BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 443/LĐTBXH-BTXH | Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
Kính gửi: Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, hỗ trợ các gia đình thuộc diện chính sách, các hộ nghèo, vùng nghèo, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật và các đối tượng xã hội khác. Nhiều Đề án, Chương trình của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực xã hội đã được triển khai,… đã giúp hàng triệu hộ thoát nghèo, hàng vạn đối tượng bảo trợ xã hội khác được trợ giúp kịp thời. Nhờ đó vấn đề người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng đã được giải quyết tích cực, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Hội nghị APEC,… Nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình sáng tạo để giải quyết tốt vấn đề này như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Thanh Hóa,… kết quả đó đã góp phần tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, góp phần vào sự phát triển du lịch, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng. Tuy nhiên, do nhận thức còn chưa đầy đủ và do những khó khăn về cuộc sống nên vấn đề người lang thang xin ăn, người bán hàng rong đeo bám khách du lịch (trong đó phần nhiều là trẻ em lang thang) là những vấn đề bức xúc cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn. Để tập trung giải quyết triệt để và lâu dài; đồng thời trước mắt tập trung giải quyết vấn đề người lang thang trong dịp tết Nguyên đán Đinh hợi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện tốt một số việc sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân, nhất là cấp thôn, bản, làng xã và trong dòng họ về những tác hại của việc bỏ nhà đi lang thang kiếm sống. Động viên các gia đình, dòng họ vận động người thân hồi gia (nhất là trẻ em đang lang thang kiếm sống tại các đô thị).
2. Tăng cường công tác quản lý hộ khẩu hộ tịch, đăng ký tạm trú, giữ gìn an ninh trật tự, nắm vững tình hình các nhà trọ, có biện pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục các đối tượng hồi gia ngay trong dịp tết Nguyên đán.
3. Rà soát, lập danh sách người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, người tâm thần lang thang đưa về cơ sở bảo trợ xã hội để lập hồ sơ quản lý và xử lý theo quy định hiện hành. Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh thành phố, kiên quyết không để còn hiện tượng người cao tuổi cô đơn, người tàn tật và trẻ em phải lang thang kiếm sống tại các nhà ga, bến xe, các điểm vui chơi công cộng trong ngày tết cổ truyền, các lễ hội.
4. Hỗ trợ để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tại các cơ sở Bảo trợ xã hội như hỗ trợ thêm về vật chất, về tài chính và về các phương tiện sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi… Hỗ trợ dạy nghề cho trẻ em trong độ tuổi, giúp các em có định hướng nghề nghiệp khi trưởng thành; tập huấn nâng cao năng lực công tác chuyên môn và kỹ năng làm việc của cán bộ nhất là kỹ năng khi làm việc, chăm sóc trẻ em lang thang và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Quá trình thực hiện, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả và những khó khăn vướng mắc về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để cùng phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.