BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7818/BGDĐT-VP | Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2008 |
Kính gửi: | - Các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ/ Thành uỷ; |
Năm học 2007-2008 toàn ngành giáo dục thực hiện ba cuộc vận động: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị, cuộc vận động “Hai không” (thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục), và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Được sự chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp của cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các mặt công tác của mình, đồng thời tập trung vào giải quyết năm nhiệm vụ then chốt sau đây:
(1)- Khắc phục tình trạng học sinh “ngồi sai lớp”, học sinh bỏ học, bồi dưỡng học sinh yếu kém làm tiền đề để tăng tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học;
(2)- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý;
(3)- Đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đề xuất các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục;
(4)- Tăng cường cơ sở vật chất nhà trường;
(5)- Tổ chức tổng kết 42 năm các trường THPT chuyên, tổng kết công tác giáo dục dân tộc, xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 và hoàn thiện tổ chức của Bộ GD&ĐT (thành lập Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Cục Cơ sở vật chất-Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, Cục Đào tạo với nước ngoài).
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2007-2008 khối giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp tổ chức vào ngày 31/7/2008 với sự tham dự của các Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn giáo dục và Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, các đại biểu đã thống nhất với đánh giá chung của Bộ GD&ĐT về 5 kết quả nổi bật và 6 yếu kém trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học 2007-2008.
Năm kết quả nổi bật đó là:
1. Năm học 2007-2008, công tác chỉ đạo của Bộ đã tập trung vào những nội dung vừa mang tính dài hạn, vừa giải quyết những vấn đề cụ thể nổi lên trong năm học như:
a) Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020;
b) Xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tài chính của ngành;
c) Tổng kết 42 năm trường THPT chuyên và tổng kết công tác giáo dục dân tộc;
d) Giải quyết tình trạng học sinh “ngồi sai lớp”, học sinh bỏ học, học sinh yếu kém;
e) Tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên phạm vi cả nước và triển khai các biện pháp để giảm tải và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo;
f) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua cuộc vận động chung "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết hợp với cuộc vận động của ngành "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo";
g) Tổ chức nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2008;
h) Chỉ đạo xử lý giá sách giáo khoa trong điều kiện chi phí đầu vào tăng;
i) Duy trì giao ban vùng theo định kỳ có chất lượng, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.
2. Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" với 4 nội dung đã đi vào các hoạt động thực tiễn của toàn ngành, làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh. Việc giảng dạy và học tập thực chất đã đi dần vào nền nếp, học sinh chăm học hơn. Việc giúp đỡ học sinh học lực yếu kém đã được các cơ quan quản lý chỉ đạo chặt chẽ, các trường triển khai quyết liệt và thu được kết quả tương đối tốt, góp phần nâng cao kết quả các kỳ thi. Lãnh đạo Bộ và các Vụ đã thường xuyên đi sâu đi sát nắm bắt tình hình cụ thể, những khó khăn, vướng mắc của các vùng trên toàn quốc; phối hợp với các cấp UBND, các ban ngành, đoàn thể địa phương đề ra các giải pháp tích cực phục vụ phát triển giáo dục của địa phương.
3. Cơ sở vật chất giáo dục đã tiếp tục được cải thiện.
4. Thông qua ba cuộc vận động trong ngành, sự tăng cường đầu tư, quan tâm chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và quan tâm của các gia đình, sự nỗ lực của các em học sinh, về tổng thể, sự giảm sút chất lượng giáo dục đã được chặn đứng, chất lượng giáo dục đã được nâng cao hơn, tạo tiền đề cho việc phát triển nhanh hơn trong các năm sau.
5. Năm học 2007-2008 đã tạo ra được những tiền đề mới cho phát triển giáo dục ở giai đoạn sau như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020 đã cơ bản được hoàn thiện; phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã được khởi động.
Sáu hạn chế, yếu kém là:
1. Nhìn chung chất lượng giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
2. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có hoàn cảnh kinh tế- xã hội khó khăn còn chậm, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc.
3. Kết quả về đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn hạn chế.
4. Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu.
5. Công tác soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
6. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm.
Có thể nói yếu tố có tính quyết định trong việc triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ năm học 2007-2008 của ngành chính là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trong suốt năm học. Đây là cơ sở rất quan trọng tạo sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành và toàn xã hội nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại mỗi địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin chân thành cảm ơn các đồng chí Bí thư tỉnh, thành ủy, các đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về sự đóng góp to lớn đó.
Bước vào năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định chủ đề năm học là "Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" với 6 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đồng thời triển khai sâu rộng trong các trường mầm non, phổ thông phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
2. Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục (đặc biệt là các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục Công dân); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học.
3. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, đổi mới quản lý tài chính, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.
Thực hiện ba công khai trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để người học và xã hội giám sát, đánh giá: (1) công khai chất lượng đào tạo, (2) công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, (3) công khai thu, chi tài chính và thực hiện bốn kiểm tra: (1) kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo, (2) kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường, (3) kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường (4) kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
4. Phát triển mạng lưới trường, lớp theo yêu cầu phổ cập giáo dục; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và sách giáo khoa theo quy định đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của chương trình kiên cố hoá phòng học và xây nhà công vụ giáo viên; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
5. Chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Triển khai việc đánh giá và bồi dưỡng giáo viên, hiệu trưởng theo các chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành, giáo viên được tham gia đánh giá hiệu trưởng; bồi dưỡng giáo viên cốt cán về công nghệ thông tin trong các nhà trường.
6. Triển khai ở cấp quốc gia 3 chương trình: phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; xây dựng hệ thống các trường THPT chuyên; phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú.
Trên cơ sở kết quả của ba cuộc vận động đã tiến hành thời gian qua, năm học 2008-2009 toàn ngành triển khai một phong trào thi đua mới “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 5 nội dung chủ yếu:
Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn;
Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập;
Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh;
Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh;
Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương.
Trong năm học 2008-2009 các trường đều giải quyết dứt điểm ba vấn đề: Mỗi nhà trường đều có nhà vệ sinh và tổ chức học sinh làm vệ sinh sạch sẽ thường xuyên; mỗi trường phổ thông đều nhận chăm sóc và phát huy một di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng; lựa chọn và đưa trò chơi dân gian hoặc hoạt động vui chơi tích cực khác vào trường học.
Để triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Trung ương Đoàn TNCSHCM đã ký kế hoạch phối hợp triển khai phong trào này cho giai đoạn 2008-2013.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công mỗi đồng chí Lãnh đạo Bộ phụ trách một vùng thi đua gồm một số tỉnh, thành có sự tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cục, vụ của Bộ sẵn sàng phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành và các Sở Giáo dục và Đào tạo để cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển giáo dục của từng địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo để có Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ hoặc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, thành về nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo năm học 2008-2009, bổ sung các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương. Đây là cơ sở rất quan trọng để Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương triển khai năm học mới, đồng thời, khắc phục các yếu kém, hạn chế trong năm học vừa qua và tích cực phát huy các kết quả, thành tựu giáo dục và đào tạo của địa phương trong thời gian tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời gian qua và tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được quan tâm, ủng hộ hiệu quả hơn trong năm học 2008-2009./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.