BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2459 TM/TTTN | Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2004 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 26 tháng 5 năm 2004, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kì dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhằm đánh giá tình hình thị trường trong nước tháng 5/2004 và dự báo tình hình thị trường, giá cả tháng 6/2004; Bộ Thương mại xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dụng cụ thể như sau:
A. TỔNG QUAN CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI
I. DIỄN BIẾN QUAN HỆ CUNG CẦU, GIÁ CẢ MỘT SỐ MẶT HÀNG TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trong tháng 5/2004 giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp. Đặc biệt gí xăng dầu tăng mạnh, có thời điểm dầu thô lên tới 41,56 USD/thùng: nhưng giá phân bón trong tháng 5 lại giảm nhẹ, giá urê FOB Biển Đen/Ban tích 134 - 135 USD/T, giá DAP Mỹ đã giảm 20 USD còn 200 USD/T. Giá phôi thép và các sản phẩm thép lại giảm mạnh so với dự báo trước đó, hiện nay giá chào phôi thép Viễn Đông vào Việt Nam dao động từ 345 - 350 USD/T (CFR), giảm 25 - 30 USD/T so với cuối tháng 4/2004; nguồn phôi nhập từ Trung Quốc khoảng 310 - 315 USD/T. Có nguồn tin hiện nay các gói thầu ở Biển Đen đang ở mức khoảng 280 - 320 USD/T. và sẽ tiếp tục giảm có thể xuống mức 230 - 270 USD/T trước khi ổn định trở lại. Giá thép phế C&F chào với Việt Nam 225 - 235 USD/T tuần trước, tuần này chỉ còn 205 - 215 USD/T. Nhưng một số chủng loại thép dài sau khi giảm mạnh lại có dấu hiệu tăng nhẹ khoảng 10 - 20 USD/T tại Thượng Hải. Một số công ty nước ngoài của Pháp, Châu Âu, ấn Độ và Hàn Quốc cũng dự định sẽ tăng giá bán sản phẩm thép trong thời gian tới...
Tình hình thị trường thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp do tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông cùng với sự tăng trưởng khả quan của nền kinh tế thế giới làm cho nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tiếp tục gia tăng nên và sẽ giữ giá các mặt hàng này ở mức cao. Trong ngắn hạn, giá gạo thế giới vẫn còn cao do nhu cầu nhập khẩu lớn của Châu Phi, Trung Quốc và Cu Ba. Giá phôi thép, Phân bón, xăng dầu giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao so với cùng kỳ 2003.
II. TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC:
Tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2004 tiếp tục phát triển. Các ngành đều duy trì được tốc độ tăng trưởng, hoạt động thị trường trong nước sôi động, hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu. Giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ và giữ ở mức cao, giá một số nguyên liệu nhập khẩu cũng tương tự như vậy. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 5 năm 2004 ước đạt khoảng 29.976 tỷ đồng, tăng 1,5% so với 4/2004. Như vậy tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2004 ước đạt 147.697 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2003.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2004 tăng 0,9% (khu vực nông thôn tăng 1%) so với tháng 4/2004, do trong đó nhóm lương thực - thực phẩm (có tỷ trọng 47,66%) tăng 1,8% (riêng lương thực tăng 2,3%) và nhóm dược phẩm y tế tăng 1%. Các nhóm hàng khác đều có chỉ số giá tăng dưới 1%; riêng nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,1%. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2004, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,3% (so với tháng 12/2003), trong đó nhóm Lương thực - Thực phẩm tăng 11,5% (lương thực tăng 10,9%; thực phẩm tăng 12,6%); nhóm dược phẩm y tế tăng 6,7%; nhóm nhà ở và VLXD tăng 5%, các nhóm còn lại có mức tăng dưới 3,3%. Chỉ số giá vàng 5 tháng tăng 0,5%, USD tăng 0,2%.
Dự báo tình hình tháng 6/2004: Giá lương thực, đặc biệt là giá thóc gạo có xu hướng giảm nhẹ do cả nước đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Giá thực phẩm có thể còn giữ ở mức cao, sau đó giảm nhẹ. Giá các sản phẩm thép, phân bón, hạt nhựa, thuốc tân dược, đường trong tháng 6/2004 sẽ ổn định ở mức cuối tháng 5 hoặc giảm nhẹ. Dự báo chỉ số giá tháng 6/2004 tăng nhẹ khoảng 0,3 - 0,4% so với tháng 5/2004, đưa mức tăng giá 6 tháng đầu năm 2004 khoảng 6,6% - 6,7%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng năm 2004 có thể sẽ tăng trên 7%.
B. MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ YẾU:
1. Thực phẩm: Sau dịch cúm gia cầm, tình hình lưu thông, tiêu thụ gia cầm đã được khôi phục trở lại. Hiện các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục, phát triển đàn gia cầm sau dịch; tuy nhiên nhiều nơi đang gặp khó khăn về vốn cũng như về giống. Trong tháng, tình hình tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng vào những ngày đầu tháng (ngày lễ 1/5) sau đó chững lại và giảm dần, nhưng giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng cao từ 1.000 - 5.000 đ/kg tuỳ loại, trong đó:
- Giá thịt lợn tăng cao: lợn hơi tăng từ 1.000 - 1.500 đ/kg, giá bán lẻ thịt lợn nhiều loại tăng từ 3.000 - 5.000 đ/kg (thịt mông sấn, nạc thăn, sườn...). Phổ biến ở các tỉnh: lợn hơi từ 13.5000 - 15.000 đ/kg (phía Bắc) và 13.5000 - 16.000 đ/kg (phía Nam), thịt mông sấn từ 26.000 - 32.000 đ/kg (phía Bắc) và 26.000 - 30.000 đ/kg (phía Nam).
- Giá các mặt hàng thực phẩm khác như: giò chả, thịt bò, thịt gà, cá, tôm... cũng tăng theo giá thịt lợn từ 1.000 - 4.500 đ/kg. Tại Hà Nội: gà lông từ 37.000 - 39.000 đ/kg, trứng vịt từ 12.000 - 13.000 đ/chục (tăng + 1.000đ/chục).
- Giá các loại rau vụ Đông tăng do hết vụ (khoai tây, bí, xu hào...), riêng giá các loại rau vụ Hè có giảm do vào vụ. Giá một số trái cây nhập từ Trung Quốc giảm do tiêu thụ chậm, người tiêu dùng hạn chế mua trong khi giá nhiều hoa quả của Việt Nam tiếp tục tăng: cám, hồng xiêm, nhãn...
Nguyên nhân làm cho giá nhiều mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng là do nguồn cung gia cầm sau dịch giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi và giống gia cầm đều tăng... Giá thực phẩm tăng (5 tháng đầu năm 2004 tăng 12,6%) cùng với giá lương thực tăng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng cao.
Dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ một số loại thực phẩm sẽ giảm (do vào hè). Nhưng giá thực phẩm hiện nay đang cao sẽ góp phần khuyến khích phát triển chăn nuôi và cùng với một số biện pháp hỗ trợ khác của Nhà nước, đàn gia súc, gia cầm sẽ nhanh được khôi phục trở lại. Trước mắt, trong tháng 6, giá một số thực phẩm sẽ chững lại và sau đó sẽ giảm dần, nhưng mức giảm không nhiều.
2. Lương thực:
Các tỉnh phía Bắc thời tiết khá thuận lợi cho lúa Đông Xuân phát triển (mặc dù diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân đạt 1,16 triệu ha, giảm 20.000 ha so với vụ trước, do đầu vụ hạn hán nên một số nơi chuyển đổi diện tích). Hiện nay, một vài tỉnh Bắc Trung Bộ và ĐBSH bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. Như vậy, nguồn cung trên thị trường thóc gạo bắt đầu được bổ sung. Giá lương thực trong tháng ổn định, một vài tỉnh trong những ngày cuối tháng bắt đầu có dấu hiệu giảm giá thóc từ 50-100đ/kg. Hiện tại, giá thóc phổ biến là 2.600 - 2.900 đ/kg, giá gạo là 3.800 - 4.200 đ/kg (Lạng Sơn, Quảng Ninh 4.300 - 4.500đ/kg). Dự báo từ giữa tháng 6, nhiều tỉnh thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, giá thóc gạo sẽ giảm dần, nhưng mức giảm không nhiều.
Ở các tỉnh ĐBSCL, tình trạng khô hạn đã được cải thiện, tạo điều kiện cho lúa Hè Thu phát triển. Hiện một số tỉnh đã bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu sớm, nhưng chất lượng gạo xấu, bạc bụng nhiều do thiếu nước. Trên thị trường, nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu gạo cho xuất khẩu tiếp tục tăng (theo TCTy lương thực Miền Nam, vừa qua các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trúng thầu xuất 100.000 tấn gạo 25% tấn sang Philippin, hàng giao trong tháng 5 - 6/2004; theo Hiệp hội lương thực Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được 2,6 triệu tấn) đã hỗ trợ giá gạo trong nước tiếp tục tăng từ 50 - 100đ/kg tại một số địa bàn. Hiện ở các tỉnh giá phổ biến ở mức từ 2.250 - 2.400 đ/kg (thóc tẻ) và 3.300 - 3.500 đ/kg (gạo tẻ). Dự báo giá gạo khả năng còn tiếp tục tăng đến giữa tháng 6, sau đó giảm nhẹ, khi mà vụ lúa Hè - Thu có thể bắt đầu được thu hoạch.
Trên thị trường gạo Châu Á, nhu cầu nhập khẩu gạo không tăng, trong khi Chính phủ Thái Lan quyết định bán 1,7 triệu tấn gạo tồn kho. Nguồn cung tăng đã tác động tới giá chào gạo xuất khẩu của Thái Lan bắt đầu giảm dần: gạo 100% B từ 250 USD/T giảm còn 237 USD/T; 5% tấm từ 243 USD/T giảm còn 230 USD/T. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng ở loại gạo 25% tấm từ 219 USD/T tăng lên 224 USD/T, gạo 5% tấm dao động ở mức 235 - 236 USD/T. Dự báo trong ngắn hạn giá chào xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Tại Việt Nam, do nguồn cung hạn hẹp nên giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Ước 5 tháng đầu năm 2004, xuất khẩu được khoảng 2 triệu tấn gạo, dự kiến tháng 6/2004 xuất được khoảng 200.000 tấn, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 2,2 triệu tấn. Cộng với lượng gạo vận chuyển ra Bắc những tháng qua (kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc) khoảng 200.000 tấn là cân đối đủ với nguồn gạo hàng hoá vụ Đông Xuân của ĐBSCL 2,5 - 2,6 triệu tấn.
3. Đường kính: Trong tháng, nhu cầu tiêu thụ đang có chiều hướng gia tăng (đã bước vào hè), giá đường kính trên thị trường tiếp tục tăng từ 100 - 200 đ/kg. Hiện tại giá đường trắng loại 1 của các nhà máy đường bán ra dao động từ 5.600 - 5.800 đ/kg (miền Bắc), 5.900 - 6.000 đ/kg (miền Trung), 6.100 - 6.200 đ/kg (miền Nam); giám bán lẻ đường RE phổ biến ở mức 6.000 - 6.600 đ/kg.
Trên thị trường thế giới, từ nay đến hết tháng 5/2004, giá đường nhìn chung diễn biến theo chiều hướng giảm do Brazin đang bước vào thu hoạch mía đường (nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới), cùng với tiến độ bán thanh lý của các quỹ đầu tư, đã làm cho giá đường trên thị trường thế giới giảm nhẹ: tại Luân Đôn đường trắng giao tháng 8 từ 221,8 USD/T giảm xuống còn 216,9 USD/T (18.5). Dự báo trong tháng 6&7: giá đường thế giới lại có xu hướng tăng, hiện tại 4 nước sản xuất đường hàng đầu thế giới Brazil, ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đều bị mất mùa do hạn hán (dự báo sản lượng đường ấn Độ giảm 4 triệu tấn, Thái Lan giảm 20% sản lượng mía, Trung Quốc giảm 1 triệu tấn đường). Đường trong nước, do giá thế giới tăng cùng với lượng tiêu dùng tăng nên giá bán sẽ tăng nhẹ từ 200 - 300 đồng/kg.
Cũng trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tăng, nhất là nhu cầu đường trong mùa Hè và dịp Tết Trung thu, để ổn định thị trường đường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã có công văn số 673/CP-KTTH ngày 17 tháng 5 năm 2004 chỉ đạo các Bộ liên quan đánh giá lại cân đối cung cầu, trên cơ sở đó có giải pháp kịp thời. Tổ Điều hành thị trường trong nước sơ bộ đánh giá cân đối cung cầu mía đường vụ 2003/2004 như sau:
. Tổng sản lượng đường toàn vụ ước đạt 1.219.000 tấn. Trong đó:
- Đường công nghiệp:
+ Vụ 2003 - 2004: Các nhà máy ép 10,61 triệu tấn mía cây
+ Sản lượng đường công nghiệp: 1.069.000 tấn (tăng 11.250 tấn so với vụ trước).
- Đường thủ công (dự kiến) đạt 150.000 tấn
. Tiêu thụ (chỉ tính riêng đường công nghiệp):
- Từ đầu vụ đến hết tháng 5/2004: 742.300 tấn (Bình quân 92.000 tấn/tháng).
. Tồn kho đến 30 tháng 5 năm 2004 (tính riêng đường công nghiệp):
- Tại các nhà máy 333.500 tấn. Trong đó tồn kho ở một số nhà máy lớn: Lam Sơn 65.500 tấn; Tate & Lyle 46.000 tấn; Khánh Hoà 29.000 tấn; Quảng Ngãi 49.000 tấn; Việt Đài 48.000 tấn; Bour bon - Tây Ninh: 34.800 tấn...
- Tại khâu lưu thông: từ 55.000 - 60.000 tấn. Trong đó:
+ Công ty TPCN. TP Hồ Chí Minh: 28.000 tấn
+ Công ty Thành Công: 7.800 tấn
+ Các DN khác: 15.000 - 20.000 tấn
- Tổng tồn kho đến 30/5/2004: 385.000 - 390.000 tấn
Mấy tháng gần đây (từ tháng 3/2004) giá đường tăng lên còn có nguyên nhân do các nhà máy và các doanh nghiệp kinh doanh đường có hiện tượng găm hàng đẩy giá lên. Ngay từ đầu vụ, Tổ Điều hành thị trường trong nước (trong B/C tháng 1/2004) đã dự báo giá đường thế giới năm 2004 sẽ tăng và giá đường vụ này sẽ cao hơn vụ trước do giá mía tăng nhưng các nhà máy do thiếu vốn vấn đẩy mạnh bán ra với giá thấp, sau đó lại có hiện tượng găm hàng. Với số lượng đường tồn kho như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong 4 tháng (từ tháng 6 - tháng 9). Bình quân tiêu thụ 1 tháng khoảng 95.000 tấn (có dự tính đến nhu cầu tăng do thời tiết nắng nóng) chưa kể đến lượng đường thủ công trôi nổi trên thị trường. Vả lại, cuối tháng 9 và đầu tháng 10 là đã có đường vụ mới. Kiến nghị:
- Trước mắt chưa đặt vấn đề nhập khẩu đường. Nếu thực sự thiếu đường đến tháng 7 sẽ cân đối lại cho nhập khẩu với số lượng nhỏ để đáp ứng nhu cầu Trung thu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường cần có biện pháp điều hành tiến độ bán đường ra đều đặn ở các nhà máy, tránh hiện tượng găm hàng đẩy giá thị trường lên cao.
4. Muối:
Đến nay, sản lượng muối thu hoạch cả nước ước đạt 420.000 tấn. Giá muối ướt tại đồng bình quân ở miền Bắc khoảng 337.000 đ/tấn, miền Trung 190.000 đ/tấn, và Nam bộ 306.000 đ/tấn. 5 tháng đầu năm 2004 Tổng công ty Muối mua vào 93.000 tấn, bán ra 99.600 tấn (có 5.300 tấn xuất khẩu) bằng 30% KH và bằng 91% so với cùng kỳ. Mới đủ đáp ứng nhu cầu và giá cả tương đối ổn định.
5. Phân bón urê: Trên thị trường thế giới giá urê đã bắt đầu lại nhích lên: tại Biển Bán - tích giá urê đã lên 134 - 135 USD/T FOB; các nhà cung cấp Nga và Ucraina đã tăng giá chào urê giao tháng 6/2004 lên 136 - 137 USD/T FOB; tại Trung Đông các nhà sản xuất đã tăng giá chào urê dạng hạt lên 149 - 156 USD/T FOB giao tháng 5-6/04 sang Mỹ; giá urê tăng do các thương gia mua bù thiếu ngắn hạn, cùng với giá amonia và giá gas tăng cao ở Mỹ và Châu Âu. Dự báo khả năng giá urê trong ngắn hạn có thể sẽ chững lại và giảm nhẹ do giao dịch phân bón trên thị trường tương đối trầm lắng; nhưng do giá xăng dầu đang tăng cao nên thị trường phân bón thế giới có thể còn diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng giá urê thế giới nằm trong khoảng 180 - 190 USD/T C&F Việt Nam.
Trong nước, giá urê nhập khẩu về cảng Việt Nam hiện ở mức 182 - 185 USD/T. Do nguồn cung phân bón luôn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất vụ Hè Thu nên giá bán lẻ phân u rê đã giảm từ 50 - 100 đ/kg tại một số tỉnh. Giá bán buôn phân urê giá bán lẻ phân urê đã giảm từ 50 - 100 đ/kg tại một số tỉnh. Giá bán buôn phân urê phổ biến ở mức 3.000 - 3.050 đ/kg (ngày 20/5 giá bán buôn phân urê tại Tân Quy Nhà Bè - thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm: phân urê Trung Quốc bao còn 2.950 đ/kg, Indo 2.980 đ/kg - giảm 200 đ/kg so với đầu tháng); giá bán lẻ dao động từ 3.100 - 3.400 đ/kg. Dự báo giá phân urê trong tháng 6 & 7 sẽ ổn định, không tăng do lượng tồn kho (khoảng 500 nghìn tấn) đủ đáp ứng vụ Hè - Thu cộng với nguồn nhà máy phân đạm Phú Mỹ sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2004. Ước nhập khẩu các loại phân bón 5 tháng đầu năm khoảng 1,675 triệu tấn (riêng urê khoảng 863.000 tấn), cộng với lượng sản xuất các loại phân bón trong nước nên khẳng định hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cả nước.
6. Thép xây dựng: Trên thị trường thế giới, giá phôi thép đang có xu hướng giảm. Giữa tháng 5/2004, giá chào phôi thép Viễn Đông vào Việt Nam dao động từ 345 - 350 USD/T (CFR), giảm 25 - 30 USD/T so với cuối tháng 4/2004; giá phôi nhập từ Trung Quốc khoảng 310 - 315 USD/T. Thị trường thép thế giới tiếp tục đóng băng, giá phôi thép trong tuần cuối tháng 5/2004 tiếp tục giảm xuống dưới 300 USD/T. Giá giao dịch phôi CIS giảm xuống dưới 290 USD/T FOB, Thổ Nhĩ Kỳ là 300 USD/T FOB. Hiện nay, giá chào phôi thép Viễn Đông vào Việt Nam chỉ còn 300 - 310 USD/T, giảm 30 - 40 USD/T so với giữa tháng 5/2004.
Giá phôi thép giảm do: Nhu cầu nhập khẩu phôi thép giảm tại nhiều khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Đặc biệt là Trung Quốc (nơi tiêu thụ 1/3 sản lượng thép thế giới) đang áp dụng các biện pháp mạnh nhằm “hạ nhiệt” tốc độ tăng trưởng nền kinh tế xuống còn 7% năm nay (năm 2003 là 9,1%) nên nhu cầu tiêu thụ thép giảm, trong khi lượng tồn kho lại cao. Hiện tại, Trung Quốc đang đầy mạnh xuất khẩu thép với giá xuất khẩu điều chỉnh giảm liên tục. Mỹ cũng là nước nhập khẩu phôi lớn nhưng do lượng tồn kho vẫn ở mức cao, cộng với các lô hàng sắp cập cảng trong tháng 5, 6 nên cũng có khả năng sẽ không nhập khẩu trong một vài tuần tới. Các nhà máy ở Nga và Ukraina cũng phải giảm giá bán (từ 1/5/2004 Bộ Kinh tế Ukraina đa ra giá xuất khẩu định hướng là 305 USD/T, giảm 15 USD/T so với giá định hướng từ 1 tháng 4 năm 2004). Giá thép phế giảm mạnh: thép phế loại HMS1/2 80:20 hiện chào vào Việt Nam với giá 205 - 215 USD/T C&R, tiếp tục giảm 10 - 20 USD/T so với giữa tháng 5/2004. Giao dịch thép giảm đã tạo sức ép làm giảm giá cước vận chuyển (một trong những nguyên nhân làm tăng giá thép trong thời gian qua). Giá cước vận chuyển bắt đầu giảm: đối với hàng giao kỳ hạn cước vận chuyển bằng tàu Panamax từ Mỹ tới Viễn Đông được chào ở mức 40.000 USD/ngày (cuối tháng 4/04 là 42.000 - 43.000 USD/ngày).
Trong nước, lượng thép sản xuất tháng 5/2004 ước đạt 180.000 tấn, giảm 4,3% so với tháng 4/04 (trong đó công ty thép là 125.000 tấn, giảm 4,6%), tiêu thụ đạt khoảng 140.000 tấn, giảm 12,5% so với tháng 4/2004 và bằng 65% so với mức bình thường; ước tồn kho thép thành phẩm cuối tháng 5/2004 là 25.000 tấn (trong đó TCTy thép là 140.000 tấn), ước tồn kho phôi thép là 280.000 tấn (trong đó TCTy thép khoảng 211.808 tấn). Với lượng tồn kho sản phẩm và phôi thép như vậy là cao so với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ hiện nay. Do vậy, một số đơn vị đã phải ngừng giao dịch nhập khẩu phôi thép và giảm công suất sản xuất. Để đẩy mạnh bán ra, các nhà sản xuất thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá (giá bán đến ngày 18 tháng 5 năm 2004, giảm so với cùng thời điểm tháng 4/2004).
| Miền Bắc | Miền Nam | |
GTTN | VPS | Vinakyoel | |
- Thép cây | 7.875 đ/kg (-525) | 8.138 đ/kg (-682) | 7.990 đ/kg (-220) |
- Cuộn phi 6 | 7.875--- (-189) | 7.613 - (- 1000) | 8.032 - (-470) |
(giá bán tại nhà máy đã có VAT)
Với mức giá bán trên nhiều nhà sản xuất đã bị lỗ do sử dụng nguồn phôi nhập khẩu giá cao (từ 430 - 480 USD/T tương đương với giá bán hoà vốn từ 8.100 - 8.900 đ/kg). Hiện thép cuộn của Trung Quốc nhập khẩu đang chờ giá từ 6,9 - 7,1 triệu đồng/T. Giá thép trên thị trường tiếp tục giảm từ 200 - 300 đ/kg. Hiện tại giá ở các tỉnh phố biến ở mức: thép phi 6 LD từ 8.200 - 8.600 đ/kg, thép phi 6 nội địa từ 7.600 - 7.700 đ/kg. Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng sẽ tăng cao hơn, do các công trình thuộc vốn ngân sách nhà nước được cấp bù giá thép, cùng với nguồn cung trên thị trường lớn, cộng với giá phôi thép và thép thành phẩm tiếp tục chiều hướng giảm. Dự báo giá thép xây dựng có thể xuống tới mức 7.000 đ/kg.
Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, dự kiến khả năng cung cấp về thép xây dựng từ 1 tháng 5 năm 2004 đến 31 tháng 7 năm 2004 là 989.800 tấn (tồn kho sản xuất đến 30/4 là 184.800 tấn; tồn kho lưu thông đến 30/4 là 70.000 tấn, tồn kho phôi quy thành phẩm khoảng 250.000 tấn, phôi sản xuất trong nước đến 31/7 quy thành phẩm khoảng 155.000 tấn và lượng phôi đã ký hợp đồng nhập về nước 31/7 quy thành phẩm là 330.000 tấn); ước nhu cầu cả nước từ 1/5 đến 31/7 là 660.000 tấn và đến 31/8 là 880.000 - 900.000 tấn, đó là chưa kể lượng thép xây dựng nhập khẩu về Việt Nam, nên không có hiện tượng thiếu thép trong 3-4 tháng tới. Trước tình hình giá phôi thép và giá thép thành phẩm trên thị trường thế giới giảm và lượng sản xuất trong nước đủ đáp ứng nhu cầu, Tổng công ty thép và Hiệp hội thép Việt Nam đã kiến nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm. Theo ý kiến của nhiều ngành tổng hợp, có thể đã đến lúc cần xem xét lại việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thép thành phẩm và phôi thép, tuy nhiên cần thận trọng để tránh hiện tượng khi thuế lên đúng vào lức giá thế giới và giá bán trong nước lại lên, tiếp tục gây khó khăn cho việc tiêu thụ thép, ảnh hưởng đến tốc độ XDCB (5 tháng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 28,4% dự toán năm - cùng kỳ 2003 đạt 30,2%; chi đầu tư XDCB đạt 28,7% dự toán năm - cùng kỳ đạt 30,2%).
7. Xi măng: Trong tháng, nhu cầu xi măng giảm so với tháng trước. Lượng xi măng tiêu thụ tháng 5 ước đạt 2,28 triệu tấn (trong đó TCTy xi măng là 1,08 triệu tấn, các LD là 620.000 tấn), tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2004 đạt 10,139 triệu tấn so với kế hoạch năm 2004 là 25,5 triệu tấn thì bằng 39,8% (trong đó TCTy xi măng là 4,823 triệu tấn, các LD là 2,846 triệu tấn), ước clinker nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2004 là 1,393 triệu tấn (KH 2004 là 4,5 triệu tấn).
Do nguồn cung luôn bảo đảm đủ nhu cầu, giá xi măng trên thị trường khá ổn định ở mức từ 720 - 800 đ/kg (miền Bắc) và 840 - 920 đ/kg (miền Nam).
Ngày 6 tháng 5 năm 2004, Bộ Tài chính đã có công văn số 45/2004/QĐ-BTC điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu clinker các nước ngoài ASEAN từ 40% xuống còn 25%.
Dự báo tháng 6 nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng mạnh, do nhiều công trình xây dựng thuộc ngân sách nhà nước cấp được điều chỉnh vốn, để bảo đảm nguồn cung Bộ Xây dựng đã chỉ đạo TCTy xi măng phấn đấu đẩy mạnh và ổn định sản xuất nhằm đáp ứng đủ xi măng, không để xảy ra thiếu hụt xi măng, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản phẩm và cùng với việc ổn định giá than chắc chắn thị trường và giá xi măng sẽ ổn định trong thời gian tới.
8. Xăng dầu:
Trên thị trường thế giới giá dầu thô tiếp tục tăng cao: tại New York giá dầu thô có thời điểm đã tăng lên 41.56 USD/thùng (đây là mức cao nhất trong vòng 21 năm qua), tại Luân Đôn giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 6 lên 38,76 USD/T. Nguyên nhân do tình hình Trung Đông căng thẳng, nguy cơ khủng bố gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè tăng cao, đã thúc đẩy các nhà nhập khẩu dầu thô tăng cao từ các nước nhập khẩu lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... (theo Cơ quan Năng lượng quốc tế nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2004 tăng 2,5% so với năm 2003 lên 80,6 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc dự kiến tăng 38% lên 2,58 triệu thùng/ngày). Dự kiến giá xăng dầu trên thị trường thế giới còn tiếp tục ở mức cao, tuy nhiên mức độ biến động còn phụ thuộc lớn vào tình hình chính trị ở Trung Đông và việc điều chỉnh tăng sản lượng khai thác của Tổ chức OPEC sắp tới (Tổ chức dầu mỏ OPEC dự kiến họp tại Beirut ngày 3 tháng 6 năm 2004). Theo giá Plats Singapore bình quân 20 ngày đầu tháng 5/2004 giá xăng 92: 49,23 USD/thùng, Diezel: 42,89 USD/thùng, dầu hoả: 46,54 USD/thùng, Mazút: 193,59 USD/tấn; nên mặc dù ngày 25/5 Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xăng xuống 0% kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục lỗ: xăng khoảng 1.000đ/l; diezel 775 đ/l; dầu hoả 948 đ/l và mazuts 453 đ/kg.
Trong nước, tuy giá xăng dầu thế giới tăng cao và hoạt động kinh doanh của các đầu mối nhập khẩu gặp khó khăn do giá nhập khẩu cao, việc bù lỗ còn chậm, song các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vẫn đảm bảo nguồn cung (ước 5 tháng nhập khẩu 4,634 triệu tấn) với giá bán ổn định.
9. Giấy: Theo báo cáo của Tổng công ty Giấy Việt Nam, tháng 5 ước sản xuất được 20.300 tấn và 5 tháng đầu năm: 94.307 tấn. Sản lượng sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, lượng bán ra của Tổng công ty Giấy Việt Nam trong tháng 4 và 5 khoảng trên 20.000 tấn/tháng. Riêng sản phẩm giấy in, viết sản xuất cho đến hết tháng 5 ước đạt 62.256 tấn, trong đó: Bãi Bằng: 28.350 tấn, Việt Trì: 4.758 tấn, Tân Mai: 14.226 tấn, Đồng Nai: 8.466 tấn, Bình An: 3.596 tấn, Vạn Điểm: 2.831 tấn... đủ khả năng phục vụ nhu cầu in ấn sách, vở học sinh và phục vụ nhu cầu giấy văn hoá. Mức tồn kho của toàn Tổng công ty đến 15 tháng 5 năm 2004 khoảng 28 nghìn tấn, cao hơn so với lượng tồn cuối năm 2003 khoảng 10 nghìn tấn nguyên nhân chính là do bị tồn số giấy mới sản xuất thử trên máy xeo mới đầu tư mở rộng của Bãi Bằng.
Giá giấy trên thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang ở mức cao so với cuối năm 2003, tuy nhiên các doanh nghiệp của Tổng công ty giấy vẫn giữ giá bán. Hiện nay giá bột giấy thế giới đã tăng khoảng 11% với sợi bột dài và tăng khoảng 4% với sợi bột ngắn, giá xăng dầu, giá than tăng... sẽ có tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất giấy của các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước.
Giá cả một số loại nguyên liệu giấy trên thị trường thế giới như sau: sợi bột dài (NBSK): 600 - 640 USD/tấn; sợi bột ngắn (NBHK): 530 - 550 USD/tấn. Giá một số mặt hàng giấy nhập khẩu: Giấy in báo Thái Lan: 530 USD/tấn, giấy in báo Indonexia: 750 - 780 USD/tấn, giấy bìa hộp tại thị trường Châu Á đã tăng thêm 20 - 30 USD tấn do ảnh hưởng của nguyên liệu OCC tăng giá. Giá giấy, bột giấy thế giới tăng do nhu cầu tiêu thụ giấy tăng ở một số quốc gia như Trung Quốc (chiếm 11% tiêu thụ giấy toàn cầu), ấn Độ tăng. Dự báo giá giấy trong nước có khả năng tăng nhẹ do giá bột giấy thế giới tăng và giá xăng dầu còn ở mức cao.
10. Thuốc chữa bệnh: Giá trị thuốc sản xuất trong nước 5 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ 2003. Các nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước đang tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế cũng như trong khu vực.
Trong tháng 5, giá thuốc sản xuất trong nước và thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu nhìn chung ổn định. Nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc có một số loại giảm giá (như nguyên liệu kháng sinh của ấn Độ giảm từ 2 -3%; Paracetamol, Vitamin nhập từ Trung Quốc giá giảm nhẹ).
Ngày 12 tháng 5 năm 2004 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2004/NĐ-CP về “Quản lý giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người” đây là cơ sở pháp lý để cơ quan QLNN quản lý giá thuốc trong thời gian tới. Trong thời gian này, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành từng bước chấn chỉnh khâu nhập khẩu, phân phối thuốc.
Với các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm bình ổn giá thuốc của Bộ Y tế, dự báo thị trường thuốc tháng 6 tương đối ổn định (cả thuốc tân dược và đông dược).
C. KIẾN NGHỊ
- Các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công văn số 868/VPCP-KTTK ngày 26 tháng 02 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ theo đúng lịch trình.
- Đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu phôi thép và thành phẩm và có ý kiến chính thức về thuế nhập khẩu clinker trong ASEAN để Tổng công ty xi măng thực hiện giao dịch nhập hàng.
- Đề nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội đánh giá tình hình thị trường trong nước và công tác điều hành 6 tháng đầu năm 2004, nêu vướng mắc và bài học kinh nghiệm.
- Trước tình hình giá cả thị trường thế giới, trong nước biến động phức tạp, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng tăng 6,3%, đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu, các Bộ ngành sớm nghiên cứu để có những nhận định xác đáng làm cơ sở tính toán những cân đối lớn của nền kinh tế và có cơ sở khoa học tính toán các chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.