BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1933/BXD-XL | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2007 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 4344/UBND-KH&ĐT ngày 10/8/2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình được hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD. Sau khi xem xét, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về việc xác định chủ đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
Theo quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng, thì đối với dự án do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì người quyết định đầu tư giao cho đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư.
Trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện về tổ chức, nhân lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư hoặc chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình thì người quyết định đầu tư giao cho đơn vị có đủ các điều kiện nêu trên làm chủ đầu tư.
Do vậy, việc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội giao cho các Sở, ngành, Uỷ ban nhân các Quận, Huyện làm chủ đầu tư các dự án do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đầu tư là phù hợp với quy định hiện hành, nếu các đơn vị quản lý, sử dụng công trình thực sự không có đủ điều kiện nêu trên để làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cần phải đảm bảo được nguyên tắc sau:
- Đối với trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng công trình không được giao làm chủ đầu tư thì đơn vị quản lý, sử dụng công trình phải có văn bản cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và tổ chức tiếp nhận công trình đưa vào khai thác sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí người của đơn vị quản lý, sử dụng công trình vào vị trí phù hợp để được tham gia quản lý ngay từ khâu lập dự án đến khi bàn giao đưa công trình vào sử dụng đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của dự án. Trường hợp chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án thì một trong các phó giám đốc Ban quản lý dự án phải là người của đơn vị quản lý, sử dụng công trình.
- Đối với trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình thì trong quá trình triển khai thực hiện dự án phải xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình để tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc nghiệm thu và tiếp nhận công trình đưa vào khai thác sử dụng.
2. Về xử lý đối với các dự án nhóm A không có trong quy hoạch ngành:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP , đối với dự án nhóm A không có trong quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành để xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Do vậy, mặc dù quy hoạch của các ngành chưa thật sự đầy đủ, chưa xác định được cụ thể danh mục các dự án đầu tư nhưng để đảm bảo sự đầu tư theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển ngành, trước mắt những dự án chưa có trong quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, chủ đầu tư vẫn phải báo cáo để được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển ngành. Về lâu dài, các ngành sẽ phải tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch ngành mình cụ thể hơn, chi tiết hơn để tránh tình trạng nhiều dự án phải xin chấp thuận quy hoạch.
Theo quy định tại Điều 45, 46, 47 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ thì việc xem xét sự phù hợp của dự án với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng được tiến hành ngay từ giai đoạn thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư.
3. Về phê duyệt dự toán công trình đối với công trình xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ, thì chủ đầu tư là người phê duyệt dự toán công trình sau khi đã thẩm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phê duyệt dự toán công trình.
Như vậy, đối với trường hợp công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì sau khi được người có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn phải phê duyệt dự toán công trình để làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu, là căn cứ để đàm phán ký kết hợp đồng, thanh toán với nhà thầu trong trường hợp chỉ định thầu. Tuy nhiên, dự toán do chủ đầu tư phê duyệt không được vượt quá dự toán trong tổng mức đầu tư đã được người quyết định đầu tư phê duyệt.
4. Về xử lý chuyển tiếp về tổ chức quản lý dự án:
Việc hướng dẫn sắp xếp tổ chức các Ban quản lý dự án đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn trong Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 và giải thích rõ hơn tại văn bản số 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007. Đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu thực hiện.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.