VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4848/VPCP-TTBC | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2003 |
Kính gửi: Các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình trung ương, địa phương
Văn phòng Chính phủ xin thông báo những nội dung chủ yếu đã được Chính phủ xem xét và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (ngày 29-30/09/2003) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Gia Khiêm.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe thông báo và cho ý kiến về các vấn đề: Dự toán phân bổ kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004; Nghị định về công tác quy hoạch; Nghị định tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong; Chương trình sửa đổi và điều chỉnh pháp luật phù hợp với quy định của WTO; Pháp lệnh dự trữ Quốc gia và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2003.
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tóm tắt Báo cáo phân bổ ngân sách nhà nước năm 204 và Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2003 và dự toán NSNN năm 2004.
Dự toán NSNN năm 2003 được thực hiện trong điều kiện kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở tình hình thực hiện thu, chi 8 tháng đầu năm và mức phấn đấu những tháng cuối năm, dự báo tình hình thực hiện NSNN năm 2003 đều tăng so với mức dự toán Quốc hội phê duyệt.
Tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách cả 3 năm (2001 - 2003), đối chiếu với mục tiêu nhiệm vụ NSNN 5 năm 2001 - 2005 theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội cho thấy tình hình thực hiện NSNN đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng thu NSNN 3 năm 2001 - 2003 đạt 13,4% /năm, cao hơn mục tiêu đề ra (không dưới 12%/năm), trong đó tăng thu nội địa đạt 14,7%/năm ; tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách đạt 21,8% (Mục tiêu là 20-21% GDP), tăng 1,4%GDP so với giai đoạn 1996 - 2000 (20,4% GDP); trong đó động viên thuế và phí đạt 20,8% GDP (Mục tiêu 18 - 19% GDP); tỷ trọng thu thuế và phí trong tổng thu ngân sách đạt 95,2%. Chi ngân sách đạt mức 27,3% GDP (Mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 là 24%), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 8,1% GDP (Mục tiêu là 6- 6,5% GDP). Tốc độ tăng chi bình quân hàng năm đạt 15,5% /năm, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 16,2%/năm. Cơ cấu NSNN có chuyển biến tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN bình quân đạt 29,5% (Mục tiêu nhiệm vụ là 25 - 26%).
Căn cứ mục tiêu nhiệm vụ năm 2001 - 2005 theo Nghị quyết Đại hội IX, kết quả thực hiện 3 năm 2001 - 2003, nhiệm vụ đối với năm 2004 - 2005; theo quy định của Luật Ngân sách (sửa đổi); căn cứ các chế độ chính sách thu, chi ngân sách, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội dự toán NSNN năm 2004 với tổng thu ngân sách tăng 11,9% so ước thực hiện năm 2003, mức động viên đạt 21,3% GDP; tổng chi NSNN năm 2004 dự kiến tăng 11,3% so với ước thực hiện năm 2003, trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển bố trí tăng 47% so với dự toán năm 2003 và bằng 32,6% tổng chi NSNN; chi trả nợ, viện trợ tăng 18,6% so với dự toán năm 2003, chiếm 15,7% tổng chi NSNN; chi thường xuyên tăng 6% so với dự toán năm 2003, chiếm 49,5% tổng chi NSNN. Bội chi NSNN dự kiến năm 204 bằng 5% so với GDP.
Kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2004 cũng được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán cho từng lĩnh vực, từng cơ quan Bộ, ngành, địa phương và các chương trình, mục tiêu... bảo đảm bám sát theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để trình Quốc hội quyết định. Các báo cáo về phân bổ dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004 đã thể hiện tinh thần phấn đấu tích cực, tập trung cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; phân bổ chi cho các lĩnh vực và các địa phương tương đối hợp lý; tập trung ưu tiên những nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư thoả đáng cho các lĩnh vực xã hội và cải cách tiền lương; coi trọng đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng, cơ sở hạ tầng nông thôn và các địa bàn miền núi, vùng cao, bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong quá trình chỉ đạo điều hành nền kinh tế, các Bộ, các ngành, các địa phương phải tích cực đẩy mạnh sản xuất, tăng các nguồn thu, chống tham ô, lãng phí, gian lận thương mại, tiết kiệm chi... để cố gắng đạt vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách sẽ được trình Quốc hội.
Trước tình hình đầu tư còn phân tán, không theo đúng quy hoạch và có mặt còn kém hiệu quả như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng này và từ nay trở đi không thanh quyết toán cho các công trình đầu tư ngoài kế hoạch. Để chống tình trạng lãng phí và thất thoát trong xây dựng cơ bản, một mặt phải hoàn thiện cơ chế quản lý, song vai trò rất lớn thuộc về phẩm chất và năng lực cán bộ trong quản lý xây dựng cơ bản. Tới đây, năm 2004 tiếp tục tiến hành thanh tra xây dựng cơ bản trên toàn quốc.
2. Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định về công tác quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Đây là công tác quan trọng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch chính là thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả. Đây cũng là lĩnh vực đang có nhiều vấn đề còn bất cập cần được quan tâm xử lý kịp thời. Chất lượng quy hoạch của ta còn thấp, quy hoạch chưa tiếp cận được với các phương pháp tiên tiến của thế giới. Nhiều cán bộ làm công tác quy hoạch còn bất cấp về kiến thức, trình độ nghiệp vụ và tầm nhìn xa. Hiện nay, các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương hầu như đã có quy hoạch, nhưng đầu tư lại lại có tình trạng chưa theo quy hoạch, đầu tư phân tán, tự phát, kém hiệu quả gây hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
Chính phủ cũng xác định phạm vi của Nghị định là công tác quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội, chưa đề cập đến quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng. Dự thảo Nghị định sẽ quy định rất rõ và nghiêm về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, làm rõ trách nhiệm trong quản lý quy hoạch và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy hoạch. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định và tiếp tục xin ý kiến của các thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo về kết quả bước đầu rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các quy định hiện hành của Việt Nam và kiến nghị về hướng sửa đổi, điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan đến các quy định của WTO.
Xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; nhất là việc gia nhập WTO, đòi hỏi chúng ta phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam với các nghĩa vụ quy định trong các Hiệp định WTO; tạo sự hiểu biết chung, thống nhất và chính xác giữa các Bộ, ngành về nội dung các Hiệp định của WTO, nhìn nhận đầy đủ hơn thực trang pháp luật Việt Nam trước yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới.
Chính phủ thống nhất với phương án đề nghị của Bộ Tư pháp tiến hành chỉnh sửa trên từng văn bản pháp luật có liên quan, kết hợp đồng thời với phương án chỉnh sửa Luật Thương mại. Việc sửa đổi các văn bản là nhằm hoàn thiện chứ không làm đảo lộn hệ thống pháp luật. Giao Bộ Tư pháp chuẩn bị lộ trình triển khai sửa đổi, điều chỉnh và ban hành văn bản pháp luật phù hợp với quy định của WTO, đồng thời cũng có phương án tăng cường bộ máy pháp chế cả về lượng và chất ở các Bộ, ngành cũng như huy động các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào quá trình sửa đổi và chỉnh sửa các văn bản pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương từ nay, trong quá trình soạn thảo và thẩm định văn bản pháp luật, cần phải đối chiếu với yêu cầu hội nhập để bảo đảm các văn bản không trái với quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Những văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định.
4. Về dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với Thanh niên xung phong do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.
Kết luận các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ về vấn đề ngày, Chính phủ đánh giá cao những đóng góp to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong trong các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại. Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay, Thanh niên đang phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về chính sách đối với Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những bất cập, nhất là cơ chế tổ chức, quản lý và áp dụng các chính sách cụ thể.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu về mô hình tổ chức hoạt động, cơ chế quản lý của Thanh niên xung phong phù hợp điều kiện đất nước hoà bình và xây dựng nền kinh tế tị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự án Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia.
Trong những năm qua, Nhà nước đã rất coi trọng quản lý dự trữ quốc gia với việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động dự trữ quốc gia, tạo cơ chế quản lý cho hoạt động dự trữ quốc gia phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm đưa hoạt động dự trữ quốc gia đi dần vào kỷ cương, nề nếp. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, nhất là cơ chế chính sách. Các quy định về quản lý giá cả, mua, bán, xuất nhập hàng dự trữ quốc gia chưa đầy đủ; tổng mức dự trữ còn thấp; bộ máy quản lý dự trữ quốc gia cồng kềnh, hiệu quả thấp...
Xây dựng và ban hành Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia nhằm bảo đảm việc điều hành hoạt động dự trữ quốc gia được tập trung, thống nhất, kịp thời trong mọi tình huống; coi dự trữ quốc gia là một công cụ điều hành ở tầm vĩ mô, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
6. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2003 tiếp tục xu hướng phát triển tích cực, quý sau tăng cao hơn quý trước (tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 6,88%, quý II đạt 6,92%, quý III đạt 7,48%). Tính chung GDP 9 tháng năm 2003 tăng 7,1%, cao hơn 0,24 điểm so với cùng ký năm trước. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao (tăng 15%); tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục tăng lên, vận tải đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh (25%); nhập siêu có xu hướng giảm; huy động và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá, nhất là vốn ngoài quốc doanh (đạt 36% GDP); thu ngân sách nhà nước đã đạt khá (69% dự toán); giá cả thị trường cơ bản ổn định. Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai nặng làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp; thị trường xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ gặp khó khăn; giá trị sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4.8% chưa đạt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp bắt đầu có dấu hiệu chậm lại; tốc độ tăng trưởng giá dịch vụ chỉ đạt 6,48%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6.54%). Giải ngân ODA đạt thấp; nợ xây dựng cơ bản lớn đang là vấn đề nổi cộm trong cân đối NSNN...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2003, trong 3 tháng còn lại, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm: Một là, tập trung tổ chức tốt phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng; Hai là, tiếp tục tìm mọi biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu tiêu dụng để tiêu thụ các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu ; Ba là, rà soát lại khả năng tăng thu ngân sách, xác định nguồn vượt thu ngân sách năm 2003 để xử lý những nhu cầu cấp bách; Bốn là, các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các khoản nợ xây dựng cơ bản, trước hết cần huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán. Dành phần vốn vượt thu ngân sách năm 2003 để hỗ trợ xử lý, thanh toán một phần nợ xây dựng cơ bản hợp lý cho một số công trình, dự án thuộc kế hoạch Nhà nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002 trở về trước. Kiên quyết không thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho các dự án đầu tư ngoài kế hoạch, ngoài quy hoạch được duyệt.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ PHÓ CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.