BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1520/BXD-VP | Hà Nội, ngày 31tháng 7 năm 2008 |
Kính gửi: Sở Xây dựng Đồng Tháp.
Bộ Xây dựng nhận được của Sở Xây dựng Đồng Tháp văn bản số 179/SXD-QLKTQH&NƠ ngày 31/3/2008, kiến nghị các vướng mắc về công tác cấp phép xây dựng công trình ngầm đô thị và văn bản số 405/SXD-KH ngày 04/7/2008 về vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
I. VỀ CÔNG TÁC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ:
Về nguyên tắc, việc cấp phép xây dựng các công trình ngầm là do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp phép đối với những công trình ngầm đô thị đơn giản như xây dựng hào kỹ thuật, đường ống cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước; công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc... nếu Uỷ ban nhân dân cấp huyện có đủ năng lực. Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc ủy quyền này.
II. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG:
1. Nghị định số 58/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu, một số nội dung liên quan đến sự không thống nhất về ngôn từ giữa Luật Đấu thầu và Nghị định số 99/2007/NĐ-CP đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn trong Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007. Mục 2.6 Thông tư số 06/2007/TT-BXD đã quy định chi tiết các loại giá hợp đồng, trong đó có giải thích giá hợp đồng trọn gói trong Nghị định số 99/2007/NĐ-CP tương ứng với hình thức trọn gói và hình thức theo tỷ lệ phần trăm quy định trong Luật Đấu thầu; giá hợp đồng theo đơn giá cố định trong Nghị định số 99/2007/NĐ-CP tương ứng với hình thức theo đơn giá và hình thức theo thời gian quy định trong Luật Đấu thầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
Về nội dung khoản 6 Điều 48 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và điểm a khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 58/2008/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã có ý kiến với Chính phủ, nhưng để sửa đổi nội dung này, phải có thời gian chờ sửa Luật Đấu thầu.
2. Về điều kiện năng lực hoạt động:
- Về nội dung tại khoản 4 Điều 48 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ quy định phạm vi hoạt động của các chức danh giám đốc tư vấn QLDA, chỉ huy trưởng công trường, giám sát thi công xây dựng: Bộ Xây dựng đã có văn bản 1989/BXD-VP ngày 19/9/2007 hướng dẫn việc cho phép cá nhân đảm nhận các chức danh nêu trên được thực hiện hơn một công việc trong cùng một thời gian, nhưng phải đảm bảo nguyên tăc công việc phải được kiểm soát và không vì nhận nhiều việc mà làm gián đoạn thực hiện công việc theo tiến độ.
- Về quy định cá nhân đảm nhận các chức danh chủ nhiệm, chủ trì ,... chỉ được ký hợp đồng dài hạn với một tổ chức: Hiện nay theo quy định của pháp luật về lao động chỉ có hai hình thức hợp đồng lao động, đó là hợp đồng có thời hạn và không thời hạn. Việc quy định những cá nhân chủ nhiệm, chủ trì phải ký hợp đồng dài hạn thực chất là ký hợp đồng có thời hạn đủ điều kiện để thực hiện công việc mà cá nhân đó làm chủ nhiệm hoặc chủ trì, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời gắn trách nhiệm của họ với sản phẩm đó, tránh tình trạng chỉ có ghi danh mà không trực tiếp thực hiện.
Hai nội dung nêu trên đã được Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và 112/2006/NĐ-CP .
3. Về sắp xếp, chuyển đổi Ban quản lý dự án (Ban QLDA):
Ngày 04/4/2008 Bộ Xây dựng đã có văn bản số 606/BXD-PC gửi các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi các ban QLDA. Theo đó, trường hợp nếu chưa đủ điều kiện để giải thể hoặc chuyển đổi các ban QLDA do UBND các tỉnh thành lập thành tổ chức tư vấn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì trước mắt các ban QLDA này có thể chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp, tự chủ về tài chính, hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Điều quan trọng là các Ban QLDA không được kiêm nhiệm làm chủ đầu tư.
Trường hợp chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuê các ban QLDA nêu trên để thực hiện quản lý dự án thì chủ đầu tư vẫn phải thành lập Ban QLDA hoặc phân công cán bộ lãnh đạo và các đơn vị chuyên môn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng tư vấn quản lý dự án nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng nội dung, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
4. Về điều chỉnh thiết kế trong báo cáo kinh tế kỹ thuật:
Theo hướng dẫn tại điểm 2 mục IV phần I Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và trình Báo cáo kinh tế kỹ thuật tới người có thẩm quyền quyết định đầu tư để tổ chức thẩm định, phê duyệt.
Vì chỉ có một bước thiết kế nên khi thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư phải thuê tư vấn thẩm tra để bảo đảm an toàn công trình; nếu thiết kế không đảm bảo yêu cầu, chủ đầu tư có quyền yêu cầu tổ chức tư vấn sửa thiết kế và thẩm định lại.
Trường hợp khi thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật, người có thẩm quyền quyết định đầu tư yêu cầu điều chỉnh lại chủ trương, mục tiêu, quy mô... dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công thì chủ đầu tư phải ký hợp đồng bổ sung với tổ chức tư vấn để thực hiện việc điều chỉnh thiết kế, đồng thời tổ chức thẩm định lại và trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt dự án.
III. VỀ CÔNG TÁC THANH TRA XÂY DỰNG:
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng Đồng Tháp về: Hành vi vi phạm, mức xử phạt, biện pháp chế tài..../.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.