BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1519/BXD-VP | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008 |
Kính gửi: Sở Xây dựng Cà Mau.
Bộ Xây dựng nhận được của Sở Xây dựng Cà Mau văn bản số 465/SXD-QLXD ngày 04/7/2008 và văn bản số 466/SXD-QLXD ngày 04/7/2008 về kiến nghị các vướng mắc cần được giải quyết trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại tỉnh Cà Mau. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về áp dụng Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008:
Theo quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, thì Chủ đầu tư là người quyết định thời điểm biến động giá trong quá trình thực hiện hợp đồng để xác định dự toán bổ sung. Trường hợp Chủ đầu tư và Nhà thầu không thống nhất về thời điểm biến động giá thì trình Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Thời điểm được phép điều chỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là thời điểm vật liệu xây dựng có biến động giá của những khối lượng xây lắp thực hiện từ 01/01/2007. Những khối lượng thực hiện sau 01/01/2007 có giá vật liệu biến động tại thời điểm nào sẽ được điều chỉnh từ thời điểm đó.
Giá biến động ngoài khả năng kiểm soát của Chủ đầu tư và Nhà thầu theo quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BXD là giá vật liệu trên thị trường tại thời điểm nghiệm thu thanh toán so với giá vật liệu trong hợp đồng đã ký giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu.
Nếu việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng không do lỗi của Nhà thầu thì được điều chỉnh cho các khối lượng thực hiện từ năm 2007 theo quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BXD .
Thời điểm để tính chênh lệch vật liệu là thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo giai đoạn, có thể theo tháng, quý hoặc giai đoạn quy định trong hợp đồng. Đối với hợp đồng không có tiến độ chi tiết, thì việc xác định khối lượng hoàn thành trong giai đoạn để tính chi phí xây dựng bổ sung do biến động giá vật liệu có thể căn cứ vào tiến độ thực tế thi công, biên bản nghiệm thu, nhật ký thi công công trình (và chỉ được điều chỉnh đối với những khối lượng thực hiện từ 01/01/2007).
Nếu trong hợp đồng được ký kết không ghi chi tiết giá vật tư mà chỉ có đơn giá công việc thì trước khi xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung phải làm rõ khối lượng vật tư và giá vật tư, vật liệu cấu thành nên đơn giá công việc đó. Chủ đầu tư và Nhà thầu xác định khối lượng, đơn giá của từng loại vật liệu trong đơn giá công việc đầy đủ của hợp đồng để lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung trên cơ sở mức thuế, mức chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, định mức của công việc, cơ cấu đơn giá xây dựng của địa phương, của công trình tương tự.
2. Về áp dụng Thông tư số 118/2007/TT-BTC ngầy 02/10/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Bộ Xây dựng đã có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, sửa đổi.
3. Lệ Phí thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định hiện hành:
Theo văn bản số 5361/BTC-CST ngày 24/4/2006 của Bộ Tài chính, thì mức phí thẩm định thiết kế cơ sở tạm thu theo mức thu lệ phí thẩm định dự án đầu tư theo quy định tại Thông tư số 109/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, thì lệ phí thẩm định dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ % trên tổng mức đầu tư được duyệt, lệ phí thẩm định thiết kế cơ sở được tính bằng lệ phí thẩm định dự án đầu tư.
4. Về ban hành và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng:
Hàng năm các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng được công bố đều đăng tải trên trang Web của Bộ Xây dựng hoặc trang web của Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đồng thời Bộ Xây dựng đều có văn bản thông báo danh mục qui chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực ngành Xây dựng được công bố đến các Sở Xây dựng trên toàn quốc. Đề nghị các Sở Xây dựng cần lưu tâm tổng hợp. Đơn vị hoặc cá nhân có quan tâm đến các thông tin của hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật lĩnh vực Xây dựng, có thể tra cứu tại 2 trang web trên theo địa chỉ sau: (WWW.moc.gov.vn và WWW.tcvn.gov.vn).
5. Về quản lý nhà ở và công sở:
a. Về lĩnh vực quản lý nhà ở và đăng ký bất động sản:
- Việc quy định chủ sở hữu có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở là nhằm mục đích tạo ý thức cho người dân trong việc quản lý sử dụng nhà ở của mình. Trên thực tế, khi tiến hành xây dựng hoặc khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì chủ sở hữu đã thực hiện việc lập và lưu trữ hồ sơ về nhà ở. Riêng đối với cơ quan quản lý nhà nước thì việc lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở là yêu cầu bắt buộc để quản lý, theo dõi các biến động về nhà ở, đồng thời làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện hoặc để cung cấp các thông tin về nhà ở khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Về kiến nghị của Sở Xây dựng nên quản lý lưu trữ hồ sơ nhà ở trên hệ thống máy tính là rất cần thiết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu và thí điểm áp dụng việc quản lý này trong thời gian tới.
- Về vấn đề quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Trong Luật Nhà ở tại Điều 126 và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, tại Điều 65 đã có quy định cụ thể về đối tượng này.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã có ý kiến đề nghị nên mở rộng đối tượng và quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ Xây dựng đã soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở theo hướng mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi Nghị quyết này được thông qua thì Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung có liên quan của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP để các địa phương có cơ sở thực hiện.
- Về vấn đề đăng ký bất động sản, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, soạn thảo Luật Đăng ký bất động sản trong đó có điều chỉnh các nội dung mà Sở Xây dựng đã đề cập. Việc đăng ký bất động sản sẽ được áp dụng cả đối với việc công nhận hiện trạng và công nhận quyền sở hữu bất động sản, làm cơ sở để các chủ sở hữu thực hiện các giao dịch về bất động sản và có giá trị pháp lý với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Trong khi Luật Đăng ký bất động sản chưa được thông qua thì vẫn tiếp tục triển khai thực hiện công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng cho các chủ sở hữu theo đúng quy định hiện hành (tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP và Nghị định 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng).
b. Về quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước:
Theo Thông tư số 01/2007/TT-BXD ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 213/2006/QĐ- TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ (Bộ Xây dựng đã có tập huấn tại Vũng Tầu cho khu vực phía Nam vào tháng 4 năm 2007), quy định:
- Cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng công sở có trách nhiệm xác lập hồ sơ quản lý công sở và báo cáo tình hình sử dụng công sở gửi Sở Xây dựng các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh ký hoặc ủy quyền ký gửi Bộ Xây dựng chậm nhất là ngày 25 tháng 11 hàng năm theo biểu mẫu số 2B kèm theo Thông tư;
- Việc các cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng công sở không thiết lập hồ sơ để quản lý và báo cáo tình hình quản lý sử dụng công sở thì Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu thực hiện các quy định về quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước. Trường hợp các cơ quan không thực hiện thì Sở Xây dựng kiến nghị UBND xử lý theo thẩm quyền.
Theo Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng về nhà công sở như sau:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương;
- Hướng dẫn, kiểm tra UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập quy hoạch phát triển công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương;
- Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn xây dựng công sở, trụ sở làm việc; thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; quy chế quản lý, sử dụng; chế độ bảo hành, bảo trì công sở, trụ sở làm việc từ trung ương đến đại phương;
- Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước.
Để thực hiện công tác bảo trì công sở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 15/2006/QĐ-BXD ngày 02/6/2006 quy định: Sở Xây dựng giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công sở các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, có trách nhiệm kiểm tra công tác bảo trì công sở trên địa bàn; hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về quản lý bảo trì công sở;
- Về hướng dẫn sử dụng nguồn vốn bảo trì công sở thực hiện theo Thông tư số 128/2007/TT-BTC ngày 01/11/2007 của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, hiện nay có địa phương vẫn giao công tác quản lý sử dụng công sở cho Sở Tài chính như thế là không phù hợp Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và Quyết định số 213/QĐ- TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.