BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2806 TCT/HTQT | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2002 |
Kính gửi: Cục Thuế TP Hà Nội
Về một số vấn đề vướng mắc trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế đối với chi nhánh nước ngoài được nêu tại Công văn số 972 CT/ĐTNN ngày 23/1/2002 của Cục Thuế TP Hà Nội, Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện như sau:
Căn cứ Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/2/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đang có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, chi nhánh nước ngoài được coi là cơ sở thường trú của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và như vậy, tổ chức nước ngoài phải nộp thuế TNDN trên cơ sở thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua cơ sở thường trú. Việc xác định trừ chi phí của chi nhánh nước ngoài trả cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Đối với các giao dịch giữa chi nhánh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc trụ sở chính của tổ chức nước ngoài mà chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc: các khoản thanh toán này sẽ được trừ theo quy định tại phần III.B Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/2/2002 và phần II Thông tư số 08/2001/TT-BTC ngày 18/1/2001 của Bộ Tài chính. Thuế đối với khoản thu nhập chi trả cho phía nước ngoài sẽ áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính.
Trường hợp phía nước ngoài xin áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì cần xác định tính chất khoản thu nhập để áp dụng điều khoản thích hợp. Ví dụ: nếu là khoản thanh toán từ dịch vụ có thể căn cứ Khoản 3(b) Điều 5 (việc cung cấp dịch vụ thông qua người làm công) hoặc quy định về phí dịch vụ kỹ thuật (Điều 12 hoặc Điều 13 - Tiền bản quyền) để xác định quyền đánh thuế. Việc áp dụng Điều 7 (lợi tức kinh doanh) chỉ thực hiện sau khi đã vận dụng các điều khoản khác nhưng không phù hợp.
2. Đối với các giao dịch giữa chi nhánh nước ngoài với trụ sở chính mà chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc: áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2001/TT-BTC ngày 18/1/2001 của Bộ Tài chính theo nguyên tắc chỉ cho trừ các chi phí thực tế sử dụng cho hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Cụ thể:
(i) Chi phí điều hành và quản lý kinh doanh do trụ sở chính phân bổ: các khoản chi phí dạng này thường là các khoản chi phục vụ những công việc chung của cả tổ chức nước ngoài bao gồm các chi phí hành chính cho bộ máy điều hành hoạt động tại trụ sở chính (lương, tiền thuê văn phòng, chi phí điện, điện thoại, hệ thống máy tính...), chi phí nghiên cứu, phát triển, chi phí tập huấn đào tạo nghiệp vụ chung mà trụ sở chính thực hiện cho toàn bộ tổ chức... Trường hợp trụ sở chính cung có bộ phận kinh doanh trực tiếp thì chi phí của bộ phận này không được tính trong chi phí phân bổ chung. Nếu tổ chức nước ngoài có mô hình tổ chức theo các trung tâm phụ trách khu vực và hạch toán riêng các khoản chi phí sử dụng cho từng khu vực kinh doanh thì các khoản chi phí này không được tính vào chi phí phân bổ chung mà tính trên cơ sở phân bổ chi phí tương ứng với doanh thu của khu vực đó. Ví dụ, chi phí điều hành, quản lý khu vực Châu Âu sẽ không được tính vào chi phí phân bổ cho chi nhánh tại khu vực Châu Á.
(ii) Chi phí thực tế khác do trụ sở chính thu: các chi phí dạng này thường là các khoản chi chỉ sử dụng cho riêng mục đích kinh doanh của chi nhánh nước ngoài mà trụ sở chính đòi bồi hoàn như: dịch vụ tư vấn, thiết kế; chi phát triển phần mềm, dịch vụ đào tạo, mua sắm hàng hóa...
· Trường hợp các khoản chi phí có liên quan đến các giao dịch cùng tính chất với những giao dịch thuộc chức năng kinh doanh của trụ sở chính thì giá trị khoản thanh toán này được tính theo giá thị trường mà trụ sở chính thu từ các khách hàng độc lập. Ví dụ, trụ sở chính có một bộ phận kinh doanh phát triển phần mềm và chi nhánh nước ngoài đặt mua sản phẩm phần mềm ứng dụng thì giá trị khoản thanh toán mua phần mềm này được tính như mức giá mà trụ sở chính thu từ khách hàng độc lập. Thuế đối với khoản thu nhập mà trụ sở chính nhận được sẽ áp dụng theo nguyên tắc nêu tại Điểm 1 trên đây.
· Các trường hợp khác như chi phí hàng hóa, dịch vụ mua hộ, chi phí cho các hoạt động hỗ trợ kinh doanh, quảng cáo... thì giá trị khoản thanh toán (bồi hoàn) là giá vốn thực tế mà trụ sở chính đã chi, không bao gồm bất kỳ khoản phí hay hoa hồng nào do trụ sở chính thu thêm. Ví dụ, trụ sở chính có trung tâm máy tính quản lý toàn bộ hệ thống của tổ chức, và chi nhánh nước ngoài có yêu cầu trung tâm máy tính này phát triển một ứng dụng bổ trợ cho phân hệ máy tính của chi nhánh thì khoản thanh toán này chỉ bao gồm chi phí (lương, thiết bị...) để sản xuất ra ứng dụng máy tính.
Khi xác định giá vốn như nêu trên cần áp dụng theo nguyên tắc giao dịch độc lập (giá thị trường). Ví dụ, trụ sở chính mua thiết bị từ một nhà phân phối độc lập thì giá vốn là giá hóa đơn mà trụ sở chính đã thanh toán; nếu mua thiết bị từ một công ty con (hoặc chi nhánh khác) thì giá vốn của hàng hóa mua hộ này phải được xác định trên cơ sở giá thị trường như là chi nhánh trực tiếp mua của người bán độc lập.
Việc trừ chi phí cho các giao dịch giữa chi nhánh nước ngoài và trụ sở chính như nêu trên cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tức là phải kết hợp chặt chẽ giữa quy định của Điều 7 (lợi tức kinh doanh) và Điều 9 (doanh nghiệp liên kết).
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế TP Hà Nội biết và thực hiện./.
| KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.