BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4678/TM-VP | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 588/VPCP-QHQT ngày 10/10/2002, từ ngày 17 đến 30 tháng 10 năm 2002 Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi thăm và làm việc taị Liban, Công Gô, Namibia, Angola và Cộng hòa Pháp. Nay Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả cụ thể như sau:
Trong suốt thời gian Chủ tịch nước đi thăm các nước Iran, Công Gô, Namibia, Angola và Cộng hòa Pháp, ngoài việc tham dự các cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch Trần Đức Lương và nguyên thủ các nước chủ nhà, Chủ tịch nước phân công Bộ trưởng Thương mại làm Trưởng đoàn chủ trì phía Việt Nam trong các cuộc hội đàm giữa các Bộ trưởng ở các nước đến thăm, và chủ trì các buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa đoàn doanh nghiệp Việt Nam và giới doanh nghiệp các nước chủ nhà. Riêng tại Liban, Bộ trưởng Thương mại không tham gia đoàn chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp (francophonic), mà có chương trình làm việc riêng với Bộ Thương mại và Bộ trưởng Lao động Liban.
1. Tại Liban:
Trong thời gian Chủ tịch nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Francophinic, Bộ trưởng Thương mại đã có chương trình làm việc riêng với Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Lao động Liban để trao đổi và tìm biện pháp thúc đẩy các quan hệ thương mại và xuất khẩu lao động giữa hai nước cụ thể là:
(a) Khả năng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Liban: Liban là nước nhỏ, vừa thoát khỏi chiến tranh, nhưng có tiềm năng thương mại lớn, giới thương nhân Liban rất năng động và có nhiều ảnh hưởng trong thương mại ở các nước Trung Đông và Châu Phi, Liban là điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực. Hiện tại quan hệ Thương mại trực tiếp giữa Việt Nam và Liban chưa nhiều (xuất khẩu của Việt Nam sang Liban đạt khoảng 6 triệu USD/năm, nhập khẩu từ Liban không đáng kể), nhưng khả năng phát triển rất khả quan, đặc biệt khả năng tận dụng mạng lưới thương nhân Liban để thông qua đó đưa hàng Việt Nam sang các nước Trung Đông và Châu Phi.
Để phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã thỏa thuận với Bộ trưởng Thương mại Liban:
- Hai bên sẽ trao đỏi dự thảo Hiệp định thương mại để sớm đi đến ký kết, nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động giới doanh nghiệp hai nước.
- Bộ trưởng Thương mại Việt Nam hoan nghênh phía Liban cửa đoàn quan chức và thương nhân Liban sang Việt Nam khảo sát thị trường và tìm cơ hội kinh doanh.
- Bộ trưởng Thương mại Việt Nam sẽ xem xét và báo cáo Chính phủ Việt Nam cho mở Thương vụ tại Liban, nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.
- Bộ trưởng Thương mại Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Liban cam kết hai bên sẽ có những ủng hộ lẫn nhau một cách thiết thực trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của cả hai nước (Liban cũng đang đàm phán gia nhập WTO).
(b) Thị trường lao động Liban: Liban là nước có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tương đối lớn. Theo số liệu do Bộ Lao động Liban cung cấp thì hiện tại Liban sử dụng khoảng 450.000 lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động nữ từ Srilanka, Etiopia và Syric.
Hiện nay có khoảng 900 lao động Việt Nam, trong đó cơ bản là lao động nữ đang làm việc tại Liban. Số lao động này chủ yếu sang Liban dưới thức hình tự do theo cách người đi trước giới thiệu, lo thủ tục cho bạn bè, người thân sang theo và chủ yếu và chủ yếu làm giúp việc và làm vườn cho các gia đình người Liban. Lao động Việt Nam được đánh giá cao tại Liban, cho đến nay chưa xảy ra vấn đề gì lớn ảnh hưởng đến uy tín của chị em lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Lao động Liban cũng cho biết, phía Liban cũng đang chủ trương tăng số lao động Việt Nam và giảm số lao động Srilanka và Etiopia đang làm việc tại Liban.
Tuy nhiên, gần đây Chính phủ Liban đã ngừng cấp visa cho người lao động Việt Nam, nguyên nhân là do Việt Nam chưa có cơ quan đại diện tại Liban, cho nên các cơ quan quản lý Liban gặp nhiều lực lượng trong việc quản lý lao động Việt Nam, Bộ trưởng Lao động Liban cho biết Chính phủ Liban sẽ cấp visa cho lao động Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đặt Lãnh sứ quán chính thức hoặc cử Lãnh sự danh dự tại Liban.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam hứa với Bộ trưởng Lao động Liban sẽ trao đổi với Bộ Ngoại giao Việt Nam và báo cáo Chính phủ xem xét khả năng đặt Cơ quan Lãnh sự hoặc trước mắt cử Lãnh sự danh sự tại Liban.
2. Tại Cộng hòa hồi giáo Iran:
Bên cạnh việc tham dự các buổi hội đàm chính thức giữa Chủ tịch Trần Đức Lương và Tổng thống Iran, Bộ trưởng Thương mại đã chủ trì cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giới doanh nghiệp Iran. Tại buổi tiếp túc này Bộ trưởng thương mại đã giới thiệu với giới doanh nghiệp Iran về nền kinh tế và thị trường Việt Nam cũng như các cơ hội hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
3. Tại Namibia:
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam chủ trì cuộc hội đàm giữa đoàn Bộ trưởng Việt Nam và đoàn các Bộ trưởng và quan chức Namibia. Hai bên đã trao đổi các khả năng và biện pháp thúc đẩy các quan hệ toàn diện giữa hai nước như nông nghiệp, kinh tế - thương mại, y tế, giáo dục...
Bộ trưởng Thương mại đã được Chính phủ uỷ quyền ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Namibia, Bộ Thương mại hai bên cũng trao đổi dự thảo Hiệp định, nhưng do Namibia mới ký Hiệp định thành lập liên minh quan thuế 5 nước miền Nam Châu Phi (Botswana, Lesotho, Namibia, Nam Phi và Swaziland - SACU), và theo Hiệp định này mỗi nước thành viên phải tham khảo ý kiến của các thành viên khác trước khi ký hiệp định thương mại - kinh tế với nước thứ ba, phía Namibia chưa kịp làm việc này, cho nên hai bên chưa ký được Hiệp định Thương mại trong dịp này.
Namibia là nước nhỏ, nhưng kinh tế phát triển tương đối mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực. Hơn nữa hiện nay Namibia là thành viên sáng lập của SACU, nếu như hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào thị trường Namibia thì hoàn toàn có thể xâm nhập sang các thị trường khác của Liên minh. Hiện tại quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Namibia chưa đáng kể, nhưng tiềm năng phát triển là có, kể cả trong lĩnh vực thương mại thông thường và đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Namibia nói riêng và các nước SACU nói chung, trong khi hai nước chưa ký kết Hiệp định Thương mại, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã thảo luận, thống nhất và ký Bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ về xúc tiến các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước với Bộ trưởng Công Thương Namibia.
Ngoài ra, Bộ Công thương Namibia cũng trao cho Bộ trưởng Thương mại Việt Nam dự thảo Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hai bên có thế bắt đầu đàm phán về Hiệp định này.
4. Tại Angola:
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam cùng với Bộ trưởng Nội vụ Angola chủ trì cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng và chủ trì cuộc tiếp xúc giữa hai phòng Thương mại và giới doanh nghiệp hai nước.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam cũng đã được Chính phủ uỷ quyền ký Hiệp định Thương mại với Angola, nhưng do thời gian chuyến thăm ngăn (23 tiếng) cho nên phía Angola không kịp chuẩn bị để ký Hiệp định này. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi với để có thể đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất, nhằm tạo điều kiện cho phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, mà trước hết là cộng đồng khoảng hơn 1000 người Việt Nam, trong đó chủ yếu là thương nhân và một số chuyên gia y tế - giáo dục đang sinh sống và kinh doanh tại Angola.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam cũng đã đề nghị phía Angola tạo điều kiện để cộng đồng Việt Nam tại Angola xây dựng trung tâm thương mại của Việt Nam tại Angola. Tổng thống Angola Dos Xantos hoan nghênh việc này.
5. Tại Công Gô:
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Công Gô chủ trì cuộc hội đàm giữa hai đoàn Bộ trưởng hai nước về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Công Gô và thừa uỷ quyền của Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định này với Bộ trưởng Ngoại giao Công Gô.
6. Tại Cộng hoà Pháp:
Bên cạnh việc tham gia các cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch Trần Đức Lương và Tổng thống Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Thương mại đã chủ trì các cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giới chủ Pháp (MEDEF) tại Paris và các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp tại thành phố công nghiệp Lyon.
Ngoài ra Bộ trưởng Thương mại Việt Nam cũng đã có cuộc hội đàm riêng với Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Pháp nói riêng và giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu nói chung, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã thăm và làm việc với Trung tâm Ngoại thương Pháp (CFCE) và Cơ quan xúc tiến thương mại Pháp (UBIFRANCE), đây là hai cơ quan trực thuộc Bộ Kinh tế - Tài chính - Thương mại Pháp hiện đang chịu trách nhiệm chuẩn bị dự án hỗ trợ Bộ Thương mại Việt Nam trong công tác thông tin và xúc tiến thương mại.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Thương mại đã ký "Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp để thực hiện dự án Hội nhập của Việt Nam trong giao lưu kinh tế thế giới - Viện trợ không hoàn lại 1.676.939 Euro".
Trên đây là báo cáo về kết quả chuyến đi thăm tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương của Bộ trưởng Thương mại. Để triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được và tiếp tục các nội dung đang tiếp tục bàn thảo trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước nêu trên. Bộ Thương mại xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Giao Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Thương mại khẩn trương nghiên cứu và trình Chính phủ phương án mở cơ quan Lãnh sự và Thương vụ tại Liban (trước mắt, để tiết kiệm chi phí có thể cử 01 cán bộ lãnh sự và 01 cán bộ thương vụ), nhằm tạo điều kiện cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại, khai thông việc xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường này.
- Cho phép Bộ Thương mại đàm phán Hiệp định Thương mại với Liban.
- Giao Bộ Thương mại tiếp tục đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Thương mại với Angola và Namibia.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán với phía Namibia về Hiệp định khuyến khích và bào hộ đầu tư.
Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.