BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3140 TM-PC | Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Tiếp theo văn bản số 2523/TM-AM ngày 01/7/2002 của Bộ Thương mại kính gửi Thủ tướng Chính phủ về việc EU điều tra Việt Nam bán phá giá bật lửa gaz, Bộ Thương mại xin tiếp tục báo cáo Thủ tướng về vụ việc này như sau:
1. Về việc hoàn chỉnh Bản khai báo về nền kinh tế thị trường (Market Economy Status Claim Form) của doanh nghiệp
Bộ Thương mại đã làm việc trực tiếp với 06 doanh nghiệp có liên quan (theo danh sách do EU cung cấp) và 02 doanh nghiệp khác (danh sách do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp) và khuyến nghị các doanh nghiệp cần hoàn chỉnh Bản khao báo này và chuyển cho EU đúng hạn (chậm nhất là ngày 18/7/2002) để có cơ sở bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình EU thực hiện điều tra chống bán phá giá.
Một số doanh nghiệp, do đang giải thể và đã ngừng kinh doanh từ tháng 8/1999 (Công ty TNHH Trenergy); hoặc không có hoạt động sản xuất bật lửa gaz (Công ty TNHH Thiên Long); hoặc có kinh doanh nhưng không hề xuất khẩu (Công ty TNHH Vi hing); hoặc có xuất khẩu nhưng không xuất khẩu trực tiếp sang EU (Công ty TNHH Pilot Tokai; Công ty TNHH V. Flame Việt Nam và Công ty TNHH Hằng Phong) nên các doanh nghiệp này cho rằng không có trách nhiệm và quyền lợi liên quan phải hoàn chỉnh Bản khai báo và cung cấp các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có văn bản gửi EU khẳng định về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo cơ chế thị trường, không có trợ cấp của nhà nước, hàng năm báo cáo tài chính minh bạch, mặt hàng bật lửa gaz lưu thông trên thị trường nội địa không có sự độc quyền của bất kỳ tổ chức nào.
Chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty Textion Plastics (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) và Công ty Xuất nhập khẩu Điện tử (Doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Công ty Điện tử và tin học - Bộ Công nghiệp) khẳng định có hoạt động xuất khẩu bật lửa gaz sang EU. Theo báo cáo của 2 công ty, doanh số xuất khẩu sang EU trong thời hạn điều tra (từ 01/4/2001 đến 31/3/2002) của Công ty XNK Điện tử khoảng 3,6 triệu USD và Công ty Textion Plastics khoảng 1,9 triệu USD. Hai công ty này đã khẩn trương hoàn chỉnh Bản khai báo và đã gửi cho EU đúng hạn.
2. Về việc trả lời Bản câu hỏi điều tra chống bán phá giá của EU
Theo quy định của EU, ngoài việc hoàn chỉnh Bản khai báo về nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp có liên quan còn phải trả lời Bản câu hỏi điều tra để EU có cơ sở tính toán mức bán phá giá. Thời hạn trả lời Bản câu hỏi này là 40 ngày tính từ ngày Thông báo bắt đầu điều tra được đăng trên Công báo của EU (tức là phải gửi đến EU trước ngày 06/8/2002). EU cũng đã trực tiếp hoặc thông qua Bộ Thương mại Việt Nam chuyển Bản câu hỏi này đến các doanh nghiệp có liên quan để yêu cầu trả lời. Hai doanh nghiệp thực xuất khẩu bật lửa gaz sang EU là Công ty XNK Điện tử và Công ty Textion Plastics đã cố gắng hết sức để khẩn trương trả lời Bản câu hỏi này.
Tuy nhiên, việc hoàn thành Bản câu hỏi này là rất khó khăn vì các thông tin theo yêu cầu rất chi tiết, thời hạn trả lời quá ngắn, cách thức tính toán phức tạp, tính chất thông tin khác so với cách hạch toán, lưu trữ của ta... nên đến ngày 06/8/2002, hai Công ty này vẫn chưa hoàn chỉnh và gửi bản trả lời câu hỏi điều tra sang cho EU. Công ty XNK Điện tử đã có văn bản gửi EU đề nghị xin hoãn thời hạn trả lời đến ngày 10/8/2002. Về vấn đề này, Bộ Thương mại tiếp tục yêu cầu Thương Vụ tại Vương quốc Bỉ bám sát chặt chẽ và báo cáo về Bộ Thương mại trong thời gian sớm nhất.
3. Về các phản ứng của Bộ Thương mại
Bộ Thương mại vẫn tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ Thương Vụ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ theo dõi diễn biến của vụ việc này. Bộ Thương mại đã chuyển các tài liệu có liên quan cho Thương Vụ để làm việc với EU.
Ngày 07/7/2002, Bộ Thương mại đã có công hàm gửi EU phản đối việc EU tiến hành điều tra bán phá giá bật lửa gaz của Việt Nam vào EU vì thị phần của bật lửa gaz Việt Nam quá nhỏ, chỉ khoảng 0,1% trong khi theo quy định của Luật Chống bán phá giá của EU, nếu thị phần của hàng hóa nhập khẩu nhỏ hơn 1% thì không thực hiện điều tra chống bán phá giá. Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng đề nghị EU cần nhắc việc EU đã công nhận Việt Nam là nước được hưởng Quy chế nước có nền kinh tế thị trường tạm thời từ ngày 09/10/2000.
Ngày 24/7/2002, Uỷ ban EU đã có công hàm gửi Bộ Thương mại và khẳng định Uỷ ban đã kiểm tra các thông tin của đơn khiếu kiện và cho rằng có bằng chứng chứng minh thị phần bật lửa gaz của Việt Nam chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu. Như vậy, về vấn đề này vẫn có sự chưa thống nhất giữa EU và ta về cách lấy số liệu. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Chống bán phá giá của EU, mức phần trăm (%) thị phần phải được tính trên tổng lượng tiêu thụ bật lửa gaz của EU (tức là phải bao gồm cả lượng bật lửa gaz sản xuất tại EU và lượng bật lửa gaz nhập khẩu vào EU). Do đó, ý kiến của ta trước đây về vấn đề thị phần là hoàn toàn phù hợp. Bộ Thương mại tiếp tục chỉ đạo Thương Vụ tìm kiếm thông tin xác thực để đấu tranh với EU nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Trên đây là báo cáo về diễn biến việc EU điều tra chống bán phá giá bật lửa gaz của Việt Nam, Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ./.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.