BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5045/LĐTBXH-BTXH | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: Bộ Xây dựng
Thực hiện sự phân công nhiệm vụ tham gia xây dựng đề án Phát triển thị trường bất động sản kèm theo công văn số 43/BXD-QLN ngày 05/11/2008 về việc “Chuẩn bị báo cáo phục vụ xây dựng đề án Phát triển thị trường bất động sản” của Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo nội dung “Thực trạng và đề xuất chính sách hỗ trợ giải quyết hỗ trợ nhà ở cho các hộ chính sách trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” kèm theo công văn này.
Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu tổng hợp.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
BÁO CÁO
THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT NHÀ Ở CHO CÁC HỘ CHÍNH SÁCH TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
(Kèm theo công văn số 5045/LĐTBXH-BTXH ngày 31 tháng 12 năm 2008)
I. THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở ĐỐI VỚI CÁC HỘ CHÍNH SÁCH:
Việc trợ giúp hộ có công cách mạng, hộ nghèo về nhà ở là một vấn đề cần thiết, là nội dung quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và Pháp lệnh Người có công. Trong những năm qua cùng với việc thực hiện Pháp lệnh Người có công, thực hiện các mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm, các địa phương đã tập trung khảo sát nắm tình hình số hộ nghèo cần hỗ trợ cải thiện nhà ở để triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở các hộ dân vùng ngập lũ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách có công với cách mạng. Nhiều địa phương đã có phong trào trợ giúp làm nhà tình nghĩa cho hộ chính sách có công với cách mạng, cải thiện đáng kể tình trạng nhà ở cho các đối tượng.
Từ trước đến nay, phong trào trợ giúp làm nhà tình thương cho các hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ vùng lũ lụt, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được các địa phương quan tâm đẩy mạnh.
1. Đối tượng ưu tiên:
* Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở trong thời gian qua là hộ nghèo, tuy vậy, từng địa phương cũng có sự lựa chọn ưu tiên khác nhau nhưng có thể khái quát theo thứ tự ưu tiên như sau đây:
- Hộ nghèo thuộc diện có công với cách mạng: Đây là đối tượng được các tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết đầu tiên. Mục tiêu phấn đấu của các địa phương là xóa 100% nhà ở tạm bợ cho các hộ nghèo chính sách có công với cách mạng, bảo đảm các hộ này có nhà ở bằng hoặc trên mức trung bình của cộng đồng nơi đối tượng đang sinh sống. Mức hỗ trợ đối với đối tượng này tùy theo khả năng của từng địa phương, nhưng phổ biến từ 7-15 triệu đồng/hộ. Nguồn lực để hỗ trợ đối tượng này là nguồn ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện), Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, và huy động cộng đồng.
- Hộ nghèo dân tộc thiểu số: Ưu tiên đối với dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, như: Dân tộc H’Mông, Dao ở Miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cao, Yên Bái, Sơn La …); Dân tộc Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang; Dân tộc BaNa, SêĐăng, Gia Rai ở Tây Nguyên; Dân tộc Pacô, Vân Kiều, …….
- Hộ nghèo thuộc các vùng ngập lũ sâu ở Đồng bằng Sông Cửu Long;
- Hộ nghèo là người già cô đơn, hộ nghèo có người tàn tật nặng, hộ nghèo có người bị hậu quả chất độc hóa học …. đang hưởng các chính sách cứu trợ xã hội theo Nghị định 67.
- Hộ nghèo ở những xã thuộc chương trình 135
- Hộ nghèo đang sống ở trong vùng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, hạn hán, vùng bị sạt lở.
- Hộ nghèo khác.
2. Cơ chế tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở:
Việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thực hiện trong thời gian qua khá phong phú về cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện cũng như tổ chức huy động nguồn lực. Mỗi tỉnh, mỗi vùng tùy theo điều kiện cụ thể mà có hình thức tổ chức hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo khác nhau. Với quan điểm thực hiện xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, có “an cư thì mới lạc nghiệp”, nhiều tỉnh đã có Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các ngành chức năng, các huyện xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở một cách cụ thể, hầu hết các tỉnh, thành phố đều áp dụng cơ chế hỗ trợ một lần về nhà ở, bao gồm cả làm mới, sửa chữa hoặc hỗ trợ tấm lợp như Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội, Hà Tây, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp … Riêng một số tỉnh ngập lũ sâu vùng đồng bằng sông Cửu Long áp dụng cơ chế cho vay làm nhà ở thông qua Ngân hàng nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long hoặc vay mua nền nhà, làm nhà trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ theo Quyết định số 105 của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là thực hiện theo Quyết định số 134 của Thủ tướng Chính phủ, tuy vậy số hộ được hỗ trợ chưa được nhiều.
Các chính sách hỗ trợ nhà ở như sau: Quyết định 105/2002/QĐ-TTg ngày 02/8/2002 và QĐ 154/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 72/2002/TTLT-XD-NHNN ngày 23/8/2002; TTLT 62/2003/TTLT-BTC-NHNN ngày 25/6/2003. Riêng việc cho vay nhà ở đối với đồng bào Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Mức đầu tư: Vay mua nhà ở, nền nhà trả chậm tại đồng bằng sông Cửu Long tối đa 10 triệu đồng và Tây Nguyên 7 triệu đồng, đến 8/2004 Tây Nguyên không vay mà được Ngân sách hỗ trợ. Thời hạn vay mua nền nhà và mua nhà trả chậm tối đa 10 năm với thời gian 5 năm ân hạn; lãi suất mua nền nhà là 0% và mua nhà trả chậm là 3%/năm. Ngoài các chính sách trên, phong trào xây dựng nhà tình thương của Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp đã hỗ trợ người nghèo có nhà ở.
Mức hỗ trợ từ các nguồn các tổ chức, các loại quỹ: Cơ bản là hỗ trợ tấm lợp ở mức 1 đến 3 triệu đồng, hỗ trợ làm mới thì với mức hỗ trợ rất khiêm tốn từ 4 đến 7 triệu đồng, với mức hỗ trợ như vậy cũng chỉ giải quyết chỗ ở trong thời gian trước mắt, chưa thể để bảo đảm vững chắc, an toàn và lâu dài được.
Trong thời gian qua, hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo Pháp lệnh Người có công đặc biệt được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Nhà nước đã có một số chính sách để cải thiện nhà ở đối với đối tượng này. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người tham gia kháng chiến. Ngoài ra “quỹ tình nghĩa” cũng là một nguồn hỗ trợ đáng kể để cải thiện nhà ở đối với đối tượng người có công. Mức hỗ trợ phổ biến từ 7 – 15 triệu đồng. Đối với người tham gia kháng chiến (cán bộ Lão thành cách mạng, Tiền khởi nghĩa) thì mức hỗ trợ khá cao.
3. Kết quả thực hiện chính sách nhà ở đối với hộ nghèo đến tháng 6/2008 như sau:
- Tổng số hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở: 639.808 hộ (Năm 2005)
- Đã thực hiện đến tháng 6/2008: 285.517 hộ chiếm 44,62% nhu cầu.
Trong đó thuộc Chương trình 134: 165.885 hộ
- Số hộ cần hỗ trợ tiếp 283.551 hộ
Trong đó CT 134 là: 48.530 hộ.
Kết quả trợ giúp về nhà ở cho hộ nghèo trong thời gian qua đã cải thiện đáng kể cuộc sống của hộ nghèo. Tuy mức hỗ trợ còn hạn chế nhưng bước đầu đã huy động được một nguồn lực to lớn để trợ giúp hộ nghèo.
Vấn đề trợ giúp hộ nghèo về nhà ở đã được thực hiện theo tinh thần xã hội hóa cao, huy động được sức mạnh của cộng đồng, xã hội, dòng họ và bản thân hộ nghèo tham gia vào cải thiện nhà ở.
Hình thức tổ chức thực hiện khá phong phú, hỗ trợ một lần, cho vay với nhiều mức lãi suất … Nguồn lực cơ bản là từ quỹ “xóa đói giảm nghèo, Quỹ “ngày vì người nghèo”, trích Ngân sách chủ yếu là ngân sách địa phương (tỉnh, huyện), Ngân sách Trung ương mới hỗ trợ được một số tỉnh; hợp tác với các tổ chức Quốc tế, vận động các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn cũng có nhiều cách làm khác nhau, như tỉnh Bình Phước vận động doanh nghiệp hỗ trợ bằng cách làm nhà ở cho hộ nghèo trên đất của hộ đó với hình thức “chìa khóa trao tay”, Quảng Ninh thì vận động doanh nghiệp cùng dân xây dựng. Tuy vậy, có thể thấy cơ chế chung là Ngân sách, hay Quỹ “ngày vì người nghèo” từ Mặt trận Tổ quốc … chỉ hỗ trợ một phần như khung nhà, mái nhà; phần còn lại là do đối tượng tự lực hoặc cộng đồng giúp đỡ.
Kết quả hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công đã xây dựng được 243.412 nhà tình nghĩa, sửa chữa 104.125 nhà với tổng kinh phí 2.389 tỷ đồng, đã giúp đỡ 300.000 gia đình chính sách có nhà ở ổn định.
Nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở trong thời gian tới: Hiện nay còn 45.459 nhà ở của đối tượng chính sách đang dột nát cần xây mới và sửa chữa.
4. Tồn tại:
Cho đến nay, chính sách về nhà ở cho người nghèo chưa được thực hiện (ngày 12/12/2008 Chính phủ có Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo). Trong khi khả năng huy động cộng đồng và các tổ chức chính trị xã hội là rất hạn chế, số hộ nghèo khó khăn về nhà ở là khá lớn, một số hạn chế cụ thể:
- Đối tượng cần hỗ trợ cải thiện nhà ở đông và tập trung vào một số tỉnh điều kiện khó khăn, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, vì vậy việc huy động nguồn lực để trợ giúp hạn chế.
- Một số địa phương còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương, chưa chủ động huy động được sức mạnh cộng đồng và chưa quan tâm đúng mức đến việc trợ giúp về nhà ở cho hộ nghèo, mà chủ yếu tập trung hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách có công, đến nay vẫn có một số tỉnh chưa triển khai, kể cả những tỉnh có điều kiện về huy động nguồn lực, đặc biệt là những tỉnh thường xuyên bị bão lũ, thiên tai. Vì vậy để đạt mục tiêu “bảo đảm đến năm 2010 cơ bản xóa tình trạng nhà ở xiêu vẹo, dột nát” còn hết sức khó khăn.
- Việc trợ giúp hộ nghèo về nhà ở phụ thuộc vào khả năng huy động nguồn lực nên rất khó cho việc chủ động xây dựng kế hoạch. Mặt khác một số vùng do tập quán và nhận thức của người dân về vấn đề nhà ở còn hạn chế do vậy việc hoàn thành mục tiêu cải thiện về nhà ở cho hộ nghèo không thể thực hiện trong một vài năm được.
II. ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH:
Để giải quyết vấn đề nhà ở đối với hộ nghèo, Nhà nước cần triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các hộ dân có khó khăn về nhà ở để góp phần nhanh chóng đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo 2006-2010. Mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, dân tộc thiểu số với nguyên tắc bảo đảm sử dụng được trên 10 năm, vì vậy mức hỗ trợ nên từ 15 triệu đồng/nhà xây mới; sửa chữa tùy thuộc vào mức độ hư hỏng, nhưng tối thiểu mức 5 triệu đồng.
Trung ương tập trung nguồn lực hỗ trợ một phần kinh phí cho các xã, huyện quá nghèo, nơi mà khả năng huy động nguồn lực của cộng đồng và sự tự lực của hộ nghèo còn hạn chế.
Xây dựng cơ chế trợ giúp linh hoạt cho từng vùng, miền, kết hợp trợ giúp một lần, một phần với việc cho vay mua trả chậm nhà ở với thời hạn 10 năm, cho vay làm nhà với các mức lãi suất ưu đãi khác nhau tùy theo mức độ nghèo và khả năng tự lực cũng như khả năng tích lũy trả dần của hộ nghèo.
Tạo được “phong trào nhà tình thương” sâu rộng trong toàn quốc, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta ở tất cả các vùng, miền để trợ giúp hộ nghèo cải thiện nhà ở. Người có tiền thì giúp tiền, người có nguyên vật liệu thì giúp nguyên vật liệu, người không có tiền của thì góp công, góp sức.
Khơi dậy ý thức trách nhiệm của dòng họ trong việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý nguồn lực và tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.
Vận động, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính hộ nghèo trong việc tự lực vươn lên cải thiện nhà ở.
Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia huy động nguồn lực, quản lý và tổ chức thực hiện trợ giúp hộ nghèo về nhà ở, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Thực hiện cơ chế bình xét công khai từ thôn, ấp, bản, bảo đảm trợ giúp đúng đối tượng, đúng mục tiêu, không thất thoát nguồn vốn, kể cả vốn trợ giúp một lần và vốn vay góp phần bảo đảm tính bền vững của hệ thống tín dụng – tài chính.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.