BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3729/TM-PCTNA | Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2002 |
Kính gửi: Văn phòng Chủ tịch nước
Để chuẩn bị cho chuyến thăm Iran, Công-gô, Nam-mi-bi-a và An-gô-la của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bộ Thương mại xin báo cáo tình hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thời gian qua để Quý Văn phòng tổng hợp báo cáo Chủ tịch nước.
1. Với Cộng hoà Hồi giáo Iran:
Cho tới nay, gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Iran, cụ thể: Năm 1990, Việt Nam xuất khẩu 80.000 tấn; Năm 1996: 335.000 tấn; Năm 1997 - 1998: 80.250 tấn; Năm 1999: 160.000 tấn (do các công ty nước thứ 3 thực hiện); Năm 2002: 15.000 tấn.
Ngoài ra còn một số mặt hàng khác như cà phê, cao su, chè, linh kiện điện tử... nhưng trị giá không lớn.
Trong những năm 2000 - 2001, mỗi năm ta chỉ xuất khẩu sang Iran được 10 đến 15 triệu USD do không xuất được gạo. Trong 6 tháng đầu năm 2002 xuất khẩu của ta sang Iran đạt 7 triệu USD (trong đó có 3 triệu USD gạo).
Ta nhập khẩu của Iran bình quân từ 10 đến 20 triệu USD mỗi năm, chủ yếu là phân bón, bông, xăng dầu, nhựa đường.
Nhìn chung, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều còn nhỏ bé so với tiềm năng của mỗi nước.
Một số tồn tại trong quan hệ thương mại giữa hai nước:
- Tranh chấp về tiền phạt tàu 1,3 triệu USD giữa Công ty Generalimex của Việt Nam và Công ty GTC của Iran liên quan đến hợp đồng gạo năm 1990 (Iran đưa tàu vào lấy gạo, Việt Nam không có gạo để giao phải chịu phạt tiền tầu khống). Vì đây là tranh chấp giữa các công ty nên các công ty phải tự giải quyết với nhau, nếu cần có thể đưa ra trọng tài kinh tế. Cho đến nay, hai bên vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.
- Phía Iran phàn nàn về việc một số công ty của ta ký hợp đồng nhập khẩu nhựa đường của Iran nhưng sau đó lại hủy hợp đồng (lý do: Bộ Giao thông vận tải Việt Nam không cho phép sử dụng số nhựa đường nhập từ Iran và Thái Lan do chất lượng không phù hợp cho các công trình giao thông).
Kiến nghị:
Trong tương lai, Iran sẽ là một thị trường quan trọng tương đối ổn định đối với một số mặt hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam như gạo, chè, cao su, cà phê và là một thị trường trung chuyển quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và các nước Capcaz. Việc duy trì và phát triển thị trường này là hết sức cần thiết, do vậy ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng diện mặt hàng xuất nhập khẩu để giảm dần chênh lệch trong cán cân thanh toán giữa hai nước, để duy trì được thị trường gạo, Chính phủ vẫn nên giao cho Vinafood I làm đầu mối duy nhất xuất khẩu gạo vào Iran và chấp nhận cung cấp cho Iran khoảng 300.000 tấn gạo mỗi năm.
2. Với Cộng hòa Công-gô
Trao đổi thương mại giữa hai nước chưa có gì, hàng năm khoảng 200.000 đến 300.000 USD. Năm 2000, ta và Bạn đã trao đổi dự thảo Hiệp định Thương mại Tháng 9/2000, Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo của ta sau khi đã tập hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan và kiến nghị cho phép Bộ Thương mại đàm phán và ký với Bạn trên cơ sở Dự thảo Hiệp định đó.
Kiến nghị:
Đề nghị Nhà nước cho phép ký Hiệp định Thương mại trong dịp này.
3. Với Cộng hòa Ăng-gô-la
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước không lớn. Năm 1999, Việt Nam xuất sang Ăng-gô-la 7,2 triệu USD, năm 2000 là 20 triệu USD gồm các mặt hàng gạo, dệt may, phim ảnh, giày dép. Tháng 3/2000 đoàn kinh tế Chính phủ Việt Nam đã sang thăm Ăng-gô-la. Trong dịp này, hai bên đã thỏa thuận hàng năm Việt Nam cung cấp cho Ăng-gô-la 50.000 đến 100.000 tấn gạo thanh toán theo L/C at sight nhưng do đến nay việc này chưa triển khai được do nguồn gạo của ta đang khó khăn và phía Bạn cũng chưa chỉ định doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này.
Phía Việt Nam đã trao cho Bạn dự thảo Hiệp định Thương mại để ký mới thay thế Hiệp định ký năm 1978.
Kiến nghị:
- Giao cho Vinafood làm đơn vị đầu mối giao dịch xuất khẩu gạo với Bạn.
- Đề nghị Nhà nước cho phép ký Hiệp định Thương mại trong dịp này.
4. Với Cộng hòa Nam-mi-bi-a
Trao đổi thương mại giữa hai nước chưa có gì do thực lực kinh tế của hai nước còn hạn chế. Nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có điều kiện để thâm nhập thị trường, Nam-mi-bi-a lại là thành viên của Liên minh quan thuế vùng Nam Châu Phi, mối liên kết giữa CH Nam Phi và Nam-mi-bi-a khá chặt chẽ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp vào Nam-mi-bi-a hoặc thông qua Nam Phi.
Giữa hai nước đã có Hiệp định khung và Hiệp định kinh tế thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các doanh nghiệp.
Về phía Việt Nam, Bộ Thương mại thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã gửi cho phía Nam-mi-bi-a Dự thảo Hiệp định thương mại để có thể ký.
Kiến nghị:
Đề nghị Nhà nước cho ký Hiệp định Thương mại trong dịp này.
Bộ Thương mại cũng đang làm các thủ tục cần thiết và trình Thủ tướng Chính phủ xin ký các Hiệp định thương mại nêu trên.
| K/T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.