BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5437/TM-AM | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6853/VPCP-KTTH ngày 11/12/2002, Bộ Thương mại xin báo cáo tình hình thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trên những nội dung chính sau:
I. CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH CHUNG:
Theo Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg ngày 12/03/2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ”, tại Mục II.8.b có nêu: “Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và phân ban Việt Nam trong Uỷ ban hỗn hợp về phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa và Hoa kỳ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức và chỉ đạo việc thực hiện Hiệp định.”
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2002/QĐ-TTg ngày 23/04/2002 về thành lập Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban hỗn hợp liên chính phủ Việt Nam-Hoa Kỳ do một thứ trưởng Bộ thương mại làm chủ tịch và một đồng chí cấp vụ của Văn phòng Chính phủ làm tổng thư ký.
Khoá họp lần thứ nhất của Uỷ ban hỗn hợp về phát triển quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa kỳ đã được tiến hành tại Hà Nội từ ngày 6 đến ngày 9/5/2002 nhằm kiểm điểm và thảo luận việc thực hiện Hiệp định Thương mại và các vấn đề khác trong quan hệ thương mại.
Với tư cách là Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Hoa Kỳ, Bộ Thương mại đã có công văn số 2407/TM-AM ngày 24/06/2002 đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về những việc đã triển khai, và những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Bộ Thương mại cùng nhiều Bộ, ngành, UBND đã có công văn báo cáo.
Ngày 24/10/2002, Phân ban Việt Nam đã họp sơ bộ để đánh giá lại gần 1 năm thực hiện Hiệp định đối với cả hai phía theo Hiệp định và theo Chương trình hành động của Chính phủ.
II. CÔNG TÁC THỰC THI CỦA BỘ THƯƠNG MẠI:
Từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, trong phạm vi hoạt động và quản lý của mình, Bộ Thương mại đã xúc tiến những công việc sau:
1. Phổ biến Hiệp định:
Các chuyên gia của Bộ Thương mại đã phối hợp với các Bộ, Ngành hữu quan tham gia phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp định cho nhiều cơ quan và đơn vị ở cấp Trung ương và địa phương cũng như giúp doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ nhũng thách thức và cơ hội mà Hiệp Định mang lại.
2. Rà soát luật:
Bộ Thương mại đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình rà soát các cam kết trong Hiệp định với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kinh tế thương mại nói chung và của ngành thương mại nói riêng.
Bộ đã biên soạn và tổng hợp biểu thuế nhập khẩu của Hoa kỳ, luật chống bán đấu giá, Luật cạnh tranh và chống độc quyền, và phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát hành CD-ROM cơ sở dữ liệu pháp luật quốc tế. Bộ đã báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về tối Huệ quốc, Đãi ngộ quốc gia và quyền tự vệ, và đang tiếp tục hoàn chỉnh vực sửa đổi, bổ sung luật Thương Mại.
3. Thực hiện các cam kết trong Hiệp định:
Bộ thương mại đã và đang triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thuộc phạm vi hoạt động và quản lý của Bộ, bao gồm: các quy định và thủ tục liên quan đến việc xuất nhập khẩu: các quy định liên quan đến việc lưu chuyển hàng hoá trong thị trường nội địa; các hạn chế định lượng và giấy phép đối với hàng xuất nhập khẩu; thực hiện cấp phép nhập khẩu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hoa Kỳ.
4. Rà soát các biện pháp mở cửa thị trường:
Bộ đang tiếp tục phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan tiến hành các biện pháp mở cửa thị trường và kiến nghị hướng xử lý các vấn đề như thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp , danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu có điều kiện, danh mục chuyên ngành, vấn đề thu chênh lệch giá, hệ thống định giá hải qua, thương mại nhà nước.
5. Các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Hoa Kỳ:
Bộ đã biên tập, in ấn các tài liệu liên quan đến công tác xúc tiến thương mại và phối hợp với các Bộ/ Ngành khác tổ chức các đoàn khảo sát thị trường Hoa Kỳ.
III. Công tác thực thi chung của các Bộ, ngành khác:
1. Công tác đào tạo, tập huấn, và xây dựng chương trình hành động thực hiện Hiệp định
Nằm trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và xúc tiến thương mại nói chung. Các Bộ/Ngành/UBND đều tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích, nghiên cứu Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và thị trường Hoa Kỳ. Công tác này được tiến hành thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, trung tâm xúc tiến Thương mại , phối hợp với các chuyên gia Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ..., những người đã tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định.
Các Bộ/ngành/UBND, trên cơ sở Chương trình hành động thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ của Chính phủ, và tuỳ theo điều kiện của địa phương/ngành mình, đã và đang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Hiệp định của riêng mình.
2. Xây dựng rà soát, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật:
Các Bộ/ Ngành/ UBND đã và đang tiến hành việc rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện các văn bản pháp quy trong lĩnh vực mình phụ trách và trong thẩm quyền ban hành của mình phù hợp với yêu cầu thực thi Hiệp định. Mảng công tác này do Bộ Tư Pháp chủ trì và Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo riêng.
3. Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch:
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch là một công tác quan trọng để tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà Hiệp định mang lại.
4. Về lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết trong Hiệp định và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Các Bộ/Ngành/UBND đã tiến hành nghiên cứu xác định các mặt hàng thế mạnh, thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Trên cơ sở đó tạo ra những bước tiến tốt đẹp trong việc thực hiện lộ trình mở cửa trên thị trường theo cam kết trong Hiệp định.
IV. Tiến triển trong quan hệ thương mại-Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ:
1. Quan hệ thương mại:
Sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết và đặc biệt là từ khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng khá khích lệ, phù hợp với tinh thần của Hiệp định và lợi ích của cả hai nước. Mặc dầu vậy, giá trị kim ngạch thương mại song phương còn ở mức thấp. Ngoài ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước cũng nảy sinh một số vấn đề thiếu công bằng, nổi bật là vụ kiện cá Da trơn.
Tổng kim ngạch thương mại song phương tron 10 tháng đầu năm 2002 đạt 2.201,4 triệu USD, tăng 82,2% so với 1.208,4 triệu USD của cùng kf năm 2001 (Nguồn: Vụ Kế hoạch-Thống kê. Bộ Thương mại).
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh, 10 tháng đầu năm 2002 đạt 1.834,1 triệu USD, tăng 104,4% so với 897,2 triệu USD của cùng kì năm 2001. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và mức tăng trưởng cao là: Dệt may,đạt 674,8 Triệu USD, tăng 1764,1%; hải sản, đạt 549,2 triệu USD, tăng 32,0%; giày dép các loại, đạt 156,5 Triệu USD, tăng 74,7%... (Nguồn: Vụ Kế hoạch-Thống kê. Bộ Thương mại).
2. Quan hệ đầu tư:
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính từ ngày 01/01/1988 đến ngày 10/10/2002, Hoa Kỳ xếp thứ 13/62 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có dự án được cấp giấy phép và tổng số vốn đầu tư là 1.677,5 triệu USD, thu hút 5.331 lao động trực tiếp. Số dự án còn hiệu lực là 147 dự án với tổng số vốn là 1.023 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2002, sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ có hiệu lực, Hoa Kỳ đã có 23 dự án mới với tổng số vốn khoảng 82 triệu USD.
V. Nhận xét, đánh giá quá trình thực hiện Hiệp định:
Có thể đưa ra một số nhận xét, đánh giá sau một năm thực hiện Hiệp định như sau:
- Hiệp định đã thúc đẩy đáng kể quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước. Với tiến trình này, Hoa kỳ sẽ có thể trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
- Nhận thức của đội ngũ cán bộ về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định Thương mại-Hoa Kỳ nói riêng ở mức ban đầu. Do vậy, đội ngũ này cần được bồi dưỡng nâng cao khả năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng những thông tin sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng Internet, để phân tích, tổng hợp, phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình.
- Để tăng cường tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, bản thân các doanh nghiệp phải tự vận động nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về thông tin thị trường-sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, hạ tầng công nghệ, thông tin...........
- Một số Bộ, ngành và các cơ quan quản lý địa phương nhận thấy Chương trình hành động thực thi Hiệp định cũng như kế hoạch phát triển, xúc tiến thương mại còn có quá trình chung. Do vậy các Bộ, ngành và địa phương phải có phương án, bước đi chi tiết, cụ thể.
VI. Những vướng mắc trong quá trình triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ:
Tuy Hoa Kỳ cam kết tự do hoá thương mại nhưng đã dựng nên các rào cản chống bán phá giá, tự vệ v.v...Việt Nam thể hiện thiện chí giành MFN cho hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ 2 năm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Song Hoa Kỳ lại không cho Việt Nam dùng tên chung catfish và sau đó lại kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá Tra và Basa; Không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam xin Visa vào Hoa Kỳ rất khó khăn. Lập văn phòng đại diện thủ tục rất phiền hà. Tổng công ty Vinatex lập văn phòng cho thời gian lưu trú 3 tháng.
Còn phía Việt Nam thì bị Hoa Kỳ kêu thực hiện TRips chậm chạp. Theo Hiệp định này thì cả hai bên đều có vi phạm, Hiện chưa tổng kết được. Việc phối hợp các Bộ, ngành chưa tốt. Ta thu hồi băng đĩa lậu tiêu huỷ không mời báo chí nước ngoài nêu tác dụng tuyên truyền ít.
VII. Phương hướng triển khai trong thời gian tới:
1. Tiếp tục thực hiện những nội dung cam kết theo lộ trình của năm thứ nhất( phụ lục 1)
2. Xây dựng chương trình triển khai thực hiện các cam kết của năm thứ 2 (phụ lục 2):
- áp dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.
- áp dụng hệ thống đăng ký bằng sáng chế.
- Bảo hộ quyền tác giả và các quyền có liên quan bao gồm tất cả các loại chương trình máy tính hoặc sưu tầm tư liệu.
- Bảo hộ bí mật khỏi các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
3. Tập hợp tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp khi vào thị trường Hoa Kỳ để có ý kiến với Đại diện Thương mại và Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Kính báo cáo Thủ tướng xem xét./.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
PHỤ LỤC1
LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CAM KẾT TRONG HIỆP ĐỊNH TRONG NĂM ĐẦU TIÊN
(10/12/2001-10/12/2002)
1. Thực hiện nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc đối với các lĩnh vực và vấn đề sau:
1.1 Thuế và phí đánh vào hoặc có liên quan đến hàng nhập khẩu-Bộ Tài chính chủ trì,phối hợp với các cơ quan hữu quan.
1.2. Phương thức thanh toán và việc chuyển tiền quốc tế các khoản thanh toán liên quan đến hàng nhập khẩu:Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
1.3. Các quy định và thủ tục liên quan đến việc xuất nhập khẩu- Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
1.4 Các quy định liên quan đến việc bán, chào bán hàng hoá trong thị trường nội địa, Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
1.5 Các hạn chế định lượng và giấy phép đối với hàng xuất nhập khẩu- Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
2. Thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia đối với các lĩnh vực và vấn đề sau:
2.1 Thuế và phí nội địa- Bộ Tài chính chủ trì. Phối hợp với các cơ quan hữu quan.
2.2 Các tiêu chuẩn vệ sinh và vệ sinh thực vật- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Thương mại cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp thực hiện.
2.3 Các quy định về kỹ thuật mang tính chất hạn chế thương mại -Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thương mại cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp thực hiện.
2.4 Các lĩnh vực dịch vụ phù hợp với các cam kết tại phụ lục G của Hiệp định- Các Bộ, cơ quan quản lý các lĩnh vực và ngành dịch vụ cơ quan liên quan chuyên ngành chủ trì thực hiện.
2.5 Thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý điều hành, vận hành, bán hoặc định đoạt bằng cách khác các khoản đầu tư của Hoa Kỳ phù hợp với các quy định của Hiệp định- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
2.6. Các loại giá và phí mới, giá và phí lắp đặt điện thoại, dịch vụ viễn thông, nước và cá dịch vụ du lịch:Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với uỷ ban Vật giá Nhà nước, Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Du lịch, và các cơ quan hữu quan.
3. áp dụng Công ước quốc tế về Hệ thống Mã hoá và mô tả hài hoà thuế quan trước ngày 10/12/2002- Tổng Cục Hải quan là cơ quan chủ trì , phối hợp với Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính.
4. Thực hiện cấp phép nhập khẩu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hoa Kỳ như qui định tại Điều 2 Khoản 7B của Hiệp định-Bộ thương mại chủ trì, Phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư.
5. Loại bỏ các hạn chế định lượng, hạn ngạch đối với việc xuất, nhập khẩu phù hợp với quy định tại phụ lục B của Hiệp định- Bộ thương mại chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành.
6. Xây dựng và áp dụng thủ tục đăng ký cấp phép phù hợp với các cam kết tại phụ lục G của Hiệp định, cụ thể là đối với việc:
6.1 Thành lập liên doanh kinh doanh dịch vụ du lịch và du lịch lữ hành với mức vốn góp của Hoa Kỳ tối đa 49%- Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tổng cục Du lịch phối hợp thực hiện.
6.2 Thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ quảng cáo với mức vốn góp của Hoa Kỳ không quá 49%; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ Văn hoá thông tin phối hợp thực hiện.
6.3 Thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ nghiên cứu tham dò thị trường với mức vốn góp của Hoa Kỳ không quá 49%- Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại.
6.4 Thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, với mức vốn góp của Hoa Kỳ không quá 49%- Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì.
7. Đăng tải và công khai hoá các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành theo quy định tại chương V của Hiệp định-Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
Phụ lục 2
Lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định trong năm thứ hai
(10/12/2002-10/12/2003)
1. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá theo qui định của Hiệp định- Bộ Khoa học công nghệ môi trường( cục sở Hữu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
2. Bảo hộ sáng chế theo qui định của Hiệp định- Bộ Khoa học công nghệ môi trường( cục sở Hữu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
3. Bảo hộ quyền tác giả và các quyền có liên quan theo qui định của Hiệp định-Bộ Văn hoá thông tin( cục bản quyền) chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
4. Bảo hộ bí mật thương mại theo qui định của Hiệp định- Bộ Văn hoá thông tin (cục bản quyền) và bộ khoa học công nghệ môi trường (cục sở Hữu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.