BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4128/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2009 |
Kính gửi: Báo Khoa học và Đời sống
Trả lời công văn số 67/KH&ĐS ngày 17/06/2009 của Báo Khoa học và Đời sống về việc nêu tại trích yếu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Câu hỏi của bạn Nguyễn Kiều Mai – HN (STT01): Đề nghị bạn đọc nghiên cứu Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
2. Câu hỏi của bạn Phạm Đình Chính – HN (STT02):
+ Người xuất cảnh được phép mang theo 7.000 đô la Mỹ hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và 15 triệu đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp người xuất cảnh mang theo ngoại tệ và đồng Việt Nam vượt quá số lượng quy định trên, đề nghị nghiên cứu nội dung quy định tại điều 2, Quyết định số 337/1998/QĐ-NHNN ngày 10/10/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Khi mua hàng hóa ở nước ngoài bạn phải lấy hóa đơn để xuất trình cho cơ quan Hải quan cửa khẩu trong trường hợp trị giá hàng hóa vượt mức quy định. Trên cơ sở hóa đơn mua hàng, cơ quan Hải quan sẽ xác định trị giá hàng hóa và tính thuế cho số hàng đó.
3. Câu hỏi của bạn Mai Ngọc Giàu – Bắc Giang (STT03) và bạn Phí Cao Sơn – HN (STT09): Khi đi du lịch nước ngoài, bạn muốn mang hàng hóa, quà biếu về Việt Nam thì phải tuân thủ những quy định tại:
+ Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
+ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
4. Câu hỏi của bạn Tô Thị Thừa – HN (STT04): Số lượng thuốc lá được mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh được quy định cụ thể tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
5. Câu hỏi của bạn Trang Thị Ngọc – HN (STT05): Số lượng rượu được mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh được quy định cụ thể tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
6. Câu hỏi của bạn Nguyễn Tiến Sỹ - HN (STT06): Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, điều 4 Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN ngày 12/09/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cá nhân xuất cảnh mang theo vàng trang sức, vàng miếng, vàng nguyên liệu (bao gồm vàng lá) với tổng khối lượng từ 300 gam trở lên phải khai báo hải quan. Nếu mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu với tổng khối lượng từ 01 kilôgam trở lên phải có giấy phép do giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú cấp, phải làm thủ tục gửi tại kho hải quan phần vượt quá để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.
Trên cơ sở thực tế số lượng vàng cá nhân mang theo khi xuất cảnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu sẽ tính và thu thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
7. Câu hỏi của bạn Liêu Thị Hạnh – Bắc Giang (STT07) và câu hỏi của bạn Nguyễn Thanh Hằng – HN (STT17):
Hai câu hỏi này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hải quan, đề nghị bạn đọc tham khảo ý kiến của Cục Xuất nhập cảnh – Bộ Công an.
8. Câu hỏi của bạn Nguyễn Minh Anh – HN (STT08): Số lượng quần áo được mang theo khi xuất cảnh; nhập cảnh được quy định cụ thể tại điểm 4 Phụ lục kèm theo Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
9. Câu hỏi của bạn Trịnh Công Đoàn – TPHCM (STT10): Việc mang theo thuốc chữa bệnh ra nước ngoài, những loại thuốc nào thì bị cấm được quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BYT ngày 17/01/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch.
10. Câu hỏi của bạn Nguyễn Viết Sáng - Nha Trang (STT11):
Căn cứ Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì lô hàng kem dưỡng da là quà tặng nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch (không có hợp đồng mua bán) thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược). Tuy nhiên nếu đã có số đăng ký thì được nhập khẩu, không hạn chế về số lượng, trị giá.
Trên cơ sở thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan cửa khẩu (nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa) sẽ xác định trị giá để tính thuế nhập khẩu, thuế GTGT.
11. Câu hỏi của bạn Vũ Mai Lê - TP HCM (STT12): Muốn mang theo xe ôtô khi đi du lịch Campuchia theo đường cửa khẩu Mộc Bài bạn cần phải:
+ Xin giấy phép vận tải liên vận tại Cục Đường bộ Việt Nam (đ/c 106 Thái Thịnh – Đống Đa – Hà Nội)
+ Làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.
12. Câu hỏi của bạn Lê Phương Trinh – TP HCM (STT13): Chiếc xe ôtô là quà tặng được phép nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch nếu không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và là xe tay lái thuận.
Thủ tục hải quan và hồ sơ hải quan thực hiện theo Điều 71, Điều 73, Phần III Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/03/2006 của Liên Bộ Thương mại, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an.
Các loại thuế và thuế suất phải nộp thực hiện theo quy định của các Luật thuế và văn bản hướng dẫn liên quan.
13. Câu hỏi của bạn Nguyễn Kiến Cang – Lạng Sơn (STT14): Việc bạn hỏi không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hải quan. Bạn có thể trao đổi với cơ quan vận chuyển hàng hóa.
14. Câu hỏi của bạn Mai Thị Lộ - TP HCM (STT15): Hàng hóa xuất khẩu được gửi dưới dạng bưu kiện chuyển phát nhanh được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bưu điện hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế là đại diện hợp pháp của chủ hàng, thay mặt chủ hàng thực hiện thủ tục hải quan cho lô hàng.
15. Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Tình – Lạng Sơn (STT16): Thành phố Lạng Sơn không phải là xã biên giới (xã, thị trấn có một phần ranh giới trùng với đường biên giới quốc gia), nên công dân có hộ khẩu thường trú tại thành phố Lạng Sơn không phải là cư dân biên giới. Do vậy, không được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi từ bên Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam theo tiêu chuẩn định lượng 02 triệu đồng/1 người/ 1 ngày quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006.
16. Câu hỏi của bạn Phạm Văn Kỳ - Bắc Ninh (STT18): Đề nghị bạn đọc nghiên cứu các văn bản sau:
+ Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;
+ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới.
+ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
+ Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Tổng cục Hải quan trả lời để Báo Khoa học và Đời sống và bạn đọc được biết.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.