BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1678/BGDĐT-VP | Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2008 |
Kính gửi: Ông (Bà) Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vể đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, từ năm học 2002- 2003 đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc chương trình và sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 11. Để phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế của chương trình và sách ngay từ năm học 2008- 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa phổ thông các môn học của các cấp học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ thực tế triển khai, tổ chức đánh giá ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nội dung và hình thức tổ chức đánh giá thực hiện theo Kế hoạch tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông và Hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá chương trình và sách giáo khoa đính kèm công văn này.
Báo cáo đánh giá của các Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (phần đánh giá chương trình, sách giáo khoa tiểu học gửi về Vụ Giáo dục Tiểu học; phần đánh giá chương trình, sách giáo khoa trung học cơ sở và trung học phổ thông gửi về Vụ Giáo dục Trung học) trước ngày 15/4/2008.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KẾ HOẠCH
ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG
(Gửi kèm công văn số 1678/BGDĐT-VP, ngày 04 tháng 3 năm 2008)
1. Đặt vấn đề
Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm học 2002 - 2003 Bộ GD&ĐT đã triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới. Sau 5 năm thực hiện, trong dư luận xã hội có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chất lượng và tính khả thi trong quá trình thực hiện của chương trình, sách giáo khoa các cấp.
Trong hai năm 2004 - 2005, đã có đề tài độc lập cấp Nhà nước đánh giá chương trình, sách giáo khoa Tiểu học và THCS. Song do điều kiện hạn chế, đề tài mới chỉ tập trung vào đánh giá chương trình, sách giáo khoa một số môn học, ở một số lớp đầu cấp Tiểu học và THCS. Do đó, để có cơ sở thực tiễn đầy đủ hơn cho việc tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông, lần này Bộ GD&ĐT chủ trương mời một số tổ chức đánh giá độc lập một cách đồng bộ, toàn diện chương trình, sách giáo khoa phổ thông; đồng thời yêu cầu các Sở GD&ĐT, từ thực tiễn triển khai đại trà, tổ chức đánh giá những ưu điểm và những thiếu xót, hạn chế của sách giáo khoa tất cả các môn học, mọi cấp học. Trên cơ sở kết quả đánh giá, Bộ GD&ĐT sẽ có những biện pháp tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa thực hiện ngay từ năm học 2008 – 2009 và những năm học tiếp theo.
Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo kết quả đánh giá và những biện pháp điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông trước Quốc hội trong kì họp đầu tiên của năm 2008 và công bố với toàn xã hội.
2. Mục tiêu đánh giá
2.1 Đánh giá khách quan, khoa học chất lượng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12) thể hiện mức độ đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể:
- Mức độ đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, đảm bảo sự phát triển hài hoà của học sinh về đức, trí, thể, mĩ và các kĩ năng cơ bản.
- Mức độ đảm bảo tính cơ bản, tinh giản, thiết thực và cập nhật với sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội.
- Mức độ phù hợp với trình độ nhận thức của số đông học sinh phổ thông
- Mức độ tác động thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giúp học sinh biết cách tự học; tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập.
2.2 Đề xuất các biện pháp nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa thực hiện ngay từ năm học 2008 – 2009 và những năm học tiếp theo.
3. Nhiệm vụ đánh giá
3.1 Đánh giá tính khoa học và tính sư phạm, khẳng định những ưu điểm và hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa phổ thông Việt Nam, có đối chiếu với chương trình, sách giáo khoa một số nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
3.2 Xác định khả năng tiếp thu của học sinh đối với chương trình, sách giáo khoa qua thực tế 5 năm triển khai đại trà trong cả nước.
3.3 Xác định mức độ phù hợp của chương trình, sách giáo khoa với trình độ, năng lực chung của giáo viên và điều kiện thực tế của nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
3.4 Đề xuất những việc cần làm ngay nhằm điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa; khắc phục những hạn chế, bất cập từ năm học 2008 – 2009 và tiếp tục hoàn thiện trong những năm học tiếp theo.
4. Phương pháp đánh giá
4.1 Phương pháp chuyên gia
Tổng hợp các tư liệu liên quan đến đánh giá chương trình, sách giáo khoa đã có; phân tích và đánh giá tính khoa học, tính sư phạm thể hiện ở văn bản chương trình, sách giáo khoa, có đối chiếu với chương trình, sách giáo khoa một số nước.
4.2 Phương pháp trưng cầu ý kiến
Thu thập các ý kiến nhận xét về chương trình, sách giáo khoa của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục thông qua phỏng vấn (trực tiếp, gián tiếp), toạ đàm, hội thảo khoa học.
4.3 Phương pháp nghiên cứu điểm
Tìm hiểu sâu thực tế dạy học ở một số trường; sự thích ứng đối với chương trình, sách giáo khoa ở một số giáo viên và học sinh.
5. Lực lượng tham gia đánh giá
- Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
- Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
- Hội Khuyến học Việt Nam
- Hội Cựu giáo chức Việt Nam
- Cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh thuộc 64 Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương
6. Tổ chức đánh giá
6.1 Các địa phương tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa
Thành lập nhóm công tác tại mỗi Sở GD&ĐT
- Nhiệm vụ: đánh giá chương trình, sách giáo khoa tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 qua thực tiễn 5 năm thực hiện đại trà.
- Nhóm công tác do Giám đốc hoặc Phó giám đốc phụ trách phổ thông làm trưởng nhóm.
Hoạt động của nhóm công tác
1) Tổ chức các hội thảo khoa học đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa cấp Trung học phổ thông theo sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (xem phụ lục 1).
2) Chỉ đạo các phòng Giáo dục Quận/Huyện tổ chức các Hội thảo khoa học đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa Tiểu học và THCS theo hướng dẫn của Bộ. Các phòng Giáo dục gửi báo cáo đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa về Sở GD&ĐT (xem phụ lục 1).
3) Tổng hợp, viết báo cáo về chất lượng chương trình, sách giáo khoa và tình hình tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa ở các trường phổ thông thuộc Tỉnh/Thành phố và gửi về Bộ GD&ĐT (xem phụ lục 1).
Tiến độ thực hiện
- Tháng 2/2008: Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa các cấp sau 5 năm thực hiện.
- Tháng 3/2008: các Sở GD&ĐT tiến hành các hoạt động đánh giá chất lượng chương trình, sách giáo khoa từ các trường đến Quận/Huyện, Tỉnh/Thành phố; các phòng Giáo dục viết báo cáo gửi Sở Giáo dục – Đào tạo.
- Trước ngày 15/4/2008: các Sở GD&ĐT tổng hợp và viết báo cáo gửi cho Bộ GD&ĐT.
6.2 Tổ chức đánh giá độc lập chất lượng chương trình, sách giáo khoa
Thành lập các nhóm đánh giá độc lập của các tổ chức sau
- Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
- Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
- Hội Khuyến học Việt Nam
- Hội Cựu giáo chức Việt Nam
Nhiệm vụ của nhóm đánh giá độc lập:
a) Đánh giá tính khoa học và tính sư phạm của chương trình, sách giáo khoa tất cả các môn học ở ba cấp học, có đối chiếu với chương trình, sách giáo khoa một số nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể:
- Lựa chọn chuyên gia đánh giá chương trình, sách giáo khoa từng môn học
- Thống nhất các tiêu chí đánh giá chương trình, sách giáo khoa
- Tiến hành đánh giá chương trình, sách giáo khoa theo các tiêu chí thống nhất
- Tìm hiểu sâu thực tế dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới ở một số trường tiểu học, THCS, THPT.
- Viết báo cáo kết quả đánh giá chương trình, sách giáo khoa theo từng môn học
b) Viết báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá tính khoa học, tính sư phạm của văn bản chương trình, sách giáo khoa.
Báo cáo thể hiện rõ những nội dung đánh giá chương trình, sách giáo khoa về các mặt sau:
Về đánh giá chương trình:
+ Mức độ đảm bảo các yêu cầu có tính pháp lý: đánh giá về quan điểm, nguyên tắc phát triển chương trình; đánh giá căn cứ vào các yêu cầu chung được quy định trong Luật Giáo dục 2005 và Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.
+ Mức độ thực hiện những yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm: sự đầy đủ, trật tự sắp xếp và phát triển hợp lý các mạch kiến thức chủ yếu; tính cơ bản, tinh giản, hiện đại, cập nhật, sát với thực tế Việt Nam; sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng; đảm bảo mối liên hệ liên môn;…
Về đánh giá sách giáo khoa:
+ Mức độ đáp ứng của nội dung sách giáo khoa đối với mục tiêu giáo dục chung
+ Đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm trong việc trình bày nội dung
+ Cấu tạo và mặt thẩm mĩ của sách giáo khoa; sự hài hoà giữa kênh hình, kênh chữ, cỡ chữ, màu sắc;…
+ Ngôn ngữ sách giáo khoa
+ Khía cạnh kinh tế (giá thành) của sách giáo khoa
(Xem phụ lục 2)
Tiến độ thực hiện
- Tháng 2/2008: Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới Uỷ ban VH-GD và Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội; Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam; Hội khuyến học; Hội giáo chức Việt Nam về việc tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
- Tháng 3/2008:
+ Tiến hành đánh giá tính khoa học, tính sư phạm của chương trình, sách giáo khoa.
+ Tiến hành khảo sát thực tế việc tổ chức dạy học theo chương trình, SGK ở một số trường tiểu học, THCS, THPT.
- Trước ngày 15/4/2008: tổng hợp, phân tích kết quả đánh giá và viết báo cáo gửi cho Bộ GD&ĐT.
6.3 Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT
1) Xây dựng kế hoạch tổng thể về đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông
2) Xây dựng Văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa sau 5 năm triển khai đại trà.
3) Hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các tài liệu cần thiết (Bộ chương trình, sách giáo khoa phổ thông; các báo cáo khoa học liên quan đến đánh giá chương trình, sách giáo khoa) cho các nhóm đánh giá độc lập.
4) Tổng hợp các báo cáo của địa phương và của các nhóm đánh giá độc lập; xây dựng báo cáo về chất lượng chương trình, SGK và những biện pháp điều chỉnh để thực hiện từ năm học 2008 -2009 và tiếp tục hoàn thiện trong các năm học tiếp theo.
7. Nguồn kinh phí thực hiện
Từ nguồn kinh phí của Dự án Đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.
HƯỚNG DẪN
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA
(Gửi kèm công văn số 1678/BGDĐT-VP, ngày 4 tháng 3 năm 2008)
I. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ
1.1 Đánh giá chương trình
Tập trung vào:
- Tính hiện đại, cập nhật, sát thực tiễn Việt Nam của nội dung chương trình
- Sự phù hợp của nội dung chương trình và của các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ với trình độ phát triển của học sinh (HS).
- Sự sắp xếp và phát triển hợp lí các mạch kiến thức của chương trình.
- Sự cân đối giữa lí thuyết và thực hành, vận dụng (Chẳng hạn chương trình có chú ý đúng mức tới yêu cầu thực hành, vận dụng, tới yêu cầu phát triển các kĩ năng của HS hay không ?).
- Mức độ quán triệt và sự thể hiện cụ thể trong chương trình đối với định hướng đổi mới phương pháp dạy học.
1.2. Đánh giá sách giáo khoa
a) Tính khoa học và tính sư phạm của sách
Về nội dung sách, tập trung vào các khía cạnh sau:
- Mức độ thể hiện đúng mục tiêu, yêu cầu nêu trong chương trình môn học
- Tính hiện đại, cập nhật của kiến thức.
- Tính chính xác của kiến thức.
- Tính hệ thống (trật tự sắp xếp và phát triển hợp lí các mạch kiến thức chủ yếu, …).
- Tính thiết thực, sát thực tiễn Việt Nam.
- Cân đối giữa nội dung lí thuyết và yêu cầu thực hành, vận dụng (chẳng hạn sách có nặng về cung cấp kiến thức mà không chú ý tới yêu cầu thực hành, vận dụng hay không ? …) .
- Hỗ trợ giáo viên (GV) và HS đổi mới phương pháp dạy và học (theo hướng giúp HS tích cực chiếm lĩnh kiến thức, thực hành vận dụng kiến thức; phát triển năng lực tự học; phát triển tư duy phê phán, sáng tạo, năng lực hợp tác, phát triển các kĩ năng theo yêu cầu đặc thù bộ môn, …) (Chẳng hạn sách đưa ra những nội dung, yêu cầu để HS phải thực hành, phải liên hệ thực tiễn, hay thảo luận; …).
- Sự phù hợp của mức độ nội dung sách với trình độ phát triển của HS; với trình độ GV; với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, thời lượng dạy học.
Về hình thức và cách trình bày của sách, tập trung vào các khía cạnh sau:
- Sự hợp lí của cấu trúc sách (mục lục, chương, bài, …)
- Sự thống nhất của hình thức trình bày các chương, mục, bài
- Sự hợp lí của kênh hình, kênh chữ trong sách giáo khoa (SGK) (chẳng hạn kênh hình có phù hợp với nội dung bài không ? …)
- Sự trong sáng, rõ ràng của ngôn ngữ và cách trình bày (ngôn ngữ, cách trình bày phù hợp với lứa tuổi HS; dấu hiệu phân biệt các phần, chương, mục, … rõ ràng; …)
- Sự phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của HS, gây hứng thú cho HS của cỡ chữ, kích thước, màu sắc, minh họa của sách
b) Khía cạnh kinh tế của sách (đặc biệt là về giá)
II. QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ
Bước 1:
Căn cứ vào Hướng dẫn đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch, hướng dẫn các Phòng Giáo dục, các trường tổ chức đánh giá.
Bước 2:
a) - Từng Phòng Giáo dục tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, đánh giá chương trình, SGK của từng môn học ở từng lớp của cấp tiểu học, trung học cơ sở:
+Thành phần tham gia Hội thảo cấp tiểu học: Lãnh đạo, cán bộ phụ trách Tiểu học của Phòng Giáo dục; đại diện cán bộ quản lí, GV ở các trường tiểu học;
+ Thành phần tham gia Hội thảo cấp trung học cơ sở: Lãnh đạo, cán bộ phụ trách Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục; đại diện cán bộ quản lí, GV ở các trường trung học cơ sở;
- Các Phòng giáo dục viết báo cáo tổng hợp ý kiến đánh giá chương trình, SGK của từng cấp (tiểu học, trung học cơ sở) và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, đánh giá chương trình, SGK từng môn học của từng lớp ở cấp trung học phổ thông. Thành phần tham gia Hội thảo cấp trung học phổ thông Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Chuyên viên Phòng giáo dục trung học; đại diện cán bộ quản lí và GV ở tất cả các trường trung học phổ thông.
Lưu ý:
- Để chuẩn bị cho các Hội thảo, Sở/ Phòng cần yêu cầu một số trường (đại diện cho các nơi có điều kiện khác nhau) tổ chức lấy ý kiến góp ý, đánh giá cho chương trình, SGK của GV, HS, phụ huynh HS (có thể bằng phiếu hỏi, phỏng vấn, tọa đàm) và có văn bản báo cáo.
- Cần có đại diện của các trường có điều kiện khác nhau tham gia Hội thảo.
Bước 3:
Căn cứ vào báo cáo của các Phòng giáo dục, kết quả hội thảo đánh giá cấp trung học phổ thông, mỗi Sở viết báo cáo tổng hợp ý kiến đánh giá chương trình, SGK của từng cấp và gửi về Bộ. Đề nghị gửi kèm báo cáo của tất cả các Phòng giáo dục, biên bản hội thảo đánh giá cấp trung học phổ thông và báo cáo của các trường trung học phổ thông.
Nhóm công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách việc đánh giá chương trình, SGK có trách nhiệm: hướng dẫn, giám sát việc triển khai đánh giá tại các trường và Phòng giáo dục; báo cáo kịp thời các vướng mắc để Bộ hướng dẫn giải quyết; báo cáo kế hoạch tổ chức các Hội thảo do Sở/ Phòng tổ chức để Bộ cử đại biểu tham dự; ...
III. CẤU TRÚC BÁO CÁO
A. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ GIÁO DỤC CẤP HỌC CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Giới thiệu một số nét cơ bản về:
- Đặc điểm địa lý, dân cư của địa phương;
- Số trường, lớp, HS (trong đó nêu rõ số học 1 buổi/ ngày, học 2 buổi/ngày, số điểm trường lẻ); tình hình đội ngũ GV (số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo, …); tình hình cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, SGK; công tác quản lí, chỉ đạo; bồi dưỡng chuyên môn phục vụ đổi mới chương trình, SGK.
B. ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH CỦA TỪNG MÔN HỌC
Phần này trình bày kết quả đánh giá chương trình của từng môn học ở từng lớp của cấp học (theo nội dung đánh giá nêu ở mục I), bao gồm: ưu điểm; Hạn chế; Đề xuất để hoàn thiện chương trình
C. ĐÁNH GIÁ SÁCH GIÁO KHOA CỦA TỪNG MÔN HỌC
Phần này trình bày kết quả đánh giá từng cuốn SGK của từng môn ở từng lớp (theo nội dung đánh giá nêu ở mục I), bao gồm:
- Đánh giá ưu điểm, hạn chế của sách và những đề xuất chỉnh lí sách.
- Tình hình sử dụng SGK; những thuận lợi và khó khăn đối với GV và HS trong quá trình dạy học theo SGK mới, lí do; những đề xuất nhằm khắc phục khó khăn.
Ví dụ:
I. Đánh giá sách giáo khoa môn X (theo chương trình cơ bản) lớp 10
- Những ưu điểm, hạn chế của sách và những đề xuất chỉnh lí sách.
- Tình hình sử dụng sách; những thuận lợi và khó khăn, lí do; những đề xuất nhằm khắc phục khó khăn.
II. Đánh giá sách giáo khoa môn X (theo chương trình nâng cao) lớp 10
....
Lưu ý:
- Khi đánh giá những thuận lợi, khó khăn cần nêu rõ những lí do (chẳng hạn: nếu đánh giá sách có chỗ còn nặng thì cần chỉ rõ phần nào nặng, nặng với đối tượng HS nào, và nêu rõ lí do: do vượt quá khả năng nhận thức của HS, do hạn chế về thiết bị dạy học, do thời lượng không tương xứng, hay vì các nguyên nhân khác, ...)
- Sử dụng các sách xuất bản/ tái bản gần nhất để đánh giá.
- Đối với sách lớp 12 thì chỉ yêu cầu các trường đang tham gia thí điểm đánh giá.
- Với những góp ý, đề nghị chỉnh lí chi tiết (chẳng hạn như chỗ diễn đạt chưa rõ, khó hiểu, có sai sót, …) thì có thể trình bày theo mẫu:
Chương/Bài/Trang | Nội dung góp ý | Đề xuất chỉnh lí |
Ví dụ: Trang ... |
Câu hỏi A có chỗ ... còn diễn đạt chưa rõ |
Nên diễn đạt lại cho rõ hơn (hoặc nên sửa đoạn bên thành ....) |
... | ... | ... |
D. NHỮNG ĐÁNH GIÁ CHUNG, KHÁI QUÁT VỀ CHƯƠNG TRÌNH, SGK.
Những ưu, nhược điểm của chương trình, SGK; Những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn khi dạy và học theo chương trình, SGK mới.
E. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
F. PHỤ LỤC
- Thống kê kết quả học tập theo từng môn ở từng lớp năm học 2006 – 2007 và Học kì 1 năm học 2007 – 2008
- Các báo cáo, biên bản hội thảo (theo yêu cầu nêu ở Bước 3, mục II).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.