập bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người học, cần chú ý đối tượng có học lực yếu, đối tượng chưa tốt nghiệp ở các kỳ thi trước; khắc phục tình trạng học sinh ‘‘ngồi nhầm lớp’’; kiên quyết không để học sinh chưa đủ trình độ lớp 12 dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
d) Tập huấn kỹ về nghiệp vụ thi cho cán bộ quản lý, cán bộ, giáo viên để đảm bảo nắm chắc quy chế; đảm bảo tính chính xác, trung thực, nghiêm minh, công bằng, khách quan trong thi cử, kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như trong các kỳ thi toàn quốc.
đ) Rà soát, lựa chọn trong số cán bộ, giáo viên những người có năng lực chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ biên soạn, biên tập đề thi cho đội ngũ này để từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho việc ra đề kiểm tra chất lượng đầu năm, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ ở đơn vị.
e) Tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà trường, tạo điều kiện cho đông đảo giáo viên, học sinh được tham khảo, sử dụng tài liệu đề kiểm tra học kỳ cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, đề thi trắc nghiệm tham khảo các môn thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT.
g) Chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các kỳ thi và tuyển sinh; tổ chức thi, tuyển sinh gọn nhẹ, thiết thực, đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực người học; khắc phục những thiếu sót, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực. Cần đầu tư làm tốt hơn nữa khâu tổ chức in sao đề thi, nhất là tại các địa phương thực hiện quy trình này chưa chặt chẽ trong năm 2007.
h) Đối với thi chọn học sinh giỏi: Tổ chức việc thi, tuyển chọn học sinh giỏi; tuyển chọn các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông theo đúng Quy chế thi chọn học sinh giỏi. Việc bồi dưỡng các đội tuyển dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do đơn vị dự thi đảm nhiệm; không liên hệ, mời người ngoài đơn vị dự thi ôn luyện, tập huấn cho người dạy và người học của đơn vị mình dưới bất kỳ hình thức và thời gian nào.
i) Đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông: Thực hiện đúng quy chế thi hiện hành, quán triệt công văn số 9617/BGD&ĐT-KT&KĐ ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2006 đến năm 2008 đối với học sinh học chương trình phân ban thí điểm. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở GD&ĐT với các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức các khâu của kỳ thi. Tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, thi thử theo hình thức trắc nghiệm cho người học, đảm bảo các thí sinh trước khi bước vào kỳ thi đều được kiểm tra, thi thử mỗi môn trắc nghiệm ít nhất 2 lần.
3. Công tác đảm bảo chất lượng
a) Chỉ đạo và hỗ trợ các trường trung học phổ thông triển khai công tác quản lý, đảm bảo chất lượng trên cơ sở tham khảo các tiêu chí quản lý chất lượng trường trung học phổ thông do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề xuất.
b) Quan tâm đầu tư, hỗ trợ các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp chuyên nghiệp phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng.
c) Phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trong việc triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài đối với các trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp chuyên nghiệp.
d) Cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo chuyên môn về đảm bảo chất lượng giáo dục.
đ) Cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục dữ liệu đánh giá giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp.
III. ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP SƯ PHẠM; CÁC KHOA SƯ PHẠM TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC; CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
1. Công tác tổ chức
a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức các “trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục” tại các nhà trường; tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để đảm bảo cho các đơn vị này hoạt động có hiệu quả; tiến tới thực hiện sự độc lập, khách quan giữa khâu dạy với khâu kiểm tra, đánh giá, triển khai kế hoạch phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng.
b) Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên, học sinh trong nhà trường về hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của tập thể nhà trường đối với công tác quản lý, đảm bảo chất lượng. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng ở các trường, cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn, nghiệp vụ khảo thí và đánh giá; đảm bảo chất lượng.
c) Căn cứ thực tiễn công tác tại đơn vị, tích cực đóng góp ý kiến cho Đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh cũng như góp ý cho các dự thảo văn bản chỉ đạo về thi, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT.
2. Công tác khảo thí
a) Tiếp tục thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên và tổ chức thi tuyển sinh nghiêm túc, khách quan, công bằng. Ngay từ năm học này, cần chuẩn bị và đề xuất phương án mới xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo Đề án đổi mới thi và tuyển sinh, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bắt đầu từ năm 2009.
b) Tích cực tham gia công tác ra đề thi cho các kỳ thi quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các sở GD&ĐT trong việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông.
3. Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục
a) Trong kế hoạch kiểm định chất lượng năm 2007 và 2008 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, 05 trường đại học, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp và Trường Đại học Sư phạm Thể Dục Thể Thao Hà Tây, phải nhanh chóng hoàn thành báo cáo tự đánh giá, chuẩn bị cho khâu đánh giá ngoài.
b) 62 trường cao đẳng sư phạm triển khai tự đánh giá chất lượng và thực hiện cải tiến chất lượng sau tự đánh giá, 10 trường trong đó chuẩn bị cho việc đánh giá ngoài.
c) 05 trường trung cấp chuyên nghiệp được lựa chọn đánh giá thí điểm cần triển khai tự đánh giá đúng thực chất và hợp tác chặt chẽ với các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Cung cấp dữ liệu đầy đủ, kịp thời cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đánh giá giáo viên.
Phần 3 :
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên đây là nội dung cơ bản của công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2007 - 2008; yêu cầu các sở GD&ĐT và các trường, khoa sư phạm, trường trung cấp chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đến các cơ sở giáo dục; quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị để thực hiện.
Các sở GD&ĐT thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2007-2008 và chế độ báo cáo theo quy định tại Quyết định số 38/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác khảo thí và quản lý, đảm bảo chất lượng, nếu có vấn đề nảy sinh, vướng mắc cần phản ánh, báo cáo kịp thời về Bộ GD&ĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) để phối hợp giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.