BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3430/TM-AM
| Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong thời gian qua kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết và nhất là sau khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, trong phạm vi hoạt động và quản lý của mình Bộ Thương mại đã xúc tiến những công việc sau:
1. Về công tác phổ biến nội dung Hiệp định, thông tin về thị trường Hoa Kỳ:
Các chuyên gia của Bộ Thương mại đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tham gia phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp định cho nhiều cơ quan và đơn vị ở cấp Trung ương và địa phương cũng như giúp doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn những thách thức và cơ hội mà Hiệp định mang lại. Bộ Thương mại cũng đã sao chụp và cung cấp hàng trăm bản Hiệp định cho các nơi liên quan nghiên cứu và tìm hiểu về Hiệp định.
Cán bộ của Bộ Thương mại đã tham gia các hội thảo, toạ đàm giới thiệu về hệ thống pháp luật, cơ chế và thông lệ thương mại Hoa Kỳ cũng như tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường quan trọng này. Riêng hàng dệt may, Bộ Thương mại đã phối hợp với Hải quan Hoa Kỳ tiến hành hội thảo với các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu về thủ tục hải quan, nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại đã biên soạn và tổng hợp Biểu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát hành đĩa CD-ROM cơ sở dữ liệu pháp luật thương mại quốc tế. Một số văn bản luật quan trọng của Hoa Kỳ và liên quan đến nội dung của Hiệp định như Luật chống bán phá giá, Luật cạnh tranh và chống độc quyền... cũng được đưa vào giới thiệu trong cơ sở dữ liệu pháp luật này.
2. Tham gia Uỷ ban hỗn hợp liên Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ:
Theo Quyết định số 53/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2002 về thành lập Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban hỗn hợp liên Chính phủ, Bộ Thương mại đã cử một đồng chí Thứ trưởng Bộ làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam, Uỷ ban đã tổ chức phiên họp đầu tại Bộ Thương mại, Hà Nội vào tháng 5/2002. Bộ Thương mại đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả phiên họp đầu tiên này.
3. Về tham gia hỗ trợ kỹ thuật thực thi Hiệp định của chương trình STAR:
Dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại đã phối hợp làm việc với Chương trình STAR trong quá trình tổ chức thực thi Hiệp định, đặc biệt là về mặt rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về kinh tế - thương mại. Bộ Thương mại cũng đã tổ chức một số buổi Toạ đàm như Luật về chống bán phá giá của Mỹ, nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ về xây dựng văn bản pháp luật về thương mại điện tử, Luật Thương mại sửa đổi với việc thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
4. Nghiên cứu việc sửa đổi, luật lệ, văn bản quy phạm pháp luật của ngành thương mại cũng như các cơ chế chính sách xuất nhập khẩu và đầu tư theo các cam kết trong Hiệp định:
Bộ Thương mại đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình rà soát các cam kết trong Hiệp định thương mại với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kinh tế thương mại nói chung và của ngành thương mại nói riêng với. Trên cơ sở kết quả rà soát đó, Bộ Thương mại đã nghiên cứu và đề xuất về các văn bản luật, nghị định thuộc trách nhiệm của Bộ Thương mại cần được sửa đổi, bổ sung.
Một số văn bản pháp luật quan trọng trong quá trình hội nhập nói chung và thực thi Hiệp định nói riêng đã ra đời như Pháp lệnh về Tối huệ quốc, Đãi ngộ quốc gia và Quyền tự vệ đã được Quốc hội thông qua, Quyết định 46 về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu 5 năm 2000-2005, Nghị định 44 về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, Nghị định 45 về chi nhánh công ty và văn phòng đại diện... Một số văn bản pháp luật khác đang được xem xét sửa đổi, bổ sung là Luật Thương mại quy định và điều chỉnh các đối tượng và các hoạt động thương mại trong và ngoài nước,...
5. Rà soát các biện pháp mở cửa thị trường: (Phụ lục đi kèm)
Bộ Thương mại tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đưa ra cơ chế áp dụng đối với các vấn đề như: thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp, danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, danh mục chuyên ngành, vấn đề thu chênh lệch giá, hệ thống định giá hải quan, thương mại nhà nước.
6. Các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Hoa Kỳ:
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, xúc tiến thương mại là một công tác quan trọng để tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà Hiệp định mang lại.
Bộ Thương mại đã biên tập, in ấn tài liệu liên quan đến công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Hoa Kỳ như biên tập in cuốn sách “Biểu thuế nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” và cuốn sách “Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” đồng thời đang chuẩn bị in cuốn sách “Tìm hiểu Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ”.
Theo chương trình xúc tiến thương mại chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Thương mại đã tổ chức 01 đoàn khảo sát thị trường Hoa Kỳ với sự tham gia của các Bộ, ngành và 22 doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại đang chuẩn bị tổ chức 01 đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát thị trường Hoa Kỳ vào tháng 9/10. Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng tiếp đón đoàn các công ty Hoa Kỳ liên quan tới Dệt may, giày dép,... vào làm việc tại Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh với đối tác Việt Nam.
Bộ Thương mại đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng dự án và tổ chức đoàn liên Bộ đi khảo sát việc thành lập Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Hoa Kỳ, dự kiến Trung tâm này sẽ được chính thức khai trương vào cuối năm 2002.
Kính báo cáo Thủ tướng xem xét./.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.