BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1679/TM-ĐB | Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2003 |
Kính gửi: | - Bộ Ngoại giao |
Cuộc họp Điều phối viên Kinh tế của ASEM (ECM) được tổ chức vào ngày 14-15/4/2003 tại Brussels Bỉ. Tham dự có đại diện của Nhật Bản. EC, Hy Lạp - chủ tịch EU và Việt Nam. Trung Quốc được mời với tư cách là nước chủ nhà tổ chức EMM 5.
Nội dung họp tập trung vào các vấn đề (i) tiếp tục bàn về Định hướng hợp tác kinh tế ASEM trong thời gian tới, (ii) chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (EMM 5), SOMTI 9 và một số các cuộc họp khác.
Bộ Thương mại xin thông báo tới quý Bộ một số kết quả chủ yếu của cuộc họp như sau:
I. RÀ SOÁT VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ASEM:
Tiếp theo các cuộc họp điều phối viên trước tại Tokyo, lần này các nước lần lượt cho ý kiến về 10 đề xuất mà EC đưa ra và làm rõ hơn các nội dung kỹ thuật trong các đề xuất.
Phía Nhật Bản về cơ bản nhất trí với các đề xuất của EU, trừ phần khuyến nghị các nước phát triển hỗ trợ các nước kém phát triển hơn tham dự các cuộc họp của ASEM. Đoàn Việt Nam phát biểu theo quan điểm tổng hợp của ASEAN và các Bộ, Ngành, trong đó nhấn mạnh một số lĩnh vực hợp tác ưu tiên như nâng cao năng lực thực thi các loại tiêu chuẩn quốc tế, thủ tục hải quan, vai trò của điều phối viên, cơ chế các nước phát triển hỗ trợ các nước kém phát triển hơn và cơ chế báo cáo. Ta cũng đặt vấn đề ASEM nên giao Taskforce nghiên cứu mở rộng mandate của ASEM từ diễn đàn đối thoại, trao đổi ý kiến thành diễn đàn hợp tác kinh tế mật thiết hơn nếu muốn phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ hơn như ASEM 4 đề xuất. Các nước ghi nhận đề xuất của Việt Nam và phía EC sẽ hoàn thiện lại báo cáo trong tuần này để các nước điều phối viên luân chuyển lấy ý kiến đóng góp trước khi trình lên SOMTI thảo luận và thông qua để trình tiếp EMM 5 tại Đại Liên. Riêng đối với các lĩnh vực ưu tiên ta đề xuất, EC đề nghị sau SOMTI các nước điều phối sẽ bàn xem nên thực hiện như thế nào.
Một vấn đề kỹ thuật được bàn trong phần rà soát là xác định ý nghĩa và giá trị của các khuyến nghị đối với tiến trình ASEM và tương quan giữa việc rà soát này với các đề xuất sắp tới của nhóm đặc trách. Nói cách khác, nhiệm vụ của điều phối viên sẽ kết thúc khi các khuyến nghị này được thông qua EMM 5, Đại Liên hay tiếp tục kéo dài trong việc nghiên cứu sâu hơn hoặc triển khai các khuyến nghị. Vấn đề này sẽ được lấy ý kiến tại SOMTI.
Cuộc họp cũng đã nhất trí về việc gia hạn hoạt động cho IEG. Nhật Bản nhận trách nhiệm soạn thảo cơ chế và nhiệm vụ hoạt động mới cho IEG, trên cơ sở tiếp nhận ý kiến đề xuất của Việt Nam (ASEAN) về việc xúc tiến đầu tư và hợp tác chặt chẽ hơn với khối doanh nghiệp.
II. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG SẮP TỚI
1. Hội nghị các quan chức Cấp cao về Thương mại và Đầu tư (SOMTI 9)
SOMTI 9 sẽ được tổ chức tại Pháp vào 6/6/2003, ngay sau Hội nghị tham vấn lần thứ 2 của ASEM về Chương trình Nghị sự Phát triển Doha và cuộc họp IEG.
Theo tinh thần mới, SOMTI sẽ tập trung nhiều vào thảo luận các vấn đề chính sách và thực hiện thay vì đi sâu vào các vấn đề thủ tục và chuẩn bị cho EMM 5. Dự kiến chương trình nghị sự của SOMTI tới sẽ bao gồm các vấn đề sau:
- Báo cáo rà soát các hoạt động kinh tế của các điều phối viên.
- Các vấn đề WTO, trong đó sẽ tập trung vào 2 vấn đề: các nội dung cần được quyết định tại Cancun, những rủi ro có thể và lộ trình các bước đi để đảm bảo thành công của Hội nghị;
- Hội nhập khu vực, trong đó có việc mở rộng EU chiến lược mới của EU đối với Châu Á.
- Báo cáo về các hoạt động của TFAP, IPAP và AEBF.
Các nước điều phối nhất trí về nguyên tắc với chương trình nghị sự và sẽ luân chuyển lấy ý kiến các nước trước 31/04/2003.
2. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM lần thứ 5 (EMM 5)
Tại cuộc họp lần này, Trung Quốc đã đưa ra dự thảo chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của Hội nghị EMM 5 từ ngày 23 đến ngày 24/7/2003 tại Đại Liên, Trung Quốc.
Chương trình nghị sự dự kiến bao gồm một số nội dung như:
- Vấn đề phát triển kinh tế toàn cầu: trong đó Trung Quốc dự kiến các Bộ trưởng sẽ thảo luận và đánh giá về mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Irắc đối với sự phát triển kinh tế của Châu á và Châu Âu.
- Các vấn đề WTO: tiến triển đàm phán thương mại đa phương theo chương trình nghị sự Doha, đóng góp của ASEM đối với WTO;
- Tiếp tục triển khai các hoạt động TFAP, IPAP;
- Rà soát hoạt động kinh tế ASEM: dự kiến các Bộ trưởng sẽ thông qua bản kiến nghị những đề xuất cải cách hợp tác kinh tế ASEM.
Các vấn đề trên đã từng bước được thảo luận tại các kỳ EMM trước, trừ vấn đề Irắc. Do vậy việc thảo luận lần này mang tính tiếp nối đồng thời cũng có thể đặt ra nhiều vấn đề mới trước những diễn tiến chính trị trên toàn cầu. Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ mời Chủ tịch AEBF, các thành viên nhóm đặc trách và Tổng Giám đốc WTO tham vấn với các Bộ trưởng Kinh tế tại Hội nghị EMM 5.
Bên cạnh EMM 5, Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức Toạ đàm Doanh nghiệp cấp cao, khoảng 100 đại diện doanh nghiệp Trung Quốc, 100 doanh nghiệp ASEM, các Bộ trưởng, Đại sứ các nước ASEM tại Đại Liên. Hoạt động chủ yếu sẽ bao gồm: Trao đổi thông tin, đối thoại chính sách và thăm một số doanh nghiệp liên doanh tại Đại Liên, Trung Quốc. Tuy nhiên qua trao đổi bên lề hội nghị, phía EC có vẻ không hoan nghênh sáng kiến này vì cho rằng các doanh nghiệp Châu Âu sẽ không quan tâm tham dự buổi toạ đàm này do thời gian gấp và Đại Liên không phải là địa điểm kinh doanh/đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Châu Âu.
3. Hoạt động của Nhóm đặc trách
Các nước nhất trí sẽ không tổ chức cuộc họp tham vấn giữa các trường SOMTI và các thành viên Nhóm đặc trách trong thời gian diễn ra SOMTI như dự định ban đầu. Tuy nhiên, EC đề nghị Trung Quốc mời các thành viên Taskforce tham vấn các Bộ trưởng bên lề hội nghị EMM 5. Nhìn chung các điều phối viên kinh tế có vẻ không mặn mà với hoạt động của Taskforce, thậm chí Trung Quốc cũng quên đưa nội dung Taskforce vào chương trình nghị sự (theo dự kiến Taskforced sẽ phải có báo cáo nghiên cứu sơ bộ trình EMM 5 tại Trung Quốc).
4. Hội nghị Cấp cao về Nông nghiệp
Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao về Nông nghiệp (cấp Vụ trưởng hoặc Thứ trưởng nông nghiệp) từ 4-7/11/2003. Dự kiến nội dung sẽ tập trung vào các vấn đề chính sách nông nghiệp, phát triển sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường, an toàn thực phẩm, các sản phẩm biến đổi gen ... Dự kiến Hội nghị sẽ ra một bản tuyên bố chung nhằm tăng cường hiểu biết giữa các nước ASEM về vấn đề nông nghiệp.
Các nước điều phối viên đã đề nghị Trung Quốc khẳng định ralại cấp sẽ tham gia Hội nghị, đồng thời sẽ tham vấn các nước ASEM về chương trình nghị sự.
Trên đây là một số nội dung được đề cập tại Cuộc họp Điều phối viên Kinh tế vừa qua, Bộ Thương mại xin thông báo để quý Bộ nắm thông tin.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Bộ./.
| T/L BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.