BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3165/TM-AM
| Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Thương mại nhận được công văn số 435/VPCP-QHQT ngày 06/8/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị nội dung liên quan cho chuyến thăm chính thức một số nước Tây Bắc Âu của Thủ tướng Chính phủ. Trong lĩnh vực quan hệ thương mại, Bộ Thương mại xin nêu một số nét cơ bản như sau:
1. Vương quốc Bỉ
Bỉ là một nước nhỏ nhưng chiếm giữ vị trí trung tâm châu Âu, là nước đứng thứ 11 trong các cường quốc thương mại có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bỉ là máy móc và thiết bị, hóa chất, kim cương, kim loại và sản phẩm kim loại. Đối tác xuất khẩu chính: Đức 19%, Pháp 18%, Hà Lan 12%, Anh 10%.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Bỉ là máy móc và thiết bị, hoá chất, kim loại và sản phẩm kim loại. Đối tác xuất khẩu chính: Đức 18%, Hà Lan 17%, Pháp 14%, Anh 9%).
Viện trợ phát triển của Bỉ dành cho Việt Nam tập trung vào các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, khôi phục đầu máy xe lửa, nuôi bò sữa, nghiên cứu khả thi các dự án hạ tầng cơ sở.
Tháng 10/2000, trong chuyến thăm Bỉ của Bộ trưởng Vũ Khoan, phía Bỉ có đề nghị Bộ trưởng Vũ Khoan can thiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước có vốn đầu tư của Bỉ (Công ty IPEM). Bộ trưởng Vũ Khoan đã có công văn gửi Chính phủ và Chính phủ đã có công văn (số 4701 ngày 27/10/2000) chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh về vấn đề trên.
Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Bỉ đã có những bước tiến rất đáng khích lệ. Thị trường Bỉ luôn luôn là thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam trong số các thành viên EU nói riêng và trong châu Âu nói chung sau Đức, Anh, Pháp, Hà Lan.
| 2000 | 2001 | 2002 |
Việt Nam xuất | 311,6 | 341,3 | 158,6 |
Việt Nam nhập | 83,8 | 72,6 | 38,6 |
| 395,4 | 413,9 | 197,2 |
| Nguồn: TCHQ. Đơn vị tính: triệu USD) |
Các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ có kim ngạch lớn là giầy dép, dệt may, đồ da, thủy sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Bỉ có kim ngạch lớn là hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị, kim cương và đá quý.
Đến đầu năm 2002 Bỉ có 19 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 50,3 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực chế tác trang sức, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Là thị trường có quan hệ thương mại phát triển tốt đẹp, nên ta có thể đề nghị Chính phủ Bỉ:
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo.
- ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán song phương Việt Nam - EU về việc Việt Nam gia nhập WTO, đàm phán sửa đổi Hiệp định dệt may Việt Nam - EU nhằm tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam. Như vậy sẽ góp phần giúp Việt Nam tạo thêm việc làm cho người lao động nhằm thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo.
- Hỗ trợ kỹ thuật (chuyên gia, thiết bị) giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm (thủy sản, mật ong, chè, rau quả,...).
- Tăng cường trao đổi thông tin, các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường.
2. Vương quốc Đan Mạch
Đan Mạch là thị trường lớn thứ 12 trong khối EU, với trên 5 triệu người tiêu dùng. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trong khối, chiếm 1,6 - 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - EU. Thị trường này đang có nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng một số mặt hàng của Việt Nam, như: cà phê, chè và gia vị; hàng dệt may, giày dép; đồ gốm, sứ; hàng điện máy; xe có động cơ, không thuộc loại xe điện hoặc xe lu; đồ gỗ, hàng thủy hải sản; cao su và các sản phẩm từ cao su; đồ da và túi du lịch; giấy, các sản phẩm sắt thép; đồ chơi, dụng cụ dùng cho giải trí và thể dục thể thao.
Kim ngạch XK của VN sang Đan Mạch tăng trung bình hàng năm trên 30%. Do đó, ta có thể nói rằng Đan Mạch là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng của Việt Nam và triển vọng sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu của ta tăng đều. Tuy nhiên, kim ngạch và thị phần vẫn còn rất nhỏ bé, chưa xứng với tiềm năng của hai bên.
| 2000 | 2001 | 2002 |
Việt Nam xuất | 58,2 | 49,7 | 33,2 |
Việt Nam nhập | 28,1 | 65,6 | 54,1 |
| 86,3 | 115,3 | 87,3 |
| Nguồn: TCHQ. Đơn vị tính: triệu USD) |
Các nhóm hàng xuất có kim ngạch lớn là: Quần áo, giày dép, hải sản, cà phê hàng công nghiệp, đồ gỗ. Các nhóm hàng nhập có kim ngạch lớn là: Thực phẩm, sản phẩm sửa, lúa mạch, nguyên liệu thô, hóa chất, hàng công nghiệp, máy móc thiết bị.
Hiện nay, Đan Mạch đang là Chủ tịch EU nhiệm kỳ sáu tháng cuối năm 2002. Nước đương nhiệm Chủ tịch luân phiên có tiếng nói rất quan trọng trong Cộng đồng. Do vậy, ta có thể đề nghị Chính phủ Đan Mạch:
- Công nhận Việt Nam là nước đang phát triển có nền kinh tế thị trường. Hiện nay hàng Việt Nam xuất khẩu mang tên Việt Nam ngày càng tăng và chúng ta đang bị áp lực của luật chống bán phá giá ngày càng tăng. Nếu không được công nhận có nền kinh tế thị trường thì các nước lấy giá cao của nước thứ 3 áp thuế và ta không thể xuất khẩu mặt hàng đó được.
- ủng hộ Việt Nam sớm ra nhập WTO với mức mở cửa thị trường phù hợp với các định chế của WTO dành cho nước đang phát triển ở trình độ thấp.
- Yêu cầu Uỷ ban châu Âu sớm tái lập đàm phán sửa đổi Hiệp định dệt may Việt Nam - EU nhằm tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam vì hạn ngạch dệt may mà EU dành cho Việt Nam quá nhỏ so với các nước trong khu vực. Hơn nữa Việt Nam đã có cam kết không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Hoa Kỳ mà Việt Nam chưa có đòi hỏi gì từ phía EU.
- Đề nghị EU xem xét dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan đặc biệt mà EU dành cho các nước đang tích cực đấu tranh chống ma tuý và bảo vệ môi trường. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng về những lĩnh vực này.
- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thông qua các chương trình: Đào tạo kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh (hoạch định chiến lược, xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả), phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Hỗ trợ chi phí cho các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; Tăng cường trao đổi các đoàn thương nhân giữa 2 nước để tìm hiểu khả năng buôn bán và đầu tư; Tăng cường trao đổi thông tin.
3. Công quốc Luxemburg
Luxemburg là một Đại Công quốc nhỏ bé về diện tích với trên 500 ngàn dân nằm sâu trong nội địa của Vương quốc Bỉ. Vì vậy, cơ hội phát triển thương mại giữa Việt Nam và Luxemburg không có nhiều. Tuy nhiên, Luxemburg là nước rất giàu và có quan hệ tốt với Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam có thể đề nghị Luxemburg giúp:
- Đào tạo kỹ năng thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam.
- Thành lập mới hoặc nâng cao các phòng thí nghiệm phục vụ t, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Cộng hoà Iceland
Iceland cũng là một nước nhỏ, có khoảng 227 ngàn dân. Quan hệ buôn bán với chức năng chưa có gì nổi bật. Năm 1999, ta xuất sang Iceland một số sản phẩm dệt may, giày dép, cà phê với tổng trị giá khoảng 2 triệu USD. Cơ hội thương mại dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam không có nhiều. Song Iceland lại có thế mạnh về giáo dục đào tạo và về nghề đánh bắt hải sản. Vì vậy có thể mở ra nhiều cơ hội trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực như ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán vĩ mô, kỹ năng thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hợp tác phát triển nghề đánh bắt hải sản. Ngoài ra, Việt Nam có thể đề nghị Iceland hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thông tin quảng cáo giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường châu Âu nói chung và ra thị trường thế giới nói riêng.
5. Liên minh Châu Âu
Năm 1995, Uỷ ban Châu Âu đã ký một Hiệp định Hợp tác với Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường thông qua việc hình thành một “đối thoại có tổ chức” giữa hai bên. Các mục tiêu chính là: Đảm bảo phát triển và tăng trưởng thương mại và đầu tư; Hỗ trợ cho phát triển bền vững đặc biệt đối với những tầng lớp dân cư nghèo nhất; Tăng cường hợp tác kinh tế; Hỗ trợ cho bảo vệ môi trường và quản lý bền vững những tài nguyên thiên nhiên. Sau 5 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác Việt Nam - EU (1997-2000) đạt được kết quả rất tốt đẹp. EU đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, là bạn hàng thương mại lớn thứ hai, chiếm khoảng 11% kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ ba với 4,38% tỷ USD vốn đăng ký, và cũng là nhà tài trợ ODA cho Việt Nam lớn thứ ba với hơn 2 tỷ USD. EU tài trợ cho nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội của Việt Nam.
Quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với Liên minh Châu Âu đã trở nên thực sự có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực kể từ những năm đầu của thập niên 90 sau khi Việt Nam ký kết một loạt các Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học Kỹ thuật và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác với EU cũng như các nước thành viên, nhất là Hiệp định Dệt may Việt Nam - EU năm 1992. Từ chỗ kim ngạch buôn bán hai chiều năm 1990 chỉ đạt chưa đầy 300 triệu USD, năm 1995 đạt trên 2 tỷ USD, đến năm 2001, tổng kim ngạch hai chiều đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 15 lần so với năm 1990. Trong đó, Việt Nam xuất sang EU năm 2001 trên 3 tỷ USD, tăng 21 lần so với năm 1990. Nhập khẩu năm 2001 trên 1,5 tỷ USD, tăng 10 lần so với năm 1990.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu sang EU. Song việc xuất siêu chỉ là tạm thời, vì hiện nay Việt Nam đang ngả mạnh sang nhập máy móc thiết bị công nghệ nguồn từ Châu Âu, nhất là từ các nước thành viên EU.
| 2000 | 2001 | 2002 |
Việt Nam xuất | 2.824,4 | 3.002,9 | 1.530,1 |
Việt Nam nhập | 1.302,6 | 1.527,4 | 817,3 |
| 4.127,0 | 4.530,3 | 2.347,4 |
| Nguồn: TCHQ. Đơn vị tính: triệu USD) |
Các nhóm hàng xuất khẩu có trị giá lớn là: cà phê - chè, giày dép, hải sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ. Mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn là: Máy móc thiết bị phụ tùng, Nguyên phụ liệu dệt may da, phân bón, sắt thép các loại, tân dược.
Hiện nay Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán với EU để gia nhập WTO và đàm phán tăng hạn ngạch hàng dệt may cho Việt Nam. Việc đàm phán tăng hạn ngạch dệt may đang bị bế tắc do có nhiều yêu cầu quá lớn của phía EU mà Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Tình hình và kết quả đàm phán, Bộ Thương mại đã có báo cáo số 153/TM-XNK ngày 27/6/2002 gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
Đối với Liên minh Châu Âu, Việt Nam cần đề nghị:
- Tạo điều kiện thuận lợi trong đàm phán để Việt Nam sớm gia nhập WTO với điều kiện phù hợp với quy định của WTO dành cho nước đang phát triển ở trình độ thấp.
- Sớm mở lại đàm phán tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam. Hạn ngạch dệt may EU dành cho Việt Nam quá thấp so các nước trong khu vực. Hơn nữa, Việt Nam đã cam kết không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp EU với các doanh nghiệp Mỹ theo hiệp định thương mại Việt - Mỹ mà chưa có đòi hỏi gì từ phía EU.
- Đề nghị EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan dành cho các nước đang phát triển tích cực đấu tranh chống ma tuý và báo cáo môi trường. Việt Nam là nước đang tích cực và đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực chống ma tuý và bảo vệ môi trường.
- Đề nghị EU tích cực trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm, hải sản để tạo điều kiện cho những mặt hàng này thâm nhập vào thị trường EU.
- Yêu cầu EU công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vì trong thực tế mấy năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện đường lối phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường.
Trên đây là một số nội dung cơ bản trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực Tây Bắc Âu. Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.