BỘ THỦY SẢN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 222/TS-NC | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2000 |
Kính gửi: UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương
Để triển khai thực hiện Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2000 nhằm mục tiêu đến năm 2010 đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 2.000.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.500.000.000 USD, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 2 triệu người; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước và an ninh ven biển, đồng thời quán triệt 4 nguyên tắc chỉ đạo:
- Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
- Nuôi trồng thủy sản phải từng bước được công nghiệp hóa hiện đại hóa theo phương pháp nuôi công nghiệp là chính, kết hợp với các phương pháp nuôi khác phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái.
- Hướng mạnh vào phát triển nuôi thủy sản nước lợ và nuôi biển, đồng thời phát triển nuôi nước ngọt.
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nuôi tôm xuất khẩu, đồng thời chú trọng nuôi trồng thủy sản khác phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện như sau:
I. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở TỪNG ĐỊA PHƯƠNG:
Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010 của Ngành được xây dựng trên cơ sở: Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Ngành thủy sản đến năm 2010, chiến lược nuôi trồng thủy sản 1996-2010 và chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2005. Đồng thời hướng trọng tâm là đảm bảo an ninh thực phẩm tạo nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu để xác định nội dung phát triển (phương thức sản xuất, đối tượng nuôi), xác định cơ cấu đầu tư, lĩnh vực đầu tư và xây dựng những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất.
Trên cơ sở chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản của cả nước, mỗi Tỉnh, Thành phố xây dựng chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương mình. Những nội dung chủ yếu của chương trình như sau:
A. XÁC ĐỊNH TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG:
1. Tiềm năng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản:
Cần xác định cho được một cách chính xác qũy đất, mặt nước đang sử dụng và chưa sử dụng để phục vụ trực tiếp cho chương trình nuôi trồng thủy sản. Trong đó cần làm rõ:
- Diện tích ruộng úng trũng, ruộng nhiễm mặn có thể nuôi thủy sản xen, luân canh, diện tích ao hồ nhỏ, mương vườn.
- Diện tích các hồ thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên có thể nuôi và khai thác thủy sản.
- Diện tích vùng cao triều, trung triều, hạ triều, rừng ngập mặn và đất bồi ven biển.
2. Hiện trạng nuôi trồng thủy sản trong 10 năm qua ở địa phương.
- Sử dụng các loại diện tích nuôi trồng thủy sản.
- ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nước và nước ngoài vào nuôi trồng thủy sản bao gồm:
+ Sản xuất giống (tôm, cá...), công nghệ nuôi trồng...
+ Sản xuất và sử dụng thức ăn công nghiệp, các loại thức ăn khác, các biện pháp phòng trị bệnh...
- Hiện trạng về tổ chức, bộ máy chỉ đạo nuôi trồng thủy sản ở địa phương, về hệ thống tổ chức và hoạt động khuyến ngư.
- Hiện trạng về đầu tư (kể cả đầu tư cho các dự án 773).
3. Đánh giá kết qủa và những tồn tại.
B. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THỜI KỲ 2000-2010:
1. Quan điểm phát triển.
2. Định hướng phát triển:
* Định hướng về cơ cấu sử dụng mặt nước
* Định hướng về đối tượng nuôi
* Định hướng về công nghệ nuôi trồng
* Định hướng về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nuôi trồng thủy sản.
3. Mục tiêu chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản:
- Mục tiêu chung (đến năm 2010)
- Mục tiêu cụ thể (cho từng giai đoạn năm : 2000, 2006, 2010).
4. Nhiệm vụ của chương trình nuôi trồng thủy sản 2010:
a. Nuôi thủy sản lợ mặn:
- Nuôi tôm sú
- Nuôi cá biển
- Nuôi nhuyễn thể
- Nuôi trồng rong biển.
b. Nuôi thủy sản nước ngọt:
- Nuôi tôm càng xanh
- Nuôi thủy sản ruộng trũng
- Nuôi thủy sản hồ chứa, trên sông.
5. Các giải pháp để thực hiện chương trình:
- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với lập các dự án đầu tư cụ thể.
- Phát triển thị trường trong nước và phát triển thị trường ngoài nước.
- Giải pháp về vốn: Huy động các nguồn vốn.
- Giải pháp về giống: Tổ chức lại hệ thống giống bảo đảm cung cấp đủ giống, kịp thời vụ, giống tốt giá hợp lý cho nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu về số lượng và cơ sở sản xuất. Theo hướng: Mỗi tỉnh có một trại giống cấp I trong hệ thống giống quốc gia.
- Giải pháp về sản xuất và sử dụng thức ăn công nghiệp (Nhu cầu và cơ sở sản xuất).
- Giải pháp về khoa học công nghệ.
- Giải pháp về đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng cán bộ (Nhu cầu cán bộ và hướng đào tạo bồi dưỡng).
- Giải pháp về tổ chức sản xuất. Hướng tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước Ngành ở địa phương.
- Giải pháp về công tác khuyến ngư. Biện pháp tổ chức và cơ chế hoạt động.
- Giải pháp về hợp tác quốc tế.
- Giải pháp về vận dụng thực hiện và đề xuất các chính sách khuyến khích cho nuôi trồng thủy sản ở địa phương:
+ Chính sách về chuyển đổi ruộng nhiễm mặn, ruộng trũng, đất làm muối kém hiệu qủa sang nuôi trồng thủy sản.
+ Chính sách vay vốn: trung hạn, dài hạn và tín dụng.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bộ Thủy sản là cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi cả nước, có các nhiệm vụ sau:
a. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010 do đồng chí Thứ trưởng phụ trách về nuôi trồng thủy sản làm Trưởng ban, với nhiệm vụ:
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, xây dựng kế hoạch đầu tư, các dự án cụ thể để thực hiện chương trình, tổng hợp và trình duyệt, thẩm định kể cả các dự án nuôi tôm trong chương trình phát triển xuất khẩu.
- Ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn Nhà nước, các qui định về quản lý Nhà nước trong nuôi trồng thủy sản.
- Hướng dẫn các tiêu chí về xây dựng các trung tâm giống tiêu chí về nuôi tôm công nghiệp.
- Hướng dẫn quy trình nuôi, sản xuất giống, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng trừ dịch bệnh.
b. Thành lập Ban tư vấn thẩm định các dự án của chương trình nuôi trồng thủy sản 2010 và dự án nuôi tôm trong chương trình xuất khẩu.
Hiện nay Ngành Thủy sản có 3 chương trình đều có nội dung phát triển nuôi trồng thủy sản, đó là:
Chương trình phát triển xuất khẩu đến năm 2005, Chương trình 773 khai thác, sử dụng đất hoang hóa bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước vùng đồng bằng và chương trình nuôi trồng thủy sản thời kỳ 2010.
Để việc chỉ đạo tập trung có hiệu lực, Bộ thống nhất đầu mối chỉ đạo các vấn đề liên quan đến nuôi trồng thủy sản là Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong qúa trình chỉ đạo, các vấn đề về thị trường, về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và các vấn đề khác có liên quan sẽ có sự tham gia phối hợp của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản.
2. ở các Tỉnh, Thành phố, Bộ Thủy sản đề nghị:
Các đồng chí Lãnh đạo UBND Tỉnh, Thành phố trực tiếp chủ trì, chỉ đạo Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản ở các địa phương. Cân đối ngân sách địa phương, giành phần vốn thích đáng cùng với nguồn vốn Trung ương để thực hiện Chương trình, chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể trình duyệt theo quy định, đồng thời tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình ở địa phương, sơ kết, tổng kết qúa trình thực hiện.
- Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản của từng địa phương cần đươc xây dựng và trình UBND các Tỉnh, Thành phố phê duyệt trong qúy I/2000. Cùng với việc xây dựng chương trình, các địa phương xác định và xây dựng các dự án đầu tư để thực hiện chương trình.
- Thành lập ban chỉ đạo Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.