CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 797/QLLĐNN-TTr | Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2004 |
Kính gửi: Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Thực hiện Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn ban hành kèm theo Nghị định, thông qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động XKLĐ tại một số doanh nghiệp và thực tiễn tình hình lao động Việt Nam tại các thị trường, Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá một số vấn đề cơ bản về tình hình, kết quả hoạt động xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm 2004 của các doanh nghiệp như sau:
1. Tình hình và kết quả đã đạt được:
a. Về tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động.
Một số doanh nghiệp đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ XKLĐ theo quy định chỉ giao cho 2 đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ XKLĐ ở 2 tỉnh, thành phố khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xuất khẩu lao động của doanh nghiệp.
b. Công tác thị trường lao động:
Nhìn chung các doanh nghiệp đã tích cực khai thác các thị trường lao động hiện có, lựa chọn đối tác để ký hợp đồng cung ứng lao động nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và của doanh nghiệp; thực hiện đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước tương đối đầy đủ; một số ít doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm thị trường lao động mới để đưa lao động đến làm việc.
c. Công tác tuyển chọn lao động
Đa số các doanh nghiệp đã triển khai mô hình liên thông, gắn kết trách nhiệm với Chính quyền địa phương trong việc tuyển chọn và thanh lý hợp đồng với người lao động đạt kết quả; trước khi tiến hành tuyển chọn có thông báo bằng văn bản về các Điều kiện, tiêu chuẩn của hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài để chính quyền địa phương và người lao động biết.
d. Công tác đào tạo - giáo dục định hướng:
Các doanh nghiệp đã quan tâm công tác đào tạo - giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài; nội dung chương trình cơ bản theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Riêng đối với lao động giúp việc gia đình (Đài Loan), hầu hết các doanh nghiệp sử dụng thêm sách tham khảo (do doanh nghiệp và đối tác phối hợp biên soạn) phù hợp với nội dung công việc mà người lao động phải làm ở nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng lao động sau mỗi khóa đào tạo và thực hiện lập sổ theo dõi việc cấp phát chứng chỉ đối với lao động đi làm việc ở Đài Loan.
đ. Thực hiện chế độ tài chính
Một số doanh nghiệp có phương án quy định mức thu của người lao động trước khi xuất cảnh, đã lập bảng chi phí của người lao động trước khi xuất cảnh theo Thông tư số 107/ 2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH, thực hiện mở tài Khoản và gửi tiền đặt cọc của người lao động vào Ngân hàng Thương mại Nhà nước để quản lý theo quy định.
e. Công tác quản lý lao động
Toàn bộ hồ sơ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được các doanh nghiệp quản lý và lưu tại các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Một số doanh nghiệp đã có văn phòng đại diện ở nước ngoài để quản lý và giải quyết những phát sinh đối với người lao động. Công tác giải quyết đơn thư của người lao động đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, không để khiếu kiện kéo dài.
Theo số liệu thống kê của Cục, trong 6 tháng đầu năm 2004, các doanh nghiệp đã đưa được 30.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó: đi Đài Loan 16.000 người, đi Malaysia: 7.000 người, đi Hàn Quốc: 1.200 người, đi Nhật Bản: 1.100 người, đi Lào: 2.700 người và đi các nước khác 2.400 người.
f. Thực hiện chế độ báo cáo:
Theo quy định tại Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định, doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo theo các biểu mẫu quy định và báo cáo các vấn đề phát sinh (lao động bỏ trốn, lao động bị chết, đình công.v.v.).
Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã thực hiện được một số loại báo cáo sau:
- Báo cáo về các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp được giao thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động;
- Báo cáo về số lượng lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ;
- Một số báo cáo đột xuất (vụ việc phát sinh đối với lao động ở nước ngoài....);
- Báo cáo các Khoản thu nộp;
- Báo cáo đóng góp Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động;
- Báo cáo kết quả hoạt động xuất khẩu lao động năm;
2. Những vấn đề tồn tại và vi phạm:
a. Về tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động:
Một số doanh nghiệp chưa quy hoạch sắp xếp và báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ XKLĐ của doanh nghiệp; vẫn để nhiều các đầu mối thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không quản lý được (hoặc buông lỏng quản lý, khoán trắng cho đơn vị) dẫn đến vi phạm trong tổ chức thực hiện, trong đó đáng lưu ý là việc liên kết tuyển chọn, đào tạo lao động trái quy định, tràn lan hoặc bị đối tác lợi dụng gây thiệt hại kinh tế cho người lao động.
b. Công tác thị trường lao động
Nhiều doanh nghiệp thiếu chủ động trong công tác tìm kiếm thị trường lao động mới để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chưa đăng ký đầy đủ hoặc không đăng ký hợp đồng đưa lao dộng đi làm việc ở nước ngoài tại Cục quản lý lao động ngoài nước.
c. Công tác tuyển chọn lao động:
Công tác tuyển chọn và khám sức khoẻ cho người lao động chưa đảm bảo chất lượng, còn hiện tượng tuyển lao động qua trung gian; khám sức khoẻ ở những cơ sở không đủ Điều kiện đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong thông báo tuyển lao động của một số doanh nghiệp chưa đầy đủ thông tin cần thiết cho người lao động; nội dung bản hợp đồng ký với người lao động của một số doanh nghiệp chưa được chỉnh lý theo mẫu hướng dẫn trong Thông tư số 22/2003/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 10 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó chưa thể hiện rõ các Khoản tài chính người lao động phải nộp trước khi đi, những Khoản phải khấu trừ trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
d. Công tác đào tạo - giáo dục định hướng
Một số doanh nghiệp thực hiện việc ký hợp đồng liên kết với cơ sở đào tạo, nhưng nội dung còn có Điểm không đúng quy định (để cơ sở đào tạo thu chi phí đào tạo, tham gia tuyển lao động...). Công tác giáo dục định hướng của một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nội dung chương trình còn sơ sài, qua loa, tỷ lệ người lao động phải về nước trước thời hạn do không đáp ứng yêu cầu công việc và bỏ trốn còn cao. Một số doanh nghiệp khi thay đổi địa Điểm chi nhánh và cơ sở đào tạo không báo cáo kịp thời với Cục Quản lý lao động ngoài nước để thông tin cho người lao động.
d. Thực hiện chế độ tài chính:
Một số doanh nghiệp thu tiền của người lao động không đúng với thời Điểm được phép thu dẫn đến tình trạng quá 6 tháng không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không thanh toán dứt Điểm về tài chính đối với người lao động, để phát sinh đơn thư khiếu nại kéo dài gây dư luận không tốt trong xã hội. Một số doanh nghiệp chưa hướng dẫn người lao động làm bản kê khai tài chính theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 107/2003/TTLT-BLĐTBXH ngày 7 tháng 11 năm 2003 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Một số doanh nghiệp chưa khẩn trương thực hiện quyết toán phí quản lý 1% đối với số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ mặc dù Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở.
e. Công tác quản lý lao động
Một số doanh nghiệp không có cán bộ đại diện quản lý lao động ở nước ngoài, để vụ việc phát sinh đối với người lao động kéo dài không có người giải quyết. Nhiều cán bộ đại diện của doanh nghiệp (chủ yếu ở thị trường Malaysia) thiếu năng lực giải quyết các vụ việc phát sinh, thậm chí có cán bộ đại diện còn lẩn tránh người lao động, không dám trực tiếp đi giải quyết vụ việc, không liên hệ và báo cáo với Ban Quản lý lao động.
Về thanh lý hợp đồng với người lao động, tại nhiều doanh nghiệp bản thanh lý hợp đồng mới dừng lại ở phần khái quát chung, chưa phản ánh phần quyết toán tài chính giữa người lao động và doanh nghiệp hoặc thanh lý hợp đồng cho người lao động khi về nước không thoả đáng để phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân, không xử lý kịp thời những khiếu kiện của họ dẫn đến tình trạng khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp. Người lao động và thân nhân của họ do quá bức xúc đã đến các cơ quan thông tin, báo chí để phản ánh, gây dư luận không tốt trong xã hội.
f. Thực hiện chế độ báo cáo
* Một số doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo về các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xuất khẩu lao động;
* Phổ biến tại nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn các báo cáo sau:
- Báo cáo danh sách lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài sau mỗi chuyến;
- Báo cáo việc cử cán bộ đi quản lý lao động ở nước ngoài và văn phòng đại diện;
- Báo cáo kịp thời về vụ việc phát sinh và tình hình, kết quả xử lý của doanh nghiệp;
- Báo cáo kế hoạch hoạt động xuất khẩu lao động năm của năm tiếp theo;
- Báo cáo về sự thay đổi trụ sở của cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng và cán bộ thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp tự kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp mình; trước mặt trong 6 tháng cuối năm 2004 tập trung thực hiện một số vấn đề cụ thể như sau:
- Thực hiện quy hoạch sắp xếp và báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ XKLĐ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ;
- Thực hiện đăng ký đầy đủ các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Cục Quản lý Lao động ngoài nước;
- Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo - giáo dục định hướng và khám sức khoẻ cho người lao động, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn theo mô hình liên thông xuất khẩu lao động. Nội dung bản hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài ký với người lao động phải được chỉnh lý theo mẫu hướng dẫn tại Thông tư số 22/2003/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 10 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Cử cán bộ đại diện quản lý lao động ở nước ngoài có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, thường xuyên liên hệ với Ban Quản lý Lao động Việt Nam ở nước sở tại để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm ổn định tình hình lao động tại các thị trường;
- Thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu tố của công dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh để tình trạng khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gây dư luận không tốt trong xã hội;
- Thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn các chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định.
Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tình hình nêu trên để các doanh nghiệp biết, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp.
| KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.