BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3577/TM-VP | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2002 |
Kính gửi: Sở Thương mại Quảng Ninh
Bộ Thương mại trả lời một số vướng mắc trong hoạt động thương mại theo công văn số 307/TM ngày 12/7/2002 của Sở Thương mại Quảng Ninh như sau:
1. Về đại lý hàng hóa và hoạt động kinh doanh xăng dầu:
1.1- Về đại lý hàng hóa: Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, hàng hóa trên thị trường nội địa rất đa dạng, phong phú do các thành phần kinh tế trong nước trực tiếp sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trong nước. Để đưa các hoạt động đại lý hàng hóa vào nề nếp, ngày 25/4/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/CP quy định về hoạt động đại lý đối với các thành phần kinh tế. Tháng 5/1997, Luật Thương mại được ban hành thay thế cho một loạt các chính sách quy định về hoạt động thương mại trước đây, trong đó có dành một Mục (Mục 6) quy định về đại lý mua bán hàng hóa.
Do đặc điểm nguồn hàng khác nhau (trong nước sản xuất, hàng nhập khẩu, liên doanh...), điều kiện sản xuất, chi phí sản xuất, đặc điểm kinh doanh, thị trường tiêu thụ đối với từng ngành, nhóm và mặt hàng có khác nhau... Do đó, Nhà nước không thể quy định cụ thể cho từng trường hợp đối với việc làm hoặc không làm đại lý mà phải do doanh nghiệp tự quyết định, trên cơ sở căn cứ vào nguồn hàng, điều kiện, khả năng, thị trường tiêu thụ, thù lao được hưởng... để quyết định việc làm đại lý bán, mua sản phẩm hàng hóa, giao hoặc không giao làm đại lý. Tuy nhiên, đại lý hàng hóa phải bảo đảm nguyên tắc: tự nguyện thoả thuận, bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Các điều khoản ghi tại Mục 6 Luật Thương mại đã quy định cụ thể nên không cần phải có văn bản hướng dẫn cho Mục này.
1.2- Đối với việc hoạt động kinh doanh xăng dầu:
a) về việc làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống ngành xăng dầu của Nhà nước:
Hiện nay, nước ta còn phải nhập khẩu 100% xăng dầu từ nước ngoài. Nguồn xăng dầu cung cấp cho thị trường nội địa do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu (được Chính phủ cho phép) tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu hạn ngạch được giao hàng năm. Các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp thành viên thuộc các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác được thành lập theo quy định của pháp luật và bảo đảm các điều kiện quy định tại Thông tư số 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại về hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu đều được phép hoạt động kinh doanh xăng dầu (bao gồm bán buôn, bán lẻ, tổng đại lý, đại lý bán lẻ) trên thị trường Việt Nam. Quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu nếu trái với các điều kiện quy định tại Thông tư số 14 ngày đều là vi phạm.
Để lập lại trật tự kinh doanh xăng dầu tại địa phương, Sở Thương mại Quảng Ninh cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng (Công an, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Hải quan...) xây dựng phương án kiểm tra định kỳ, đột xuất các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu quy định tại Thông tư số 14 của Bộ để báo cáo với Uỷ ban Nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo và xử lý những trường hợp vi phạm.
b) Về quy định đối với hoạt động mua bán xăng dầu trên biển:
Những bất cập hiện nay trong kinh doanh xăng dầu được nêu trong công văn số 307/TM ngày 12/7/2002 của Sở Thương mại Quảng Ninh là một thực tế; không riêng gì Quảng Ninh mà các địa phương khác có vùng biển, nhất là vùng biển có cửa khẩu tạm nhập tái xuất đều có hoàn cảnh tương tự. Tình hình đó đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường nội địa. Bộ Thương mại đang chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành: Công an, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Hải quan, Giao thông vận tải soạn thảo văn bản hướng dẫn và quy định các điều kiện nhằm sớm khắc phục tình trạng sang mạn, chuyển tải xăng dầu tuỳ tiện như hiện nay.
c) Về việc chỉ đạo Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam thực hiện đúng quy định về đại lý bán lẻ xăng dầu:
Hiện nay, thị trường xăng dầu Quảng Ninh do nhiều nguồn cung cấp, không riêng gì Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Trong điều kiện nước ta còn phải nhập 100% nguồn xăng dầu tư nước ngoài, giá thị trường thế giới thường xuyên biến động, nhất là những khi biến động tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường nội địa và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc quy định mức thù lao đại lý do bên giao đại lý và bên làm đại lý thỏa thuận trên nguyên tắc bảo đảm bình đẳng hai bên cùng có lợi và cùng nhau chia sẻ khó khăn nhất là khi giá xăng dầu thị trường trên thế giới biến động tăng.
2. Về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc:
Các Bộ, ngành hữu quan đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 và Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc như sau:
1. Thông tư liên tịch Thương mại - Uỷ ban Dân tộc Miền núi - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư số 07/2002/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKHĐT ngày 12/8/2002 hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 và Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
2. Thông tư số 04/2002/TT-NHNN ngày 3/7/2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng Thương mại nhà nước đối với thương nhân khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc theo quy định tại Nghị định số 02/2002/NĐ-CP .
3. Về đăng ký cho thương nhân lập Chi nhánh Văn phòng đại diện ở nước ngoài, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:
a) Trước hết cần khẳng định Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và Thông tư liên tịch số 31/1999/TTLT-BTM-TCDL ngày 01/10/1999 của Bộ Thương mại và Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên được ban hành là một bước tiến mới trong công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay của Chính phủ.
Tuy nhiên, do có những quy định chưa rõ ràng giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp nên trong thực tế đã gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
b) Về mặt pháp luật, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ chỉ điều chỉnh về đăng ký kinh doanh và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp cụ thể gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã v.v... không thuộc phạm vi Điều chỉnh của các Nghị định nói trên.
Mặt khác, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh không có quy định nào hủy bỏ Nghị định số 48/1999/NĐ-CP. Riêng Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp chỉ có một khoản quy định việc bãi bỏ nhưng chỉ là bãi bỏ “những quy định có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp”, không quy định bãi bỏ toàn bộ Nghị định. Cụ thể Khoản 5 Điều 37 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP quy định bãi bỏ:
“Các quy định của Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp”.
Từ thực tế các quy định nói trên, đến nay chưa có đủ cơ sở để kết luận toàn bộ Nghị định số 48/1999/NĐ-CP là hết hiệu lực được.
c) Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và trong khi chờ đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ chỉnh sửa các quy định tại các văn bản có liên quan cho phù hợp như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1202/VPCP-CCHC ngày 31/3/2000 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức đăng ký kinh doanh, đề nghị tùy theo loại hình doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ các quy định tại Nghị định số 48/1999/NĐ-CP hoặc Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ để giải quyết việc này.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại về các vấn đề đang được Sở Thương mại Quảng Ninh quan tâm. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Sở.
| T/L.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.