TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4079/TCT-PCCS | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2005 |
Kính gửi : | Văn phòng Luật sư Phan |
Câu hỏi 1: Tại sao Văn phòng Luật sư về phương diện thuế kế toán lại được xem như DN tư nhân (hệ thống kế toán tài khoản kép, thuế khấu trừ…) trong đó, lương của luật sư của trưởng Văn phòng (hoặc luật sư hợp danh) không được tính vào chi phí?
Trả lời:
Điều 99 của Luật doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng tòan bộ tài sản của mình về hoạt động của doanh nghiệp”. Văn phòng luật sư và công ty luật hợp danh không thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; tại Điều 18 và Điều 19 của Pháp lệnh luật sư cũng có quy định như quy định tại Điều 99 của Luật doanh nghiệp là trưởng văn phòng luật sư và các luật sư thành viên của văn phòng luật sư; các thành viên hợp danh của công ty luật hợp danh cũng phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh.
Do đó, tiền lương của trưởng văn phòng luật sư, luật sư thành viên văn phòng luật sư, tiền lương của thành viên Công ty luật hợp danh không được tính vào chi phí hợp lý theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục IV phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính.
Câu hỏi 2: Chi nhánh của VP Luật sư một thành viên ở TP Hồ Chí Minh được thanh toán phụ thuộc (nộp thuế GTGT, thu nhập… qua văn phòng chính) không? Nếu không thì tại sao? Và có trái với tinh thần cải cách thuế không khi đòi hỏi 1 luật sư hành nghề mở sổ sách kế toán - thuế cho cả văn phòng và chi nhánh?
Trả lời:
a. Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Căn cứ hướng dẫn tại Khoản 2 Mục I Phần D Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính thì văn phòng luật sư có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả chi nhánh hạch toán phụ thuộc của văn phòng luật sư.
b. Về thuế giá trị gia tăng: Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 2 Mục II Phần C Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính thì chi nhánh văn phòng luật sư phải trực tiếp kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi đặt trụ sở chi nhánh.
Câu hỏi 3: Tài sản đưa vào kinh doanh của chủ DN tư nhân (như ô tô, nhà cửa) có phải chuyển sở hữu sang tên DN mới được khấu hao không? Giá trị tài sản này do ai đánh giá mới được cơ quan thuế chấp nhận?
Trả lời:
Theo đúng quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Luật doanh nghiệp thì tài sản đưa vào kinh doanh thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân (như: ô tô, nhà cửa…) không phải chuyển quyền sở hữu sang doanh nghiệp. Căn cứ quy định tại Điểm 4 Điều 4 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì trường hợp tài sản cố định của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp tư nhân mà không còn hóa đơn thì việc xác định nguyên giá tài sản cố định do doanh nghiệp tự xác định tại thời điểm đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của giá trị đó. Nếu giá trị tài sản cố định do doanh nghiệp tự xác định lớn hơn so với giá bán thực tế của tài sản cố định cùng loại hoặc tương đương trên thị trường, thì doanh nghiệp phải xác định lại giá trị hợp lý của tài sản cố định để làm căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu giá trị tài sản cố định vẫn chưa phù hợp với giá bán thực tế trên thị trường thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu doanh nghiệp xác định lại giá trị của tài sản cố định thông qua hội đồng định giá ở địa phương hoặc tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Trường hợp sau khi thành lập doanh nghiệp chủ doanh nghiệp tư nhân mua tài sản cố định mới để kinh doanh thì phải có hóa đơn thì mới được hạch toán và trích khấu hao vào chi phí kinh doanh.
Câu hỏi 4: Hiện nay một số DN tự khai và nộp thuế, thậm chí tự xếp mình vào diện ưu đãi thuế nhưng kiểm tra quyết toán lại không được thực hiện hàng năm và cán bộ quản lý thuế cũng không có ý kiến khi nộp báo cáo thuế, khi được kiểm tra quyết toán thuế thì mới biết chính thức là khai đúng hay không. Vậy khi kiểm tra quyết toán thuế nếu có chênh lệch hoặc không đúng thì DN có bị xử phạt không hay chỉ truy thu phần chênh lệch?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh phải tự xác định điều kiện được ưu đãi, mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tự quyết toán thuế có chênh lệch hoặc doanh nghiệp hạch toán không đúng thì truy thu phần chênh lệch và tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm để xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 28/2/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Câu hỏi 5: Khi chuyển đổi loại hình DN (TNHH sang Cty CP) có phải quyết toán thuế không? Việc chuyển tài sản cho nhau như thế nào? Có phải xuất GTGT không? Hạch toán như thế nào? Mã số thuế có thay đổi không?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng dẫn tại công văn số 2926 TC/TCT ngày 14/3/2005 của Bộ Tài chính về chứng từ, thuế đối với tài sản dịch chuyển, góp vốn của doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải quyết toán về thuế, để giải quyết những tồn tại về lĩnh vực với Nhà nước. Việc chuyển tài sản sang doanh nghiệp mới không phải xuất hóa đơn GTGT, việc hạch toán giá trị tài sản cố định thực hiện theo quy định tại Điểm đ Điều 4 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Do chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được xác định như cơ sở kinh doanh mới thành lập nên mã số thuế phải được cấp mới.
Câu hỏi 6: Chi phí cho việc kiện về đòi tài sản của DN gồm: án phí, tiền thuê dịch vụ của Văn phòng luật sư. Công ty được tính vào chi phí hợp lý không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1đ Điều 9 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Chi phí cho các vụ kiện về đòi tài sản của doanh nghiệp như án phí, tiền thuê dịch vụ của văn phòng luật sư có hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì được tính vào chi phí hợp lý.
Câu hỏi 7: Trong các văn bản liên quan đến thuế: Luật, Nghị định, Thông tư… thì trong thực tế cơ quan thuế tính theo hiệu lực của loại văn bản nào? (nếu hiệu lực của chúng khác nhau).
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 80 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trường hợp có sự khác nhau về hiệu lực giữa Luật, Nghị định, Thông tư thì thực hiện theo hiệu lực của Luật.
Câu hỏi 8: Văn phòng luật sư có thuộc loại phải đăng ký kế toán trưởng không?
Trả lời:
Người được bố trí làm kế toán trưởng tại các văn phòng luật sư cũng phải có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật kế toán. Kế toán trưởng phải là người đã qua lớp bồi dưỡng kế toán trưởng và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng theo quy định của Bộ Tài chính.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.