UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 5347/KH-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 9 năm 2004
|
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 30 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
(30 tháng 4 năm 1975 - 30 tháng 4 năm 2005)
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TU ngày 02 tháng 6 năm 2004 của Ban Thường vụ Thành ủy về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975 - 30 tháng 4 năm 2005) và kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ tại Văn bản số 17-KL/TU ngày 01 tháng 9 năm 2004; Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm tại thành phố Hồ Chí Minh, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân, nhất là thanh - thiếu niên thành phố về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975; bày tỏ lòng trân trọng về sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước đã góp phần làm nên thắng lợi chung, giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời nêu bật những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng và mở rộng quan hệ đối ngoại trong gần 20 năm đổi mới và 30 năm xây dựng và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 7, tạo thành một cuộc vận động sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo khí thế phấn khởi, tự hào, ra sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
3. Các hoạt động Lễ hội, Lễ kỷ niệm phải được tổ chức trọng thể, tương xứng với tầm vóc chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử; đồng thời bảo đảm tính thiết thực, tiết kiệm, an toàn và thực sự là ngày hội của toàn dân.
II- NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Công tác tuyên truyền giáo dục:
1.1- Giáo dục truyền thống Cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; giáo dục ý nghĩa thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có thành phố Sài Gòn - đã đi vào lịch sử, là nơi kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tuyên truyền sâu rộng thành quả xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua trên tất cả các lĩnh vực; phản ánh kịp thời các hoạt động thi đua trong lao động sản xuất, học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khắc hoạ hình ảnh tương lai của thành phố Hồ Chí Minh vững bước đi trong thế kỷ XXI, khơi dậy niềm tự hào và động viên các tầng lớp nhân dân thành phố phấn đấu vì một thành phố kỷ cương, năng động, kiên cường, nhân ái, nghĩa tình, văn minh và phát triển.
1.2- Động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, quyết tâm xây dựng xã hội học tập, học để kiến thiết đất nước; vững tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; bình đẳng trong các mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển, xây dựng uy tín và vị thế của thành phố, của Việt Nam trên trường quốc tế và luôn thể hiện Việt Nam là bạn với các nước.
1.3- Phát động cuộc thi tìm hiểu về ý nghĩa, truyền thống của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và của chiến thắng lịch sự 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiến hành sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước giầu mạnh, độc lập, tự do theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
1.4- Mở Website chuyên đề, xây dựng các chuyên mục trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Báo Sài Gòn Giải phóng và các cơ quan báo chí thành phố về chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975; phát động các cuộc thi sáng tác biểu tượng và tranh cổ động chủ đề ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tuyển chọn những tác phẩm hay xuất sắc, tập hợp thành tài liệu quảng bá, tuyên truyền trong nước và quốc tế.
1.5- Tổ chức thi, chọn và công bố biểu tượng, biểu trưng văn hoá của thành phố Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và nghiên cứu bổ sung cách thể hiện Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh.
2. Phát động các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng thành phố "Kỷ cương, năng động, văn minh, hiện đại và phát triển" trong các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thành phố từ nay đến ngày 30 tháng 4 năm 2005:
2.1- Tổ chức tổng kết ngay từ cơ sở các phong trào thi đua Xã hội Chủ nghĩa, các cuộc vận động lớn của thành phố đã được thực hiện trong những năm qua; tổ chức bình chọn và tuyên dương những điển hình tiêu biểu trên từng lĩnh vực; qua đó nêu bật vai trò và sức mạnh của nhân dân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào thi đua cho những năm tới.
2.2- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Đoàn thể, các sở - ngành thành phố, các cơ quan, địa phương và từng đơn vị phấn đấu thực hiện có kết quả các chương trình và cuộc vận động lớn sau đây:
2.2.1- Đẩy mạnh cuộc vận động phong trào Toàn dân uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các nhà tình nghĩa đã được trao tặng, chăm sóc và giúp đỡ các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình có công Cách mạng.
2.2.2- Tổ chức thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo theo tiêu chí của thành phố. Chăm lo và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách; thực hiện tôn hoá, ngói hoá ở ngoại thành, xoá dần nhà lụp xụp ở nội thành.
2.2.3- Đẩy mạnh cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá theo Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII, tiến tới tổ chức tổng kết 10 năm công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở để đánh giá thực trạng tình hình, từ đó đề ra phương hướng phát triển.
2.2.4- Kết hợp đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu 03 giảm với các chương trình, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 7.
2.3- Tổ chức những hoạt động thu hút các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài tham gia xây dựng thành phố. Về văn hoá đối ngoại, tổ chức những đoàn nghệ thuận đi gia lưu, biểu diễn phục vụ để đền ơn đáp nghĩa những nước đã ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện lòng chung thuỷ, trọng nghĩa tình của nhân dân Việt Nam và của thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh với các nước.
2.5- Thành phố kiến nghị Trung ương xét tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng trong 02 thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
3. Khởi công xây dựng và khánh thành các công trình có ý nghĩa về văn hoá và xã hội vào dịp 30 tháng 4 năm 2005:
3.1- Các công trình có ý nghĩa về văn hoá:
3.1.1- Khởi công xây dựng các công trình: Bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công, biệt động trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc; Bia tưởng niệm liệt sĩ tại Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn; Nhà Văn hoá Thanh niên thành phố; tổ chức nghiên cứu xây dựng Tượng đài Thích Quảng Đức.
3.1.2- Duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các công trình và khu di tích lịch sử: Bảo tàng Lịch sử; Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Đền Bến Dược, Củ Chi; Chiến khu Rừng Sác.
3.1.3- Khánh thành các công trình: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Tượng đài tưởng niệm 32 dân công hy sinh năm 1968 tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh; Bia tưởng niệm liệt sĩ 44 phường - xã đã được tuyên dương Anh hùng; Biểu trưng văn hoá ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
3.2- Các công trình có ý nghĩa về xã hội:
3.2.1- Đẩy mạnh phong trào toàn dân uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; chăm lo, xây mới, nâng cấp, sửa chữa tất cả các căn nhà tình nghĩa đã được trao tặng; tham gia đóng góp vào sự phát triển của một số địa phương, đặc biệt quê hương Bác Hồ (Nghệ An) và Khu di tích Lịch sử Pắc Bó (Cao Bằng).
3.2.2- Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có kế hoạch xây dựng và lựa chọn các công trình phù hợp, góp phần tạo nên nhiều công trình thiết thực phục vụ nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
3.2.2- Các ngành chức năng thành phố tổ chức rà soát, xác minh làm rõ và tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong công tác chính sách trên địa bàn (thương binh, liệt sĩ, người có công với Cách mạng, v.v...).
3.2.4- Khởi công xây dựng một số công trình giao thông quan trọng như hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Đông Tây, cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Văn Cừ, đường Trường Chinh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Thực hiện Chương trình xoá nhà tranh tre, nứa lá ở các huyện, xoá dần nhà lụp xụp ở các quận; tập trung xây dựng chung cư giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên.
4. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sáng tác, tổng kết:
4.1- Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học mang tính tổng kết thực tiễn (kể cả những phát hiện khoa học mới) về những vấn đề liên quan đến Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, những vấn đề liên quan đến công cuộc xây dựng thành phố trong 30 năm qua và những vấn đề về sự phát triển của thành phố trong tương lai.
4.2- Phát động nghiên cứu sáng tác kịch bản các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, các công trình sáng tạo khoa học - kỹ thuật.
4.3- Tuyển chọn và trao giải thưởng, tổ chức in ấn, phát hành đối với các tác phẩm tiêu biểu thuộc các loại hình văn học, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, sân khấu, điện ảnh.
4.4- In ấn, phát hành rộng rãi các sách, bài viết về thành tựu của thành phố trên tất cả các lĩnh vực trong 30 năm qua và hướng phát triển của thành phố trong tương lai.
5. Tổ chức hội chợ, triển lãm về kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, trưng bày, hội thi, liên hoan, hội diễn văn hoá - nghệ thuật, thi đấu thể thao:
5.1- Tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm hàng hoá thương hiệu Việt Nam chất lượng cao; tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề, chuyên ngành, liên ngành hoặc có tính tổng hợp về những thành tựu của thành phố, của ngành giới, địa phương trong 30 năm qua và về những định hướng, dự án, công trình phát triển trong tương lai.
5.2- Tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn hoá - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật như: Hội diễn văn nghệ quần chúng; Liên hoan văn hoá - văn nghệ dân gian; Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc; Liên hoan hợp xướng Thiếu nhi quốc tế; Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn thành; Liên hoan các đội thông tin lưu động, thông tin cơ sở; Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật.
5.3- Tổ chức các cuộc hội thao, hội khoẻ, các chương trình thi đấu thể thao thành tích cao; tổ chức chương trình đi bộ tuần hành với quy mô 30.000 người vào sáng ngày 10 tháng 5 năm 2005; đua xe đạp toàn quốc Cúp truyền hình do Đài Truyền hình thành phố tổ chức, chặng cuối về đến Dinh Thống Nhất.
6. Hoạt động mít tinh, lễ hội:
6.1- Phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức mít tinh trọng thể, có diễu binh, diễu hành của các lực lượng võ trang và nhân dân thành phố, quy mô 30.000 người, dự kiến thời gian tổ chức vò 07 giờ 00 ngày 30 tháng 4 năm 2005, tại Dinh Thống Nhất, Công viên 30/4, đường Đồng Khởi; khách mời: Lãnh đạo Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách quốc tế, các nhân vật lịch sử, Việt Kiều... có liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
6.2 - Tổ chức các hoạt động lễ hội quy mô lớn, tại khu vực trung tâm thành phố và các quận - huyện, với sự tham gia của đông đảo nhân dân như: Lễ hội đường phố (có diễu hành xe hoa, vũ hội quần chúng...), bắn pháo hoa, tổ chức chương trình nghệ thuật hoành tráng, hội chợ - triển lãm, hội sách, Festival văn hoá du lịch... mời một số đoàn nghệ thuật và thể thao quốc tế tham gia lễ hội và các hoạt động mang tính văn hoá - thể thao.
6.3- Tổ chức Lễ tuyên dương các phong trào hành động Cách mạng, thi đua yêu nước, mô hình điển hình của các đơn vị, tập thể và cá nhân tiêu biểu; tổ chức họp mặt các cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, cựu chiến binh, đại diện các quân chủng, binh chủng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; tổ chức họp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ từ cơ sở đến thành phố nhằm tuyên dương những tấm gương tiêu biểu, giữ vững truyền thống Cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống, gương mẫu chấp hành pháp luật, tham gia tích cực vào sư nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố, đất nước.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Lễ kỷ niệm 30 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cấp thành phố, do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố phụ trách văn xã làm Phó Trưởng ban Thường trực; Trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hoá Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin và mời đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7 làm Phó Trưởng ban và Lãnh đạo các sở - ngành, quận - huyện có liên quan làm thành viên.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 02 tháng 6 năm 2004 của Ban Thường vụ Thành uỷ, Kế hoạch này và đặc điểm tình hình của địa phương để thành lập Ban Chỉ đạo với nhiệm vụ và thành phần phù hợp.
3. Ban Chỉ đạo thành phố thành lập 08 Tiểu ban: Tuyên truyền giáo dục; tổ chức các hoạt động phong trào; tổ chức xây dựng các công trình; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sáng tác thuộc lĩnh vực văn hoá - thể thao; tổ chức các hoạt động triển lãm, hội thi, hội diễn, thi đấu; tổ chức các hoạt động mít tinh, lễ hội; tổ chức các hoạt động lễ tân và đối ngoại; an ninh và tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo.
Các Tiểu ban căn cứ phạm vi, nội dung được phân công và căn cứ Kế hoạch này soạn thảo chương trình hoạt động cụ thể, lập dự toán tài chính (phần kinh phí Nhà nước cấp và phần huy động nguồn lực xã hội) trình Ban Chỉ đạo xem xét và phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 năm 2004).
Cao điểm tổ chức các hoạt động Lễ hội văn hoá - lịch sử - thể thao - du lịch kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 đến 01 tháng 5 năm 2005.
4. Ban chỉ đạo Lễ thành phố cần chuẩn bị danh sách khách mời quốc tế, trong nước dự lễ kỷ niệm 30 tháng 4 năm 2005 và nội dung hoạt động cụ thể để trình Ban Thường vụ Thành uỷ quyết định và xin ý kiến Trung ương.
5. Căn cứ Kế hoạch này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Đoàn thể thành phố, các sở - ngành thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện và các Tiểu ban trực thuộc Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; báo cáo kế hoạch hoạt động tổng thể và kết quả hoạt động định kỳ vào cuối mỗi tháng cho Sở Văn hoá và Thông tin và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố. Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo nhanh cho Thường trực Thành uỷ, Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo thành phố./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.