BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 794/LĐTBXH-CSLĐVL | Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2003 |
Kính gửi: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ năm 2000 đến nay, cả nước đã có trên 20 lần tổ chức Hội chợ việc làm ở 14 tỉnh, thành phố. Địa phương tổ chức nhiều nhất là 3 lần và nhiều địa phương tổ chức được 2 lần. Hội chợ việc làm được tổ chức trong thời gian vừa qua khá phong phú, đa dạng và đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu báo cáo của 10 địa phương tổ chức Hội chợ việc làm năm 2002, bình quân mỗi Hội chợ việc làm có 72 đơn vị tham gia, địa phương có số đơn vị tham gia nhiều nhất là Tp. Hồ Chí Minh với 215 đơn vị, thu hút trên 20 vạn người tham dự, số người đến đăng ký tìm việc làm ở mỗi hội chợ trung bình là 12.500 người, số người được phỏng vấn ngay tại chỗ là 7577 người, chiếm 60% số người đến đăng ký tìm việc và tuyển trực tiếp được 1.677 người. Mỗi hội chợ bình quân có 2.363 người đăng ký học nghề. Thực tế tổ chức Hội chợ việc làm trong thời gian qua cho phép khẳng định: việc tổ chức Hội chợ việc làm là cần thiết để tăng cường nhận thức, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, định hướng và phát triển thị trường lao động.
Để giúp các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tốt Hội chợ việc làm hàng năm, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ các Hội chợ việc làm và từ Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả tổ chức Hội chợ việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tài liệu mang tính hướng dẫn về việc cần phải làm trong việc tổ chức Hội chợ việc làm (có tài liệu hướng dẫn tổ chức Hội chợ việc làm hàng năm kèm theo)./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ XÃ HỘI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2003
TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HỘI CHỢ VIỆC LÀM HÀNG NĂM
(Kèm theo Công văn số 794/LĐTBXH-CSLĐVL ngày 20/3/2003 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Để tổ chức Hội chợ việc làm đạt kết quả cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc tổ chức hội chợ việc làm hằng năm ở các địa phương như sau:
I. Mục đích, yêu cầu và thời gian tổ chức hội chợ việc làm:
1. Mục đích
a. Tăng cường nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về lao động, việc làm và dạy nghề.
b. Cung cấp thông tin về lĩnh vực lao động - việc làm, dạy nghề và thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, cho các cơ quan, tổ chức, Trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; Tạo điều kiện cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở dạy nghề và các trường định hướng các hoạt động của mình trong tương lai.
c. Tạo điều kiện để người lao động tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức về nhu cầu tuyển lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình làm việc; giúp người lao động tìm được việc làm thích hợp thông qua Hội chợ việc làm.
d. Tạo điều kiện để người sử dụng lao động trực tiếp tuyển được lao động theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh của mình.
đ. Giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch và đưa ra các biện pháp thích hợp về lao động, việc làm và dạy nghề trong từng thời kỳ.
2. Yêu cầu
Tổ chức gọn nhẹ, phù hợp, thiết thực với tình hình phát triển thị trường lao động ở địa phương, tạo điều kiện và môi trường cho người lao động tiếp xúc với các doanh nghiệp, với các Trung tâm dịch vụ việc làm để có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với ý nguyện.
3. Thời gian, thời điểm tổ chức
Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các hoạt động diễn ra trong Hội chợ việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, thời điểm và thời gian hội chợ có thể 2 hoặc 3 ngày.
Phổ biến nên tổ chức Hội chợ việc làm vào thời điểm thị trường lao động sôi động nhất, như thời điểm học sinh các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tốt nghiệp, hoặc thời điểm nhu cầu tuyển dụng cao.
II. Nội dung tổ chức hội chợ việc làm
1. Công tác chuẩn bị trước khi tổ chức Hội chợ việc làm:
a. Công tác tổ chức:
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành lập Ban tổ chức Hội chợ việc làm do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm phó ban và các uỷ viên là lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.
Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ việc làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức và cá nhân từng thành viên trong Ban Tổ chức.
b. Tên gọi:
Tên gọi của Hội chợ việc làm do địa phương quyết định, có thể dùng các tên: “Hội chợ việc làm”; “Ngày hội việc làm”; “Ngày hội nghề nghiệp ...”
c. Công tác tuyên truyền:
- Trước và trong thời gian hội chợ cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, vị trí, mục đích, ý nghĩa, thời gian, địa điểm và nội dung các hoạt động của Hội chợ việc làm. Sau hội chợ cần tuyên truyền kết quả đã đạt được, những vấn đề cần khắc phục để tổ chức tốt hơn hội chợ năm sau;
- Kế hoạch tuyên truyền cần phân công cụ thể cho các cơ quan báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình, các tổ chức đoàn thể, các trường và các cơ sở dạy nghề.
d. Tài chính
- Kinh phí tổ chức Hội chợ việc làm do địa phương chủ động bố trí từ ngân sách địa phương, đồng thời vận động từ các doanh nghiệp, tổ chức ở trong và ở ngoài nước tham gia vì lợi ích chung và lợi ích của người sử dụng lao động;
- Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đối với các địa phương có khó khăn về tài chính;
Riêng các địa phương tổ chức Hội chợ việc làm, cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Trung ương thì có văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 15/12 của năm trước, trong đó, nêu rõ số kinh phí và lý do xin hỗ trợ.
2. Các hoạt động diễn ra trong Hội chợ việc làm:
a. Hoạt động tại các điểm của đơn vị tham gia hội chợ gồm:
- Các hoạt động giới thiêu và quảng cáo về kết quả sản xuất, kinh doanh và xu hướng phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm cơ sở dạy nghề đa dạng và phong phú. Không bán hàng hoá, sản phẩm trong Hội chợ việc làm;
- Các hoạt động để tuyển lao động (kể cả việc tuyển lao động làm việc ở nước ngoài): Cung cấp hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển, phỏng vấn và tuyển lao động, giao kết hợp đồng lao động;
- Các hoạt động đăng ký đào tạo và tuyển sinh: Cung cấp hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký đào tạo, giới thiệu hoặc tiếp nhận người học nghề;
- Các hoạt động tư vấn cho người lao động và sử dụng lao động về chính sách, pháp luật lao động - việc làm và dạy nghề.
Mỗi đơn vị tham gia Hội chợ việc làm ít nhất có một gian hàng tại Hội chợ việc làm để thực hiện các hoạt động của mình. Diện tích của mỗi gian hàng tối thiểu là 9m2.
b. Các hoạt động trên các diễn đàn được tổ chức theo từng chuyên đề hoặc chung nhiều vấn đề gồm:
- Giới thiệu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội dài hạn và hàng năm của tỉnh, thành phố và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động;
- Giới thiệu các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển doanh nghiệp, việc làm, xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm tạo mở việc làm và thu hút lao động;
- Giới thiệu các doanh nghiệp, các trường và các cơ sở dạy nghề, các Trung tâm dịch vụ việc làm về sự phát triển và nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động theo kế hoạch phát triển của các đơn vị;
Nội dung trình bày tại diễn đàn của các đơn vị tham gia cần được chuẩn bị kỹ và có khả năng trả lời những câu hỏi, những thắc mắc của khán giả.
Địa điểm tổ chức diễn đàn được tổ chức trong khuôn viên của Hội chợ việc làm và ở nơi rộng rãi, thuận lợi để có nhiều người đến tham dự.
c. Hoạt động hội thảo:
Các cuộc Hội thảo được tổ chức tại một địa điểm thuận lợi trong khuôn viên của Hội chợ việc là. Người chủ trì hội thảo đòi hỏi am hiểu sâu về lĩnh vực lao động - việc làm, dạy nghề và có kinh nghiệm chủ trì các cuộc hội thảo. Nội dung hội thảo gồm một hoặc nhiều chuyên đề sau:
- Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan tới tạo việc làm;
- Các biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là các đối tượng đang có yêu cầu bức xúc việc làm;
- Chính sách và pháp luật về lao động;
- Định hướng và các giải pháp đào tạo nghề;
- Định hướng và các giải pháp để phát triển Trung tâm dịch vụ việc làm;
- Các điều kiện và môi trường cho sự phát triển thị trường lao động tại địa phương;
- Các chuyên đề khác về lĩnh vực lao động - việc làm, dạy nghề.
3. Các hoạt động diễn ra sau khi kết thúc Hội chợ việc làm:
a. Tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả tổ chức Hội chợ việc làm:
Tổ chức hội nghị sơ kết Hội chợ việc làm: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc Hội chợ việc làm, tổ chức hội nghị sơ kết Hội chợ việc làm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm về việc tổ chức, thực hiện các hoạt động trong Hội chợ việc làm. Trên cơ sở đó báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
b. Tổ chức theo dõi việc tuyển lao động và tuyển sinh dạy nghề sau khi kết thúc Hội chợ việc làm:
- Thống kê số lao động được tuyển dụng, số được tuyển học nghề của từng doanh nghiệp, từng trường trên phạm vi tỉnh, thành phố.
- Tổ chức nắm bắt các thông tin, theo dõi việc các doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện các cam kết với người lao động mà hai bên đã cam kết tại Hội chợ việc làm.
III. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức Hội chợ việc làm
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội :
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Ban Tổ chức Hội chợ việc làm và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban này. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Cơ quan chủ trì; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan tham mưu và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức Hội chợ việc làm; Các Sở, Ban, Ngành ở địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và hội nghề nghiệp là Cơ quan tham gia.
Công tác tổ chức Hội chợ việc làm cần huy động tối đa các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các cơ sở dạy nghề, các Trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố tham gia.
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm và thời điểm tổ chức Hội chợ việc làm, huy động cán bộ, cơ sở vật chất và tài chính cho việc tổ chức Hội chợ việc làm; chuẩn bị các nội dung cần thiết trong các hoạt động của Hội chợ việc làm;
- Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức Hội chợ việc làm và là đầu mối chính để liên hệ trong việc tổ chức Hội chợ việc làm;
- Nắm thông tin về cung cầu lao động trên địa bàn, đặc biệt là về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, tổ chức thông qua điều tra, khảo sát; đồng thời dự báo khả năng các đơn vị ở các tỉnh, thành phố khác tham gia Hội chợ việc làm;
- Phối hợp với các ngành, các cơ quan, tổ chức trong việc tuyên truyền, quảng cáo và tổ chức họp báo để giới thiệu về Hội chợ việc làm;
- Huy động các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tham gia Hội chợ việc làm;
- Theo dõi, tổng hợp, tổ chức hội nghị sơ kết Hội chợ việc làm và báo cáo kết quả Hội chợ việc làm;
- Tổ chức nắm bắt các thông tin liên quan đến việc tuyển lao động, tuyển sinh học nghề và việc tổ chức dạy nghề mà doanh nghiệp, tổ chức đã cam kết, hứa hẹn với người lao động;
- Yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đầy đủ việc tuyển lao động đã hứa hẹn với người lao động và giao kết hợp đồng lao động theo đúng thoả thuận tại Hội chợ việc làm;
- Quyết toán kinh phó Tổ chức Hội chợ việc làm với các cơ quan theo quy định.
2. Các doanh nghiệp:
- Đăng ký tham gia với Ban tổ chức Hội chợ việc làm;
- Thông báo khả năng tuyển lao động mới vào làm tại doanh nghiệp;
- Chuẩn bị về tài chính và vật chất cho gian hàng trong Hội chợ việc làm: Bao gồm việc thiết kế trang trí gian hàng, các hình thức quảng cáo hay giới thiệu về doanh nghiệp bằng băng hình, tờ rơi, biểu đồ,... và chuẩn bị cho việc đăng ký, phỏng vấn và tuyển lao động;
- Chuẩn bị nhân sự có đủ năng lực và trình độ để tham gia các hoạt động trong Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị các tài liệu, nội dung tham gia toạ đàm tại các diễn đàn trong Hội chợ việc làm khi ban tổ chức yêu cầu;
- Tổ chức tốt các hoạt động tại gian hàng và tham gia các hoạt động tại Hội chợ việc làm;
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc tham gia Hội chợ việc làm của doanh nghiệp;
3. Các Trung tâm dịch vụ việc làm:
- Đăng ký tham gia với Ban tổ chức Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị về tài chính và vật chất cho gian hàng trong Hội chợ việc làm: Bao gồm việc thiết kế trang trí gian hàng, các hình thức quảng cáo hay giới thiệu về doanh nghiệp bằng băng hình, tờ rơi, biểu đồ,... và chuẩn bị các vị trí cần tuyển lao động; chuẩn bị các vị trí cần tuyển lao động; chuẩn bị cho việc tư vấn, đăng ký, phỏng vấn, tuyển lao động và học nghề;
- Chuẩn bị nhân sự có đủ năng lực và trình độ để tham gia các hoạt động trong Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị các tài liệu, nội dung tham gia toạ đàm tại các diễn đàn trong Hội chợ việc làm khi ban tổ chức yêu cầu;
- Tổ chức tốt các hoạt động tại gian hàng và tham gia các hoạt động tại Hội chợ việc làm;
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc tham gia Hội chợ việc làm của doanh nghiệp;
4. Các cơ sở dạy nghề:
- Đăng ký tham gia với Ban tổ chức Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị về tài chính và vật chất cho gian hàng trong Hội chợ việc làm: Bao gồm việc thiết kế trang trí gian hàng, các hình thức quảng cáo hay giới thiệu về doanh nghiệp bằng băng hình, tờ rơi, biểu đồ,... và chuẩn bị các hoạt động về tư vấn, đăng ký đào tạo nghề tại Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị nhân sự có đủ năng lực và trình độ để tham gia các hoạt động trong Hội chợ việc làm;
- Chuẩn bị các tài liệu, nội dung tham gia toạ đàm tại các diễn đàn trong Hội chợ việc làm khi ban tổ chức yêu cầu;
- Tổ chức tốt các hoạt động tại gian hàng và tham gia các hoạt động tại Hội chợ việc làm;
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc tham gia Hội chợ việc làm của doanh nghiệp;
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.