BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5125/TM-AM | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2002 |
Kính gửi: Uỷ ban kinh tế và ngân sách quốc hội
Trả lời công văn số 94/UBKTNS của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và LB Nga, Bộ Thương mại xin có báo cáo như sau:
I/ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC THOẢ THUẬN:
1) Trong lĩnh vực thương mại:
Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều 10 tháng năm 2002 đạt 577,45 triệu USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm ngoài, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam 155,65 triệu USD, nhập khẩu 421,80 triệu USD. Kim ngạch 10 tháng qua tăng chủ yếu là do tăng nhập khẩu.
Mặc dù phía ta đã có nhiều cố gắng để tăng cường xuất khẩu sang Nga nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do khả năng thanh toán của các doanh nghiệp Nga yếu và do các yếu tố thị trường khác.
Trong khi đó, do giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Nga trong năm 2002 có chiều hướng tăng như sắt thép các loại (kể cả phôi thép) trên 1 triệu tấn, phân urea xấp xỉ 400 ngàn tấn. Tuy nhiên phần lớn lượng sắt thép và phân bón của Nga đều được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua các nước thứ 3 như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Nhật vì các công ty của họ thường đã có cổ phần trực tiếp hoặc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với các nhà máy của Nga. Nhập khẩu thép từ Nga vào Việt Nam tăng còn có nguyên nhân do thuế nhập khẩu sắt thép vào Mỹ và EU cao nên khách hàng chuyển hướng xuất khẩu một phần sang thị trường Việt Nam.
Tuy vậy một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Việt Nam, đã có những cố gắng đáng kể trong việc tiếp cận thị trường: Họ đã phối hợp với Thương vụ tổ chức được kênh tiêu thụ và đưa một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dần dần chiếm ưu thế trên thị trường; Một số doanh nghiệp của ta đã tổ chức được mạng lưới bán buôn cũng như đóng gói hàng mang thương hiệu của mình cung cấp cho các siêu thị lớn của Bạn.
Kết quả là, từ chỗ xuất khẩu chỉ vài chục ngàn tấn/năm trong các năm 1996-1997, thì nay gạo của ta đã đẩy lùi được các đối thủ lớn như Trung quốc, ấn độ, và vươn lên vị trí số 1 tại thị trường Nga; Mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam và do các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga sản xuất nay đã chiếm ưu thế trên thị trường, đẩy lùi các đối thủ như Trung Quốc, Hàn quốc, Thái lan.
Ngược lại mặt hàng cao su do giá thế giới cao mà doanh nghiệp Nga chưa chấp nhận được, mặt khác do một số doanh nghiệp ta tranh bán tại Nga để thu hồi vốn nhanh và do tồn đọng một số nợ khó đòi tại Nga nên các doanh nghiệp Việt Nam không giám giao tiếp. Thịt đông lạnh, mặc dù ta đã từng xuất khẩu vào Nga 20.000 tấn/năm nhữưng năm 2002, do giá thu mua trong nước cao, Nhà nước không thể bù lỗ trên 900 đ/USD, nên khách hàng Nga đã quay sang nhập từ thị trường khác có sức cạnh tranh hơn.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Nga 10 tháng năm 2002:
Tên mặt hàng | Số lượng (1000 tấn) | Tổng giá trị (triệu USD) |
Gạo | 171,40 | 32,26 |
Cao su | 4,44 | 3,23 |
Chè | 3,30 | 3,15 |
Rau quả |
| 7,45 |
Dầu thực vật | 18,81 | 7,79 |
Mỳ ăn liền |
| 14,09 |
Hạt tiêu | 3,43 |
|
Thủ công mỹ nghệ |
| 1,45 |
Sản phẩm nhựa |
| 5,44 |
Hàng dệt may |
| 45,32 |
Giày dép |
| 9,35 |
Một số mặt hàng nhập khẩu chính từ Nga 10 tháng năm 2002
Tên mặt hàng | Số lượng (1.000 tấn) | Tổng giá trị (triệu USD) |
Sắt thép | 1154 | 248,17 |
Phân bón | 327 | 33,77 |
Xăng dầu | 99 | 23,49 |
Máy thiết bị |
| 44,36 |
Ô tô | 2151 chiếc | 38,76 |
Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2002 sẽ đạt xấp xỉ 700 triệu USD, tăng 22% so với năm 2001 trong đó nhập khẩu từ Nga đạt 500 triệu USD, tăng 32% và xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD, bằng mức năm ngoái.
Về Trung tâm thương mại Việt Nam tại Matxcơva:
Sau cuộc gặp hai đồng chủ tịch của Uỷ ban Liên Chính phủ tháng 7 năm 2002 phía Việt Nam đã có công hàm cho phía Nga về nội dung hoạt động của Trung tâm, ngoài ra ta cũng nhắc nhở bạn nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc khác, nhưng cho đến nay Bạn vẫn chưa cấp đất cho ta. Bạn cho rằng giải trình của phía Việt Nam về ý tưởng thành lập và mục đích sử dụng Trung tâm thương mại tại Matxcơva còn rất chung chung, bạn muốn nêu cụ thể cả vấn đề sơ đồ thiết kế, kiến trúc, dự kiến vốn xây dựng công trình... để trên cơ sở đó bạn sẽ làm việc với chính quyền thành phố Matxcơva xem xét giải quyết. Thực chất là phía Nga muốn trì hoãn xử lý vấn đề này mà không muốn ta gắn việc này với quy chế sử dụng Trung tâm kỹ thuật đa ngành của Nga tại Hà Nội vì trong khi chưa biết được cấp bao nhiêu đất, kích thước ra sao thì phía ta không thể làm thiết kế kiến trúc và dự kiến vốn xây dựng được.
2. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng:
Việc trả nợ:
Theo hiệp định xử lý nợ 13/9/2000 ta đã chuyển cho Nga 4 kỳ hạn trả nợ thuộc năm 2001 - 2002 với 266,4 triệu USD, trong đó 26,4 triệu (10%) trả bằng tiền, 244 triệu (90%) vào tài khoản của Nga tại VietcomBank để thanh toán hàng xuất khẩu trả nợ do doanh nghiệp Việt Nam giao, trích 9,9 triệu USD sang tài khoản "Viện trợ cho đào tạo".
Phần giao hàng trả nợ:
Đến nay đã ký hợp -đồng để trả nợ 120,25 triệu USD, trong đó đến nay đã thực hiện được 115,2 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tháng 12/2002.
Sử dụng tiền lãi nợ cho đào tạo:
Mặc dù đào tạo học viên Việt Nam tại LB Nga bằng nguồn chuyển đổi nợ thành viện trợ đã được ký kết ngày 9/7/2002, nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa cử học viên sang Nga vì hai bên chưa thống nhất được cách thức hạch toán khoản này. VietcomBank đã chủ động soạn thảo Thoả ước bổ xung về vấn đề này gửi cho Vnesheconombank, nhưng Bộ Tài chính Nga chưa phê duyệt do đó đến nay chưa ký được, và vì thế chưa thể tiếp nhận sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga ngay trong năm học 2002/2003 như hai Đồng Chủ tịch đã thoả thuận.
Vấn đề chuyển đổi nợ:
Thực hiện Nghị quyết Khoá họp 8 Uỷ ban Liên Chính phủ, trong tháng 7-8/2002 vừa qua, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính LB Nga đã tiến hành giao dịch chuyển đổi nợ. Kết quả sau chuyển đổi nợ, số nợ gốc đối với LB Nga theo hiệp định xử lý nợ ngày 13/9/2000 đã giảm 500 triệu USD.
Hạn mức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu:
Ngày 3/7/2002 ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã ký với ngân hàng quốc tế Maxcơva hiệp định khung về hạn mức tín dụng, theo đó phía Việt Nam đã cấp cho bạn 20 triệu USD để ngân hàng bạn cấp tín dụng cho các doanh nghiệp Nga khi mua hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do ngân hàng Nga vẫn đặt ra các điều kiện khắt khe trong việc vay tín dụng đó như các tín dụng khác trong nước, vì vậy cho đến nay số tiền đó vẫn chưa được doanh nghiệp sử dụng.
Quan hệ thanh toán:
Do tính đặc thù của thị trường Nga, cho đến nay tỷ lệ thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng còn rất ít. Trong 9 tháng đầu năm 2002 ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã thanh toán 110 triệu USD hàng nhập khẩu từ Nga (chiếm 30%) và 3,5 triệu hàng xuất khẩu (chiếm 2,5% kim ngạch XK).
Thanh toán theo thông lệ quốc tế về phía các ngân hành thương mại Việt Nam không có vấn đề gì. Về phía Nga, cơ chế thanh toán còn nhiều khó khăn phức tạp: Các doanh nghiệp Nga thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu mở L/C cho người thụ hưởng ở nước thứ 3; đối với hàng xuất khẩu vào Nga, ngân hàng Nga yêu cầu các doanh nghiệp Nga ký quỹ và trả phí thông báo cáo L/C ở mức rất cao.
Về quan hệ đại lý:
Các ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam tiếp tục mở rộng mạng lưới
đại lý tại các ngân hàng thương mại của Nga: VietcomBank có 24 ngân hàng đại lý, ngân hàng Công thương - 5, ngân hàng Đầu tư và Phát triển-4, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn-9 (chủ yếu là chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tại Nga).
3. Về hợp tác khoa học - kỹ thuật:
Hai bên tiếp tục triển khai 9 dự án chuyển giao kết quả nghiên cứu vào Việt Nam và sản xuất thử tại Việt Nam các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, vật liệu composit cácbon sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình, chữa bỏng, lắp đặt các thiết bị laser, y tế tán sỏi thận, phẫu thuật bằng plasma.
Đối với hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá và đo lường và hiệp định về công nhận lẫn nhau các kết quả chứng nhận và thử nghiệm ký tháng 3 năm 2001, đến nay phía Việt Nam chỉ mới trao cho bạn danh mục các hàng hoá (trước mặt 5 mặt hàng), nhưng chưa có hồi âm của phía Nga. Nói chung các hiệp định này còn triển khai chậm, một mặt do đây là vấn đề mới chưa thực thi với bất cứ nước nào.
Trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, trong dịp Thủ tướng Nga thăm Việt Nam tháng 3 năm 2002 hai bên đã ký hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Phía Việt Nam đề nghị Bộ Năng lượng nguyên tử LB Nga hợp tác với Bộ Công nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy nguyên tử tại Việt Nam. Phía Việt Nam đã tổ chức hội thảo về đảm bảo an toàn về vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và cử cán bộ sang Nga để thoả thuận cụ thể về danh mục thiết bị cần thiết cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Đối với hạng mục V.6.11 và V.6.12 của biên bản khoá 9 UB liên Chính phủ về nhập dây chuyền sản xuất tấm lợp phibrôximăng có chứa amphibon, ta đã thông báo cho bạn nội dung Nghị định số 115/2001/QĐ-TTg ngày 1/8/2001 về việc Việt Nam không cho phép sản xuất tấm lợp có chứa amphibon.
4. Lĩnh vực dầu khí:
Về Vietsovpetro:
Kế hoạch năm 2002 của xí nghiệp liên doanh: khai thác 13,1 triệu tấn, đưa vào bờ 2 tỷ m3 khí, nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam 1,3968 tỷ USD, lợi nhuận phía Nga được hưởng 306,7 triệu USD, để lại cho xí nghiệp liên doanh 457,268 triệu USD.
Đến nay đã khai thác 12,5 triệu tấn dầu (94,6% kế hoạch) đưa 1,93 tỷ m3 vào bờ (96,6%). Dự kiến năm 2002 sẽ khai thác được 13,465 triệu tấn dầu.
Lô 09-3-liên doanh 3 bên. Các bên quyết định vào tháng 9/2003 sẽ tiến hành khoan giếng thăm dò đầu tiên.
Lô - 112 - giữa Petro Việt Nam và Gasprom: sẽ khoan giếng thăm dò đầu tiên vào quý II/2003.
Đề án Đại hùng (lô 05-1a) - giữa Petro Việt Nam và Zarubezhneft trong năm nay đã khoan 2 giếng thăm dò 10X và 11X, năm 2003 sẽ khoan 1 giếng mới để xác định trữ lượng mỏ...
Điều chỉnh thuế suất xí nghiệp lao động dầu khí Vietsovpetro:
Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao gửi công hàm đề nghị phía Nga sang đàm phán vòng tiếp về việc điều chỉnh thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp của xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và Bộ Tài chính chủ trì phương án đàm phán. Tuy nhiên cho đến nay, phía Nga vẫn chưa có phản hồi.
Liên doanh "VietRoss"
Trong các ngày 23-24/10/2002 tại Hà Nội theo uỷ quyền của phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Khoan và Phó chủ tịch Chính phủ Nga Kristenko V.B Tổng công tác gồm các chuyên gia của các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Nga đã tiến hành thảo luận kỹ thuật với mục đích đưa ra các quyết định có thể chấp nhận được về vấn đề xây dựng nhà máy lọc dầu VietRoss và trình Chính phủ hai nước quyết định. Tổng công ty dầu khí đề nghị Chính phủ hai nước xem xét giải quyết dứt điểm trong thời gian gần nhất.
Hiện nay phía Nga đang xem xét kiến nghị của phía Việt Nam trong công hàm của Thủ tướng Phan Văn Khải gửi chủ tịch Chính phủ LB Nga Kaxianov. Theo báo cáo của Thương vụ ta tại Maxcơva thì Phó chủ tịch Chính phủ LB Nga, Chủ tịch phân ban Nga của Uỷ ban sẽ chủ trì cuộc họp với các cơ quan hữu quan của bạn và sẽ chính thức trả lời công hàm của Thủ tướng Phan Văn Khải tại khoá họp Uỷ ban. Tuy nhiên bạn tỏ ý phàn nàn vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng của ta đưa tin ồ ạt về việc Nga rút khỏi liên doanh VietRoss, trong khi phía Nga chưa có phản ứng chính thức về vấn đề này;
5. Trong lĩnh vực năng lượng:
a) Về Điện:
Công trình thuỷ điện Pleykrong và Sesan 3:
Theo Hiệp định ký ngày 27/3/2002, Chính phủ Nga đã cấp cho Chính phủ Việt Nam tín dụng 100 triệu USD cho Dự án Pleykrong và Sesan 3. Tuy nhiên đến cuối tháng 10/2002, phía Nga đã chỉ định công ty "Energomashexport - Silovưe Mashinư" (EME-PM) cung cấp thiết bị và dịch vụ cho 2 dự án đó. Bạn đã cử ông Phó Tổng Giám đốc của EME-PM sang Việt Nam làm việc với EVN và Tổng Công ty Sông Đà.
Hiện nay Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với Tổng Công ty xây dựng Sông Đà soạn thảo hồ sơ mời thầu để có thể đàm phán hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ với Cty EME-PM.
Nhiệt điện Na dương và nhiệt điện Cẩm phả:
Liên đoàn "Technopromexport" đã tham gia đấu thầu gói thầu 3 xây dựng nhà máy nhiệt điện na dương
Tổng công ty Than Việt Nam cũng đã ký với Technopromexport thoả thuận để Liên đoàn này được đề xuất phương án hợp tác xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm phả, kể cả việc thu xếp vốn dài hạn cho Tcty Than.
Tuỷ điện Sơn La:
Sau khi có ý kiến của Quốc hội, EVN đang phối hợp với các tổ chức của Nga nghiên cứu các hình thức hợp tác thích hợp, trước mắt là việc lập báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật cho công trình này để trình Chính phủ.
b/ Về than:
Một số trường hợp đồng cung cấp thiết bị và nghiên cứu ứng dụng được ký kết và triển khai như: Hợp đồng cung cấp phụ tùng máy khoan xoay cầu SBSA-250, phụ tùng máy xúc EKG-4, 6 và EKG-5A, thiết bị đường sắt; Hợp đồng nghiên cứu và soạn thảo : Quy trình ổn định bờ mỏ", Hợp đồng nghiên cứu khả năng áp dụng công nghệ nổ mìn tại lỗ khoan khô và lỗ khoan ngập nước bằng cách sử dụng các ống ni lon.
Cuộc họp Nhóm công tác về hợp tác trong ngành than đã được tiến hành trong tháng 6/2002 tại Matxcơva. Cuộc họp đã nêu các hướng hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc nghiên cứu thành lập Xí nghiệp Liên doanh khai thác than tại Việt Nam, phía Nga đặt vấn đề tham gia đầu tư để phát triển công nghiệp than của Việt Nam.
6) Trong lĩnh vực thép;
Ngày 19/4/202 Tcty thép Việt Nam đã ký hợp đồng với Viện các vấn đề quản lý Trapenzikov về việc Nga giúp Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khai thác và xử lý (tạo cục và thiêu kết) quặng mỏ Thạch khê Hà tĩnh. Giá trị hợp đồng 750.000 USD. Hợp đồng sẽ được thực hiện trong vòng 16 tháng kể từ khi phía Nga nhận được tiền tạm ứng nêu trong hợp đồng vào tháng 9/2002.
7) Trong lĩnh vực hoá chất - dược phẩm:
a/ Hoá chất:
Hai bên đã tiến hành các bước khảo sát, nghiên cứu để xây dựng kế hoạch hợp tác liên quan đến tổ hợp Apatit Lào cai.
Thực hiện tốt việc hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vật liệu bôi trơn và chất hoạt động bề mặt, sản xuất lốp ô tô.
Tcty Hoá chất Việt Nam đang đề nghị phía Nga tham gia hợp tác trong dự án sản xuất phân DAP (Viện phân bón và bảo vệ thực vật Nga); Dự án MgO (Liên đoàn Techmashimport); sản xuất phân đạm từ than, lốp ô tô cỡ lớn, sản xuất phốt pho vàng, sản xuất axit phốtphoric, sô đa, xây dựng bồn chứa dầu, sản xuất chất nổ công nghiệp.
Theo đường hợp tác khoa học công nghệ: sản xuất tuyển quặng apatit, sản xuất xăng sạch.
b) Dược phẩm:
Hai bên trao đổi các đoàn công tác (2 đoàn về công nghiệp được Nga sang Việt Nam, đoàn Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam sang Nga).
Tcty Dược đã lập Văn phòng Đại diện tại Nga. Một số doanh nghiệp dược của Nga đang tiến hành các thủ tục để đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Về cuộc họp của Tổ công tác về hợp tác trong lĩnh vực hoá chất - dược phẩm: Do hai bên không thống nhất được thời gian cụ thể nên cuộc họp đã lùi đi lùi lại nhiều lần, gần đây Bộ Công nghiệp đã có thư đề xuất tổ chức kỳ họp lần thớ nhất tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2002 nhưng phía Nga chưa trả lời.
8)-Trong lĩnh vực hợp tác lao động:
Về cơ bản cho đến nay hai Bên đã thống nhất nội dung bản dự thảo Hiệp định và Nghị định thư liên quan đéen lao động Việt Nam theo Hiệp định hợp tác lao động năm 1981 đang có mặt tại nga. Phía Nga không thể hiện rõ quan điểm về việc ký Hiệp định này. Tuy nhiên theo nhận định của Thương vụ ta tại Matxcơva là trong điều kiện phía Nga bắt đầu triển khai thực hiện Luật về vị trí pháp lý củ công dân nước ngoài tại Nga có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2002 thì triển vọng ký được Hiệp định này là rất mong manh.
9) Trong lĩnh vực giao thông vận tải:
Mặc dù phía Bộ Giao thông vận tải Nga) đưa ra đề nghị xây dựng dự án hiện đại hoá tổ hợp vận tải của Việt Nam và phía Việt Nam thể hiện sẵn sàng hợp tác với Nga trong dự án này, nhưng đến nay không thấy phía Nga nêu các đề xuất tiếp theo.
Phía Nga đề nghị xem xét khả năng miễn trừ lệ phí cảng hoặc ưu đãi cho các tàu của Nga vào cảng Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đề nghị vẫn tiếp tục thực hiện theo tinh thần Hiệp định Hàng hải ký ngaỳ 27/5/1993.
10) Lĩnh vực bưu chính viễn thông:
Sau khi Tcty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam gửi chào thầu, Công ty Roxo-boronexport của Nga đã gửi thư nêu nguyện vọng tham gia thầu dự án Vinasat.
Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam tiếp tục đàm phán với phía Nga để đề nghị phía Nga thanh toán các khoản cước quốc tế còn nợ đọng.
11) Lĩnh vực xây dựng:
Hợp tác của Bộ xây dựng với phía đối tác Nga đang được khôi phục lại, mặc dù mức độ còn khiêm tốn.
Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) đang triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất gạch ceramic và granite tại khu vực ngoại ô Matxcơva công xuất mỗi nhà máy 2-3 triệu m2/năm; Nhà máy sản xuất gạch đỏ tại Sokino - Tuda.
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) hợp tác với các đối tác Nga: thực hiện gói thầu 2 (khu bể chứa dầu thô) và gói thầu 3 (khu bể chứa thành phẩm) cho nhà máy lọc dầu Dung quất; tham gia dự án nhà máy thuỷ điện Cần đơn và tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho dự án nhà máy điện Uông bí (với Technopromexport).
12) Trong lĩnh vực Nông nghiệp:
Tháng 2/2002 Tổng công tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã họp tại Matxcơva.
Về hợp tác đầu tư, Tổng công ty Rau quả đang triển khai thành lập Công ty liên doanh với Công ty agroressursy-M về chế biến nước quả tại tỉnh Krasnodar trên cơ sở dùng nguyên liệu tại chỗ và bán thành phẩm giao từ Việt Nam, Liên doanh với Cty Baltimor St.Peterburg để chế biến bán thành phẩm (dưa chuột) tại Việt Nam để tiêu thụ tại Nga.
Việc thú y Việt Nam muốn cử đoàn sang Nga để khảo sát và bàn về hợp tác sản xuất văcxin phòng bệnh gia súc nhưng phía Nga chưa sẵn sàng.
13) Trong lĩnh vực Thuỷ sản:
Trong năm 2002 nhiều Công ty đánh cá của Nga đã liên hệ với các đối tác Việt Nam để nghiên cứu, hợp tác đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam; Dự kiến sẽ được bàn trong kỳ họp 4 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác nghề cá Việt-Nga (quý I/2003). Bộ Thuỷ sản đề nghị đưa vấn đề hợp tác thuỷ sản vào chương trình nghị sự của kỳ họp Liên Chính phủ.
14) Trong lĩnh vực y tế:
Sau khi Hiệp định hợp tcs y tế hai nước được ký kết (tháng 3/2002), hai Bên đã cử nhiều đoàn sang làm việc khảo sát thị trường, bàn kế hoạch hợp tác về dược và sản xuất văcxin, y học cổ truyền và đào tạo cán bộ như báo cáo ở trên. Hiện nay hai Bên đang chuẩn bị họp Tổ công tác hoá - dược.
Các doanh nghiệp dược của Việt Nam cũng đang đẩy maịnh hoạt động tại Nga. Các mặt hàng đông dược được ta tiếp tục xuất khẩu sang Nga như cỏ ngọt, tảo Spirula... các doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục đăng ký 20 mặt hàng mới tại Bộ Y tế Nga.
15) Vấn đề trụ sở làm việc của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga:
Đến nay, Bộ Ngoại giao đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị phía Nga cấp đất cho ta xây dựng trụ sở Đại sứ quán tại Matxcơva.
Bộ Ngoại giao đã yêu cầu phía Nga giữ nguyên trạng nhà hỗ tương tại Matxcơva cho đến khi ta xây xong trụ sở mới. Tuy nhiên việc cấp đất cho ta xây dựng Trụ sở Đại sứ quán tại Matxcơva đến nay vẫn chưa được tiến hành đàm phán sẽ gây phức tạp cho hoạt động của Cơ quan Đại diện Ngoài giao tại Matxcơva.
II MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ VIỆT NAM - LB NGA
Tại Khoá họp lần này, Bộ Thương mại xin kiến ghị với Phó Thủ tướng tập trung xem xét tại UBLCP các vấn đề sau:
1/- Đề nghị phía Nga cấp đất cho phía Việt Nam để xây dựng Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Matxcơva. Trên cơ sở này hai Bên sẽ đàm phán và giải quyết dứt điểm về quy chế hoạt động của trung tâm kỹ thuật đa ngành của Nga tại Hà Nội và ký kết lại các Hiệp định tương ứng.
2/- Bộ Ngoại giao khẩn trương đàm phán với Bạn về việc cấp đất xây dựng trụ sở Đại sứ quán và thoả thuận giữ quan hệ hỗ tương về nhà đất cho đến khi ta có trụ sở mới.
3/- Hai Bên cần có các biện pháp hỗ trợ ở cấp Chính phủ để tổ chức Triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam tại Matxcơva vào quý II/2003 và Triển lãm "Công nghệ từ Nga" tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý IV/2003.
4/- Hai Bên cần quan tâm hơn đẩy mạnh hơn nữa các quan hệ trực tiếp, trước hế là trong việc nhập khẩu hàng từ Nga (sắt thép, phân bón), giảm dần việc nhập khẩu qua trung gian và có biện pháp tiến tới cân bằng cán cân thương mại.
5/- Thực hiện việc trả nợ bằng hàng hoá cho Nga theo Hiệp định đã ký kết.
6/- Phía Nga cần triển khai ngay việc sử dụng nguồn viện trợ đào tạo vì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa cử được học viên sang Nga bằng nguồn vốn này như đã thoả thuận tại cuộc gặp hai Đồng Chủ tịch tháng 7/2002 vừa qua.
7/- Về thủy điện Pleykrong và Sesan 3: Hiện nay hai Bên đã chỉ định xong đối tác. Cần ký kết sớm hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ.
8/- Về dự án thủy điện Sơn la, Bộ Công nghiệp cần sớm trình Chính phủ phương án và hình thức hợp tác với Nga trên cơ sở ý kiến của Quốc hội.
9/- Hai Bên cần xem xét cân nhắc việc đặt vấn đề hợp tác với Nga trong các lĩnh vực xây dựng các công trình công nghiệp hoá chất, cơ khí, mỏ, luyện kim... vì thực chất các đối tác Nga không có khả năng cung cấp vốn, còn Nhà nước thì không có điều kiện tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp (trừ 1 số lĩnh vực mà Nga có ưu thế như Quốc phòng, dầu khí, điện).
10/- Sớm hình thành và tiến hành các khoá họp của Tổ hợp tác trong lĩnh vực hoá dược, Tổ hợp tác địa phương và cần xem xét sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ chế hoạt động của Uỷ ban nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Uỷ ban trong việc tăng cường và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật giữa hai nước.
Bộ Thương mại xin báo cáo Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội tình hình trên đây.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.