VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 6672/VPCP-ĐP | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2004
|
Kính gửi: | - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, |
Xét đề nghị của Bộ Tài chính (công văn số 10192/TC-NSNN ngày 13 tháng 9 năm 2004), ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 6546/BKH-TCTT ngày 15/10/2004); Uỷ ban Dân tộc (công văn số 706-UBDT-CSDT ngày 5/10/2004); Y tế (công văn số 7544/YT/KH-TC ngày 11/10/2004); Nội vụ (công văn số 2608/BNV-CQĐP ngày 14/10/2004); Giáo dục và Đào tạo (công văn số 9143/KTTC ngày 15/10/2004) về việc kiến nghị một số chính sách, chế độ đối với các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Uỷ ban Dân tộc chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi chính sách hỗ trợ dầu hoả, tiền điện thắp sáng và muối iốt theo hướng: cấp không thu tiền muối iốt để đảm bảo định lượng cho 1 người/năm, dầu hoả hoặc hỗ trợ giá điện thắp sáng cho hộ gia đình, mức hỗ trợ tiền điện thắp sáng chỉ bằng mức hỗ trợ dầu hoả. Đối tượng hỗ trợ các mặt hàng này là đồng bào dân tộc thiểu số (không bao gồm cán bộ công chức nhà nước và cán bộ chuyên trách công chức cấp xã) và hộ gia đình chính sách (kể cả hộ người Kinh nghèo). Số kinh phí dôi ra địa phương được chuyển sang hình thức hỗ trợ khác hiệu quả hơn.
2. Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu sửa đổi chính sách khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào nghèo trên địa bàn Tây Nguyên theo hướng: thực hiện khám chữa bệnh cho các đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh nghèo (đối với đồng bào dân tộc thiểu số có quy định mức chi phí chung, đối với người Kinh theo chế độ bảo hiểm y tế bắt buộc) đồng thời nghiên cứu, đề xuất chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khi nằm viện và tiền ăn cho người nhà chăm sóc bệnh nhân.
3. Để giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2002, Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1401/CP-NN ngày 28/9/2004 của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hàng năm bố trí ưu tiên kinh phí để thực hiện các dự án kinh tế quốc phòng trên địa bàn và giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu chính sách đào tạo dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác đào tạo nghề để thu hút lao động tại chỗ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách bảo đảm lương thực hàng năm cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, thường xuyên phải phát rừng làm rẫy, để hạn chế phá rừng.
4. Để tăng cường củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở ở vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 5/3/2003, giao:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan bố trí kinh phí để tăng tiến độ xây dựng trụ sở làm việc cho hệ thống chính trị cơ sở, nhà hội họp, sinh hoạt văn hoá cộng đồng xã, thôn, buôn. Đề xuất phương án hỗ trợ đầu tư xây dựng nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ công chức, như trường chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện và các trường dân tộc nội trú, trường hoặc lớp bán trú.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên khẩn trương biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo để các địa phương thực hiện, tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy; đồng thời, nghiên cứu quy định cán bộ công chức sử dụng thành thạo ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là tiêu chí quan trọng để khen thưởng, đề bạt, xét chuyển ngạch, nâng lương. Nghiên cứu chính sách đối với già làng theo hướng: không quy định chế độ phụ cấp cho già làng, vì già làng không phải là cán bộ trong hệ thống chính quyền. Tuy nhiên, già làng và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng đối với người dân trong buôn làng, nên áp dụng bằng chính sách như tổ chức tham quan, tặng quà và thăm hỏi nhân dịp các ngày lễ, tết đối với già làng có thành tích để động viên già làng.
5. Uỷ ban Dân tộc chủ trì cùng các Bộ, ngành và các địa phương liên quan rà soát tổng hợp tình hình các xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đưa ra khỏi chương trình, tập trung nguồn lực đầu tư và chỉ đạo thực hiện dứt điểm các xã còn lại trong năm 2005; đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình trong những năm tiếp theo, chú ý các buôn, làng trong vùng I, vùng II nhưng thực sự khó khăn như vùng III.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các xã biên giới Tây Nguyên.
6. Về chính sách trợ cước theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định số 2/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ: giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì chỉ đạo các địa phương căn cứ mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và kinh phí cân đối trong dự toán ngân sách địa phương, trên cơ sở đánh giá hiệu quả việc trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách và trợ cước tiêu thụ hàng nông sản, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mục tiêu, nội dung thực hiện cụ thể (mặt hàng, sản phẩm, định mức hỗ trợ, địa bàn, đối tượng được hưởng…) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/2003/QH11, ngày 10/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12/1/2004 của Chính phủ.
7. Về chính sách cấp không thu tiền các loại báo, chí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1637/QĐ-TTg ngày 31/12/2001: giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì, cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát toàn bộ các loại báo, tạp chí hiện đang cung cấp cho xã, chọn lọc các loại báo, tạp chí thật sự cần thiết hoặc giao cho địa phương tổ chức thực hiện để phù hợp với thực tế, chú ý cấp các loại báo ảnh; phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin nghiên cứu việc xuất bản báo bằng chữ dân tộc để phát hành.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tổng kết đánh giá và đề xuất với Chính phủ về chương trình kiên cố hoá trường lớp học và chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn; nghiên cứu đề xuất chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường nội trú cụm xã, trường hoặc lớp bán trú cụm xã và nghiên cứu mở rộng đối tượng đầu tư cho trường mầm non.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn Tây Nguyên (giao thông, thuỷ lợi, điện, y tế, các trường dạy nghề…). Trước mắt, khẩn trương rà soát, triển khai và hoàn thành các danh mục đầu tư trọng yếu theo Quyết định 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ: đồng thời, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 168/2001/QĐ-TTg , đề xuất chủ trương giải pháp cho các năm tiếp theo.
Các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách chế độ của nhà nước đến người dân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo mọi chế độ chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đúng đối tượng.
Yêu cầu các Bộ, ngành được giao các nhiệm vụ trên khẩn trương nghiên cứu, trao đổi thống nhất với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I năm 2005.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.