BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4715/TCT-KK | Hà Nội, ngày 9 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống mục lục ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 và Công văn số 10532/BTC-NSNN ngày 9/9/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của mục lục ngân sách nhà nước (MLNSNN), để việc thực hiện hệ thống MLNSNN được thống nhất, Tổng cục Thuế hướng dẫn thêm về việc hạch toán kế toán thuế, chuyển đổi hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ tiêu báo cáo kế toán thuế thực hiện trong hệ thống thuế như sau:
1. Về hạch toán, kế toán thuế theo hệ thống MLNSNN:
1.1. Về chương và cấp quản lý (Chương):
1.1.1. Khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương: hạch toán các khoản thu, nộp ngân sách của các đơn vị thuộc các chương có giá trị từ 001 đến 399, trừ các chương 151, 152, 154, 161, 162.
1.1.2. Khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương: hạch toán các khoản thu, nộp ngân sách của các đơn vị thuộc các chương có giá trị từ 402 đến 599, 605 đến 799, 802 đến 989 trừ các chương 552, 554, 555, 556, 557, 561, 562, 754, 755, 756, 757, 854, 855, 856, 857.
1.1.3. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: hạch toán các khoản thu, nộp ngân sách của các đơn vị thuộc các chương 151, 152, 161, 162, 552, 561, 562.
1.1.4. Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh:
a, Khu vực doanh nghiệp NQD: hạch toán các khoản thu, nộp ngân sách của các đơn vị thuộc các chương 154, 554, 555, 556, 754, 755, 756, 854, 855, 856.
b, Khu vực hộ gia đình và cá nhân kinh doanh: hạch toán các khoản thu, nộp ngân sách của các đơn vị thuộc các chương 557, 757, 857.
1.1.5. Thuế thu nhập cá nhân:
a, Trường hợp người nộp thuế chỉ phát sinh 1 loại thu nhập:
- Thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, căn cứ vào cấp quản lý của cơ quan thuế đối với người nộp thuế để hạch toán. Nếu người nộp thuế do Cục Thuế quản lý hạch toán vào Chương 557, nếu do Chi cục Thuế quản lý hạch toán vào Chương 757.
- Thuế thu nhập từ các trường hợp khác hạch toán vào Chương 757.
b, Trường hợp người nộp thuế phát sinh từ 2 loại thu nhập trở lên:
- Trường hợp người nộp thuế vừa phát sinh thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các loại thuế thu nhập cá nhân khác thì Chương của người nộp thuế được xác định theo Chương của đơn vị phát sinh thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Trường hợp người nộp thuế phát sinh một lúc nhiều khoản thuế thu nhập (trừ thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh) thì Chương của người nộp thuế được xác định theo Chương của loại thuế thu nhập có tỷ trọng nộp ngân sách nhà nước lớn hơn. Nguyên tắc xác định Chương của từng trường hợp thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a mục này.
1.2. Về ngành kinh tế (Loại, Khoản):
1.2.1. Các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ khi nộp các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật được hạch toán vào Loại, Khoản tương ứng với tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ: Ông A là hộ kinh doanh bán lẻ mô tô, xe máy, hạch toán Khoản 193 “Bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác”.
1.2.2. Đối với đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề, khi nộp ngân sách nhà nước:
- Trường hợp xác định được số thu từng ngành nghề, thì hạch toán vào Loại, Khoản tương ứng.
Ví dụ: Doanh nghiệp A vừa sản xuất ra sản phẩm bia, vừa kinh doanh thương mại (bán buôn) nước ngọt và xác định được số thu nộp ngân sách cho từng loại sản phẩm thì ghi vào Loại, Khoản: sản phẩm bia (Loại 070, Khoản 072), nước ngọt (Loại 190, Khoản 194).
- Trường hợp không tách được số thu theo từng ngành nghề, thì căn cứ vào ngành nghề chính ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị để xác định Loại, Khoản tương ứng (trừ số thu về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã được hạch toán vào Loại 190, Khoản 191).
Ví dụ: Doanh nghiệp C đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là bán buôn mặt hàng X. Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp vừa bán buôn, vừa bán lẻ mặt hàng X nhưng không tách riêng được cho từng ngành nghề khi nộp tiền thuế vào ngân sách. Vì vậy, trường hợp này phải lấy theo ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là bán buôn (Loại 190, Khoản 194).
1.2.3. Các khoản nộp ngân sách nhà nước của các cá nhân không sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ (trừ tiền nộp phạt, tịch thu đã được hạch toán ở Khoản 369), như: thuế thu nhập cá nhân (trừ thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các cá nhân), lệ phí trước bạ, thuế nhà đất, tiền sử dụng đất, nộp tiền mua nhà thuộc sở hữu nhà nước và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được hạch toán ở Khoản 345 “các biện pháp tài chính”.
1.2.4. Đối với các khoản thuế thu từ các đại lý xổ số kiến thiết, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,... hạch toán vào Khoản 194 “Bán buôn”; đối với thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập trúng giải thưởng xổ số, hạch toán vào Khoản 345 “Các biện pháp tài chính”, không hạch toán vào Khoản 558 “Hoạt động xổ số”.
1.2.5. Các khoản phạt, tịch thu phải nộp ngân sách nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bao gồm cả các khoản phạt, tịch thu do cơ quan thuế thực hiện thì hạch toán vào Khoản 369 "Quan hệ tài chính khác".
1.3. Về nội dung kinh tế (Mục, Tiểu mục):
Căn cứ tính chất của các khoản thu, hạch toán vào các mục, tiểu mục tương ứng theo quy định tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC và hướng dẫn tại điểm III công văn số 10532/BTC-NSNN nêu trên. Lưu ý một số nội dung sau:
1.3.1- Thuế thu nhập cá nhân (Mục 1000) bao gồm 12 tiểu mục từ 1001 đến 1049, trong đó:
- Thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công: theo quy định tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính thì thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài ở Việt Nam kê khai vào một tờ khai nên không thể tách riêng được theo người Việt Nam hay người nước ngoài. Vì vậy, thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài ở Việt Nam được hạch toán chung vào tiểu mục 1001.
Thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công phải nộp được tổng hợp từ các tờ khai: số 02/KK-TNCN, 04/KK-TNCN, 05/KK-TNCN
- Thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân: được hạch toán vào tiểu mục 1003; số thuế phải nộp được tổng hợp từ các tờ khai: 04/KK-TNCN, 08/KK-TNCN, 08A/KK-TNCN, 10/KK-TNCN.
- Thuế thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân: được hạch toán vào tiểu mục 1004; số thuế phải nộp được tổng hợp từ các tờ khai: 03/KK-TNCN, 06/KK-TNCN.
- Thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn: được hạch toán vào tiểu mục 1005; số thuế phải nộp được tổng hợp từ các tờ khai: 12/KK-TNCN, 13/KK-TNCN.
- Thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản: Do trên mẫu tờ khai 11/KK-TNCN trong TT 84/2008/TT-BTC gộp chung các loại thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản, nên thuế nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản được hạch toán vào tiểu mục 1006 “Thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản”.
- Thuế thu nhập từ trúng thưởng: được hạch toán vào tiểu mục 1007; số thuế phải nộp được tổng hợp từ các tờ khai: 03/KK-TNCN, 06/KK-TNCN.
- Thuế thu nhập từ bản quyền và nhượng quyền thương mại: Do tờ khai 03/KK-TNCN và tờ khai 06/KK-TNCN trong Thông tư số 84/2008/TT-BTC gộp chung thu nhập từ bản quyền và nhượng quyền thương mại nên thuế nhập từ bản quyền và nhượng quyền thương mại (trừ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản) được hạch toán vào tiểu mục 1008 “Thuế thu nhập từ bản quyền”.
- Thuế thu nhập từ thừa kế, quà biếu, quà tặng: Do tờ khai 14/KK-TNCN trong Thông tư số 84/2008/TT-BTC gộp chung thu nhập từ thừa kế, quà biếu, quà tặng (trừ thừa kế và quà tặng là bất động sản) nên thuế nhập từ thừa kế, quà biếu, quà tặng được hạch toán vào tiểu mục 1012 “Thuế thu nhập từ thừa kế”.
1.3.2- Thuế thu nhập doanh nghiệp khác (Mục 1050, Tiểu mục 1099) để phản ánh các khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đã có Tiểu mục phản ánh cụ thể, trong đó bao gồm cả thu nợ về thuế lợi tức.
1.3.3- Thuế tài nguyên dầu, khí (Mục 1550, Tiểu mục 1551) để phản ánh thuế tài nguyên khai thác dầu, khí không theo hiệp định, hợp đồng phân chia sản phẩm (thuế tài nguyên thu theo các hiệp định, hợp đồng thăm dò khai thác dầu, khí được hạch toán Mục 3750, Tiểu mục 3751 và Mục 3800, Tiểu mục 3801).
1.3.4- Thuế giá trị gia tăng khác (Mục 1700, Tiểu mục 1749) để phản ánh khoản thu từ thuế giá trị gia tăng ngoài các khoản thuế giá trị gia tăng đã có Tiểu mục phản ánh cụ thể, trong đó bao gồm cả thu nợ về thuế doanh thu.
1.3.5- Thuế môn bài (Mục 1800): Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế theo chế độ quy định phải nộp thuế môn bài bậc nào thì hạch toán vào Tiểu mục tương ứng. Ví dụ: Doanh nghiệp nộp thuế môn bài bậc 1 hạch toán Tiểu mục 1801; hộ cá thể nộp thuế môn bài bậc 1 cũng hạch toán Tiểu mục 1801...
2. Hướng dẫn chuyển đổi từ hệ thống mục lục NSNN cũ sang hệ thống mục lục NSNN mới quy định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC .
2.1. Về Chương, loại, khoản:
- Các đơn vị được sáp nhập, giải thể, căn cứ quyết định thành lập, quyết định giải thể, biên bản bàn giao để chuyển đổi mã chương, loại khoản tương ứng từ đơn vị cũ sang đơn vị mới.
Ví dụ: Chương 012 “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”:
Để phản ánh số thu, chi ngân sách nhà nước của khối văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bao gồm cả thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản cũ sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tương tự, ở cấp địa phương đối với Chương 412 “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Chương 612 “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cũng áp dụng nguyên tắc trên (nếu có).
- Các đơn vị được chia tách, căn cứ quyết định thành lập, quyết định giải thể, biên bản bàn giao để chuyển đổi mã chương, loại khoản tương ứng từ đơn vị cũ sang đơn vị mới.
Ví dụ: Tổng công ty Rượu bia nước giải khát được tách thành 2 đơn vị là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Căn cứ các Quyết định thành lập, quyết định giải thể, biên bản bàn giao để chuyển số nợ thuế từ mã chương 166 “Tổng công ty Rượu bia nước giải khát” vào các mã chương 174 “Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn” và chương 175 “Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội”.
2.2. Về mục, tiểu mục:
- Đối với các khoản thu có nội dung kinh tế trước và sau chuyển đổi giống nhau, thực hiện chuyển đổi tương đương, tức là chỉ thay mục và tiểu mục.
Ví dụ: thuế chuyển quyền sử dụng đất thì nội dung kinh tế vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi tên mục và tiểu mục, vì vậy khi chuyển đổi sẽ thực hiện chuyển đổi tương đương, cụ thể: mục, tiểu mục cũ đối với thuế chuyển quyền sử dụng đất ở là 008.01 sẽ chuyển sang mục, tiểu mục mới tương ứng là 1350.1351,…
- Đối với một khoản thu sau chuyển đổi bị chia tách thành nhiều khoản thu khác nhau: căn cứ nội dung kinh tế của từng khoản nộp để chuyển đổi tương ứng từng mục, tiểu mục cũ sang từng mục, tiểu mục mới. Trường hợp không thể phân tách xác định được, sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ tiểu mục cũ sang tiểu mục đầu tiên của mục mới.
Ví dụ: Đối với lệ phí trước bạ, mục, tiểu mục cũ là 046.01 nhưng theo mục, tiểu mục mới sẽ tách thành 4 tiểu mục là 2801 - lệ phí trước bạ nhà đất; 2802 - lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; 2803 - lệ phí trước bạ tàu thuyền; 2804 - lệ phí trước bạ tài sản khác. Trường hợp cơ quan thuế mở sổ theo dõi riêng được số thu lệ phí trước bạ của từng loại như nhà đất, xe máy, tàu thuyền,… thì thực hiện chuyển đổi theo đúng nội dung tương ứng với tiểu mục mới nêu trên. Trường hợp không theo dõi riêng đối với từng loại tài sản thì sẽ chuyển toàn bộ khoản thu về lệ phí trước bạ sang tiểu mục đầu tiên là lệ phí trước bạ nhà đất (tiểu mục 2801).
- Đối với các khoản thu có cùng tính chất, bị sáp nhập thành một khoản thu: thực hiện chuyển toàn bộ các tiểu mục cũ sang một tiểu mục mới.
Ví dụ: Hệ thống mục lục ngân sách cũ quy định về phí kiểm dịch trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản có 2 tiểu mục riêng biệt là 033.01 - phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và 033.02 - phí kiểm dịch thực vật. Theo hệ thống mới sẽ gộp 2 tiểu mục cũ thành 1 tiểu mục mới là 2151 - phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và thực vật. Vì vậy, toàn bộ 2 tiểu mục cũ về phí kiểm dịch nêu trên sẽ chuyển sang 1 tiểu mục mới.
Chi tiết chuyển đổi theo phụ lục số 01 đính kèm.
3. Sửa đổi, bổ sung một số báo cáo kế toán thuế:
3.1- Sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu trên các báo cáo kế toán thuế (BC2, BC3, BC4, BC5, BC6 và BC7) đảm bảo phù hợp với qui định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và hệ thống chỉ tiêu giao dự toán thu nội địa. Chi tiết theo bảng chỉ tiêu trên báo cáo thu nội địa (BC3A) và theo phụ lục 02 đính kèm.
3.2- Sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu “Các khoản phí, lệ phí không tính vào cân đối” trên báo cáo thu nội địa (BC3), gồm:
- Phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, gồm: Phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và thực vật (Mục 2150, tiểu mục 2151);
- Phí chợ (Mục 2250, tiểu mục 2252);
- Phí thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải, gồm: Tất cả các khoản phí thuộc mục 2300 trừ phí hoa tiêu, dẫn đường (tiểu mục 2314, 2315, 2316) và phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (tiểu mục 2323);
- Phí an ninh, trật tự (Mục 2400, tiểu mục 2403);
- Phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá (Mục 2450, tiểu mục 2452);
- Phí vệ sinh (Mục 2600, tiểu mục 2603).
3.3- Bổ sung một số báo cáo chi tiết quyết toán năm gồm: báo cáo chi tiết số nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước theo quyết toán năm (BC4A-QT), báo cáo chi tiết số nộp ngân sách của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quyết toán năm (BC4B-QT), báo cáo chi tiết số nộp ngân sách của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo quyết toán năm (BC5C-QT) để thống nhất với số liệu trên báo cáo tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm (BC3B) chi tiết theo phụ lục 03 đính kèm. Thời hạn gửi báo cáo này theo thời hạn gửi báo cáo BC3B.
3.4- Hướng dẫn hạch toán và tổng hợp các báo cáo quyết toán năm 2008 (BC3B, BC4A-QT, BC4B-QT, BC5C-QT):
- Về hạch toán: Các khoản nộp NSNN vào tài khoản thu ngân sách năm trước (TK742) phát sinh trong thời gian từ 01/01/2009 đến hết thời hạn chỉnh lý quyết toán được hạch toán theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 2/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Tổng hợp báo cáo: khi tổng hợp các khoản nộp NSNN từ tài khoản thu ngân sách năm trước (TK742) vào các Báo cáo quyết toán năm (cột “số liệu điều chỉnh”), ứng dụng tin học sẽ tự động chuyển đổi từ hệ thống mục lục ngân sách nhà nước năm 2009 tương ứng sang hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong năm 2008 để phù hợp với hệ thống chỉ tiêu trên các báo cáo quyết toán năm.
4. Nâng cấp các ứng dụng Quản lý thuế cấp Cục Thuế và Chi cục Thuế đáp ứng các nội dung bổ sung, sửa đổi MLNS:
4.1- Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp hệ thống MLNS theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC thống nhất cho các Cục Thuế và Chi cục Thuế trong cả nước theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: triển khai vào tháng 01/2009, tập trung vào nâng cấp phần danh mục, toàn bộ các thông tin đầu vào, thông tin xử lý và các báo cáo kế toán thuế trên các ứng dụng của ngành thuế như QLT, TIN, QHS, QCT, NTK, QTN, VAT, TDTT.
- Giai đoạn 2: triển khai vào tháng 03/2009, nâng cấp các báo cáo thống kê, báo cáo hỗ trợ của các ứng dụng đã nâng cấp tại giai đoạn 1và các ứng dụng BCTC, TTR, KIOSK, QTT.
Lưu ý: Sau khi cập nhật, nếu Cục Thuế và Chi cục Thuế in lại sổ sách, báo cáo của năm 2008 trở về trước, trên sổ sách, báo cáo sẽ thể hiện theo tên Chương, Mục Tiểu mục theo tên cũ.
4.2- Nâng cấp ứng dụng quản lý thuế cấp Chi cục (QCT, VATCC): theo quy định tại Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính thì tiền thuê mặt đất, mặt nước của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế tài nguyên do đơn vị thu mua nộp thay cho đơn vị khai thác nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế. Số tiền nộp ngân sách nhà nước của các khoản thu trên được phản ánh vào số thu, nộp ngân sách của Chi cục Thuế. Do đó, Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp các báo cáo kế toán thuế trong ứng dụng QLT cấp Chi cục để tổng hợp được số thu, nộp NSNN của các khoản thu trên.
4.3- Các nội dung nâng cấp nêu trên được thể hiện trong ứng dụng QLT_TKN cấp Cục Thuế phiên bản 1.5.8, ứng dụng quản lý thuế cấp Chi cục phiên bản VAT 4.2.8 và được triển khai trong toàn ngành Thuế từ tháng 01/2009.
5. Tổ chức thực hiện:
Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn ngay trong tháng 12/2008, gửi tài liệu hướng dẫn (gồm Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 2/6/2008, công văn số 10532/BTC-NSNN ngày 9/9/2008 của Bộ Tài chính, Công văn của Tổng cục Thuế) cho các phòng có liên quan thuộc Cục Thuế, các Chi cục Thuế và hướng dẫn cho người nộp thuế.
Căn cứ qui định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 2/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục thuế, Chi cục Thuế xác định và thông báo mục lục NSNN (Chương, loại, khoản) cho từng người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý để người nộp thuế có căn cứ lập chứng từ thu, nộp NSNN theo đúng qui định.
Do các phụ lục kèm theo công văn quá lớn, Tổng cục Thuế sẽ chuyển file qua hộp thư điện tử của Cục Thuế để Cục Thuế in, nghiên cứu, thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Thuế báo cáo kịp thời các vướng mắc để Tổng cục Thuế (Ban KK và Cục ƯDCNTT) nghiên cứu, hướng dẫn./.
| TỔNG CỤC THUẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.