VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6059/VPCP-KTTH | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006 |
Kính gửi: | - Các bộ: tài chính, kế hoạch và đầu tư, lao động – thương binh và xã hội,nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Căn cứ báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (văn bản số 180/NHCS-HĐQT ngày 11 tháng 9 năm 2006) và ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp ngày 27 tháng 9 năm 2006 bàn về kế hoạch tín dụng xóa đói, giảm nghèo năm 2007 và một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến như sau:
1. Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng xóa đói, giảm nghèo năm 2006 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn để cấp bù tiếp số chênh lệch lãi suất tín dụng còn thiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Về kế hoạch tín dụng năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tìm nguồn bố trí tăng thêm chỉ tiêu cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội so với mức dự kiến ban đầu (950 tỷ đồng) để Ngân hàng tập trung thực hiện cho vay các hộ nghèo theo tiêu chí mới và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn.
Năm 2007 vẫn tiếp tục giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội các chỉ tiêu kế hoạch sau đây:
- Mức tăng trưởng tín dụng (trong đó, có chỉ tiêu tín dụng cho từng chương trình cho vay);
- Mức vốn cho các chương trình mục tiêu (ghi rõ vốn của từng chương trình);
- Mức cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng.
3. Bộ Tài chính chủ trì cùng với các Bộ, cơ quan liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội, trên cơ sở kết quả tổng kết 3 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, đề xuất các biện pháp hoàn thiện các cơ chế, chính sách và mô hình hoạt động, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngân hàng này.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ về xóa đói, giảm nghèo đến năm 2010, xác định rõ nhu cầu về vốn tín dụng và khả năng tài chính của Nhà nước phục vụ mục tiêu này; đồng thời, có giải pháp cụ thể huy động các nguồn vốn có lãi suất thấp (vốn ODA, vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế, tiền gửi của các quỹ tài chính trong và ngoài nước,…) để tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định, bền vững. Theo tinh thần đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước nghiên cứu có các biện pháp hỗ trợ thích hợp cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
5. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới của Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 5 (PRSC5) để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 1.a) công văn số 941/VPCP-KTTH ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Tài chính xem xét chuyển số vốn đã cấp cho một số chương trình tín dụng chính sách hiện đang do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý thành vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
6. Giao Bộ Tài chính:
a) Trong tháng 10 năm 2006, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn để triển khai thực hiện từ đầu năm 2007;
b) Nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế khoán tài chính cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng gắn lợi ích của Ngân hàng với trách nhiệm thu lãi và giữ ổn định mức khoán cho cả thời kỳ 2007 – 2010 nhằm góp phần cải thiện chất lượng tín dụng, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của Ngân hàng.
7. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục chủ động phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2003 và Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg ngày 16 tháng 03 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Về giải quyết trụ sở làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động báo cáo Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển trụ sở dôi dư của các cơ quan, đơn vị, kể cả của Ngân hàng Nhà nước ở từng huyện, từng tỉnh, cho Ngân hàng Chính sách xã hội thay thế các trụ sở đang phải thuê, mượn. Việc xây dựng mới trụ sở của Ngân hàng Chính sách xã hội ở Trung ương phải trên cơ sở Đề án được duyệt.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2007 cho Ngân hàng Chính sách xã hội cao hơn mức đã dự kiến ban đầu (25 tỷ đồng) để tập trung xây dựng trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội tại các tỉnh và huyện khó khăn, mới chia tách.
c) Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn xây dựng cơ bản các công trình theo kế hoạch, quản lý vốn chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.