BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2445/TCT-CS | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2009 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn
Trả lời công văn số 60/CT-TTr ngày 04/02/2009 của Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế hướng dẫn căn cứ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Căn cứ pháp lý để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
- Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định: “Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận thì còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:
1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:…
đ) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị để khai thuế thấp hơn thực tế;…”
- Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“3. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm đó.
Trường hợp mức xử phạt đối với cùng một hành vi quy định tại Nghị định này nhẹ hơn mức xử phạt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định này, kể cả trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định xử lý hoặc đã ra quyết định xử lý nhưng đang trong thời hiệu giải quyết khiếu nại.”
Căn cứ quy định nêu trên, khi thực hiện thanh tra kiểm tra thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp có hành vi lập hóa đơn cho khách hàng có sự chênh lệch về giá trị và thuế GTGT giữa các liên (liên 02 giao cho khách hàng cao hơn liên 01) của năm 2007 và đã kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế thì hành vi vi phạm đó được xác định là hành vi trốn thuế. Nếu hành vi trốn thuế xảy ra từ ngày 01/7/2007 thì áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP. Nếu hành vi trốn thuế xảy ra trước ngày 01/7/2007 thì áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP. Trường hợp mức xử phạt về hành vi trốn thuế tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP nặng hơn mức xử phạt quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP thì áp dụng mức xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Doanh nghiệp tư nhân Hạ Long, đề nghị Cục Thuế xác định hành vi vi phạm tại từng thời điểm cụ thể của doanh nghiệp để xử lý và áp dụng mức xử phạt phù hợp.
2. Về cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu.
Năm 2007, Doanh nghiệp tư nhân Hạ Long đã lập hóa đơn cho khách hàng có sự chênh lệch về giá trị giữa các liên (liên 2 cao hơn liên 1), khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện và xác định là hành vi khai man, trốn thuế thì doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế TNDN bị truy thu trên doanh thu phát hiện tăng thêm, đồng thời doanh nghiệp còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn (số thuế TNDN bị truy thu) theo quy định.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn được biết và căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể tại thời điểm phát sinh của doanh nghiệp để xử lý theo quy định.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.