BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8394/BKH-KTĐN | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2006 |
Kính gửi: | - Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ |
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được đề xuất của một số cơ quan về việc sử dụng nguồn vốn của Chính phủ Hà Lan theo chương trình ORET để thực hiện dự án trong những lĩnh vực như cấp nước, xử lý nước thải, đóng tàu… Để hỗ trợ các cơ quan chủ động trong khâu chuẩn bị dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin có một số hướng dẫn về nguồn vốn thuộc chương trình ORET và quy trình thực hiện dự án theo chương trình này như sau:
1. Về đặc Điểm của chương trình ORET
Chương trình ORET (Development Related Export Transaction Program) là chương trình hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ Hà Lan cho các công ty Hà Lan vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chương trình này, Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 35% giá trị hợp đồng thiết bị và dịch vụ của công ty Hà Lan với đối tác Việt Nam (trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải, tỷ lệ tài trợ là 50%). Giá trị hợp đồng còn lại và các chi phí khác (giải phóng mặt bằng, quản lý dự án,…) phía Việt Nam phải tự thu xếp, có thể thông qua các nguồn như: Ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, vốn tự có của đơn vị thực hiện dự án, vây Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vay thương mại trong nước hoặc vay thương mại tại ngân hàng thương mại Hà Lan. Trong chương trình này, Chính phủ Hà Lan không cam kết ngân sách theo tài khóa mà quyết định tài trợ theo từng dự án cụ thể (case by case basis). Thông thường là các công ty Hà Lan trực tiếp trao đổi với chủ dự án phía Việt Nam về khả năng thực hiện dự án và đứng ra vận động Chính phủ Hà Lan tài trợ cho dự án. Nếu dự án được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, công ty đứng ra thu xếp Khoản tài trợ này, đồng thời là nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ của dự án (Hình thức chỉ định thầu).
Với đặc Điểm nêu trên của nguồn vốn ORET, chủ dự án khi nhận được đề xuất thực hiện dự án từ phía công ty Hà Lan cần chủ động tính toán, cân nhắc kỹ khả năng bố trí phần vốn đối ứng của mình, đồng thời xem xét kỹ năng lực đối tác Hà Lan, trình độ công nghệ và giá cả hàng hóa, dịch vụ mà công ty này chào cho dự án trên cơ sở so sánh với mặt bằng giá chung của một số dự án trong cùng lĩnh vực đầu tư bằng nguồn vốn trong và ngoài nước. Nếu giá cung cấp của công ty Hà Lan quá cao, phần viện trợ không hoàn lại 35% (50 đối với các dự án ngành nước) cũng không bù đắp được thì nên sử dụng nguồn vốn khách thích hợp hơn.
2. Quy trình chuẩn bị dự án
Quý cơ quan khi đề xuất thực hiện dự án bằng nguồn vốn ORET cần thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Trình duyệt danh Mục dự án
Theo quy định tại Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép sử dụng Khoản tài trợ của Chính phủ Hà Lan cho dự án, quý Cơ quan cần lập đề cương chi Tiết dự án theo hướng dẫn tại Phụ lục 3, Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2001/NĐ-CP nêu trên. Trong đề cương dự án cần làm rõ những nội dung sau:
- Mục tiêu của dự án, sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch ngành/lĩnh vực liên quan;
- Các hạng Mục đầu tư chủ yếu của dự án;
- Cơ sở đề xuất nguồn vốn ORET và năng lực đối tác Hà Lan (công ty trao đổi về khả năng thực hiện dự án với quý cơ quan);
- Cơ chế tài chính trong nước đối với phần vốn nước ngoài của dự án;
- Khả năng huy động nguồn vốn đối ứng cho dự án;
- Tổ chức thực hiện dự án;
- Sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính, xã hội, môi trường và tính bền vững của dự án.
Trên cơ sở đề cương chi Tiết dự án của quý cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh Mục dự án.
Bước 2: Xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (báo cáo đầu tư)
Sau khi dự án được phê duyệt danh Mục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có công hàm chính thức đề nghị Chính phủ Hà Lan tài trợ cho dự án. Đồng thời, quý cơ quan tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (báo cáo đầu tư) và trình phê duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
Bước 3: Đàm phán, ký kết Hiệp định tài trợ (Grant Agreement) cho dự án
Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi (báo cáo đầu tư) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Công ty Tài chính phát triển Hà Lan (FMO) sẽ chuyển tới quý cơ quan dự án Hiệp định tài trợ cho dự án. Quý cơ quan tiến hành đàm phán, trình phê duyệt Hiệp định tài trợ cho dự án theo quy định hiện hành của Việt Nam về đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA.
Bước 4: Thực hiện dự án
Chủ dự án tổ chức thực hiện dự án theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, quản lý đầu tư và xây dựng.
Trên đây là một số hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn ORET. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị quý cơ quan nghiên cứu, cân nhắc khi dự kiến sử dụng vốn này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.