BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9278/BGTVT-PCLB-TKCN | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: | - Bộ Nội vụ; |
Phúc công văn số: 3733/BNV-TCBC ngày 10/12/2008 của Bộ Nội vụ về việc kiện toàn Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến các địa phương. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Bộ Nội vụ và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các Cục, Vụ và các cơ quan liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hiện tại và hướng phát triển trong tương lai, có ý kiến đóng góp và đề xuất gửi về Bộ GTVT. Sau khi tập hợp các ý kiến và đề xuất của các đơn vị, Bộ GTVT có ý kiến như sau:
Mặc dù tiêu đề của dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến các địa phương, tuy nhiên xuyên suốt nội dung của Tờ trình và Quyết định chỉ đề cập nhiều đến việc kiện toàn Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (Uỷ ban QGTKCN), còn việc kiện toàn hệ thống tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các Bộ, ngành còn sơ sài, chưa cụ thể, chưa nêu bật đựơc vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác trong lĩnh vực TKCN ở các Bộ, ngành. Hiện nay việc kiện toàn về tổ chức, bộ máy hoạt động của Uỷ ban QGTKCN và của các Bộ, ngành đối với công tác TKCN là hết sức cấp bách và cần thiết còn đối với các địa phương thì khi cần huy động lực lượng, phương tiện do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban QGTKCN chỉ đạo. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị sửa tiêu đề của Quyết định về việc: Kiện toàn Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến các Bộ, ngành và địa phương.
Về nội dung Quyết định:
Điều 1. Khoản 2: cần làm rõ cụm từ “... đầu mối kế hoạch ngân sách nhà nước...” vì theo quy định của Luật NSNN chỉ có đơn vị dự toán cấp I mới là đầu mối.
Điều 2. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban QGTKCN, Bộ GTVT cơ bản thống nhất nội dung và thể thức trình bày, tuy nhiên cần phải có điều khoản quy định rõ cơ quan chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn (cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạp pháp luật).
- Khoản 4: Cần phân cấp cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương chủ động tổ chức thực hiện công tác TKCN trong một số tình huống cụ thể, khi thấy thật cần thiết mới yêu cầu Uỷ ban QGTKCN.
- Khoản 5: Điểm c) đề nghị sửa lại : Chủ trì trong việc cấp phép cho các lực lượng, phương tiện nước ngoài và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với lực lượng, phương tiện nước ngoài thực hiện việc TKCN tại vùng biển thuộc chủ quyền của VN.
- Khoản 16 sau cụm từ Ban Chỉ đạo cần thêm cụm từ: cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan thường trực TKCN các Bộ...
Điều 3: Thêm cụm từ: Thành viên Uỷ ban QGTKCN gồm:
Khoản 1: Vì Uỷ ban QGTKCN là cơ quan phối hợp liên ngành nên Chủ tịch Uỷ ban QG TKCN phải là Thủ tướng hoặc phó Thủ tướng Chính phủ. Theo khoản 1, khoản 2 điều 14, Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 13/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì “Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”, còn nếu “Tổ chức phối hợp liên ngành do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đứng đầu làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số”. Như vậy, nếu Bộ trưởng làm Chủ tịch Uỷ ban QGTKCN sẽ không phù hợp với tính chất của công tác TKCN, vì trong nhiều trường hợp cấp bách không thể tập trung các Bộ, ngành để biểu quyết theo đa số được mà cần phải quyết định ngay để các Bộ, ngành chấp hành. Do đó, Chủ tịch Uỷ ban QGTKCN phải do một trong số Phó Thủ tướng đảm nhận như trước đây.
Điều 5: Bộ GTVT có ý kiến như sau:
- Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải nên tách riêng làm 3 điều riêng biệt, vì căn cứ vào Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/ 02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2020 theo đó 3 Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải phải thành lập cơ quan chuyên trách TKCN. Tại điểm a) khoản 1, điều 5 nên nêu rõ thêm mối quan hệ công tác giữa Cục Cứu hộ, Cứu nạn với Văn phòng Uỷ ban và điểm b) nên bỏ và đưa vào 1 điều riêng và kiến nghị Bộ Công an phải thành lập cơ quan chuyên trách để điều hành về công tác TKCN nói chung.
- Đối với Bộ GTVT để triển khai Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg , Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 785/QĐ-BGTVT ngày 09/4/2007 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở hợp nhất Ban PCLB cũ và Ban TKCN đặt kiêm nhiệm ở Vụ Vận tải. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có bộ phận chuyên trách là Văn phòng thường trực PCLB&TKCN (5 người) gồm có: Phó trưởng ban thường trực (hàm vụ trưởng), Phó trưởng ban (hàm phó vụ trưởng) và một số chuyên viên, Văn phòng thường trực sinh hoạt hành chính theo Văn phòng Bộ GTVT. Theo nghị định 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, bộ phận này không có trong cơ cấu, tổ chức bộ máy của Bộ GTVT (chưa có quyết định thành lập Văn phòng thường trực riêng). Hiện nay các công việc có liên quan đến TKCN và PCLB từ việc quản lý, điều hành trực tiếp, cụ thể đến việc tham mưu, đóng góp việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước đều do Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo đảm nhận. Ngày 01/9/2008 Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định số 2675/QĐ-BGTVT thành lập Vụ An toàn giao thông, trong đó có quy định “chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng ban hành các văn bản về công tác PCLB&TKCN thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT”, Vụ ATGT đã chính thức hoạt động từ ngày 20/11/2008, sau này các công việc chủ trì tham mưu ban hành các văn bản QPPL sẽ do Vụ ATGT đảm nhận.
Uỷ ban QGTKCN là cơ quan phối hợp liên ngành, vì vậy sẽ không có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực TKCN. Do đó, Bộ GTVT có ý kiến nên quy định rõ trong Quyết định cơ quan chủ trì ban hành VB QPPL như góp ý ở điều 2. Nếu giao thẩm quyền này cho Bộ GTVT, Bộ sẽ giao Vụ An toàn giao thông chủ trì tham mưu để xây dựng các văn bản QPPL về lĩnh vực này để trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Với vị trí, vai trò và chức năng của Bộ GTVT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GTVT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không. Các vụ tai nạn, sự cố lớn và ảnh hưởng của bão, lũ phần lớn có liên quan đến ngành GTVT, việc khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố của ngành GTVT cũng là một trong nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT. Vì vậy, việc kiện toàn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TKCN và PCLB đối với Bộ GTVT nên để thành 1 điều riêng trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT đề nghị tách điểm c) khoản 1, điều 5 và bổ sung thêm điều mới (có thể là điều 6) quy định như sau:
“Điều 6. Cơ quan thường trực, điều hành và quản lý các hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải là Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn. Văn phòng thường trực có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chức năng, nhiệm vụ và biên chế do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Hoặc nếu không thêm điều mới thì đề nghị sửa lại điểm c), khoản 1, điều 5 như sau: Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải có Cơ quan thường trực là Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.”
Điểm cuối cùng của khoản 1, điều 5 nên viết: Ban Chỉ đạo của các Bộ, ngành (Ngoài các Bộ: Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải) làm việc theo chế độ....
Điều 6. Các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ TKCN.
Khoản 1 đối với Bộ Quốc phòng: Đề nghị không nên đưa các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu vào các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ TKCN nếu thấy cần thiết đưa thêm 1 khoản riêng. Bộ GTVT đã có các Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải dưới sự điều hành của Uỷ ban QGTKCN nên không cần thiết phải thành lập đội tàu TKCN đường biển thuộc Bộ Quốc phòng.
Khoản 3 đối với Bộ Giao thông vận tải: Đề nghị chỉnh sửa như sau:
Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT là cơ quan thường trực để điều hành và quản lý các hoạt động có liên quan đến tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão của Bộ GTVT.
- Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo công tác TKCN hàng không, việc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trực tiếp tham gia TKCN hàng không; là một đầu mối trực tiếp trong việc triển khai công tác TKCN của Uỷ ban QGTKCN.
+ Các Trung tâm TKCN hàng không trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam.
+ Các Trung tâm Khẩn nguy sân bay trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không.
- Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.
+ Các Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
- Các Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn đường bộ Việt Nam.
- Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt trực thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
+ Các Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực miền Bắc, Trung, Nam.
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc thành lập các Trung tâm TKCN đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa (nếu cần thiết),chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức hoạt động của các Trung tâm TKCN này.
Điều 7. Nguồn Tài chính bảo đảm.
Khoản 3: Đề nghị chỉnh sửa và bổ sung như sau:
“... Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Uỷ ban QGTKCN và Bộ GTVT xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số: 118/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ”
Vì các đơn vị hoạt động TKCN thuộc Bộ GTVT là những đơn vị sử dụng nhiều NSNN cho hoạt động TKCN, để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn kinh phí chi cho hoạt động TKCN,cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ cần phải có sự tham gia, đóng góp của Bộ GTVT.
Rất mong Quí Bộ và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổng hợp, tiếp thu và chỉnh lý trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sớm./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.