BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1748/BNV-CQĐP | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2007 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) phối hợp với Ban Biên giới của Chính phủ (nay là Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao) triển khai thực hiện các Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam (văn bản số 4303/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ). Đến nay, Đề án đã kết thúc, Bộ Nội vụ xin báo cáo kết quả thực hiện như sau:
I. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Viêt Nam là một Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước và là cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Mục tiêu của Đề án này là thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác ở vùng ven bờ biển, trên các vùng biển, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam phục vụ công tác quản lý hành chính – lãnh thổ, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những nội dung chính của Đề án cần thực hiện bao gồm:
- Tổ chức sưu tầm các loại tư liệu về bản đồ, hải đồ đã có trong và ngoài nước, tư liệu về ảnh hàng không, ảnh vệ tinh để nghiên cứu, so sánh, xác định, thống kê đầy đủ các đối tượng địa lý biển đảo.
- Thực hiện điều tra tên gọi, điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh và đầy đủ về tên gọi, tọa độ địa lý của các đối tượng để quản lý khai thác sử dụng bằng công nghệ tin học.
- Nghiên cứu, xây dựng nguyên tắc qui tắc đặt tên, thống nhất tên gọi, lập bảng danh mục tên thống nhất của các đối tượng với tọa độ địa lý chính xác.
- Thành lập bộ bản đồ địa danh trên biển Đông gồm bản đồ tổng quan địa danh biển Đông, bản đồ địa danh biển Việt Nam và lân cận, bản đồ địa danh chi tiết các khu vực.
- Soạn thảo Nghị định về thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam. Tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan và địa phương để hoàn chỉnh Nghị định trình Chính phủ.
Phương pháp thực hiện: Trên cơ sở kết quả các tài liệu, các công trình đã nghiên cứu đã có của các Bộ ngành để biên tập các bản đồ chuyên đề, làm cơ sở xác định tọa độ địa lý và thống nhất tên gọi các đối tượng biển đảo; kết hợp với hội thảo khoa học và xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia.
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CÁC NĂM 2003-2005
II.1. Công tác chuẩn bị Đề án:
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao tổ chức khảo sát, tìm hiểu và đánh giá tình hình tư liệu tại các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan. Kết quả các đợt khảo sát này đã được sử dụng để xây dựng Luận chứng kinh tế - kỹ thuật thực hiện Đề án thống nhất đặt tên cho các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam trong năm 2002. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các Quyết định số 335, 336/QĐ-BNV ngày 15/11/2002 phê duyệt Đề án khả thi và Phương án kỹ thuật & dự toán kinh phí thực hiện Đề án khả thi “ thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam ” với tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm là 8.987.301.000 đ (Tám tỷ, chín trăm tám mươi bảy triệu, ba mươi linh một nghìn đồng).
II.2. Tình hình thực hiện Đề án các năm 2003 – 2005:
Trong các năm 2003 – 2005, Đề án đã thực hiện những công việc chính sau:
- Sưu tầm, nghiên cứu các loại tài liệu liên quan đến nội dung Đề án như các loại bản đồ, hải đồ, ảnh máy bay, ảnh viễn thám, các đề tài khoa học, kết quả khảo sát biển đảo Việt Nam;
- Thực hiện công tác khảo sát và điều tra thực địa. Lập hồ sơ địa danh các đối tượng địa lý thuộc phạm vi Đề án. Hoàn thiện chương trình quản lý và Cơ sở dữ liệu biển đảo Việt Nam.
- Tổ chức các hội khảo khoa học chuyên môn về địa danh biển đảo Việt Nam. Nghiên cứu, thống nhất tên và đề xuất tên gọi mới cho một số đối tượng địa lý thuộc phạm vi Đề án;
- Thực hiện công tác biên tập, chế bản các loại bản đồ địa danh biển đảo Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1/50.000 đến 1/6.000.000;
- Tổ chức các Đoàn công tác lên ngành tìm hiểu, khảo sát và học tập kinh nghiệm tại một số nước phát triển có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm về quản lý biển, đảo.
II.3. Xây dựng Nghị định thống nhất tên đảo trình Chính phủ:
Năm 2005, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Biên giới xây dựng dự thảo Nghị định thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam kèm theo Tập Danh mục thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam và bộ bản đồ địa danh biển đảo Việt Nam ở các tỷ lệ.
Trong quá trình xây dựng Nghị định, đã thực hiện một số công việc như sau:
- Xây dựng dự thảo Nghị định;
- Tổ chức 01 hội thảo để xin ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia về các nội dung của dự thảo Nghị định;
- Xin ý kiến trong nội bộ Bộ Nội vụ và Ban Biên giới, đồng thời gửi xin ý kiến 10 Bộ có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang;
- Tổ chức đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra, xác định một số thuật ngữ chuyên môn về đối tượng biển, đảo tại tỉnh Bình Định;
- Hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
III.1. Các sản phẩm Đề án:
Căn cứ theo nội dung Đề án khả thi thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam và Phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện Đề án khả thi đã được duyệt, ngày 08/02/2007, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam. Sau khi xem xét, đánh giá, Hội đồng Thẩm định và Nghiệm thu Đề án đã thống nhất kết luận các sản phẩm đã được thực hiện đúng khối lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng theo các yêu cầu của Đề án khả thi “ Thống nhất tên tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam” và Phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện Đề án khả thi (xin gửi kèm theo Biên bản của Hội đồng).
Các sản phẩm của Đề án đã thực hiện đến nay bao gồm:
1) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam.
2) Danh mục thống nhất tên gọi của các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam;
3) Bộ bản đồ gốc tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam;
a. Bản đồ tổng quan địa danh Biển Đông tỷ lệ 1/6.000.000 gồm 01 mảnh
b. Bản đồ địa danh biển Việt Nam và lân cận tỷ lệ 1/1.000.000, được ghép từ 08 (tám) mảnh;
c. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận tỷ lệ 1/250.000, gồm có 20 (hai mươi) mảnh;
d. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tỷ lệ 1/50.000, gồm có 20 (hai mươi) mảnh;
đ. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình tới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/100.000, gồm có 50 (năm mơi) mảnh.
4) Cơ sở dữ liệu (đồ họa và thuộc tính) các đối tượng địa lý và chương trình quản lý cơ sở dữ liệu.
III.2. Nhận xét, đánh giá quá trình thực hiện Đề án:
III.2.1. Về công tác phối hợp thực hiện Đề án:
Bộ Nội vụ và Ban Biên giới đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung Đề án theo đúng tiến bộ và nội dung đã được phê duyệt.
Trong quá trình thi công, Đề án đã nhận được sự hưởng ứng và phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan của UBND các cấp và cơ quan chuyên môn địa phương tại 28 tỉnh, thành phố có biển.
III.2.2. Về tổ chức các Hội thảo khoa học:
Trong quá trình thực hiện Đề án đã tổ chức được 04 Hội thảo khoa học về địa danh biển đảo Việt Nam. Kết quả các Hội thảo đã giúp ích rất nhiều cho việc xác định các nguyên tắc thống nhất tên, đặt tên cho các đối tượng địa lý trong phạm vi nghiên cứu của Đề án. Các nguyên tắc đặt tên địa danh này đã được vận dụng để thống nhất tên, đề xuất tên gọi mới cho một số đối tượng địa lý khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng.
III.2.3. Về sản phẩm Đề án:
- Dự thảo Nghị định thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam đã được nghiên cứu xây dựng công phu theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp của 10 Bộ và 28 tỉnh, thành phố, của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, Bộ Nội vụ đã bổ sung, chỉnh sửa dự thảo Nghị định và được Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định. Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ tại Tờ trình số 3773/TTr-BNV ngày 26/12/2005.
- Tập danh mục các đối tượng địa lý được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ các nguồn tài liệu, theo danh sách được các địa phương đề xuất, điều tra thực địa và vận dụng các nguyên tắc đặt tên, thống nhất tên từ kết quả các Hội thảo địa danh, đồng thời có kham khảo các nguyên tắc đặt tên của Quốc tế và một số quốc gia đảo trên Thế giới.
- Các loại bản đồ địa danh ở các tỷ lệ đã được thành lập theo đúng quy trình, quy phạm của ngành, quy định kỹ thuật của Đề án, đảm bảo độ chính xác, tính đầy đủ, khoa học và thống nhất. Các loại bản đồ trên đã được in theo quy trình bản đồ số gửi kèm theo Tờ trình Chính phủ và phục vụ nghiệm thu, tổng kết Đề án. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, các loại bản đồ sẽ được in offset chính thức.
- Cơ sở dữ liệu thuộc tính và đồ họa các đối tượng địa lý được xây dựng đầy đủ, khoa học, thể hiện chính xác tên gọi và vị trí các đối tượng, đáp ứng được yêu cầu quản lý và thuận tiện trong sử dụng.
Trong các năm 2003, 2004, Bộ Nội vụ đều tổ chức Hội nghị Nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án theo từng năm và đã được Hội đồng Thẩm định và Nghiệm thu đánh giá, kết luận đạt yêu cầu.
III.2.4. Một số hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án:
Là một Đề án được triển khai nhằm thực hiện công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ chủ quyền về biển đảo, có nhiều yếu tố kỹ thuật và lịch sử - xã hội cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện; cũng là lần đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật chính thức về việc thống nhất tên gọi các đối tượng địa lý trên biển ở quy mô toàn quốc, vì vậy không tránh khỏi một số hạn chế như sau:
- Do khối lượng các yếu tố địa lý (đảo, đá …) trên biển cần thống nhất tên gọi rất lớn (gần 6.000 đối tượng), nhiều khu vực dầy đặc như vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng nên khó tránh khỏi một vài thiếu sót, nhầm lẫn về tên gọi của đối tượng. Sau một số kiểm tra mới phát hiện và xử lý.
- Việc thống nhất tên gọi tại những khu vực phức tạp, khó khăn về điều kiện địa lý như vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lân cận mới dựa trên các tài liệu hiện có, chưa có điều kiện tổ chức khảo sát, nghiên cứu thực tế trong quá trình thực hiện Đề án. Do vậy, tính thực tiễn bị hạn chế, việc xác định tọa độ địa lý các đối tượng ở khu vực này chưa được kiểm tra nên cũng hạn chế nhất định về độ chính xác.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí của Đề án là: 8.987.301.000 đ (Tám tỷ, chín trăm tám mươi bảy triệu, ba trăm linh một nghìn đồng).
Kinh phí Đề án được Bộ Nội vụ sử dụng tiết kiệm, đúng theo quy định cho các nội dung của Đề án đã được duyệt như phục vụ công tác quản lý và thực hiện các hạng mục công việc của Đề án. Hàng năm, Bộ Nội vụ đều có báo cáo định kỳ (hàng quý, 6 tháng và cả năm) tình hình thực hiện Đề án của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Dự kiến sau khi Chính phủ ban hành Nghị định kèm theo tập Danh mục các đối tượng địa lý và các loại bản đồ địa danh biển đảo Việt Nam thì kinh phí thực hiện vẫn nằm trong phạm vi dự toán đã được duyệt, không phát sinh.
V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
V.1. Kết luận:
- Bộ Nội vụ và Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao đã hoàn thành các hạng mục và khối lượng công việc của Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam theo đúng kế hoạch và tiến độ.
- Các sản phẩm đã được thực hiện đúng khối lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng theo các yêu cầu của Đề án khả thi “Thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam” và Phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện Đề án khả thi. Chất lượng các sản phẩm tuân thủ theo đúng các quy định kỹ thuật của Đề án và của Nhà nước.
- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, với một khoản kinh phí rất hạn chế nhưng chúng ta đã xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật chính thức và thống nhất tên gọi cho các đối tượng địa lý biển, đảo một cách hệ thống, đầy đủ trên quy mô toàn quốc (kèm theo tập danh mục và các loại bản đồ địa danh có liên quan).
V.2. Kiến nghị:
Sau khi xem xét nội dung trình của Bộ Nội vụ tại Tờ trình số 3773/TTr-BNV ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị (công văn số 1245/VPCP-NC ngày 09/3/2006 của Văn phòng Chính phủ). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 05/CV-BCS ngày 10/4/2006 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc ban hành Nghị định thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam. Hiện nay, do Bộ Chính trị chưa có ý kiến chỉ đạo nên Chính phủ chưa ban hành Nghị định về thống nhất tên đảo trên các vùng biển Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả Đề án, sau khi trao đổi, thống nhất với Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ xin kiến nghị như sau:
- Nhằm thể hiện hóa Nghị quyết TW4 Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và thực hiện kịp thời Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/05/2007 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho phép ban hành Nghị định về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam phục vụ công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông;
- Do vị thế đặc thù của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ và Ban Biên giới - Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu để chuẩn hóa và xác định hơn về tên gọi, về đặc điểm địa lý – địa chất, về lịch sử đối với các đối tượng địa lý trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao sử dụng khoản kinh phí nếu còn thừa (sau khi in tập danh mục và các loại bản đồ kèm theo Nghị định) của Đề án để tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn và một số công việc khác liên quan sau khi Nghị định được ban hành.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam. Bộ Nội vụ xin trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 2007
BIÊN BẢN
NGHIỆM THU KẾ HOẠCH NĂM 2005 VÀ TỔNG KẾT ĐỀ ÁN THỐNG NHẤT TÊN GỌI CÁC ĐẢO, ĐÁ, BÃI CẠN, BÃI NGẦM VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐỊA LÝ KHÁC TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Ngày 08/02/2007 tại cơ quan Bộ Nội vụ, Hội đồng Thẩm định Luận chứng Kinh tế - kỹ thuật và Nghiệm thu kết quả Đề án thống nhất các tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam đã tiến hành họp nghiệm thu các hạng mục công việc Đề án thống nhất đặt tên các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam kế hoạch năm 2005 do Công ty Trắc địa Bản đồ - Bộ Quốc phòng thực hiện theo Hợp đồng số 010505/HĐ ngày 27/5/2005; công việc xây dựng dự thảo Nghị định thống nhất trên đảo Việt Nam và Tổng kết thực hiện Đề án.
Hội đồng Thẩm định Luận chứng Kinh tế - kỹ thuật và Nghiệm thu kết quả Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam gồm các thành viên:
Chủ tịch Hội đồng:
1. TS Đặng Quốc Tiến – Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Thư ký Hội đồng:
2. Ông Lê Tư Duyến – Vụ trưởng Vụ Chính quyền Địa phương, Bộ Nội vụ
Các Ủy viên Hội đồng:
3. Ông Trần Hữu Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ
4. Ông Trương Quốc Trường – Vụ trưởng Vụ I, Bộ Tài chính
5. Ông Lê Minh Tâm – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ, Bộ TN & MT
6. TS. Lê Quý Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao
7. PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội
8. GS.TS. Lê Quý Thức – Chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam
9. GS.TSKH. Lê Đức An – Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Vắng 2/11 thành viên có lý do.
Tổ thư ký giúp việc Hội đồng:
1. Ông Chu Tuấn Tú – Trưởng phòng Trung tâm Tin học, Bộ Nội vụ
2. Đại tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Cục Bản đồ, Bộ Quốc phòng.
3. Ông Phan Tuấn Nam – Chuyên viên chính Vụ Biển, Ban Biên giới – Bộ NG
Đại diện đơn vị thi công, kiểm tra:
1. Đại tá, TS. Thái Văn Công – Giám đốc Công ty Trắc địa Bản đồ, Bộ QP
2. TS. Phan Đức Hiếu – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Trắc địa Địa hình,
Đại biểu mời:
1. TS. Hoàng Trọng Lập – Phó Trưởng ban Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao
2. Đại tá Bùi Công Nghĩa – Cục trưởng Cục Bản đồ, Bồ Quốc Phòng
3. TS. Nguyễn Xuân Bình – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ
4. Đại diện các Bộ, cơ quan liên quan
5. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ
Hội đồng Nghiệm thu đã xem xét cụ thể các sản phẩm Đề án:
1) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam.
2) Danh mục thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam (5.924 đối tượng);
3) Bộ bản đồ gốc tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam:
a. Bản đồ tổng quan địa danh Biển Đông tỷ lệ 1/6.000.000 gồm 01 mảnh;
b. Bản đồ địa danh biển Việt Nam và lân cận tỷ lệ 1/1.000.000, được ghép từ 08 (tám) mảnh;
c. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận tỷ lệ 1/250.000 gồm có 20 (hai mươi) mảnh;
d. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam khu vực ven biển từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tỷ lệ 1/50.000, gồm có 20 (hai mươi) mảnh;
đ. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam khu vực ven biển từ Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/100.000, gồm có 50 (năm mươi) mảnh.
4) Cơ sở dữ liệu (đồ họa và thuộc tính) các đối tượng địa lý và chương trình quản lý cơ sở dữ liệu.
* Nhận xét, đánh giá:
- Tập danh mục các đối tượng địa lý (gồm 5.924 đối tượng) được xây dựng công phu trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ các nguồn tài liệu, theo danh sách được các địa phương đề xuất, điều tra thực địa và vận dụng các nguyên tắc đặt tên, thống nhất tên từ kết quả các Hội thảo địa danh, có tham khảo các nguyên tắc đặt tên của Quốc tế và một số quốc gia đảo trên Thế giới.
- Các loại bản đồ địa danh ở các tỷ lệ đã được thành lập theo đúng quy trình, quy phạm của ngành, quy định kỹ thuật của Đề án, đảm bảo độ chính xác, tính đầy đủ, khoa học và thống nhất.
- Cơ sở dữ liệu thuộc tính và đồ họa các đối tượng địa lý được xây dựng đầy đủ, khoa học, thể hiện chính xác tên gọi và vị trí các đối tượng, đáp ứng được yêu cầu quản lý và thuận tiện trong sử dụng.
* Một số điểm cần lưu ý:
- Quan điểm đặt tên cho các đối tượng: không nên lấy tên địa danh hành chính xã, thôn để đặt, dễ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp về sau. Việc đặt tên kèm theo số thứ tự (1, 2, 3, …) và hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) cũng cần cân nhắc, hạn chế, cố gắng thể hiện rõ hơn tính xã hội, nhân văn của địa danh đối tượng.
- Trong dự thảo Nghị định không xác định cụ thể thế nào là đảo, đá, bãi, … tuy nhiên cũng cần thống nhất để sử dụng trong thực tế thống kê (ví dụ: VN có bao nhiêu đảo). Mặt khác, cũng không nên quy định cứng nhắc quá (ví dụ: chỉ đảo có diện tích ≥ 1km² thì mới gọi là đảo) mà nên để phù hợp với cách gọi của từng địa phương (hòn, cù lao).
- Chú ý hạn chế việc bỏ sót các đối tượng (các bãi ngầm chẳng hạn) để đảm bảo mức độ tin cậy của số liệu Đề án khi công bố Thống kê các tên trùng lắp, thay đổi, đặt mới. Tại các khu vực tranh chấp cũng cần xác định có bao nhiêu đối tượng thuộc chủ quyền VN, bao nhiêu đối tượng bị nước ngoài chiếm đóng. Cần bổ sung thêm vào Cơ sở dữ liệu việc phân loại đối tượng và ghi chú về tình trạng địa danh (giữ nguyên, đặt mới, thay đổi …)
Kết luận của Hội đồng Nghiệm thu:
- Các sản phẩm đã được thực hiện đúng khối lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng theo các yêu cầu của Đề án khả thi “Thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam” và Phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện Đề án khả thi.
- Công ty Trắc địa Bản đồ đã hoàn thành các hạng mục và khối lượng công việc theo đúng kế hoạch của năm 2005 và đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ Đề án. Chất lượng các sản phẩm tuân thủ theo đúng các quy định kỹ thuật của Đề án và của Nhà nước.
- Nghị định Thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam nếu được ban hành sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật chính thức và thống nhất lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xác định tên gọi cho các đối tượng địa lý biển đảo một cách hệ thống, đầy đủ trên quy mô toàn quốc.
- Hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công ty Trắc địa Bản đồ và các đơn vị đối tác, Tổ Thư ký, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan cùng phối hợp hoàn thành Đề án đảm bảo chất lượng và tiến độ. Kinh phí Đề án được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.
- Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
- Đề nghị Bộ Nội vụ và Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu về tên gọi, về đặc điểm địa lý – địa chất, về lịch sử đối với các đối tượng địa lý trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
- Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhanh chóng cấp kinh phí còn lại của Đề án và cho phép Bộ Nội vụ, Ban Biên giới tiếp tục sử dụng khoản kinh phí chưa sử dụng của Đề án để tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn và một số công việc khác liên quan sau khi Nghị định được ban hành.
Hội đồng Nghiệm thu đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Kết quả 9/9 phiếu đạt yêu cầu.
Hội đồng Nghiệm thu thống nhất nghiệm thu các sản phẩm của Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam.
Biên bản này được lập thành 20 bản có giá trị như nhau, gửi cho các thành viên Hội đồng nghiệm thu: 10 bản; Đơn vị thi công 02 bản; Bộ Tài chính: 01 bản; Bộ Kế hoạch – Đầu tư: 01 bản; Bộ Ngoại giao: 01 bản; Bộ Quốc phòng: 01 bản; Bộ Nội vụ: 04 bản./.
THƯ KÝ HỘI ĐỒNG | T/M HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH VÀ NGHIỆM THU ĐỀ ÁN THỐNG NHẤT TÊN ĐẢO VIỆT NAM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.