BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1514/QLLĐNN-QLLĐ | Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2003 |
Kính gửi: Các Doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan
Tiếp theo công văn số 3817/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/10/2003 về việc chấn chỉnh một số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan có tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng cao và công văn số 4102/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 17/11/2003 về việc tạm đình chỉ một số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan có tỷ lệ lao động bổ hợp đồng cao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng tại Đài Loan chưa được cải thiện rõ rệt, theo cảnh báo của phía Đài Loan nếu tỉ lệ này không nhanh chóng giảm xuống thì có thể phía Bạn sẽ ngừng tiếp nhận lao động ta. Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tá giáo dục, vận dụng nhân dân thực hiện tốt các quyết định của nhà nước về xuất khẩu lao động, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp về việc tuyển chọn lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục chấn chỉnh công tác tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động:
+ Thống kê số lao động do doanh nghiệp đưa đi bỏ trốn theo từng tỉnh, huyện, xã, thông báo gấp cho Cục Quản lý lao động ngoài nước để tổng hợp chung. Trước mắt hạn chế tuyển lao động ở những xã, huyện có nhiều lao động bỏ trốn.
+ Không tuyển lao động ở những gia đình đã có con, em là lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, lao động đã bị trục xuất về nước thông qua lý lịch cá nhân, kết hợp với thẩm tra xác minh của chính quyền địa phương, đối chiếu với danh sách lao động bỏ trốn do Cục Quản lý lao động ngoài nước cung cấp.
- Trực tiếp về địa phương và gia đình người bỏ trốn để phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình vận động, kêu gọi lao động bỏ trốn về nước.
- Cử cán bộ sang Đài Loan tích cực phối hợp với phía Bạn tìm kiếm, kêu gọi số lao động bỏ trốn của doanh nghiệp mình về nước; có chính sách động viên, khuyến khích những cá nhân, tổ chức phát hiện, vận động được số lao động đang bỏ trốn về nước;
Chuyển ngay kinh phí mua vé máy bay và các chi phí khác cho Bộ phận Quản lý lao động tại Đài Loan để Bộ phận Quản lý lao động phối hợp với phía Bạn đưa lao động bỏ trốn đã bị bắt hoặc đầu thú về nước khi có yêu cầu.
Sau một tháng kể từ ngày ban hành công văn này, doanh nghiệp phải có báo cáo gửi cơ quan quản lý doanh nghiệp và Cục Quản lý lao động ngoài nước về các giải pháp và kết quả giải quyết của doanh nghiệp. Nếu tỉ lệ bỏ trốn của doanh nghiệp không giảm xuống dưới 3% thì Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xem xét, có biện pháp xử lý thích hợp.
Yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn của doanh nghiệp mình, góp phần giảm tỉ lệ bỏ trốn chung của lao động Việt Nam tại thị trường Đài Loan. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ phận Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan để được hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết./.
| CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.