BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 318/QLLĐNN-CSQLLĐ | Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2003 |
Kính gửi: Các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan
Thời gian gần đây, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan bỏ hợp đồng lao động làm ngoài bất hợp pháp gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là lao động thuyền viên tàu cá, lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh. Theo thống kê phía Đài Loan thì tỷ lệ lao động Việt Nam làm ngoài bất hợp pháp hiện đang ở mức 4,5%, cao nhất so với các nước khác. Theo nhận định của Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, nếu tình hình lao động đơn phương phá bỏ hợp đồng không được cải thiện thì phía Đài Loan sẽ có thể sử dụng biện pháp đông kết đối với lao động Việt Nam. Nhằm khắc phục tình trạng trên, thực hiện ý định chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động nước ngoài thông báo và yêu cầu các Doanh nghiệp thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định đã nêu trong công văn số 2419/BLĐTBXH-QLLĐNN ngày 25/7/2002 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.
2. Đổi mới một cách căn bản công tác tuyển chọn và đào tạo lao động trước khi đi làm việc tại Đài Loan. Thực hiện công tác tuyển chọn và đào tạo lao động như mô hình đang được triển khai đối với thị trường Malaysia tại các địa phương. Cục Quản lý lao động với nước ngoài sẽ có sự phân bố hợp lý về địa bàn tuyển chọn đối với doanh nghiệp. Dừng và không tuyển chọn lao động ở những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nếu tình hình không được cải thiện.
3. Kiên quyết xử lý đối với doanh nghiệp và người lao động có những vi phạm trái với quy định:
a. Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp vi phạm một trong những nội dung sau sẽ bị xử lý:
- Đăng ký hợp đồng không đầy đủ;
- Tuyển chọn lao động qua trung gian;
- Có trên 100 lao động chưa có cán bộ quản lý;
- Thu tiền người lao động không đúng quy định: ghi sai lệch Bản cam kết về lương và chi phí của người lao động trước khi đi Đài Loan làm việc;
- Tỷ lệ bỏ trốn trên 3%;
- Những vụ việc phát sinh trong nước hoặc ở Đài Loan có liên quan đến lao động đưa đi không giải quyết kịp thời và kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận xã hội và uy tín lao động Việt Nam.
b. Đối với người lao động:
Lao động đơn phương phá bỏ hợp đồng bất cứ vì lý do gì, được doanh nghiệp cung ứng và chủ sử dụng tạo điều kiện cho phép tiếp tục làm việc hoặc cho về nước mà cố ý ở lại làm việc bất hợp pháp thì:
- Kiên quyết trục xuất về nước;
- Thông báo cho địa phương và Cục Xuất nhập cảnh huỷ bỏ hộ chiếu và không cho phép xuất cảnh trong thời hạn 5 năm.
- Bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp theo các điều khoản của hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
4. Trước mắt, dừng việc giới thiệu các doanh nghiệp mới được phép cung ứng lao động vào Đài Loan, không giới thiệu thêm các doanh nghiệp được thí điểm cung ứng lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh, không thẩm định các hợp đồng cung ứng lao động thuyền viên đối với các doanh nghiệp chưa có lao động thuyền viên tại Đài Loan.
Đình chỉ việc cung ứng lao động thuyền viên làm việc tại Đài Loan đối với 7 doanh nghiệp do có tỷ lệ lao động thuyền viên bỏ trốn cao:
- Công ty Xuất Nhập khẩu Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam (COOPIMEX);
- Công ty Xuất Nhập khẩu Tổng hợp Sài Gòn (INCOMEX SAI GON);
- Công ty Cung ứng Dịch vụ hàng không (AIRSERCO);
- Công ty Xuất Nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật (TECHNOIMPORT);
- Công ty Cung ứng Nhân lực quốc tế thương mại (SONA);
- Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO)
Các doanh nghiệp trên có trách nhiệm quản lý tốt các lao động hiện có tại Đài Loan và chủ động phối hợp với Bạn có những biện pháp nhằm giảm số lượng thuyền viên bỏ trốn hiện có mặt tại Đài Loan.
Tạm dừng việc cung ứng lao động thuyền viên trong thời gian 1 tháng kể từ 01/4/2003 để chấn chỉnh việc tuyển chọn, đào tạo và có biện pháp giảm thiểu tỷ lệ bỏ trốn còn cao hơn đối với các doanh nghiệp sau:
- Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1);
- Công ty Phát triển Công nghiệp Hà Tĩnh (HANIDENCO);
- Công ty Thương mại Đầu tư và Phát triển Hà Nội (HAPXCO);
- Công ty Xuất Nhập khẩu Hải Dương (HAIDUONG IMPORT-EXPORT CO);
- Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (VINATEX);
- Công ty Vận tải Thủy Bắc (NOSCO);
- Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON);
Nếu tình hình lao động thuyền viên bỏ trốn không được cải thiện thì sẽ đình chỉ việc cung ứng lao động thuyền viên vào làm việc tại Đài Loan.
5. Báo cáo tổng hợp danh sách lao động bỏ trốn theo năm, nguyên nhân là địa bàn của từng loại hình lao động (giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh, lao động nhà máy và xây dựng, lao động thuyền viên); các biện pháp thực hiện để giảm thiểu tỷ lệ này.
Báo cáo gửi về Cục Quản lý lao động đối với nước ngoài trước ngày 01/4/2003.
Cục Quản lý lao động với nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên, trước mắt tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Đài Loan.
Đề nghị các cơ quan chủ quản của doanh nghiệp quán triệt, chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Cục Quản lý lao động với nước ngoài để xem xét, giải quyết./.
| K/T CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VỚI NƯỚC NGOÀI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.