BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4710/BGTVT-HTQT | Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2009 |
Kính gửi: Bộ Ngoại giao
Trả lời văn bản số 2146/BNG-ĐNA ngày 25/6/2009 của Bộ Ngoại giao về việc chuẩn bị nội dung cho Cuộc họp tham khảo Chính trị lần thứ 5 Việt Nam – Mi-an-ma từ ngày 20-21/7/2009 tại Mi-an-ma, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi báo cáo tình hình hợp tác giữa Việt Nam với Mi-an-ma trong lĩnh vực GTVT như sau:
1. Lĩnh vực hàng hải:
Tháng 12/2008, tại Mi-an-ma, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng hải Mi-an-ma đã ký Thỏa thuận về Công nhận Lẫn nhau đối với Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên và trao đổi tìm hiểu hệ thống đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên của Mi-an-ma.
2. Lĩnh vực hàng không:
Hai nước đã ký Hiệp định vận chuyển hàng không vào ngày 13/10/1995 tại Hà Nội.
Mi-an-ma là một trong bốn nước sáng lập Tiểu vùng hợp tác vận tải hàng không Campuchia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (Tiểu vùng CLMV). Quan hệ vận tải hàng không giữa 4 quốc gia trong Tiểu vùng CLMV được điều chỉnh bằng Hiệp định đa biên CLMV về vận tải hàng không ký chính thức ngày 04/12/2004 tại Hà Nội. Mi-an-ma là quốc gia lưu chiểu Hiệp định này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4671/VPCP-QHQT ngày 19/08/2005 yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam nghiên cứu việc mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mi-an-ma, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Tổng công ty) đã triển khai nghiên cứu thị trường Mi-an-ma và đã chuẩn bị kế hoạch khai thác đến Mi-an-ma trong giai đoạn năm 2008. Tuy nhiên, do hậu quả của cơn bão Nargis tháng 5/2008 tại Mi-an-ma, ngành du lịch nước này đã chịu tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kế hoạch mở đường bay của Tổng công ty. Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng sớm mở đường bay trực tiếp đến Mi-an-ma vào thời điểm thích hợp.
3. Lĩnh vực đường bộ:
Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 298/VPCP-QHQT ngày 29/4/2005, giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng mở tuyến đường bộ đi qua Lào nối liền Việt Nam và Mi-an-ma. Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất dự án này trong khuôn khổ hợp tác ACMECS và GMS. Tuy nhiên, do hiện nay ADB đang dừng quan hệ với Mi-an-ma nên việc vận động tài trợ nghiên cứu cũng như triển khai dự án là không khả thi.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải với Mi-an-ma hiện nay chủ yếu trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, GMS và UNESCAP.
4. Lĩnh vực công nghiệp ô tô:
Tháng 4 năm 2009, được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mi-an-ma, Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bộ Công nghiệp II của Myanma và gặp gỡ một số đối tác khác để bàn về việc hợp tác với Mi-an-ma trong việc sản xuất và kinh doanh các phương tiện giao thông (chủ yếu là xe khách, xe buýt và xe tải nhẹ) cũng như thành lập liên doanh sản xuất tại Mi-an-ma. Phía Mi-an-ma thể hiện sự quan tâm hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, do hiện nay giữa hai nước chưa có cơ chế thanh toán và Hiệp định Hỗ trợ và Bảo hộ Đầu tư cũng như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần nên bước đầu có khó khăn trong việc triển khai hợp tác này.
5. Đề xuất, kiến nghị:
- Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Bộ Ngoại giao cân nhắc đề nghị Mi-an-ma ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực như ASEAN, GMS, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước sông Mê Kông cho giao thông, thủy lợi… trong việc hạn chế xây dựng thủy điện tràn làn trên thượng nguồn sông Mê Kông.
- Hai bên xem xét ký kết Hiệp định Hỗ trợ và Bảo hộ Đầu tư và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Mi-an-ma.
Trên đây là thông tin về tình hình hợp tác GTVT giữa Việt Nam và Mi-an-ma để Bộ Ngoại giao tổng hợp.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.