BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2177/TM-ĐT | Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2002 |
Kính gửi: | - Bộ Tư pháp |
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2630/VPCP-KTTH ngày 20/5/2002 của Văn phòng Chính phủ Bộ Thương mại xin trao đổi với Quý Bộ về hình thức văn bản và nội dung điều chỉnh lĩnh vực đầu tư vào dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối trong nước như sau:
I- VỀ QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ DỊCH VỤ NHẬP KHẨU VÀ DỊCH VỤ PHÂN PHỐI CỦA DOANH NGHIỆP FDI HIỆN NAY VÀ HÌNH THỨC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG NÀY:
1- Về quy phạm pháp luật hiện nay quy định về dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối của doanh nghiệp FDI.
Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định “Dự án đầu tư vào dịch vụ nhập khẩu, dịch vụ phân phối trong nước thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Tuy vậy, cũng tại Điều 1 về Phạm vi áp dụng quy định của Nghị định này nêu rõ “Các hoạt động tín dụng quốc tế, hoạt động thương mại... không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”. Như vậy Nghị định 24/2000/NĐ-CP không hoàn toàn điều chỉnh hoạt động thương mại và hoạt động “dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối”.
Về định nghĩa “dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối” trong các quy định pháp luật hiện hành và trong quy định này:
a- Về “dịch vụ nhập khẩu”: Các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có định nghĩa về “dịch vụ nhập khẩu”, ngay cả trong các văn bản của WTO cũng không đưa ra định nghĩa này.
Theo Bộ Thương mại “dịch vụ nhập khẩu” được đề cập trong Nghị định 24/2000/NĐ-CP và Quyết định 09/2001/QĐ-TTg là Hoạt động kinh doanh nhập khẩu hàng hóa bao gồm: Trực tiếp nhập khẩu, nhận uỷ thác nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.
b- Về dịch vụ phân phối: Theo Danh mục phân loại dịch vụ của WTO được xác định gồm 4 hình thức: đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ mượn danh.
Như vậy Dịch vụ phân phối bao gồm: Kinh doanh phân phối hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thông qua hệ thống bán buôn, bán lẻ, đại lý.
Bộ Thương mại thấy rằng các hoạt động trên là hoạt động thương mại thuần tuý hiện nay được Luật Thương mại điều chỉnh. Công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để thực hiện dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối về thực chất cũng giống như hoạt động của các chi nhánh công ty nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam theo Luật Thương mại, nhưng về thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng như quyền và nghĩa vụ do Luật ĐTNN điều chỉnh.
Vì vậy, Bộ Thương mại đề nghị để các đối tượng sau do Luật Thương mại điều chỉnh:
- Công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam để hoạt động thương mại.
- Dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối.
- Doanh nghiệp FDI đang hoạt động tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối.
Hiện nay, Bộ Thương mại đang dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thương mại để trình Chính phủ. Do quy định về đối tượng của Luật Thương mại hiện hành chưa đầy đủ, một số hoạt động thương mại doanh nghiệp FDI được Luật điều chỉnh nhưng có một số lĩnh vực chưa được hoạt động (như đại lý bán hàng cho nước ngoài...), vì vậy có thể bổ sung Khoản 3 (mới) vào Điều 2 về Đối tượng áp dụng của Luật Thương mại như sau:
“- Đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại, Chính phủ ban hành Quy định riêng theo những nguyên tắc cơ bản của Luật này”.
Có quy định rõ như trên Chính phủ mới có căn cứ pháp luật để ra văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể đối với hoạt động dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối của doanh nghiệp FDI.
2- Hình thức văn bản sẽ là Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hoạt động kinh doanh nhập khẩu và phân phối của doanh nghiệp có vốn ĐTNN.
II- Nội dung quy định Nghị định của Chính phủ thi hành Luật Thương mại đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối
Như dự thảo đính kèm công văn này.
III- THỜI GIAN VĂN BẢN CÓ HIỆU LỰC:
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thì việc mở cửa cho doanh nghiệp ĐTNN của Hoa Kỳ được thực hiện kinh doanh nhập khẩu sớm nhất là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Vì vậy, thời gian ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động kinh doanh nhập khẩu và phân phối của doanh nghiệp có vốn ĐTNN cần phải phù hợp với lộ trình trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Như vậy, theo Bộ Thương mại thời gian cần ban hành Nghị định sớm nhất cũng phải vào cuối năm 2004 để phù hợp với quy định của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa ỳ, hoặc nếu Nghị định ban hành sớm thì cũng quy định lộ trình bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2004.
Bộ Thương mại xin gửi đến Quý Bộ các ý kiến trên và đề nghị Quý Bộ góp ý trước ngày 07/6/2002 để Bộ Thương mại tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2002 theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm nêu tại công văn số 2630/VPCP-KTTH ngày 20/5/2002./.
| KT/BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
NỘI DUNG QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH
1- Khái niệm dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối:
- Dịch vụ nhập khẩu bao gồm các hoạt động sau đây: Trực tiếp nhập khẩu, nhận uỷ thác nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.
- Dịch vụ phân phối bao gồm: Kinh doanh phân phối hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thông qua hệ thống bán buôn, bán lẻ, đại lý.
2- Đối tượng
- Các Công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam để thực hiện hoạt động thương mại.
- Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ nhập khẩu và dịch vụ phân phối.
- Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất được làm 2 loại dịch vụ trên.
Các đối tượng FDI sau không được hoạt động trong lĩnh vực này:
- Doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, văn phòng, nhà ở cho thuê, đào tạo, kiểm toán, tư vấn...
- Doanh nghiệp chế xuất (tại Nghị định của Chính phủ số 36/CP không cho phép các doanh nghiệp chế xuất kinh doanh hàng nhập khẩu và phân phối hàng hóa tại Việt Nam).
- Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (vì theo Luật đầu tư, hình thức đầu tư này không hình thành một pháp nhân mới).
3- Mặt hàng được phép nhập khẩu và phân phối
- Đối với Công ty nước ngoài và doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này:
Không thuộc danh mục hàng cấm NK, hàng kinh doanh có điều kiện và phải phù hợp với Giấy phép đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế và các cam kết quốc tế.
- Đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất có tham gia vào nhập khẩu phân phối chỉ giới hạn trong Các mặt hàng phải nằm trong lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp FDI đã quy định trong Giấy phép đầu tư:
4- Thuế thu nhập:
Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chịu thuế thu nhập 32%, Chi nhánh Công ty nước ngoài 32%, nhưng doanh nghiệp FDI cao nhất chỉ có 25%. Bởi vậy, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xử lý vấn đề này nhằm bảo đảm sự hài hoà quyền lợi của các doanh nghiệp theo pháp luật.
5- Cơ quan Nhà nước quản lý:
Giao Bộ Thương mại là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động kinh doanh nói trên của các doanh nghiệp FDI.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.