BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1855/LĐTBXH-VL | Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2009 |
Kính gửi: | Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ánh |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được chất vấn của đại biểu do Văn phòng Quốc hội chuyển đến kèm theo công văn số 63/CV-KH5 ngày 26/5/2009, nội dung chất vấn như sau: “Thưa Bộ trưởng, theo báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Dự kiến chỉ tiêu về giải quyết việc làm mới năm 2009 sẽ không đạt kế hoạch đề ra (1,7 triệu lao động).
Tôi xin hỏi:
- Bộ trưởng có dự định điều chỉnh chỉ tiêu không?
- Biện pháp sắp tới như thế nào để đạt kế hoạch?
- Hiện nay có tình trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam tìm cơ hội có việc làm. Số lượng bao nhiêu? Bộ sẽ có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên.
Xin trân trọng cảm ơn.”
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Về chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2009:
Nước ta bước vào kế hoạch năm 2009 trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức: cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các làng nghề, hợp tác xã, đặc biệt là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; nguy cơ người lao động thất nghiệp, mất việc làm lớn (qua khảo sát thực tế và báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất các tỉnh, thành phố, quý I năm 2009, có 1.264 doanh nghiệp đang gặp khó khăn với số lao động bị mất việc làm là 64.897 lao động (lao động nữ chiếm khoảng 33,3%), lao động bị thiếu việc làm là 38.914 lao động, phải giảm giờ làm việc hoặc làm việc luân phiên; ở khu vực nông thôn, trong các làng nghề có 30.594 lao động bị mất việc làm). Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước cũng kéo theo nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng giảm, nhiều lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài mất việc làm, phải về nước trước thời hạn (từ đầu năm 2009 đến nay đã có trên 3.000 lao động Việt Nam về nước trước thời hạn do mất việc làm).
Tăng trưởng kinh tế là tiền đề quan trọng thúc đẩy tạo nhiều việc làm. Qua thống kê thực tế số liệu tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Việt Nam những năm qua, hệ số co giãn của việc làm đối với GDP là 0,34 (nghĩa là tăng 1% GDP thì tăng 0,34% việc làm mới), đo đó sự tăng hay giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới khả năng giải quyết việc làm. Năm 2008, do suy giảm kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 6,18% giải quyết việc làm cho 1,615 triệu lao động (đạt 95% kế hoạch). Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII này, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%. Trên cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ chỉ trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, không đề nghị điều chỉnh toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
2. Các biện pháp để đẩy mạnh giải quyết việc làm:
Để góp phần đẩy mạnh tạo việc làm cho người lao động trong năm 2009, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động – việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp chính sau:
- Ban hành, sửa đổi các chính sách để thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tạo việc làm. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tạo việc làm;
- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung nguồn vốn vay cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho lao động bị mất việc làm năm 2009 và đẩy mạnh tạo việc làm trong khu vực phi chính thức;
- Chỉ đạo việc ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường nhận lao động Việt Nam hiện có, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; phát triển thêm các thị trường lao động mới; ban hành và thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đẩy mạnh xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài; củng cố nâng cao năng lực các Ban Quản lý lao động ở ngoài nước;
- Chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động nông thôn, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động yếu thế, lao động thanh niên,…; gắn dạy nghề với tạo việc làm;
- Tăng cường thu thập thông tin liên quan đến lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động thông qua hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, các phương tiện thông tin đại chúng;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về lao động-việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và người dân về các chủ trương, chính sách, thông tin việc làm, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế;
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách và hình thành các quỹ an sinh xã hội, đặc biệt triển khai thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.
3. Về lao động nước ngoài tại Việt Nam:
Hiện nay, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế các tỉnh, thành phố cho thấy số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng gia tăng. Tính từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ người lao động nước ngoài tăng trung bình là 60%/năm, năm 2007 có 43.766 lao động nước ngoài, năm 2008 là 52.633 lao động, tăng 20,3% so với năm 2007. Tuy nhiên, số lượng và đối tượng lao động nước ngoài được các địa phương báo cáo nêu trên chủ yếu là những lao động có đủ điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật Việt Nam và đã đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất để xin cấp giấy phép lao động; còn những đối tượng lao động (chủ yếu là lao động phổ thông) không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, vào Việt Nam thông qua nhiều con đường và hình thức khác nhau thì chưa được các địa phương báo cáo.
Để nâng cao quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để quy định điều kiện lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan; các vị trí, các loại hình công việc được sử dụng lao động nước ngoài…;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật thông qua các hình thức phong phú, phù hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài để người lao động nước ngoài hiểu được các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật lao động, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp có các biện pháp để hạn chế các vi phạm pháp luật lao động có thể xảy ra.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xây dựng quy chế phối hợp để quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý của quý Đại biểu./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.