BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17165/BTC-VP | Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2007 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Bộ Tài chính nhận được công văn số 76/ĐBQH ngày 5/11/2007 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị về chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực thuế. Bộ Tài chính xin được trả lời kiến nghị của Quý Đoàn như sau:
1. Về hướng dẫn chính sách thuế đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:
Tại Điều 13 của Luật đầu tư quy định nhà đầu tư được lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án.
Tại Điều 27 của Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài quy định nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án đầu tư trong nước (nếu dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư) đối với phần thu nhập từ đầu tư trực tiếp nước ngoài; không bị đánh thuế trùng (kể cả đầu tư vào nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế trùng hoặc đầu tư vào nước chưa ký hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam); được miễn thuế xuất khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với tài sản mang ra nước ngoài để đầu tư; được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với hàng hoá xuất khẩu để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài.
Các ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư ra nước ngoài nêu trên đã được hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
2. Về thanh tra thuế:
Tại Khoản 1, Điều 38 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế quy định: "Khi thực hiện tranh tra thuế, đoàn thanh tra thuế phải có tối thiểu một thành viên là tranh tra viên thuế".
Tại Khoản 2, Điều 47 Chương III Nghị định số 85/2007/NĐ-CP nêu trên quy định: "Trong thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008, chuyên viên chính, kiểm soát viên chính của cơ quan quản lý thuế được thực hiện thanh tra thuế".
Căn cứ quy định trên: Từ ngày 1/7/2007 đến hết ngày 31/12/2008, khi thực hiện thanh tra thuế, Đoàn thanh tra phải có tối thiểu một thành viên là chuyên viên chính, kiểm soát viên chính.
Hàng năm Bộ Tài chính đều phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi ngạch chuyên viên chính, kiểm soát viên chính cho công chức thuế, tuy nhiên số lượng chuyên viên chính, kiểm soát viên chính hiện có cũng chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu về quản lý thuế, thanh tra thuế. Bộ Tài chính xin ghi nhận và sẽ tiếp tục đào tạo, tăng cường tổ chức thi ngạch chuyên viên chính, kiểm soát viên chính để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện công tác thanh tra thuế.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn thanh tra viên thuế và trong thời gian tới sẽ sớm tổ chức thi cấp thẻ "thanh tra viên thuế" để phục vụ công tác thanh tra thuế.
3. Về người nộp thuế được nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước tại bất kỳ Kho bạc nào trong hệ thống Kho bạc Nhà nước:
Theo quy định tại Điều 44 của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế có thể nộp thuế tại: Kho bạc Nhà nước; cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế; thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế uỷ nhiệm thu thuế; thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống công nghệ thông tin nối mạng giữa cơ quan thuế và cơ quan kho bạc chưa đáp ứng được nhu cầu này trong phạm vi cả nước. Trong thời gian tới, sau khi nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý thì người nộp thuế có thể nộp thuế tại bất cứ kho bạc nào cũng như các địa Điểm nộp thuế như nêu trên trong phạm vi cả nước.
4. Tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần có quy định: "Hộ gia đình, cá nhân được chuyển Mục đích sử dụng từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở hoặc chuyển Mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này, nếu chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số tiền sử dụng đất ghi nợ được tính theo giá đất tại thời Điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".
Tuy nhiên, trên thực tế, đa số người được nợ tiền sử dụng đất có nhu cầu trả nợ dần vì không đủ khả năng tài chính để trả nợ tiền sử dụng đất một lần. Đề nghị nên có quy định về việc trả nợ dàn đối với hộ gia đình, cá nhân không đủ khả năng trả nợ dứt Điểm một lần.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Nghị định trên có một số trường hợp như sau: "Hộ gia đình ông A có xin chuyển Mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích 300m2 và ghi nợ tiền sử dụng đất là 300 triệu đồng".
Sau vài tháng, ông A có nhu cầu chuyển nhượn 100m2/300m2 đất với số tiền là 180 triệu đồng để trang trải việc gia đình. Tuy nhiên, đời sống ông A còn khó khăn nhưng ông A vẫn phải thanh toán hết số tiền sử dụng đất ghi nợ (300m2) theo thông báo của cơ quan Tài nguyên và Môi trường. Ông A đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho ông được trả nợ tiền sử dụng đất tương ứng với số diện tích 100m2 mà ông chuyển nhượng có được không? Việc đề nghị được thanh toán ghi nợ tiền sử dụng đất nói trên hiện nay ở địa phương gặp rất nhiều.
Đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quy định chính sách trả nợ tiền sử dụng đất phù hợp đối tượng thanh toán nợ tiền sử dụng đất:
- Về việc ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân nếu chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ và hướng dẫn tại Điểm 4 Thông tư số 70/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 của Bộ Tài chính thì số tiền ghi nợ được tính theo giá đất tại thời Điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì phải nộp cho Nhà nước số tiền còn nợ. Từ khi Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai có hiệu lực thi hành thì việc ghi nợ tiền sử dụng đất đã có sự Điều chỉnh cụ thể như sau:
"Điều 5. Ghi nợ tiền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần (gọi là Nghị định số 187/2004/NĐ-CP) và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi "nợ tiền sử dụng đất" trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị được ghi nợ kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển Mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư. Khi thanh toán nợ, người sử dụng phải trả theo giá đất tại thời Điểm trả nợ và được xoá "nợ tiền sử dụng đất" đã ghi trên Giấy chứng nhận.
2. Khi thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất (gọi là Nghị định số 198/2004/NĐ-CP) thì người sử dụng đất trả nợ tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời Điểm cấp Giấy chứng nhận; khi thanh toán nợ tiên sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP đối với trường hợp đã ghi nợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì người sử dụng đất trả nợ tiền sử dụng đất theo số tiền nợ đã ghi trên Giấy chứng nhận”.
Như vậy, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP nêu trên đã quy định cụ thể việc thanh toán tiền sử dụng đất được ghi nợ. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp có nhu cầu trả nợ dần vì không đủ khả năng tài chính trả nợ một lần hoặc trả nợ một phần theo diện tích sử dụng đất khi có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bộ Tài chính xin ghi nhận để phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp nghiên cứu giải pháp và báo cáo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách ghi nợ và thu nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
5. Tại Khoản 1 Điều 4Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai có quy định: "Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách và giá đất tại thời Điểm có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất; trường hợp thời Điểm bàn giao đất không đúng với thời Điểm ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách và giá đất tại thời Điểm bàn giao đất thực tế".
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về các loại thủ tục, giấy tờ làm căn cứ để xác định thời Điểm bàn giao đất thực tế, làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định trên. Do đó, đề nghị sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các loại thủ tục, giấy tờ nói trên để việc thực hiện không gặp khó khăn.
Về việc xác định thời Điểm bàn giao đất thực tế tại một số văn bản quy định cụ thể như sau:
- Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 293TT/ĐC ngày 14/3/1997 của Tổng cục Địa chính về hướng dẫn về việc lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất đối với các tổ chức trong nước và việc cho thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì:
"Điều 7: Sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền Sở Địa chính tiến hành các công việc sau:
1. Thông báo cho tổ chức được giao đất, thuê đất tiến hành đền bù thiệt hại về đất, tài sản trên đất.
2. Bàn giao đất/ngoài thực địa.
3. Ký hợp đồng thuê đất (đối với tổ chức thuê đất)
4. Trình UBND cấp tỉnh ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức sử dụng đất và hướng dẫn tổ chức đó đăng ký đất tại UBND cấp xã sở tại."
- Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 125 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì:
"3. Việc giao đất, cho thuê đất được quy định như sau:
…
c) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ địa chính; xác minh thực địa; trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được thuê đất; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tổ chức bàn giao đất trên thực địa."
Về xác định nghĩa vụ tài chính trong trường hợp liên quan tới bàn giao đất thực tế, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn như sau:
- Theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì:
"Điều 59. Thời Điểm bàn giao đất đã bị thu hồi
Trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo phương án đã được xét duyệt thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng".
- Theo quy định tại tiết 2.1 Khoản 2 Mục I Phần B Thông tư số 117/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính thì:
"Thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất quy định tại Điều 5 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP; một số Khoản tại Điều này được hướng dẫn cụ thể như sau:
2. Khoản 2, Khoản 3 quy định về thu tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền :
2.1 Diện tích tính thu tiền sử dụng đất là diện tích ghi trong quyết định giao đất; trường hợp diện tích thực tế theo biên bản bàn giao đất khác với diện tích ghi trong quyết định giao đất thì thu tiền sử dụng đất theo diện tích đất thực tế tại biên bản bàn giao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định".
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì:
"Điều 7. Xác định tiền thuê đất, thuê mặt nước
2. Tiền thuê đất, thuê mặt nước được thu kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp thời Điểm bàn giao đất, mặt nước trên thực địa không đúng với thời Điểm ghi trong quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước thì thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo thời Điểm bàn giao đất, mặt nước".
Căn cứ vào quy định trên đây thì thời Điểm bàn giao đất thực tế là thời Điểm cơ quan Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã bàn giao diện tích đất thực tế (thực hiện cấp mốc giới giao nhận đất) trên thực địa cho người được giao đất theo quyết định giao đất. Tuy nhiên, việc hướng dẫn chi tiết và quy trình nghiệp vụ tổ chức bàn giao đất thực tế thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan tài nguyên môi trường.
Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.