BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4233/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2009 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Để chuẩn bị cho cuộc họp giao ban ODA ngày 24/6/2009 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA 6 tháng đầu năm 2009 do Bộ GTVT quản lý như sau:
1- Tổng hợp tiến độ thực hiện và giải ngân:
a/ Về số liệu: Xem phụ biểu đính kèm
b/ Nhận xét, đánh giá:
- Khoảng 1/3 trong tổng số dự án là dự án đã hoàn thành, được bố trí khoản vốn còn lại để hoàn chỉnh các công việc như thanh toán cuối cùng (sau bảo hành), kiểm toán để phục vụ quyết toán,... Trong số này một số dự án có tỷ lệ giải ngân 0% so với kế hoạch năm vì chưa hoàn thành thủ tục thanh toán cuối cùng (cả phần ODA và vốn đối ứng). Tuy nhiên tỷ trọng kế hoạch vốn cho các dự án này không đáng kể so với tổng kế hoạch vốn chung của ngành.
- Một số dự án đầu tư ở giai đoạn đấu thầu phải kéo dài thời hạn mở thầu hoặc huỷ kết quả đấu thầu vì năng lực nhà thầu không đáp ứng hoặc có quá ít nhà thầu tham gia, tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chủ yếu là việc bàn giao mặt bằng chậm của các địa phương, giá VLXD có chiều hướng đi xuống nhưng chưa ổn định,... nên các nhà thầu nước ngoài tính độ rủi ro cao trong giá dẫn đến vượt giá gói thầu được duyệt. Cụ thể là dự án QL3 mới Hà Nội- Thái Nguyên, nâng cao an toàn các cầu đường sắt HN-TP.HCM (44 cầu), cầu Nhật Tân, cảng Cái Mép- Thị Vải...
- Trong năm 2008 tiến độ các gói thầu lớn đang thi công có thời gian thực hiện 3-4 năm cũng phần nào bị đình trệ vì năng lực tài chính của các nhà thầu. Bộ GTVT đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu nên từ đầu năm 2009 tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đạt cao, điển hình là dự án nâng cấp tỉnh lộ (ADB), nâng cấp mạng lưới đường bộ (WB4), cầu Nhật Tân, giao thông nông thôn 3 (WB), cầu QL1 giai đoạn 3 (Cần Thơ- Cà Mau),... Tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đối ứng còn rất thấp, đa số <20% do chậm GPMB (trừ dự án mạng lưới giao thông miền Trung giải ngân đạt 73% và một số dự án đã đến giai đoạn hoàn thành gồm nâng cấp tỉnh lộ (ADB), cầu QL1 giai đoạn II-3, cảng Tiên Sa).
- Một số dự án triển khai chậm bước khởi động sau khi ký hiệp định vay, cụ thể là công tác đấu thầu tư vấn TKKT hoặc tư vấn giám sát do giá trị hợp đồng lớn, năng lực Ban QLDA chưa đáp ứng với việc hài hoà thủ tục trong nước và nhà tài trợ (dự án ATGT, cao tốc Nội Bài- Lào Cai).
- Các dự án hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch, nghiên cứu khả thi nhìn chung đạt yêu cầu về tiến độ, chuyển giao công nghệ và phối hợp tốt với tiến độ chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên nhìn tổng thể thì tiến độ phê duyệt điều chỉnh dự toán, dự án đầu tư, giải ngân bị chậm vì nguyên nhân trực tiếp là biến động giá vật liệu xây dựng rất lớn trong thời gian qua và công tác GPMB.
2- Các vướng mắc và biện pháp giải quyết:
- Giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu lập theo NCKT và giá ước tính trong Hiệp định vay nhưng phải đợi duyệt dự toán xong mới được tiến hành đấu thầu.
- Việc tách chuyển tiểu dự án GPMB về cho các địa phương đã giảm nhẹ công việc của chủ đầu tư là các cơ quan trung ương, Ban QLDA nhưng thực tế tiến độ GPMB không nhanh hơn vì nhiều địa phương còn lúng túng trong tổ chức bộ máy, các địa phương có nhiều dự án cần GPMB trên địa bàn thì các dự án của nhà đầu tư tư nhân thường được ưu tiên hơn các dự án dùng ngân sách NN, dự án ODA do chính sách ưu đãi của nhà đầu tư.
- Đa số các dự án đều có nhu cầu bổ sung vốn vay do trượt giá, một số dự án phải dừng công tác đấu thầu do chưa đủ vốn. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các nhà tài trợ đã thống nhất về chủ trương, đang giải quyết từng dự án cụ thể.
3- Khuyến nghị:
- Đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT để thực hiện Quyết định 412/QĐ-TTg nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập, sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
- Đề nghị cho phép tổ chức đấu thầu (rộng rãi) các gói xây lắp, thiết bị theo gía gói thầu tính toán trên cơ sở dự án đầu tư (DAĐT), kế hoạch đấu thầu (lập trên cơ sở DAĐT) và kết quả thẩm định vốn vay của nhà tài trợ, không cần duyệt dự toán xây lắp trước khi đấu thầu, tránh chậm trễ khi chờ đợi thẩm định dự toán vì một số đơn giá không xác định được tại thị trường Việt Nam.
- Đề nghị cho phép tiến hành công tác đấu thầu một số gói thầu dịch vụ tư vấn chuẩn bị xây dựng (như TKKT,...) trước khi phê duyệt DAĐT và Hiệp định vay được ký kết để tận dụng thời gian.
- Các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là dự án lập chiến lược, quy hoạch phát triển, tăng cường thể chế hiện nay nguồn vốn đối ứng là nguồn ngân sách hàng năm của các Bộ. Thông thường các dự án này có thời gian thực hiện khoảng 1-2 năm, thời điểm đàm phán ký thoả thuận với nhà tài trợ là phụ thuộc vào kế hoạch của nhà tài trợ, sau ký kết lại bắt đầu triển khai ngay nên thường không kịp làm kế hoạch vốn đối ứng; Mặt khác nguồn kinh phí ngân sách hàng năm của các Bộ là rất hạn hẹp, việc thuyết minh với Bộ Tài chính để bổ sung là rất khó khăn dẫn đến các dự án này không có kinh phí đối ứng để thực hiện, gây khó khăn cho chủ dự án. Để giải quyết vốn đối ứng kịp thời cho dự án, đề nghị Bộ KH&ĐT thống nhất với Bộ Tài chính xem xét để hàng năm bố trí nguồn riêng với cơ chế phù hợp để giải quyết cho các dự án này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.