BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2366/BXD-HTĐT | Hà nội, ngày 17 tháng 11 năm 2005 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 7382 BKH/TĐ&GSĐT ngày 25/10/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý dự án và Tờ trình số 4524/TT- UBND ngày 5/10/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về Báo cáo Đầu tư (Nghiên cứu tiền khả thi) Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, sau khi nghiên cứu Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế và du lịch của các tỉnh miền Trung. Nhiều khu công nghiệp, khu du lịch đã và đang hình thành. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng đô thị còn nhiều yếu kém, đã không đáp ứng yêu cầu của phát triển đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và Quốc tế, tình trạng nhiễm bẩn đô thị, đặc biệt là các bãi tắm dọc biển Nha Trang ngày càng trầm trọng. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và chất thải rắn góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao đời sống nhân dân, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường là cần thiết. Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa với các nội dung cơ bản sau:
1- Mục tiêu dự án:
- Hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố, ổn định và cải thiện mức sống của nhân dân.
- Thu gom và xử lý nước thải, rác thải của Thành phố phù hợp với các quy định hiện hành về môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2- Phạm vi dự án: Trên toàn thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa bao gồm 19 phường nội thành và 8 xã ngoại thành.
3- Các chỉ tiêu thiết kế:.
- Hệ thống thoát nước thành phố Nha Trang được chia làm 3 lưu vực chính, bao gồm Bắc sông Cái, khu vực Trung tâm và khu vực Nam sân bay ( Nam thành phố)
+ Khu vực Bắc sông Cái: là khu vực sẽ phát triển trong tương lai, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, nước mưa và nước thải, sông Cái sẽ là nguồn tiếp nhận chính nước mưa và nước thải của lưu vực.
+ Khu vực Trung tâm: là khu đô thị cũ của Thành phố, có hệ thống thoát nước mưa tương đối hoàn chỉnh, sẽ xây dựng hệ thống thoát nước chung, sông Cái là nguồn tiếp nhận chính nước mưa và nước thải của khu vực này.
+ Khu vực Nam sân bay: là khu đô thị mới đang được hình thành, còn nhiều khu đất trống, sẽ xây dựng hệ thống thoát nước riêng, biển và sông Quán Trường là nguồn tiếp nhận nước mưa và nước thải của khu vực.
- Cốt ngập lụt chung cho thành phố lấy 3,0 m, chu kỳ ngập lụt tính toán lấy 2 năm cho mạng cấp III, 5 năm cho mạng cấp I và cấp II.
- Lưu lượng nước thải tính bình quân đầu người là 120 l/ngđ cho năm 2010 và 200 l/ngđ cho năm 2020 đối với khu vực nội thành; 90 l/ngđ năm 2010 và 110 l/ngđ năm 2020 đối với ngoại thành.
- Tỷ lệ dân sử dụng dịch vụ thoát nước khu vực nội thành cũ là 60% cho năm 2010, 80% cho năm 2020; các khu vực còn lại là 50% cho năm 2010, 80% cho năm 2020.
- Hệ số pha loãng nước mưa k=2
- Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 7222-2002 “Yêu cầu chung về môi trường đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung” cấp độ 2 cột 3
- Lượng rác thải phát sinh là 1.0 kg/ng,ngđ năm 2010, 1,2 kg/ng,ngđ năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải là 85% năm 2010, 95% năm 2020.
- Lượng rác thải Y tế tính 2kg/giường/ngày vào năm 2010 và 2,5kg/giường/ngày năm 2020.
4- Quy mô đầu tư:
- Mạng lưới mương và cống thoát nước:
+ Xây dựng và cải tạo các tuyến cống hiện có, kè bờ, giải tỏa mặt bằng các hộ ven sông Cái Nha Trang và sông Quán Trường.
+ Cải tạo và xây dựng các trục thoát nước chính cho các lưu vực thoát nước Bắc sông Cái, Trung tâm và Nam sân bay.
+ Xây dựng mạng lưới đường ống cấp III cho các lưu vực nhằm thu gom nước mưa, nước thải đáp ứng chu kỳ ngập lụt P=2
+ Xây dựng tuyến cống bao dọc theo sông Cái để thu gom nước thải khu vực Trung Tâm, xây dựng các giếng tách dòng các trạm bơm dâng đưa nước thải về khu xử lý.
+ Xây dựng các trạm xử lý nước thải với công nghệ mương Ôxy hóa tuần hoàn, có công suất xử lý phù hợp theo từng giai đoạn.
+ Cải tạo bãi chôn lấp chất thải rắn Rù Rì hiện có, xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn mới tại Lương Hòa xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác. Xây dựng ô chôn lấp rác nguy hại tại bãi rác Lương Hòa để chôn lấp chất thải nguy hại từ ngành công nghiệp.
+ Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác nạo vét mương, cống thoát nước và thu gom vận chuyển rác thải.
+ Xây dựng khu tái định cư nhằm di dời các hộ dân trong diện giải tỏa của dự án.
Các số liệu cụ thể cần xác định chính xác trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
5- Tiến độ thực hiện:
Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2006, kết thúc vào năm 2013 và được chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn I: Từ năm 2006 đến năm 2011 tiến hành công tác cải tạo và xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cống thu gom nước mưa và nước thải khu vực trung tâm thành phố Nha Trang
+ Cải tạo các sông như: sông Cái , sông Quán Trường nhằm nâng cao khả năng thoát nước.
+ Cải tạo và xử lý bãi chôn lấp chất thải rắn cũ Rù Rì, xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn mới tại Lương Hòa.
+ Mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành hệ thống thoát nước, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn. Tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
+ Cải thiện vệ sinh hộ gia đình, tăng cường thể chế, nâng cao năng lực quản lý dự án.
+ Giai đoạn II: từ năm 2008 đến năm 2013 hoàn chỉnh công tác đầu tư xây dựng theo mục tiêu của dự án.
6- Một số lưu ý: Báo cáo Đầu tư (Nghiên cứu tiền khả thi) Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải-Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang được thực hiện tại khu vực địa hình phức tạp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, quy hoạch xây dựng Thành phố chưa ổn định, nhiều khu công nghiệp tập trung, khu đô thị mới đang hình thành, để dự án có tính khả thi, đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện tiếp những công việc sau:
- Thành lập Ban quản lý Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, tiến tới thành lập cơ quan quản lý thoát nước Tỉnh, nhằm thống nhất quản lý hệ thống thoát nước mưa, nước thải của thành phố Nha Trang và các đô thị khác của tỉnh để có thể lập kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước, đồng thời lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị và phê duyệt theo quy định hiện hành.
-Hiện nay, tỷ lệ đấu nối từ các hộ gia đình đến hệ thống thoát nước của thành phố Nha Trang còn rất thấp, tỷ lệ nước vệ sinh hộ gia đình cho tự thấm còn quá lớn. Để phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt bảo vệ an toàn các nguồn nước, cần sớm triển khai dự án cải tạo và xây dựng mới hệ thống cống thu gom nước thải đến các hộ gia đình, quy định rõ về việc tất cả các hộ gia đình phải đấu nối ống xả nước thải vào mạng Thành phố.
- Thành phố Nha Trang hiện có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, một số khu công nghiệp khác đang triển khai xây dựng, cần nghiên cứu để có phương án kết hợp xây dựng các trạm nước thải sinh hoạt và công nghiệp nhằm giảm số trạm xử lý, giảm giá thành đầu tư và thuận tiện trong quản lý, vận hành.
- Trong Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang không có hạng mục xây dựng các hồ điều hòa nước mưa. Hiện nay tại khu vực phía Nam sân bay, phía hạ lưu sông Quán Trường là khu vực trũng, nên nghiên cứu xây dựng các hồ điều hòa vừa giảm tải cho hệ thống thoát nước vừa tạo cảnh quan môi trường đô thị.
- Xác định vị trí trạm xử lý, các trạm bơm đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, giảm tối đa công tác giải phóng mặt bằng và công suất của các trạm bơm dâng. Vị trí các trạm xử lý nên đặt cuối mạng lưới, gần nguồn tiếp nhận, xa khu dân cư và có khả năng mở rộng trong tương lai. Do vậy cần có các tính toán về kinh tế, kỹ thuật các vị trí số 3 ( cho khu trung tâm) và số 6 ( cho khu vực phía Nam thành phố). Vị trí số 7 xa nguồn nước thải, phải xây dựng tuyến áp lực dài, năng lượng bơm lớn và gần khu công nghiệp chế biến hải sản là không phù hợp.
- Cần xem xét lại công suất của trạm xử lý cho phù hợp với lưu lượng nước thu gom khi có mưa.
- Trong quá trình xây dựng hệ thống thu gom nước thải thuộc giai đoạn I chưa có các trạm xử lý, cần nghiên cứu các phương án xả nước thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời thuận tiện cho việc đưa nước thải vào trạm xử lý sau này.
- Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều vật tư thiết bị phục vụ hệ thống thoát nước như các loại ống, bơm. Trong quá trình mua sắm vật tư thiết bị, Ban quản lý Dự án cần có sự lựa chọn phù hợp, khuyến khích sử dụng vật tư trong nước để giảm giá thành đầu tư.
- Trong thời gian qua, các công ty tư vấn trong nước đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, có khả năng thực hiện công tác tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhiều công trình thoát nước đô thị, do vậy để giảm chi phí công tác tư vấn cần có kế hoạch giảm tư vấn nước ngoài và tăng tư vấn trong nước.
- Chủ đầu tư cần thực hiện đúng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cũng như có chính sách tạo việc làm cho nhân dân trong diện di dời.
- Cần có lộ trình tăng thu phí nước thải để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và từng bước có nguồn kinh phí trả nợ vay trong đầu tư.
- Hiện nay việc thu gom phân bùn từ các bể tự hoại gia đình chủ yếu do tư nhân thực hiện, cần có quy định chặt chẽ về phương tiện thu gom, thời gian thu gom và bãi tiếp nhận để đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường đô thị.
- Cần có các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác từ các hộ gia đình, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy nhằm giảm áp lực lên các bãi chôn lấp chất thải rắn.
- Thời gian thực hiện dự án theo dự kiến là rất dài, diện tích phục vụ lớn, có nhiều hạng mục công trình phức tạp, Chủ đầu tư cần sớm có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, giám sát và vận hành dự án.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nơi nhận: | K/T BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.