BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4221/TM-CATBD | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhận lời mời của Bộ trưởng Thương mại Thái Lan tham gia Hội nghị hợp tác quốc tế về gạo tại Bangkok ngày 9/10/2002. Năm nước tham dự Hội nghị là: ấn Độ, Paskitan, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thái Lan nêu mục đích tổ chức Hội nghị là mong muốn bằng hợp tác năm nước sẽ phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được trong hợp tác gạo giữa Việt Nam và Thái Lan quan những năm qua.
Bộ Thương mại xin báo cáo cụ thể như sau:
Việc trao đổi ý kiến tại Hội nghị được tổ chức thành 3 phần:
1. Trao đổi trực tiếp giữa các Bộ trưởng tham dự Hội nghị trong buổi ăn trưa làm việc.
2. Phát biểu chính thức trong Hội nghị toàn thể khai mạc lúc 14h00.
Kết thúc Hội nghị, năm Bộ trưởng đã ký Biên bản chung. Sau đó, trong buổi gặp và mời cơm tại nhà riêng, Thủ tướng Thái Lan nêu thêm ý kiến về giá xuất khẩu tối thiểu và gợi ý mời Mỹ tham dự hợp tác trong tương lai.
Hội nghị đã thống nhất một số nội dung sau:
1. Sự cần thiết hợp tác và tính khả thi:
Trong bối cảnh thị trường nông sản thế giới - trong đó có gạo - bị giới trung gian quốc tế lũng đoạn làm giá quốc tế giảm liên tục, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân (60 - 70% dân số các nước nông nghiệp) thì việc hợp tác nhằm ổn định giá gạo trên thị trường quốc tế ở mức hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người trồng lúa là việc cần thiết. (Thái Lan đưa ra kết quả hợp tác xuất khẩu cao su giữa ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã đẩy giá cao su lên).
Việc hợp tác của 5 nước chiếm 66% tổng sản lượng gạo toàn cầu và 74% xuất khẩu gạo trên thế giới tạo thế mạnh khả thi thực hiện mục tiêu nêu trên.
2. Cơ chế hợp tác:
Hội nghị nhận định rằng trong giai đoạn hiện tại, mức độ hợp tác thích hợp nhất và có hiệu quả nhất là trao đổi thông tin sản xuất, nhu cầu thị trường khả năng xuất khẩu, trao đổi về giá có thể xuất khẩu được. Việc lập quỹ gạo chung để xuất khẩu sẽ chỉ được xem xét trong tương lai.
Sự phối hợp được thực hiện như sau:
- Cấp Bộ - họp mỗi năm một lần nhằm quyết định phương hướng hợp tác.
- Cấp chuyên viên cao cấp - họp mỗi năm ít nhất hai lần nhằm triển khai chi tiết cụ thể việc hợp tác và theo dõi tiến triển.
- Ban thư ký chung gồm chuyên viên năm nước - có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ năm nước, xử lý thông tin phục vụ cho năm nước hoạch định chiến lược và thực hiện mục tiêu chung. Các thông tin này đều được chuyển đến Ban thư ký qua mạng theo địa chỉ email riêng - địa chỉ này được bí mật.
Nhận xét về không khí trong Hội nghị:
Các Bộ trưởng năm nước tham gia đã trao đổi ý kiến thẳng thắn, cởi mở, sôi nổi đôi khi rất chi tiết từng ý từng chữ với thiện chí xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến thể hiện sự quan tâm của năm nước.
Bộ trưởng Thương mại ấn Độ và Bộ trưởng Công thương Pakistan tham gia nhiệt tình, không thấy có sự hiềm khích mâu thuẫn. Trung Quốc, ngoài Bộ trưởng Nông nghiệp còn có thêm Thứ trưởng Bộ Kinh mậu, cả hai cùng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, tích cực. Sau phần đặt vấn đề của Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đã phát biểu trong Hội nghị chính thức, nâng tầm hợp tác lên bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và nói rõ giá gạo thấp người nông dân chuyển sang trồng cây công nghiệp khác làm giảm sản lượng lương thực sẽ không bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu - ý kiến này được Hội nghị đánh giá cao. Trong hội đàm hẹp, Bộ trưởng Việt Nam đã thuyết minh rõ hơn cách thức hợp tác giữa Việt Nam - Thái Lan và chỉnh lại một số ý, từ ngữ trong biên bản, nhằm tránh việc thế giới hiểu lầm năm nước thành lập Cartel gạo, chi phối giá cả quốc tế.
Đánh giá của Bộ Thương mại về Hội nghị:
1. Hợp tác quốc tế về gạo được kiên trì thực hiện giữa Việt Nam và Thái Lan đã phát huy tác dụng giữ giá gạo không bị trung gian quốc tế lũng đoạn tùy tiện, đã đạt một số kết quả bước đầu.
2. Việc mở rộng hợp tác quốc tế về gạo ra năm nước sản xuất và xuất gạo chủ yếu, trong giai đoạn hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi nước lại có những điều kiện và yêu cầu riêng biệt. Bởi thế, trong năm nước thì tạo thế mạnh hơn hai nước, nhưng việc phối hợp cụ thể sẽ rất phức tạo. Tham gia ở mức thông tin là hợp lý, còn việc phối hợp hành động phải được cân nhắc kĩ.
3. Đánh giá chung, Hội nghị hợp tác năm nước đã tạo hình ảnh phối hợp quốc tế, có thể có tác động tâm lý nhằm ổn định thị trường và giá cả, hạn chế vai trò của trung gian quốc tế. Nhưng việc phát triển sản xuất và nhất là xuất khẩu gạo từng nước vẫn sẽ do từng nước tự giải quyết là chính.
Trên cơ sở đó Bộ Thương mại xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Việt Nam tham gia hợp tác năm nước nhằm thể hiện thiện chí, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thương mại làm đầu mối phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực, chuẩn bị những nội dung thông tin để thông báo, dự các phiên họp cấp Bộ và cấp chuyên viên cao cấp.
2. Bộ Thương mại xin chỉ định người tham gia Ban Thư ký chung, được trang bị đủ phương tiện thông tin, để tác nghiệp qua mạng và đàm thoại quốc tế.
3. Bộ Thương mại giữ vững và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác tay đôi với Thái Lan tạo lòng tin và bảo đảm hiệu quả trong hợp tác.
4. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện vai trò chủ trì luân phiên sau Thái Lan chuẩn bị tổ chức Hội nghị quốc tế về gạo vào cuối năm 2003, Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí cần thiết đảm bảo hội nghị trang trọng và hoạt động có hiệu quả.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo để Bộ Thương mại và các Bộ liên quan thực hiện.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
BIÊN BẢN THỎA THUẬN
CỦA HỘI NGHỊ CẤP BỘ TRƯỞNG VỀ HỢP TÁC KINH DOANH GẠO GIỮA CÁC BỘ TRƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ, PAKISTAN, VIỆT NAM VÀ THÁI LAN TẠI BANGKOK NGÀY 9 THÁNG 10 NĂM 2002
Thực hiện ý kiến đã được thảo luận giữa Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Thủ tướng ấn Độ Atal Bihari Vajpayee, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải , Hội nghị cấp Bộ trưởng về Hợp tác kinh doanh gạo đã được tổ chức tại Bangkok vào ngày 9 tháng 10 năm 2002.
Tham dự Hội nghị có:
a) Ngài Du Quinlin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
b) Ngài Wei Jianuo, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
c) Ngài V.Sreenivasa Prasad, Bộ trưởng nhà nước phụ trách vấn đề tiêu dùng và phân phối công cộng, nước Cộng hòa ấn Độ;
d) Ngài Abdul Razzak Dawood, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Sản xuất, nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan;
e) Ngài Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và
f) Ngài Adisai Bodharamik, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Vương quốc Thái Lan.
Danh sách thành viên các đoàn được ghi tại Phụ lục 1.
Trước Hội nghị các thành viên đã có một bản tài liệu về hợp tác gạo do Thái Lan chuẩn bị, tại Phụ lục 2.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ngài Adisai Bodharamik chủ trì Hội nghị đã nêu mục đích của Hội nghị này như sau:
Mục đích của Hội nghị
- Cải thiện mức sống chung của nông dân trồng lúa bằng cách giúp nông dân có được thu nhập xứng đáng hơn với những nỗ lực của họ.
- ổn định giá thế giới của tất cả các loại gạo được sản xuất tại năm nước xuất khẩu gạo tham dự Hội nghị này; và
- Xem xét, tìm kiếm phương hướng và cách thức để cùng nhau tận dụng sức mạnh của tổng thị phần của năm nước xuất khẩu gạo trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu (70 - 75%) để duy trì giá gạo thế giới ở mức hợp lý.
Các lĩnh vực hợp tác
Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí thân mật của sự hiểu biết và tin tưởng với mục tiêu chung là đạt được các kết quả có lợi cho tất cả các bên trong kinh doanh gạo. Các Bộ trưởng đã thảo luận, trao đổi thông tin và quan điểm về tình hình kinh doanh gạo hiện nay trên thị trường thế giới, và nhận thấy rằng sự biến động bất thường của giá gạo có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho những người dân trồng lúa vốn dĩ đã nghèo của từng nước và cản trở các mục tiêu phát triển kinh tế của những nước này. Để khắc phục tình hình trên, Hội nghị đã đưa ra các đề xuất sau:
1. Sự cần thiết phải trao đổi thông tin và quan điểm về tình hình thị trường gạo và tìm kiếm các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước một cách có hệ thống, thường xuyên và được tiêu chuẩn hóa;
2. Sự cần thiết phát triển các thỏa thuận cùng có lợi, có tính đến hoàn cảnh và yêu cầu của từng nước, để bảo đảm giá gạo thế giới được duy trì ở mức họp lý và công bằng đối với nông dân của năm nước;
3. Sự cần thiết phải cải thiện và trao đổi công nghệ trong các lĩnh vực như canh tác, thu hoạch và bảo quản... để từ đó tăng sản lượng và nâng cao chất lượng gạo của năm nước; và
Hội đồng Hợp tác Kinh doanh gạo (CRTC)
4. Hội nghị cũng đã đề xuất thành lập một Hội đồng Hợp tác kinh doanh gạo (CRTC) gồm 3 cấp khác nhau như sau: Hội nghị cấp Bộ trưởng, Tham vấn cấp chuyên viên, và Ban Thư ký chung.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định của Hội đồng Hợp tác kinh doanh gạo (CRTC) sẽ là Hội nghị cấp Bộ trưởng, Hội nghị này sẽ được tổ chức ít nhất một lần một năm để đưa ra các định hướng và đường lối rõ ràng cho việc hợp tác kinh doanh gạo. Các Bộ trưởng phụ trách về kinh doanh gạo của năm nước sẽ tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng. Mỗi nước sẽ luân phiên làm Chủ tịch của Hội đồng này trong một năm. Chức Chủ tịch sẽ được quay vòng theo trật tự của bảng chữ cái.
5. Giữa các Hội nghị cấp Bộ trưởng, các cuộc họp tham vấn cấp chuyên viên cao cấp sẽ được tổ chức ít nhất hai lần một năm nhằm triển khai chi tiết cụ thể việc hợp tác và theo dõi tiến triển của việc hợp tác này. Hôi nghị nhất trí là cuộc họp tham vấn lần thứ nhất sẽ được tổ chức trong vòng ba tháng tới.
6. Để bảo đảm hoạt động của CRTC được liên tục và tiến triển tốt, Hội nghị đề nghị thành lập một Ban Thư ký chung gồm các đại diện được năm nước chỉ định ngay sau cuộc họp này. Trước mắt, Thái Lan sẽ đóng vai trò điều phối viên của Ban Thư ký chung. Các cuộc họp của các thành viên Ban Thư ký chung sẽ được tổ chức thông qua các hội nghị qua điện thoại, hội nghị qua video, hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác.
7. Ban Thư ký chung sẽ có nhiệm vụ thành lập một mạng thông tin nội bộ (intranet) và một trong web, biên soạn, và cập nhật tất cả các thông tin liên quan đến kinh doanh gạo được thu thập từ năm nước và nó sẽ đóng vai trò như là một trung tâm thông tin của CRTC. Các thông tin này sẽ được chia sẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền của năm nước xuất khẩu gạo và được sử dụng để xây dựng một chiến lược chung nhằm đạt được các mục tiêu đã nêu ở trên. Ban Thư ký chung sẽ là chất gắn kết và tạo động lực cho việc hợp tác này.
Các kết quả dự kiến của CRTC
8. Việc thành lập CRTC dự kiến sẽ đạt được các kết quả sau:
- Có nhiều đối thoại và hoạt động hơn nữa nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác giữa năm nước trong kinh doanh gạo nhằm hỗ trợ việc ổn định giá gạo;
- Duy trì giá ở các mức hợp lý để bảo vệ lợi ích của nông dân;
- Tiến tới khả năng hình thành sự kinh doanh gạo thích hợp chung giữa các nước nói trên.
9. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ xem xét các đề nghị trên và đồng ý sẽ tổ chức Hội nghị tiếp theo tại Việt Nam đúng thời gian quy định. Hội nghị nhất trí rằng trước đó, một cuộc họp tham vấn giữa các chuyên viên cao cấp sẽ được tổ chức tại Bangkok trong vòng ba tháng tới.
Biên bản được lập tại Bangkok ngày 9 tháng 10 năm 2002.
Ngày Du Quinlin Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa | Ngài V. Sreenivasa Prasad Bộ trưởng Nhà nước phụ trách vấn đề tiêu dùng và phân phối công cộng Cộng hoà ấn Độ |
(đã ký) | (đã ký) |
Ngài Abdul Razzak Dawood Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Sản xuất Cộng hòa Hồi giáo Pakistan | Ngài Trương Đình Tuyển Bộ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
(đã ký) | (đã ký) |
Ngài Adisai Bodharamik Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương quốc Thái Lan |
|
(đã ký) |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.