BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4267/BCT-KH | Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2008 |
Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội
Tại kỳ họp này, Bộ Công Thương đã nhận được chất vấn của 18 vị Đại biểu Quốc hội và 1 đoàn Đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại như tình hình nhập siêu năm 2008, tình hình cung ứng ngành điện mùa khô 2008, tình hình sử dụng vốn đầu tư của các tập đoàn Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời kịp thời gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội có liên quan.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin phép được báo cáo với Quốc hội 3 nhóm vấn đề được các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm là (1) bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu, (2) tình hình xuất nhập khẩu, nguyên nhân nhập siêu và các giải pháp hạn chế, (3) công tác quản lý thị trường.
1. Về bảo đảm cung cẩu các mặt bàng thiết yếu
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá là tiền đề quyết định cho sự bình ổn của thị trường, tránh đột biến về giá và ngăn chặn đầu cơ, buôn lậu. Theo tính toán, nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế về các mặt hàng thiết yếu năm 2008 tăng khoảng 14% so với năm 2007. Với nguồn hàng sản xuất trong nước và được bù đắp phần còn thiếu bằng nhập khẩu như dự kiến kế hoạch là hoàn toàn đáp ứng đủ. Điều quan trọng là phải tháo gỡ khó khăn do giá của một số hàng hoá thế giới và trong nước tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống. Trong khi kiên trì chủ trương thực hiện giá theo cơ chế thị trường, nhưng để ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chủ trương chưa điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển máy bay, tàu hoả, xe buýt. Riêng về giá bán xăng dầu, trong trường hợp giá dầu thế giới tăng đột biến, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án tổng thể, thích hợp, với tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng chia sẻ, gánh vác để vượt qua khó khăn, giữ ổn định và phát triển.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể từng Bộ quản lý ngành phải tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ những mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống với giá cả hợp lý. Các Bộ cùng các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng và không để đầu cơ tăng giá. Chính phủ cũng yêu cầu và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân tiết kiệm tối đa trong sản xuất, trong tiêu dùng để góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát.
Sau đây là cân đối những mặt hàng thiết yếu năm 2008:
1.1 Lúa gạo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả năm 2008 có khả năng đạt khoảng 35,9 -36 triệu tấn, trên cơ sở xác định sản lượng lúa Đông Xuân 2007-2008 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 9,6 triệu tấn (tăng 550 ngàn tấn so với vụ Đông Xuân 2006-2007). Sau khi trừ khoảng 27,8 triệu tấn lúa cho tiêu dùng nội địa còn khoảng 8,7 triệu tấn lúa dành cho xuất khẩu (tương đương 4,5 triệu tấn gạo).
Trong tình hình trên thị trường thế giới, nguồn cung gạo vẫn thấp hơn nhu cầu khoảng 5 triệu tấn cộng thêm với tình hình mất mùa tại một số nước nên giá gạo thế giới tăng liên tục từ đầu năm đến nay; theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực điều hành xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo đến hết quý III/08 (Quý 4 sẽ tuỳ tình hình thu hoạch vụ hè thu để quyết định tiếp)
Ước 4 tháng đầu năm 2008, nước ta đã xuất khẩu được 1,567 triệu tấn gạo, chi tăng 11,6% so với cùng kì về lượng nhưng đã tăng tới 72,6% về trị giá.
Tại thị trường trong nước, sau biến động giá gạo những ngày cuối tháng 4/2008, đến nay giá gạo trên thị trường đã ổn định dần. Hiện giá thóc gạo phổ biến ở mức như sau: (đ/kg)
| Miền Bắc | Miền Nam |
Thóc tẻ thường Gạo tẻ thường | 6.000 - 6.500 9.000 - 10.000 | 5.000 - 6.000 9.000 - 11.000 |
Dự báo giá lương thực còn tiếp tục diễn biến phức tạp và luôn ở mức cao. Mặc dù trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu chúng ta vẫn cần phải tăng cường quản lý nguồn hàng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường, không để xảy ra khan hiếm cục bộ, đặc biệt là phải ngăn chặn bằng được tình trạng đầu cơ và thực hiện tốt việc điều hành xuất khẩu để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.
1.2. Thực phẩm
Dự kiến nguồn cung một số loại thực phẩm năm 2008 như sau:
- Sản lượng thịt các loại khoảng 4,2 triệu tấn.
- Sản lượng trứng khoảng 5,56 tỷ quả.
Tổng lượng thức ăn tinh là 18 triệu tấn. Sản lượng thức ăn công nghiệp dự kiến là 8,8 triệu tấn, tăng 14%. Để bảo đảm sản lượng thức ăn cần nhập khẩu khô dầu các loại 2,2 - 2,4 triệu tấn; ngô hạt 650 -700 ngàn tấn; bột cá 150 - 200 ngàn tấn; thức ăn bổ sung 200 ngàn tấn.
Hiện nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biển phức tạp, có chiều hướng lan rộng, đặc biệt dịch lợn tai xanh đã gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi (tính đến ngày 27/4/2008 đã có 3 tỉnh có dịch cúm gia cầm, 1 tỉnh có dịch lở mồm long móng và 8 tỉnh có dịch bệnh tai xanh, tổng số lợn bị tiêu huỷ trên 230 ngàn con) đã ảnh hưởng tới việc khôi phục và phát triển chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời lại xảy ra tình trạng xuất khẩu gia súc qua biên giới, nhất là các loại con giống. Do đó đòi hỏi chính quyền các địa phương tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền, nắm bắt và xử lý tình hình để ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
1.3. Đường
Dự báo nhu cầu đường năm 2008 là 1.320 ngàn tấn. Sản lượng đường vụ 2007-2008 đạt khoảng 1.138 ngàn tấn, cộng với khoảng 100 ngàn tấn đường thủ công và khoảng 58 ngàn tấn đường nhập theo hạn ngạch thuế quan sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trên thị trường thế giới, đường là mặt hàng cung lớn hơn cầu khoảng 9 triệu tấn nên dù giá dầu thô tăng ở mức cao nhưng giá đường biến động không nhiều.
Trong nước giá đường tương đối ổn định. Giá bán lẻ phô biến 8.000 – 10.000 đ/kg tùy loại.
1.4. Muối
Dự báo nhu cầu muối năm 2008 khoảng 1.340 ngàn tấn. Theo báo cáo của Cục Chế biến, sản lượng muối cả nước luỹ kế từ đầu vụ đến nay đạt khoảng 342 ngàn tấn (đạt 31% kế hoạch năm và tăng 171% so với cùng kỳ năm trước). Giá thu mua muối phổ biến ở mức 900-1.000 đ/kg. Giá bán lẻ phổ biến 1.500 - 3.000 đ/kg. Dự báo sản lượng muối sản xuất trong nước là 1,1 triệu tấn, cộng với tồn kho và nhập khẩu khoảng 230 ngàn tấn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
1.5. Phân bón
Dự báo nhu cầu phân bón các loại năm 2008 là gần 8 triệu tấn. Năng lực sản xuất trong nước đáp ứng được gần 4,8 triệu tấn, trong đó hoàn toàn đáp ứng nhu cầu các loại phân chứa lân, phân NPK; chủ yếu chỉ phải nhập khẩu phân đạm urê và phân DAP mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ.
Qua 4 tháng đầu trong nước đã sản xuất được khoáng 1.731 ngàn tấn, nhập khẩu khoảng 1.583 ngàn tấn các loại, tăng 40,8% về lượng nhưng tăng tới 156,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng phân urê là 412 ngàn tấn, tăng 114,6% về lượng và tăng 209,6% về trị giá.
Nguồn cung phân bón như trên là đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Riêng về giá phân bón từ đầu năm đến nay tăng liên tục như phân urê: giá chào thị trường thế giới tháng 1 là 370 USD/T thì tháng 4 là 500 USD/tấn, giá nhập khẩu bình quân tháng 1 là 300 USD/T và tháng 4 là 420 USD/T, giá bán thị trường trong nước tháng 1 là 6.600 đ/kg và tháng 4 là 8.000 đ/kg
1.6. Thép
Nhu cầu tiêu dùng thép các loại năm 2008 khoảng 12 triệu tấn, trong đó thép xây dựng là 5,350 triệu tấn; thép tấm, thép lá, thép chế tạo...khoảng 7 triệu tấn. Năng lực sản xuất trong nước về thép xây dựng khoảng 6 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu, về thép tấm còn thấp vì các dự án đang trong quá trình đầu tư. Sản xuất trong nước 4 tháng đạt khoảng 1,384 triệu tấn; sản xuất phôi đạt 630 ngàn tấn. Nhập khẩu thép các loại 4 tháng đầu năm là 3,3 triệu tấn, trong đó thép xây dựng là 288 ngàn tấn. Nhập khẩu phôi thép khoảng 1,326 triệu tấn.
Việc sử dụng sắt thép tăng do nhu cầu đầu tư tăng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, các dự án đầu tư cần được rà soát để đảm báo có hiệu quả, kiên quyết đình hoãn hoặc giãn tiến độ những dự án kém hiệu quả, nên Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo theo dõi các biến động của thị trường để có sự điều tiết nhập khẩu một cách hiệu quả nhất.
1.7. Xi măng
Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2008 khoảng 40 - 41 triệu tấn. Trong 4 tháng đã sản xuất được khoảng 12,37 triệu tấn (tiêu thụ 12,12 triệu tấn). Nhập khẩu Clinker 4 tháng khoảng 1,358 triệu tấn (giá nhập bình quân là 39,03 USD/tấn, tăng 24,14% so với giá nhập bình quân năm 2007).
Giá bán xi măng tại các nhà máy quí I/2008 tăng khoảng 20.000 - 30.000đ/tấn so với cuối năm 2007 và được giữ ổn định cho đến nay. Nhưng trên thị trường, giá xi măng đã tăng ở mức cao hơn (tăng 5.000 - 11.000đ/bao 50 kg), hiện nay phổ biến ở mức giá 885.000- 920.000đ/tấn (phía Bắc) và 1100 000-1140.000đ/tấn (phía Nam) đối với Xi măng PC40.
Đầu tháng 5/2008, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam có hiện tượng xi măng khan hiếm cục bộ và giá bán đã tăng ở mức cao hơn. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã kịp thời thành lập đoàn đi kiểm tra và đã có các biện pháp cụ thể để đáp ứng đủ nhu cầu và giá sẽ ổn định dần do nhiều nhà máy mới tiếp tục đi vào sản xuất. Tuy nhiên, do sản lượng xi măng ở phía Bắc chiếm tỷ trọng lớn (70%) trong khi tiêu thụ xi măng ở phía Nam lại chiếm tỷ trọng lớn nên phải vận chuyển xi măng và clinker vào phía Nam. Vì vậy cần có kế hoạch cụ thể để bảo đảm việc vận chuyển này nhằm khắc phục tình trạng thiếu hàng cục bộ theo thời điểm như vừa qua.
1.8. Xăng dầu
Đây là mặt hàng mà chúng ta phải nhập khẩu 100%. Theo kế hoạch năm 2008 nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng là 14,5 triệu tấn xăng dầu các loại. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã nhập 5,249 triệu tấn đúng tiến độ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Do giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu 4 tháng đầu năm 2008 biến động phức tạp và luôn tăng ở mức cao (giá dầu thô tháng 12 năm 2007 là 91,22 USD/thùng thì tháng 5 năm 2008 là 126,27 USD/thùng, giá dầu Diesel tháng 12 năm 2007 là 638,18 USD/tấn thì tháng 5 năm 2008 là 933,63 USD/tấn...) nên giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng từ ngày 25 tháng 2 năm 2008 lên mức khá cao và ổn định cho đến nay. Tuy vậy, do mức giá thế giới tăng cao như hiện nay nên kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ nặng. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp xem xét có đề xuất phương án xử lý phù hợp.
1.9. Giấy
Nhu cầu tiêu dùng giấy năm 2008 khoảng 2 triệu tấn các loại, trong đó giấy in, giấy viết khoảng 300 ngàn tấn; giấy in báo khoảng 110 ngàn tấn. Để đáp ứng nhu cầu sẽ sản xuất trong nước khoảng 1,3 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 960 ngàn tấn giấy các loại và 150 ngàn tấn bột giấy. Qua 4 tháng đã sản xuất được 396 ngàn tấn giấy, nhập 35 ngàn tấn bột và 361 ngàn tấn giấy các loại.
Giá nguyên liệu và sản phẩm giấy trên thị trường thế giới 4 tháng đần năm 2008 tăng dần và ở mức cao. Hiện giá bột giấy gỗ mềm tẩy trắng sợi dài (NBSK) tại châu Âu là 891,89 USD/tấn, tăng 20,73 USD/tấn so với đầu năm. Giá bột gỗ cứng tẩy trắng (BHKP) hiện là 823,27 USD/tấn, tăng 23,27 USD/tấn so với tháng trước và 45,26 USD/tấn so với đầu năm. Mặc dù vậy, từ tháng 4/2008 giá các loại giấy trong nước mới được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng từ 2-5% tuy từng chủng loại. Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và bình ổn giá để đáp ứng nhu cầu.
1.10. Thuốc chữa bệnh
Trong 4 tháng qua có thể nói sản xuất và nhập khẩu thuốc chữa bệnh đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng do biến động tăng của giá nguyên liệu và các chi phí nên giá một số loại thuốc có sự điều chỉnh tăng. Hiện nay có khoảng 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Chi số giá Dược phẩm và dịch vụ y tế 4 tháng đầu năm tăng 2,7%.
2. Về tình hình xuất nhập khẩu, nguyên nhân nhập siêu và giải pháp hạn chế
Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ như cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, hội nhập kinh tế quốc tế chưa có nhiều kinh nghiệm; kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực chưa đáp ửng kịp yêu cầu phát triển; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp... Mặt khác, từ những tháng cuối năm 2007 tình hình kinh tế thể giới diễn biến rất phức tạp; giá dầu thô, giá lương thực và giá nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng cao tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô; giá tiêu dùng trong nước quý IV tăng rất mạnh, làm cho chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 tăng 12,63%; kim ngạch nhập khẩu cả năm tăng 39,6%, nhập siêu tăng cao, bằng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và gấp hơn 2,7 lần năm 2006.[1]
Trước tình hình đó, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã tập trung sức chỉ đạo theo dõi sát tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; đưa ra nhiều chính sách, biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát; tăng cường quản lý thị trưởng, giá cả và ổn định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và bảo đảm cân đối các hàng hoá thiết yếu... Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2008 tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, trong đỏ giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,4%, xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (27,6% so với 22%), nhưng nhập khẩu tăng quá cao so với 4 tháng đầu năm 2007 (71% so với 33,6%), nhập siêu 4 tháng cao nhất trong nhiều năm qua.
Nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do số lượng nhập khẩu các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và đầu tư tăng nhanh và phải chịu mặt bằng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ (theo tính toán thì tác động do giá tăng chiếm 70% mức tăng nhập khẩu); tác động của việc cắt giảm thuế theo lộ trình WTO; nhưng nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và còn nhiều yếu kém, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu; hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là gia công lắp ráp (khoảng 70% nguyên liệu và linh kiện phải nhập khẩu) và hiệu quả đầu tư thấp, còn nhiều lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng. Tỷ trọng các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng chi chiếm tỷ trọng như (năm 2007 chiêm khoảng trên 3% tổng kim ngạch nhập khẩu)
Phân tích cơ cấu kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp trong nước nhập 20,6 tỷ USD tăng 86%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập 8,7 tỷ USD, tăng 43,7%. Có nhiều mặt hàng đều tăng cả về số lượng và trị giá như sắt thép tăng 100% về lượng và 143% về trị giá, phôi thép tăng 93% về lượng và 185,2% về trị giá, phân bón tăng 40,8% về lượng và 156,6% về trị giá, xăng dầu tăng 8% về lượng và 71% về trị giá... Tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu tháng 4 bắt đầu có xu hướng giảm so với tháng 3 và phù hợp với dự báo là 7,85 tỷ USD (giảm 220 triệu USD, trong đó, riêng ôtô dưới 12 chỗ ngồi nhập khẩu đã giảm 44,7% so với tháng 3). Đồng thời, cỏ thể thấy việc nhập khẩu của khối các doanh nghiệp FDI, cũng như việc nhập khẩu nguyên liệu để gia công hàng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, nhất là trong ngành dệt may, da giày (khoảng 7,5 USD để có kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD) không làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán ngoại tệ của Chính phủ. Ngoài ra, việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị cho các dự án phải chấp nhận tăng trong giai đoạn đầu tư và sẽ được thu hồi dần thông qua việc tiêu thụ sản phẩm khi dự án đi vào hoạt động, khi đó sẽ có tình hình ngược lại.
Để kiềm chế và giảm dần nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan triển khai các nhóm giải pháp sau đây:
2.1. Tiếp tục đảy mạnh xuất khẩu
Đây là biện pháp vừa có tính cơ bản lâu dài, vừa có tính cấp bách trước mắt để kiềm chế nhập siêu, sẽ tiến hành đồng bộ theo 5 hướng
Một là, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu (diện tích, năng suất, thời tiết...) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng, trong đó đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản.
Hai là, tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, những mặt hàng có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội như các sản phẩm chế biến, công nghiệp chế biến: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa, dây cáp điện...
Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng, không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm...
Bốn là, tập trung khai thác theo chiều sâu đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp hạn chế xuất khẩu thời gian qua.
Năm là, rà soát và phát hiện các mặt hàng có khả năng sản xuất và không hoặc chưa bị hạn chế về thị trường như đồ nhựa các loại, sản phẩm cơ khí và va li, túi xách, mũ ô dù.
Bên cạnh đó cần xây dựng đề án đẩy mạnh xúc tiến thu hút các tập đoàn kinh tế lớn ở nước ngoài vào Việt Nam đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu; tăng thêm nguồn lực cho hoạt động xúc tiến; cho doanh nghiệp vay vốn thu mua nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất khẩu; áp dụng lãi suất vay hợp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trọng lĩnh vực hoàn thuế và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu như thuỷ sản, hạt điều...
Với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 sẽ đạt được khoảng 25% so với thực hiện năm 2007, cao hơn mục tiêu đầu năm đề ra (là 22%).
2.2. Thực hiện các giải pháp giảm nhập khẩu
Nhằm hạn chế nhập khẩu, giảm thâm hụt cán cân thương mại, cần tập trung thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 10/2008NQ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 4 năm 2008 về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Cụ thể là:
- Đối với nhóm mặt hàng cần nhập khẩu và nhóm mặt hàng nhập khẩu cần kiểm soát: Đây là nhóm quan trọng, thiết thực phục vụ cho sản xuất và đầu tư, nhưng vẫn phải tính đến khả năng giảm nhập khẩu hợp lý ở 2 nhóm này thông qua việc lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc sử dụng các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lởn như (sắt thép, phôi thép, máy móc...) để đề xuất các biện pháp giảm cầu và hạn chế nhập khẩu, thông qua chính sách thuế và các biện pháp phi thuế, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công; khuyến khích tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; điều hành chính sách tài khoá theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách; phấn đấu giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách, triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng, tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng hiệu quá nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập, nhất là tại các dự án, các công trình lớn...thì mới có khả năng giảm nhập siêu vì tỷ trọng khối này chiếm tới hơn 90% kim ngạch nhập khẩu.
- Đối với nhóm mặt hàng hạn chế nhập khẩu: Nhóm này chỉ chiếm khoảng 6-7% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu nhưng lại là những mặt hàng nhạy cảm nên cần tăng cường quản lý chặt nhập khẩu, nhất là những mặt hàng tiêu dùng chưa thiết yếu. Để giảm nhập khẩu nhóm hàng này có thể áp dựng các biện pháp như nâng thuế suất thuế nhập khẩu tới trần của khung thuế suất theo cam kết; nâng thuế tiêu thụ đặc biệt; nộp thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và bảo lãnh cho vay nhập khẩu hàng trả chậm, đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân triệt đê thực hành tiết kiệm, tích cực sử dụng hàng trong nước.
Với tất cả các biện pháp trên hy vọng sẽ kiềm chế được tình hình nhập siêu ở mức hợp lý (theo tính toán tại thời điểm giá dầu thô hiện nay dao động 110- 120 USD/thùng phấn đấu đưa tỷ lệ nhập siêu cả năm 2008 khoảng 30% so với 2007). Tuy nhiên vẫn cần nhấn mạnh thêm rằng, nếu giá cả thế giới tiếp tục tăng cao thì tỷ lệ nhập siêu có thể thay đổi.
3. Về công tác quản lý thị trường
Năm 2008 tình hình kinh tế thế giới có những biến động khó lường bởi tác động suy giảm của nền kinh tế Mỹ và đã ảnh hưởng tới nên kinh tế nước ta. Trong những tháng đầu năm 2008, thị trường hàng hoá và dịch vụ diễn biến khá phức tạp, do giá xăng đầu, giá vàng thế giới cùng một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; thời tiết không thuận lợi (rét đậm, rét hại dài ngày), dịch bệnh ở người, gia súc, gia cầm tái phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy giá nhiều loại hàng hoá và dịch vụ đã tăng hơn cùng kỳ. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững, kết quả là chỉ số giá tiêu dùng sau 2 tháng đã có xu hướng giảm dần (tháng 1 tăng 2,38%, tháng 2 tăng 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4 tăng 2,2%) và 4 tháng tăng 11,6% so với tháng 12/2007. Đây mới là kết quả bước đầu và tình hình vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan trước những kết quả đã đạt được, phải tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, nhất là giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, chống đầu cơ tăng giá, trục lợi đối với những mặt hàng thiết yếu...Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã triển khai các công việc:
- Chủ động bằng mọi biện pháp nắm chắc tình hình cung cầu hàng hoá, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đối với 10 mặt hàng thiết yếu: lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng, than, đường, giấy, muối.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn để đầu cơ, ép giá, găm hàng gây mất ổn định thị trường đối với các cơ sở kinh doanh bán lẻ, các chợ, cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, trung tâm thương mại.
- Kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ đề phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá.
- Kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ (mua vét hàng hoá), dự trữ hàng hoá quá mức; kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng; bịa đặt loan tin không có cơ sở để tăng giả; kiểm tra các biểu hiện liên kết chiếm lĩnh vị trí độc quyền để tăng giá, ép giá...
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quản lý giá và các ngành chức năng của địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh có quy mô lớn để xác định khung giá, mức giá, cơ cấu giá hợp lý đối với một số mặt hàng thiết yếu nêu trên.
Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2008, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 20.193 vụ vi phạm (trong đó có 4.393 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 4.826 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 7.716 vụ kinh doanh trái phép và 3.258 vụ vi phạm khác) với số thu 61,32 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 25,74 tỷ; trị giá hàng tịch thu là 32,97 tỷ và truy thu thuế là 2,59 tỷ đồng).
Sau đây xin điểm một số hoạt động chủ yếu
3.1. Công tác chống buôn lậu, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu:
Ngay từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo tại các địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... là những địa phương có vùng biên. Trong nội địa, các Chi cục Quản lý thị trường đã tập trung phối hợp điều tra, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm nhằm vào các loại hàng hóa thường được buôn lậu như vải, rượu, thuốc lá, trái cây, xăng dầu (xuất lậu), mỳ chính, linh kiện điện tử ở các tỉnh phía Nam, pháo, đồ chơi kích động bạo lực, gia súc, gia cầm, chăn điện, quạt sưởi, bánh kẹo, nông sản, gốm sứ, vải, mỹ phẩm, gạch ốp lát ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nên đã ngăn chặn được nhiều vụ lớn, mặc dù các đối tượng buôn lậu luôn sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh, trốn lực lượng Quản lý thị trường hoặc chống cự quyết liệt khi bị bắt giữ. Gần đây khi nổi lên tình trạng xuất lậu xăng dầu, lợn thịt và nhập lậu đường cát, xe đạp điện, gia súc, gia cầm qua biên giới, Bộ Công thương đã chi đạo cơ quan chức năng và lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền các địa phương xử lý, ngăn chặn nên đã thu được kết quả bước đầu
3.2. Công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch:
Trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh như lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ Công thương đã phối hợp chi đạo triển khai kế hoạch Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2008 với chủ đề "Thực phẩm chức năng: hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng" và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, thực hiện các quy định về kiểm dịch thú y, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gia súc, tiêu chuẩn vệ sinh thức ăn đường phố và phối hợp với các cơ quan Y tế, Đo lường chất lượng, Công an, Thú y... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để ngăn chặn tệ làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, máy tính, băng đĩa, phần mềm... lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiềm tra, kiểm soát ngăn chặn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ở một số địa phương đã tổ chức điều tra cơ bản theo ngành hàng; lập kế hoạch, chuyên đề cụ thể về hàng giả, phối hợp với các tổ chức sở hữu công nghiệp, bản quyền... tìm hiểu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để có kế hoạch, giải pháp hiệu quả trong phòng, chống.
3.3. Công tác kiểm tra giá, ổn định thị trường:
Đây là công tác quan trọng được Bộ Công Thương tập trung thường xuyên sự chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chống đầu cơ găm hàng, tạo nhu cầu ảo gây mất ổn định thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thực hiện quy chế ghi nhãn hàng hoá đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao như: sắt thép, xi măng, phân bón, rượu, bia, mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc lá ngoại... nhằm giữ vững và bình ồn thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 2 ngày cuối tháng 4 (26-27/4) khi phát hiện việc tăng giá gạo tại một số tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo kịp thời và kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước phối hợp cùng cơ quan Công an kiểm tra, để nếu phát hiện hiện tượng đầu nậu đầu cơ, găm hàng, ép giá, sẽ có xử lý ngay, đồng thời phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn điều động tăng lượng gạo bán ra với giá ổn định và giữ như mức trước đó nên cơn sốt giá đã được khắc phục.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương đã có Công điện khẩn chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát bảo đảm ổn định thị trường tại thời điểm điều chỉnh giá bán xăng, dầu và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các tổng đại lý, đại lý và các điểm kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố còn phối hợp với lực lượng Thuế, Thanh tra Tài chính... kiểm tra việc chấp hành chế độ thuế, chế độ hóa đơn chứng từ ở nhiều đơn vị kinh doanh, phát hiện, ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế do kê khai không đứng, không đầy đủ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khách sạn, vũ trường, thuốc tân dược... Đã phát hiện và xử lý đối với các vi phạm như doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; kinh doanh sai nội dung đăng ký; kinh doanh không có giấy phép; kinh doanh đĩa CD không tem kiểm soát, sao chép phần mềm bất hợp pháp...
Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Điều 153, 155 của Luật Hình sự theo hướng nâng cao khung hình phạt, điều chỉnh nội dung của tội danh cho phù hợp hoàn cảnh mới.
Trên đây là báo cáo của Bộ Công thương về những vấn đề được các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Xin chân thành cám ơn sự chú ý của các vị Đại biểu Quốc hội./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
[1] Giá tiêu dùng quý IV năm 2007 tăng 5%.
Số liệu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2: kim ngạch nhập khẩu năm 2007 ước đạt 57 tỷ đô la Mỹ, tăng 27%. Nhập siêu 9 tỷ đô la Mỹ, tỉ lệ nhập siêu là 18,75%
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.