BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 347/KL-THTL | Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2002 |
Kính gửi: Các Ông Giám Đốc Các Vườn Quốc Gia Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương
Ngày 14/01/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2002/QÐ-TTg, phê duyệt kết quả "Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc, thời kỳ 1996 - 2000" và cho thực hiện tiếp tục "Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc, thời kỳ 2001 - 2005".
Ngày 20 tháng 5 năm 2002 Bộ trưởng Bộ NN & PTNT đã ban hành Quyết định số 1876/QÐ-BNN-KH phê duyệt đề cương chương trình "Ðiều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc, thời kỳ 2001 - 2005".
Bộ Nông Nghiệp & PTNT giao cho Viện Ðiều tra Quy hoạch rừng chủ trì phối hợp với Cục Kiểm lâm thực hiện chương trình này.
Một trong những nội dung của chương trình là thiết lập 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái để theo dõi lâu dài với mục đích nghiên cứu về bản chất và các quy luật của rừng trong các mối quan hệ giữa rừng với các nhân tố ngoại cảnh, không tác động ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học và sinh thái rừng theo đúng quy định tại Quyết định 08/2001/QÐ-TTg ngày 11/01/2001 về việc ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên và quy định hiện hành của Nhà nước. Trong các ô định vị nói trên có một số ô được đặt trong phạm vi các vườn quốc gia Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương (01 ô/Vườn).
Cục đề nghị Giám đốc các Vườn Quốc gia tạo điều kiện và phối hợp với Viện ÐTQH rừng thực hiện công việc trên.
Nơi nhận: | KT CỤC TRƯỞNG CỤC KIỂM LÂM |
BIỆN PHÁP KỸ THUẬT THIẾT LẬP Ô ĐỊNH VỊ NGHIÊN CỨU SINH THÁI RỪNG
(Tóm tắt)
1. Thiết lập ÔÐVNCST
- Dựa vào các chỉ tiêu đặc trưng như kiểu rừng sinh khí hậu với các đặc trưng hữu quan, diện tích có rừng thuộc các trạng thái cùng với các chỉ tiêu định tính và định lượng tương ứng (G/ha, M/ha, N/ha, D và H bình quân, tổ thành loài cây hay nhóm loài cây ưu thế), tình hình phân bố rừng trong khu vực đủ đại diện cho các trạng thái thuộc các kiểu rừng sinh khí hậu ở vùng sinh thái làm ÔÐVNCST.
- Diện tích ô được xác định là 100 ha với mỗi cạnh 1km.
- Căn cứ địa hình, địa vật giữa bản đồ và thực địa, xác định sơ bộ tâm ô. Sau đó dùng máy GPS để xác định chính xác tâm ô ngoài thực địa, tiến hành đóng mốc, treo biển ở tâm ÔÐVNCST.
2. Ðiều tra thu thập số liệu trong ÔÐVNCST.
2.1- Lập ô điều tra cơ bản (ÔÐT)
- Lấy một phần tư ÔÐVNCST, có diện tích 25 ha làm ÔÐT. Trong ÔÐT sẽ tiến hành phân chia các lô trạng thái rừng và thiết lập hệ thống ô, diện tích đo đếm và các diện tích khảo nghiệm, thực hiện các nội dung đo đếm thu thập số liệu cần thiết khác.
- Ranh giới ÔÐT được phát tuyến, đo đạc bằng địa bàn 3 chân (sai số khép kín < 1/ 200) và được xác định bằng hệ thống 2 loại mốc:
+ Bốn (04) mốc ÔÐT, Ký hiệu Môđt, đóng ở 4 góc ô.
+ Mười sáu (16) mốc ranh giới (ký hiệu Mrgđt) đóng trên đường ranh giới ÔÐT.
- Xung quanh ÔÐT phát tuyến để thiết lập một vành đai bảo vệ, cách các cạnh của ÔÐT 100m. Ðây là vành đai để giữ nguyên hiện trạng, được coi như vùng đệm để bảo vệ ngăn cách tách biệt ÔÐT với diện tích bên ngoài. Bốn (4) góc đường vành đai được đóng cọc mốc, ghi ký hiệu Mvđ.
2.2- Chia lô trạng thái trong ÔÐT
- Trong diện tích 25 ha của ÔÐT, tiến hành khoanh vẽ chính xác ranh giới các lô trạng thái của cùng một kiểu rừng để xây dựng bản đồ lô trạng thái rừng tỷ lệ 1: 1.000, nhằm phục vụ cho việc theo dõi đánh giá một số mặt diễn biến của rừng và đất đai cũng như các nội dung nghiên cứu khảo nghiệm liên quan khác. Việc chia lô và xây dựng bản đồ lô tiến hành theo các biện pháp sau:
+ Trong ÔÐT, thiết lập một hệ thống mạng lưới ô vuông 50m x 50m, tại các điểm giao nhau của lưới đóng các mốc tròn bằng gỗ tốt, ký hiệu Môv.
+ Trên cơ sở xác định thống nhất các chỉ tiêu định tính và định lượng phù hợp với các trạng thái rừng, tiến hành khoanh vẽ các trạng thái rừng và các loại đất đai lên bản đồ tỷ lệ 1:1.000. Diện tích tối thiểu trên thực địa được khoanh vẽ lên bản đồ: Ðối với các trạng thái rừng là 0,25 ha; đối với đất không có rừng là 0,05 ha.
+ Ðối với các lô trạng thái rừng có diện tích từ 6 ha trở lên và các lô trạng thái rừng có diện tích từ 2 ha trở lên, đồng thời có tổng diện tích các lô từ 6 ha trở lên, sẽ tiến hành lập ô đo đếm.
2.3. Thiết lập ô đo đếm và thu thập số liệu
2.31-Ðối với tầng cây gỗ
a - Lập ô đo đếm (ÔÐÐ)
Mỗi trạng thái rừng sẽ mở 3 ô đo đếm đại diện, diện tích mỗi ô là 1 ha (kích thước 100m x 100m),trường hợp đặc biệt ô đo đếm có thể lập hình chữ nhật.Trong mỗi ô đo đếm sẽ phân thành 25 phân ô liên tục nhau với số hiệu từ 1 đến 25, mỗi phân ô đo đếm có diện tích 400m2
Ranh giới ÔÐÐ được đo bằng địa bàn 3 chân, sai số khép kín cho phép < 1/200. Bốn góc ÔÐÐ sẽ được đóng mốc kiên cố. Trên mốc ghi các thông tin: kí hiệu mốc là Môđđ, số hiệu ô, ký hiệu trạng thái rừng.
Vị trí, hình dạng và kích thước của tất cả các ÔÐÐ đều được xác định chính xác trên bản đồ lô trạng thái của ÔÐT.
Các loại diện tích đất không có rừng (đất trống, sông suối...) xen vào trong ÔÐT phải < 10% diện tích ÔÐT.
b- Thu thập số liệu
Toàn bộ số liệu thu thập đều ghi tách biệt riêng theo từng phân ô và từng ô đo đếm .
-Ðo đường kính D1,3 của tất cả
các cây gỗ có D1,3 từ 6cm trở lên trong toàn bộ ÔÐÐ.Tại vị trí đo đường kính được đánh dấu một biển làm bằng tôn cứng, trên biển ghi số hiệu cây bằng sơn đỏ trùng với số hiệu cây ghi trong biểu. Cây không biết tên phải lấy tiêu bản đủ để giám định.
-Tại các phân ô đo đếm lẻ của mỗi ÔÐÐ, ngoài việc đo D1.3 của tất cả các cây gỗ như đã trình bày ở trên, còn phải tiến hành đo đếm các nội dung sau:
+ Ðo chiều cao vút ngọn (Hvn) và chiều cao dưới cành (Hdc) của tất cả các cây có đo D1,3 , đơn vị đo tính lấy tròn 0,2m.
+ Ðo đường kính tán cây theo hai chiều Ðông-Tây và Nam-Bắc, đơn vị đo lấy tròn đến 0,1m, ghi tương ứng với kết quả đo D1,3 của tất cả các cây trong phân ô. Xác định toạ độ gốc cây trong phân ô, vẽ hình chiếu thẳng đứng của tất cả các tán cây lên giấy kẻ ly vuông với tỷ lệ 1: 100
+ Ðiều tra ô dạng bản : Trong mỗi phân ô đo đếm mang số hiệu lẻ, mở một ô dạng bản diện tích 16m2 (4m x 4m) ở góc phía Tây-Bắc của phân ô đo đếm.Trong ô dạng bản sẽ điều tra thống kê cây tái sinh vào phiếu. Những cây có chiều cao > 0.25m ghi từng cây vào phiếu, những cây có chiều cao< 0.25m ghi gộp chung theo loài. Tuổi của cây tái sinh được xác định bằng vòng năm hoặc vòng cành.Ðường kính tán đo theo hai chiều Ðông-Tây và Nam-Bắc. Chất lượng phân theo ba mức (khoẻ, yếu và trung bình). Nguồn gốc xác định rõ hạt hay chồi và ghi vào phiếu điều tra.
Ðếm số cây bụi ( hạ mộc ), ghi phân biệt theo loài cây. Ðối với 3 loài cây bụi chủ yếu, mỗi loài chọn 3 cây trung bình để đo D1,3 và chiều cao.Ðường kính đo lấy tròn 1cm và chiều cao là 0,1m. Trường hợp cây bụi thuộc loài chủ yếu có chiều cao< 1,3m thì đo đường kính cổ rễ.
Ðộ nhiều của các loài thảm tươi được phân ra theo tiêu chuẩn Drude(đã được gộp cấp):
Soc: Ðộ che phủ 100% mặt đất.
Cop1: Ðộ che phủ < 30% mặt đất.
Cop2: Ðộ che phủ 30 - 60% mặt đất.
Cop3: Ðộ che phủ 61- 90% mặt đất
Tại góc phía Tây-Bắc của ô dạng bản, tiến hành đo chiều dày của tầng thảm mục theo các mức độ: Thảm khô chưa phân giải, bán phân giải và phân giải (mùn). Ðơn vị tính tròn đến 0,5 cm.
- Vẽ trắc đồ đứng của trạng thái rừng: Trong ba ÔÐÐ lựa chọn một diện tích 400m2 (40m x10m) thật sự đại diện cho trạng thái rừng ở một trong ba ÔÐÐ để vẽ trắc đồ đứng trên giấy kẻ ly vuông với tỷ lệ 1: 100.
2.3.2- Ðối với tầng tre nứa
- Trong các lô trạng thái đủ điều kiện đóng mốc ranh giới, nếu tre nứa đủ hình thành một tầng rừng (gọi là rừng tre nứa ) thì mỗi trạng thái dựa vào mỗi loài cây, đường kính bình quân, mật độ, đo đếm trong ba phân ô (1,13,25).Trong mỗi phân ô thống kê toàn bộ số cây có trong ô đo đếm 400m2 ghi phân biệt theo loài cây, cấp tuổi (non,vừa, già).Với tre nứa mọc thành bụi khi điều tra được thống kê riêng số cây trong từng bụi. Số bụi được đánh số theo thứ tự từ 1 đến n.
- Ðo đường kính tất cả những cây tre nứa có trong ô ở vị trí 1.3m lấy đến 0.1cm,đo cao bằng cách chọn mỗi cỡ chiều cao 3 cây (cao nhất, trung bình và thấp), sau đó tính trị số bình quân của từng cỡ chiều cao, chiều cao được tính từ gốc đến ngọn có D=1cm, đơn vị lấy tròn 0.1m.
- Các trạng thái rừng tre nứa rừng gỗ hỗn giao tre nứa + gỗ: Chọn 1 trong 3 phân ô đại diện cho trạng thái vẽ trắc đồ đứng tỷ lệ 1:100. Diện tích vẽ trắc đồ: Rừng tre nứa thuần loại (20m x 5m),rừng tre nứa + gỗ (20m x 10m).
2.4. Ðiều tra đất
ở mỗi lô trạng thái rừng có lập ÔÐÐ, tại vị trí phù hợp cách góc Tây-Nam của ÔÐÐ số 2 một khoảng không quá 5m, tiến hành đào một phẫu diện chính để mô tả và thu thập số liệu ghi vào phiếu điều tra theo yêu cầu quy định về điều tra thổ nhưỡng .
Thu thập tài liệu liên quan và bản đồ thổ nhưỡng của khu vực bao chứa ÔÐVNCST.
2.5-Ðiều tra động vật rừng
- Phỏng vấn thợ săn và người dân địa phương, số liệu phỏng vấn ghi vào phiếu, mật độ chia làm ba cấp: (nhiều, trung bình, ít).
-Khảo sát dấu vết động vật trên hiện trường, theo hệ thống tuyến điều tra song song và cách đều nhau: 200m trong toàn ÔÐVNCST và 50m trên ÔÐT. Tiến hành quan sát, mô tả ghi chép dấu chân và các loại dấu vết khác của động vật vào phiếu điều tra theo quy định.
Thông qua phân tích kết quả phỏng vấn thợ săn, nhân dân địa phương và khảo sát dấu vết cùng các thông tin hữu quan khác sẽ quyết định nội dung, yêu cầu,phương pháp và kế hoạch cụ thể triển khai khảo sát trực tiếp động vật tại hiện trường theo những quy định riêng.
2.6. Ðiều tra dân sinh kinh tế xã hội
Ðối tượng điều tra là các thôn bản gần ô nhất (chỉ tính trong khoảng < 10km),thường những hoạt động của đồng bào ở các làng bản này tác động ảnh hưởng đến sự diễn biến tài nguyên rừng của khu vực có đặt ô. Phương pháp thu thập số liệu do cán bộ thôn bản thuộc đối tượng điều tra cung cấp.
2.7. Ðiều tra tình hình sâu bệnh hại
- Khảo sát tình hình sâu bệnh hại chung trên toàn bộ ÔÐVNCST.
- Ðiều tra mức độ sâu bệnh hại trên từng cây trong ÔÐÐ theo biện pháp kỹ thuật mà Viện Ðiều Tra Quy Hoạch đã ban hành và ghi vào phiếu điều tra.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.