BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/BYT-ATTP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2009 |
Kính gửi: | - Ban Tuyên giáo Trung ương; |
Trước hết Bộ Y tế xin gửi lời cảm ơn tới Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Đ/c Tổng Biên tập, Tổng Giám đốc các báo/đài về sự hợp tác, phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông về mọi mặt hoạt động của ngành y tế nói chung và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng góp phần tích cực với ngành y tế phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Tại các buổi giao ban ngày 13/10/2008 (Báo cáo 1091/BYT-ATTP) và ngày 16/12/2008 (Báo cáo 1282/BC-ATTP), Bộ Y tế đã báo cáo về vụ việc một số sản phẩm sữa bột của Trung Quốc trong thời gian qua bị phát hiện có nhiễm chất Melamine gây nguy hại cho sức khoẻ con người, đặc biệt là gây bệnh sỏi thận ở trẻ em, cũng như các biện pháp cấp bách mà Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai để phòng ngừa và loại trừ sản phẩm thực phẩm có chứa chất Melamine lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Báo cáo 1282/BYT-ATTP, Bộ Y tế khẳng định đến nay thị trường sữa đã ổn định, người tiêu dùng đã yên tâm và tiếp tục sử dụng các sản phẩm sữa an toàn, có chất lượng. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan truyền thông không đưa những thông tin một chiều, cá biệt, đặc biệt là đưa đi đưa lại những thông tin đã qua liên quan đến sự việc sữa nhiễm melamine để tránh gây thêm hoang mang cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người nông dân vùng sản xuất nguyên liệu sữa, đặc biệt là giai đoạn sắp đến Tết nguyên đán Kỷ Sửu 2009.
Tuy nhiên, trong mấy ngày vừa qua một số báo, đài đã đồng loạt đưa tin Bộ Y tế đã không thống nhất trong quá trình xử lý vụ việc malamine, cụ thể là sản phẩm sữa của Hanoimilk được công bố là nhiễm melamine đến nay Thanh tra Bộ Y tế công bố lại không nhiễm melamine như vậy là tiền hậu bất nhất, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho nông dân nuôi bò sữa,...về vấn đề này Bộ Y tế có một số ý kiến trao đổi như sau:
1. Về quan điểm công bố sản phẩm thực phẩm nhiễm hay không melamine trong giai đoạn trước ngày 11/12/2008:
Đây là giai đoạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức nông lương liên hiệp quốc (FAO) chưa có hướng dẫn về mức dung nhận của cơ thể con người đối với melamine (TDI), vì vậy WHO, FAO, mười nước ASEAN và liên Bộ đã thống nhất quan điểm cấm tuyệt đối các sản phẩm thực phẩm có chứa chất melamine. Với quan điểm này, tất cả các sản phẩm thực phẩm bị phát hiện nhiễm melamine dù ở bất kỳ hàm lượng nào cũng phải ngừng lưu hành và thu hồi, chờ xử lý.
Tính đến ngày 05/01/2009, đã có tất cả 1.266 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm, trong đó có 32 mẫu dương tính với melamine (chiếm 0,0025%) và 1.234 mẫu âm tính với melamine.
Với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, Bộ Y tế đã cho công bố chi tiết các sản phẩm thực phẩm có mẫu kiểm nghiệm dương tính với melamine. Việc Bộ Y tế chỉ công bố những mẫu dương tính với melamine nhằm bảo đảm người tiêu dùng có được những thông tin nhanh nhất, cần thiết nhất, tập trung nhất để người dân có thể tự bảo vệ an toàn sức khoẻ cho mình và gia đình.
Đối với những mẫu âm tính với melamine (có số lượng lớn hơn rất nhiều so với mẫu dương tính) thì các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm của mình theo hướng dẫn tại Công văn 6697/BYT-ATTP ngày 27/09/2008 của Bộ Y tế. Với nguồn lực của Bộ Y tế và với số lượng mẫu đã kiểm nghiệm rất lớn thì việc công bố các sản phẩm không nhiễm melamine là không khả thi, vì phải công bố liên tục, công bố hàng ngày mỗi khi có kết quả kiểm nghiệm, khi đó người tiêu dùng sẽ bị quá tải về thông tin sản phẩm. Mặt khác, việc công bố này dễ gây hiểu lầm là những sản phẩm thực phẩm chưa được kiểm nghiệm và công bố là âm tính với melamie là không an toàn.
2. Về quan điểm công bố sản phẩm thực phẩm nhiễm hay không melamine trong giai đoạn sau ngày 11/12/2008:
Ngày 05/12/2008, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức khuyến cáo mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được (TDI) đối với các sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine là 0,2 mg/kg thể trọng. Trên cơ sở đó, ngày 11/12/2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT về việc quy định mức giới hạn tối đa của melamin nhiễm chéo trong thực phẩm, cụ thể:
Thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi không vượt quá 1,0mg/kg thực phẩm (£1,0ppm).
Các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm (£2,5ppm).
Như vậy, kể từ ngày 11/12/2008, Bộ Y tế đã công bố công khai những lô sản phẩm thực phẩm nhiễm chéo melamime dưới ngưỡng nêu trên và đáp ứng các chỉ tiêu khác về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là an toàn, được phép giải toả và lưu thông trên thị trường.
3. Việc công bố lô sản phẩm sữa nhiễm và không nhiễm melamine của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk):
Tại thời điểm trước ngày 11/12/2008, Bộ Y tế đã công bố các sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine nói chung và của Công ty Hanoimilk nói riêng theo đúng quy trình, theo đúng các thông tin do cơ quan kiểm nghiệm và doanh nghiệp cung cấp. Trên thực tế, trước đó đại diện Bộ Y tế và Công ty Hanoimilk đã có buổi làm việc và đi đến thống nhất các bước xử lý ở giai đoạn trước là phù hợp.
Ngày 16/12/2008, để góp phần giúp doanh nghiệp lập lại uy tín của thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm, Thanh tra Bộ Y tế đã lấy và cho xét nghiệm 20 mẫu sữa của Công ty Hanoimilk. Đây là các mẫu lấy từ các lô sản phẩm hoàn toàn khác đối với các mẫu đã công bố nhiễm melamine trước đây. Hai mươi mẫu sữa này không bị phát hiện nhiễm melamine và được Bộ Y tế công bố nhằm giúp cho doanh nghiệp đưa các mặt hàng vào thị trường, làm tăng doanh thu, để người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ sản phẩm.
Như vậy, việc làm trên không phải là Bộ Y tế đính chính hay minh oan lại kết quả xét nghiệm nhiễm melamine đã công bố trước đây như một số cơ quan thông tin đại chúng đã nêu. Việc Lãnh đạo Bộ Y tế tới thăm công ty khi đưa vào sử dụng thiết bị xét nghiệm melamine cũng là một hành động thể hiện sự ủng hộ doanh nghiệp khắc phục qua giai đoạn khó khăn mà Công ty gặp phải.
4. Đối với nguyên liệu sữa sản xuất trong nước của một số tỉnh khu vực phía bắc
Do bị ảnh hưởng bởi sự cố nhiễm melamine trong sữa nên trong một thời gian sức tiêu thụ sản phẩm trên toàn thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng có suy giảm, trong đó có sản phẩm của Công ty Hanoimilk. Do đó, việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu sữa sản xuất trong nước của Công ty Hanoimilk cũng bị suy giảm, gây khó khăn cho một số hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình.
Với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ cho cộng đồng, thì sự cố melamine gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế cho một số doanh nghiệp và hộ nông dân là điều không thể tránh khỏi và chúng ta hoàn toàn không mong muốn. Điều đặc biệt quan trọng là cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bất cứ trường hợp nào, đặc biệt là trẻ em bị sỏi thận liên quan đến sử dụng thực phẩm nhiễm melamine, đây là thành công lớn do sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các cấp (trong khi đó tại Trung Quốc đã có gần 300.000 trẻ em bị bệnh thận phải nhập viện và 06 trường hợp tử vong do sử dụng sữa nhiễm melamine).
Để góp phần giúp các hộ nông dân nuôi bò sữa giảm bớt khó khăn, liên Bộ đã có các chương trình quảng cáo nguồn sữa sản xuất trong nước, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thu mua sữa cho bà con nông dân. Trong suốt quá trình xử lý sữa nhiễm Melamine, Bộ Y tế luôn kêu gọi các cơ quan thông tin tuyên truyền phù hợp để người tiêu dùng không tẩy chay sữa, đặc biệt cần chú trọng tuyên truyền để người tiêu dùng sử dụng sữa Việt Nam(Công văn 6696/BYT-ATTP ngày 27/09/2008 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm sữa), vì cho đến nay các kết quả xét nghiệm sữa bò sản xuất trong nước đều không phát hiện melamine. Bộ Y tế khẳng định từ trước đến nay Bộ chưa bao giờ có những phát ngôn, thông điệp trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu sữa bò của bà con nông dân.
5. Kiến nghị
Bộ Y tế kính đề nghị Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Đ/c Tổng biên tập, Tổng giám đốc các báo/đài chỉ đạo kịp thời các biên tập viên, phóng viên cần tìm hiểu kỹ sự việc để đưa ra các thông tin chính xác, khách quan và nên có sự tham khảo ý kiến của Bộ Y tế trước khi đưa các tin liên quan đến vụ việc sữa nhiễm melamine, đồng thời cần đính chính lại các thông tin sai lệch ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.